Vang danh Kiếp Bạc

Thứ sáu - 03/06/2022 21:38 - 1427 lượt xem
Vang danh Kiếp Bạc
Ở Kiếp Bạc những ngày không mùa lễ hội, ta có dịp lắng lòng nghe tiếng sóng sông Lục Đầu hay gió từ thung lũng dội về như âm vang, khí thế của ba quân. Mỗi dấu tích, cảnh vật nơi đây đều là minh chứng của thời kỳ chống giặc Nguyên - Mông.
tit1.jpg
kiepbac4.jpg
Tượng thờ Trần Hưng Đạo trong đền Kiếp Bạc

Đền Kiếp Bạc được xây dựng trên nền phủ đệ cũ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với diện tích 13.500 m2, thuộc xã Hưng Đạo (TP Chí Linh). Đây là nơi thờ và cũng là nơi gắn liền với Hưng Đạo Vương - vị tướng tài giỏi, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên -  Mông (1258 - 1288).

Tại đây, ông đã xây dựng quân đội hùng mạnh, chuẩn bị lương thực, vũ khí, viết Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân chống giặc ngoại xâm. Dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, quân và dân nhà Trần đã quyết chiến với quân Mông Cổ làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Bình Nguyên đại thắng, đất nước trở lại thái bình, Hưng Đạo Vương lui về Vạn Kiếp dưỡng nhàn. Người lập phủ đệ trên nền đất cũ, dành thời gian đúc kết kinh nghiệm trong chiến tranh giữ nước, biên soạn tập binh thư “Vạn Kiếp bí truyền”. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), Trần Quốc Tuấn qua đời ở Vạn Kiếp.

kiepbac5.jpg
tit2.jpg

TS Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết, từ năm 1972 đến nay, hàng trăm dấu tích, hàng nghìn di vật được phát hiện tại di tích đền Kiếp Bạc không chỉ có ý nghĩa khảo cổ học mà còn mang giá trị về lịch sử, chủ yếu có niên đại từ thời Trần (thế kỷ XIII), một số có niên đại thời Lê, Nguyễn. Qua đặc điểm, cấu trúc, loại hình… cho thấy các dấu tích, di vật có mối tương quan chặt chẽ với nhau. “Các dấu tích, di vật khảo cổ cho chúng ta mối liên tưởng về cuộc sống của Hưng Đạo Đại vương khi ngài còn sống, hoạt động quân sự của người lúc luyện binh, khi rèn vũ khí, đóng thuyền hay tích trữ lương thực… Đây là những chứng cứ xác thực về sự tồn tại của thời kỳ chống quân Nguyên - Mông của dân tộc gắn với Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên mảnh đất này”, TS Lê Duy Mạnh nói.

kiepbac6.jpg

Năm 1972, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ty Văn hóa Hải Hưng tiến hành mở hố khai quật diện tích 180 m2 tại sân sau đền Kiếp Bạc. Kết quả phát hiện dấu tích nền móng kiến trúc phủ đệ của Trần Hưng Đạo ở thế kỷ XIII gồm: 2 cấp nền nhà, vết tích gạch bó thềm, hàng chân tảng cột, gạch vuông hoa văn in nổi hình hoa thị, đường ống dẫn nước bằng đất nung. Ngoài ra, còn tìm thấy nhiều hiện vật: ngói mũi hài, ngói chiếu, gạch trang trí, đồ gốm có men ngọc, men da lươn, men nền trắng hoa nâu…; các đồ sắt, đồng như: dao, đinh, tiền đồng niên hiệu Nguyên phong thông bảo (Trần Thái Tông 1251 - 1258). Đây là di tích gốc, có giá trị về nhiều mặt, có giá trị thông tin về quy mô, kiến trúc của phủ đệ Vạn Kiếp.

 
 
 
 

Năm 2000, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tổ chức thám sát khảo cổ tại di tích Sinh Từ. Nơi đây, trong sử sách có ghi là phủ đệ cũ và vị trí ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo khi người còn sống đã được vua Trần cho xây dựng. Tương truyền, sau khi Hưng Đạo Vương qua đời, nhân dân đã chuyển nguyên vật liệu của Sinh Từ về dựng đền Kiếp Bạc ngày nay. Kết quả khảo cổ phát hiện dấu tích kiến trúc của 3 cấp nền, 21 đoạn ống cống thoát nước hình trụ nối liền nhau và vết tích bờ kè bằng đá vôi, đá cuội. Ngoài ra, còn tìm thấy nhiều di vật đồ gốm, đất nung, thóc cháy có niên đại thế kỷ XIII - XIV. Theo nhận định của các nhà khảo cổ thì Sinh Từ nằm ở đoạn cuối của sông Vang, lúc đó di tích như một ốc đảo xung quanh là nước. Khi đó bờ kè có chức năng ngăn nước giữa sông Vang với các công trình kiến trúc của phủ đệ Sinh Từ.
kiepbac7.jpg
Toàn cảnh thám sát khu vực Sinh Từ

Từ 2005 - 2006, khai quật tại di tích Nam Tào, phát hiện nền kiến trúc tòa Tiền tế cổ. Dấu vết kiến trúc bao gồm những dải móng hẹp, chạy dài theo mặt bằng kiến trúc cổ và dấu vết nền móng của một số công trình phụ cận như: bể nước, nhà chè, gác chuông… Đặc biệt, tại đây phát hiện tấm bia đá Vạn Dược công đức bi ký, dựng năm Bảo Đại thứ 4 (1929) và nhiều hiện vật gốm, sành, sứ. Căn cứ vào kỹ thuật xây dựng móng, kiểu dáng, chất liệu di vật, nội dung bi ký… các chuyên gia nhận định di tích Nam Tào có niên đại sớm nhất vào thế kỷ XIII, XIV và được trùng tu, xây dựng ở thế kỷ XVIII, XIX tạo lên một quần thể tôn vinh Đức Thánh Trần.

kiepbac8.jpg
Toàn cảnh khai quật tại Nam Tào năm 2005

Tại tòa Trung từ đền Kiếp Bạc cũng phát hiện hệ thống móng kiến trúc thời Lê, Nguyễn. Ngoài ra, nhiều cuộc khai quật còn phát hiện dấu tích có liên quan đến lương thảo (di tích Hố Thóc), đồ dùng đựng thuốc (tại Ao Cháo), trung tâm sản xuất đồ gốm (tại Xóm Hống - cánh đồng Vạn Yên, xã Hưng Đạo)… đều có niên đại thời Trần.

khaoco1.jpg
Nền móng tòa trung từ thời Lê và thời Nguyễn phát hiện năm 2013
khaoco2.jpg
Hình ảnh khai quật khảo cổ học di tích Hố Thóc năm 2000
khaoco3.jpg
Nậm rượu đất nung thời Trần phát hiện tại khu vực Ao Cháo năm 1972

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là tác động của các cuộc chiến tranh, nhiều công trình của khu di tích đã bị phá hủy, xuống cấp, thậm chí biến mất. Những năm gần đây, một số công trình đã được Nhà nước quan tâm tu bổ, tôn tạo và tiến hành nghiên cứu, khai quật khảo cổ. Các đợt thăm dò, khảo cổ tại Kiếp Bạc đã cho chúng ta phần nào thấy được tính nguyên vẹn của di tích.

Xoay quanh vị tướng Trần Hưng Đạo có nhiều câu chuyện được dân gian thần thánh hóa như chuyện ngài là Thanh Tiên đồng tử xuống đầu thai; câu chuyện giết giặc Phạm Nhan... “Từ một nhân vật có thật trong lịch sử, được nhân dân thần thánh hóa và tôn sùng, điều đó cho thấy Hưng Đạo vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt”, ông Nguyễn Thành Trung khẳng định.

 
 
 
 
 
 
 

12345678

Bài: TS LÊ DUY MẠNH - LÊ HƯƠNG - THÀNH CHUNG

Đồ họa: TUẤN ANH

Tác giả bài viết: BÁO HẢI DƯƠNG

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây