Sơ qua nét lịch sử và con người tỉnh Hải Dương

Chủ nhật - 13/03/2016 20:10 - 2110 lượt xem
Sơ qua nét lịch sử và con người tỉnh Hải Dương
Sơ qua nét lịch sử và con người tỉnh Hải Dương
Hải Dương là vùng đất đã sinh dưỡng và hội tụ nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng. Ðó là những nhà quân sự, chính trị, ngoại giao, những nhà văn hoá, nhà khoa học, những vị tổ nghề được nhân dân cả nước ca tụng, tôn thờ. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với mảnh đất Hải Dương.

Trần Quốc Tuấn (1226 – 1300)

Là con An Sinh Vương Trần Liễu, quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc – Nam Ðịnh.

Trần Quốc Tuấn là chủ soái của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông thời Trần. Năm 1258, ông chặn đánh giặc Nguyên ở biên giới, góp phần quan trọng trong chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất. Tháng 6-1285, ông cầm quân giao chiến tại Vạn Kiếp (hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang thời Trần; nay thuộc xã Hưng Ðạo, huyện Chí Linh, Hải Dương), kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Tháng 8-1288, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Trần Quốc Tuấn, quân dân nhà Trần đã làm nên chiến thắng trên sông Bạch Ðằng nổi tiếng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba. Ðội quân vô cùng hung hãn, từng tung vó ngựa xâm lược khắp từ châu Âu sang châu á phải cúi đầu bại trận trước khí thế anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Tháng 4-1289, ông được phong là Quốc công tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương và lập đền thờ (gọi là Sinh Từ) ở Vạn Kiếp. Cuối đời, ông về sống ở Vạn Kiếp và mất tại đó vào ngày 3-9-1300. Ông được vua phong là “Thái sư, Thượng phụ, Thượng quốc công, Nhân vũ Hưng Ðạo Ðại Vương”, nhân dân tôn xưng ông là Ðức Thánh Trần. Những chiến công oanh liệt của Trần Hưng Ðạo mãi mãi lưu dấu trong sử sách, tên tuổi ông gắn liền với những địa danh nổi tiếng: Vạn Kiếp, Bạch Ðằng. Trần Quốc Tuấn đã phát huy cao độ truyền thống giữ nước của dân tộc, cùng với triều đình phát động thành công cuộc chiến tranh toàn dân, đánh bại đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới cùng những tướng lĩnh sừng sỏ lúc đó, đè bẹp ý chí xâm lược của quân thù. Gần nửa thế kỷ chỉ huy quân đội, thiên tài quân sự của ông được khẳng định trên hai lĩnh vực: lý luận và thực tiễn. Ông là người nắm vững tri thức quân sự đương thời, có tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Trên cơ sở kế thừa tinh hoa quân sự của các triều đại trước cùng những kinh nghiệm đúc rút từ những năm tháng cầm quân đánh giặc, ông đã chấp bút lưu lại cho đời sau những thiên sách quý báu như Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ,…

Ðền Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Ðạo (Chí Linh) là khu tưởng niệm lớn của cả nước, di tích lịch sử được xếp hạng đặc biệt quan trọng, hàng năm, nhân dân khắp nơi trong nước về dự hội đền từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch.

Mạc Ðĩnh Chi (1272 – 1346)

Tự là Tiết Phu, người làng Lũng Ðộng, huyện Chí Linh (nay là xã Nam Tân, Nam Sách). Ông thông minh hơn người song vóc dáng nhỏ bé, tướng mạo xấu xí. Khi mới đỗ Trạng nguyên năm 1304, Trần Nhân Tông chê ông xấu, ông làm bài phú “Ngọc tỉnh liên”, tự ví mình với bông hoa sen. Vua khen hay và cất nhắc làm Thái học sinh dũng thư, sung chức Nội gia thư. Năm 1308, ông được cử đi sứ nhà Nguyên. Nhiều giai thoại còn truyền lại về tài ứng đối và biện luận của ông trong dịp đi sứ này.

Mạc Ðĩnh Chi ra mắt vua Nguyên cùng với sứ Cao Ly. Nhân có sứ thần ngoại quốc dâng chiếc quạt, vua Nguyên yêu cầu Mạc Ðĩnh Chi và sứ Cao Ly làm thơ đề quạt. Mạc Ðĩnh Chi xong trước, vua Nguyên xem xong gật gù khen và phê vào 4 chữ “Lưỡng quốc trạng nguyên”.

Mạc Ðĩnh Chi là một trong những kỳ tài trong nền văn học nước ta. Cuộc đời, sự nghiệp cùng với những câu chuyện giàu chất truyền thuyết về ông được nhân dân ta truyền tụng, giữ gìn. Ông làm quan trải 3 triều vua, được thăng tới chức Tả bộc xạ Nhập nội hành khiển.

Tính ông ngay thẳng liêm khiết, được người đương thời trọng vọng, khâm phục. Sau khi trở về quê, ông mở trường dạy học. Nơi ông dạy học được nhân dân trong vùng gọi là “Trạng nguyên cổ đường” (Ngôi nhà xưa của quan trạng). Ông là đại biểu cho sự thanh cao của nho sĩ đương thời.

Chu Văn An (1292 – 1370)

Hiệu là Tiều ẩn, tên chữ là Linh Triệt, người thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì – Hà Nội. Ông thi đậu Thái Học sinh (Tiến sĩ), từng làm Tư nghiệp Quốc tử giám. Ðời Trần Dụ Tông, ông dâng sớ xin vua chém 7 tên nịnh thần (người đời gọi là Thất trảm sớ) song không được chấp thuận nên ông đã từ quan. Noi gương thầy, các học trò của ông nhiều người đỗ đạt cao song vẫn giữ đức thanh liêm mẫu mực.

Sau khi rời bỏ chốn quan trường, Chu Văn An đến núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Ðặc (nay là xã Văn An, huyện Chí Linh) dựng nhà dạy học, làm thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách và tự đặt tên là Tiều ẩn. Tuy vậy, mỗi khi triều đình có đại sự đều mời ông tham dự. Sau khi mất, ông được truy tặng tước Văn Trình Công và được thờ tại Văn Miếu – Quốc tử giám. Ông còn để lại nhiều thi tập có giá trị như: Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, Tứ thư thuyết ước,…

Nguyễn Bá Tĩnh (1330-1400)

Nguyễn Bá Tĩnh, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh Thiền Sư, biệt hiệu: Hồng Nghĩa, người làng Nghĩa Phú – tổng Văn Thai – Cẩm Giàng, nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng.

Năm Tân Mão (năm 1351), ở tuổi 22, ông đỗ Hoàng giáp, được phong chức Bình Tây tướng quân. Nửa cuối thế kỷ XIV, nhà Trần suy yếu, chính sự rối ren, ông từ quan, đi chu du thiên hạ làm nghề thuốc cứu giúp dân lành. Quan điểm của ông là “Thuốc Nam Việt trị bệnh người Nam Việt”. Ông sử dụng cây cỏ nước Nam để chữa bệnh, dùng các bài thuốc và phương pháp điều trị được lưu truyền trong dân gian như: chườm, châm cứu, xoa bóp,…

ông được cử đi sứ nhà Minh năm Giáp Tý (năm 1384). ở Trung Quốc, ông chữa khỏi bệnh cho vợ vua và được phong là “Ðại y Thiền sư”. Thấy ông giỏi y thuật, vua Minh giữ lại không cho về. Tại đây, ông vẫn làm thuốc và viết sách. Ngày 15-2-1400, ông mất tại Giang Nam, Trung Quốc. Tương truyền, trên mộ chí, mặt sau bia đá có khắc lời nhắn: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”.

Thiền sư Tuệ Tĩnh được giới y học và nhân dân tôn là Y Thánh, lập miếu thờ tại Hà Nội. Suốt đời cống hiến cho sự nghiệp y học, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Bộ sách “Nam Dược thần hiệu” của ông giới thiệu 580 vị thuốc Nam và 3.873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh. Tuệ Tĩnh là người có công đặt nền móng xây dựng y học dân tộc thưở sơ khai.

Tại Cẩm Giàng ngày nay còn một số di tích về Tuệ Tĩnh như đền Xưa, đền Bia, chùa Giám. Năm 1973 chùa Giám, nơi Tuệ Tĩnh ở lúc sinh thời, được chuyển vào trong đê để tránh lũ lụt, cách di tích cũ 8 km. Năm 1989, chùa Giám được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, nhân dân vẫn mở hội tưởng niệm ông.

Nguyễn Trãi (1380 – 1442)

Hiệu là ức Trai. Tổ tiên ông vốn ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn, nay là xã Cộng Hoà, Chí Linh. Cha ông là Nguyễn Ứng Long thiên cư về làng Nhị Khê (tên cũ là làng Ngọc Ổi) huyện Thường Tín – Hà Tây. Mẹ là Trần Thị Thái, con gái Trần Nguyên Ðán, Tể tướng nhà Trần.

Lúc trẻ, tài văn chương của Nguyễn Trãi đã nức tiếng gần xa, kinh, sử, bách gia, bình thư thao lược đều am hiểu cả. Năm 20 tuổi, ông đỗ Thái Học sinh. Hai cha con cùng làm quan, ông giữ chức Chính trưởng đài ngự sử.

Năm 1407, nhà Minh sang xâm lược nước ta, Nguyễn Phi Khanh – thân phụ của ông bị bắt giải về Kim Lăng, Trung Quốc. Nguyễn Trãi theo cha đến ải Nam Quan. Theo lời dạy của cha: “Hãy trở về tìm kế cứu nước, trả thù cho cha”, Nguyễn Trãi đã gạt nước mắt quay về. Trên đường trở về, không may ông sa vào tay giặc và bị giam lỏng ở Ðông Quan (Hà Nội).

Ðời vua Lê Thái Tông, nịnh thần đầy rẫy, ông từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1442, vua lại vời về triều, ông làm chính giám thị kỳ thi tiến sĩ. Ðúng lúc đó, nhân vụ án Lệ Chi Viên, bọn gian thần kiếm cớ buộc tội ông chủ mưu giết vua và kết án chu di tam tộc. Ông mất ngày 19-9-1442. Ðời Lê Thánh Tông, năm 1464, ông được vua minh oan và truy phong tước cũ.

Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, là thiên tài trên nhiều lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học,… Ông để lại nhiều tác phẩm như ức Trai Dư địa chí, ức Trai Thi tập, Văn bia Vĩnh Lăng, Lam Sơn Thực lục,… Ghi nhận những đóng góp xuất sắc của Nguyễn Trãi đối với sự phát triển của dân tộc Việt Nam và sự phát triển những giá trị nhân văn nhân loại, năm 1980, tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã phong ông là danh nhân văn hoá thế giới.

Nguồn tin: www.dulichhaiduong.info

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây