Tỉnh Hải Dương – Tứ trấn phía Đông Kinh thành Thăng Long xưa

Thứ năm - 05/05/2016 06:15 - 2796 lượt xem
Hải Dương từ lâu nổi tiếng là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống lịch sử.

Tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, được coi là một trong cái nôi của văn hoá Việt. Trước đây, Hải Dương nằm trong xứ Ðông cùng một số tỉnh, thành phố lân cận và được coi là “Trấn thứ nhất trong tứ trấn” ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa (Thủ đô Hà Nội ngày nay). Hải Dương từ lâu nổi tiếng là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống lịch sử. Hiện nay, Hải Dương là tỉnh giàu tiềm năng phát triển. 
 

 

tinh hai duong – tu tran phia dong kinh thanh thang long xua hinh 0
Hải Dương từ lâu nổi tiếng là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống lịch sử. Ảnh: tuyengiao.vn


Thành phố Hải Dương cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km về phía Đông, từ xa xưa được biết đến là vùng đất văn hiến, mảnh đất hiếu học. Trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến, Hải Dương đứng đầu về số tiến sĩ nho học của cả nước với 472 người, trong đó có 11 trạng nguyên. Làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, được tôn phong là “Làng tiến sĩ” với 39 tiến sĩ dưới các triều đại phong kiến. Văn Miếu Mao Ðiền (huyện Cẩm Giàng) – Văn Miếu trấn Hải Dương xưa là minh chứng cho truyền thống hiếu học của người xứ Ðông. Nhiều tiến sĩ nho học của Hải Dương là những tác giả nổi tiếng, để lại cho ngày nay hàng trăm tác phẩm có giá trị trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn học, ngoại giao như: Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh, Mạc Ðĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Phi Khanh…

Với bề dày truyền thống lịch sử văn hiến như thế, ngày nay, Hải Dương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hoá lịch sử và lễ hội. Hải Dương hiện có gần 2.000 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 125 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như đền thờ Trần Liễu, tượng đài Trần Hưng Đạo, chùa An Phụ, động Kính Chủ, di chỉ Văn Miếu… Đặc biệt là cụm di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, ở Thị xã Chí Linh. Nơi đây có hàng chục di tích lưu giữ những kỷ niệm về 3 danh nhân trong lịch sử dân tộc là Trần Hưng Ðạo - danh nhân quân sự, Nguyễn Trãi – danh nhân văn hoá và Nhà giáo Chu Văn An. Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban quản lý khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, cho biết: “Ở khu vực Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, Khu di tich Côn Sơn – Kiếp Bạc là mộ trung tâm tôn giáo tín ngưỡng của vùng Đông Bắc nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng. Đây là địa điểm nằm trên mạch đông bắc từ Thành Thăng Long về Yên Tử, trên con đường hành hương từ kinh đô Thăng Long xưa về Thành địa Phật giáo Yên Tử. Hiện này chùa Côn Sơn năm trên mảnh đất Tam giáo đồng nguyên – mảnh đất có di tích chùa Côn Sơn gắn với Phật giáo, Tổ thứ bà của Phật giáo Trúc Lâm là Huyền Quang; cách 5km là đền Kiếp Bạc, nơi thờ  danh nhân quân sự Trần Hưng Đạo, Giáo chủ đạo nội Việt Nam; bên cạnh đó là đền thờ Nhà giáo Chu Văn An, được tôn là Vạn thế suy biền, người thầy mẫu mực của muôn đời, tượng trưng cho đạo nho”.

Vùng xứ Ðông Hải Dương không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử, mà còn là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống. Từ ngày đầu năm mới, Hải Dương đã có hội dánh chuông ở chùa Ðồng Ngọ (huyện Thanh Hà), mở đầu cho các lễ hội mùa xuân của tỉnh. Tháng Tám, khi mùa thu về là lễ hội đền Kiếp Bạc, một trong những lễ hội lớn nhất của cả nước. Ðến với lễ hội, quý khách sẽ được tham dự các đám rước lớn, các trò chơi dân gian đặc sắc: trò thuỷ chiến tại lễ hội đền Kiếp Bạc; bơi trải tại lễ hội đền Quát, đánh gậy tại lễ hội đền Cuối (huyện Gia Lộc)… Đến nay, với 566 lễ hội được khôi phục, người xứ Đông Hải Dương luôn tự hào về những lễ hội mang đậm ý nghĩa lịch sử, vẻ đẹp văn hóa, tín ngưỡng.

Cùng với những lễ hội dân gian, Hải Dương và xứ Đông còn nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghề thuật hát chèo của vùng Ðồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ dân gian như: nghệ thuật tuồng, hát ca trù, hát trống quân, hát đối, hát ru, đặc biệt là nghệ thuật múa rối nước. Hiện tỉnh Hải Dương có 3 phường rối nước là Hồng Phong, huyện Ninh Giang; phường An Liệt huyện Thanh Hà và Bùi Thượng huyện Gia Lộc. Ông Phạm Văn Tòng, Trưởng phường múa rối nước xã Hồng Phong, cho biết: Nghệ thuật múa rối nước ở xã Hồng Phong xuất hiện từ thế kỷ 17. Điểm đặc sắc của rối nước Hồng Phong nằm ở cách điều khiển con rối hoàn toàn bằng hệ thống dây: “Những tiết mục của múa rồi Hồng Phòng là những hoạt động xã hội của dịa phương. Ngoài công việc đồng áng, bà con nghĩ lại những việc làm của mình trên ruộng đồng để nghĩ ra những trò miêu tả lại tất cả những hình ảnh lao động, sự việc diễn ra trong cuộc sống. Sau đó mỗi dịp lễ hội mang ra mua vui, động viên bà con nhân dân trong lao động sản xuất”.

Nằm trên vùng đất trù phú của châu thổ sông Hồng, người dân Hải Dương cần cù trong lao động, sáng tạo, làm làm ra những sản vật nổi tiếng như: gạo nếp cái hoa vàng (huyện Kinh Môn và Cẩm Giàng), vải thiều (huyện Thanh Hà)… cùng nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng khắp trong và ngoài nước như bánh đậu xanh, bánh gai… Hải Dương còn là quê hương của nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như chạm khắc đá Kính Chủ (huyện Kinh Môn), chạm khắc gỗ Ðông Giao (huyện Cẩm Giàng), kim hoàn Châu Khê, gốm Cậy (huyện Bình Giang), gốm Chu Ðậu (huyện Nam Sách). Những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống này thể hiện sự sáng tạo khéo léo, tài hoa của người xứ Ðông.

Hải Dương nay hay xứ Ðông xưa luôn tự hào về những truyền thống của mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”. Những người con của Hải Dương đã và đang nỗ lực kế thừa, phát huy những truyền thống đó trong cuộc sống hôm nay để xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Tác giả bài viết: Vĩnh Phong

Nguồn tin: vovworld.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây