Ẩm thực Hải Dương - những đặc sản “thương nhớ đồng quê”

Thứ hai - 17/09/2018 21:48 - 3651 lượt xem
Chả rươi
Chả rươi
Người Hải Dương dù có đi đâu về đâu khi nói về chả rươi, bún cá rô đồng, bánh gai, bánh đậu xanh… cũng thấy rất đỗi tự hào. Những món ăn dân dã, bình dị, đậm đà hương vị lưu truyền bao đời nay đã trở thành những đặc sản ẩm thực được du khách yêu thích khi tới với Hải Dương hay trở thành món quà mang về nhà.

“Lộc trời” - Rươi Tứ Kỳ

Không sai khi người Hải Dương gọi rươi là “lộc trời”, bởi rươi hoàn toàn sinh sôi và lớn trong môi trường tự nhiên, nếu không kịp thưởng thức trong năm nay thì phải đợi năm sau mới có cơ hội.

Rươi xuất hiện rất nhiều ở các huyện Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thanh Hà… nhưng với những người sành ăn, chọn rươi nhất định phải ở vùng đất Tứ Kỳ. Bởi vậy, vào khoảng tháng 8 âm lịch, khi con nước lên cũng là lúc người dân Tứ Kỳ nhận được nhiều đơn đặt hàng mua rươi từ khắp mọi nơi.

Người ta có thể làm nhiều món từ rươi như nem rươi, rươi kho nồi đất, lẩu rươi..., nhưng chả rươi vẫn là món dễ chế biến và thơm ngon nhất. Vị béo ngậy của rươi trộn với trứng gà, thịt lợn băm nhỏ, kèm với tinh dầu thanh thanh của vỏ quýt, rau húng quyện lại với nhau làm nên hương vị đậm đà khó quên.

Vải thiều Thanh Hà

Người dân Thanh Hà, Hải Dương không chỉ tự hào với đặc sản vải thiều ngon nức tiếng trong và ngoài nước mà còn bởi cây vải tổ có tuổi đời 200 năm vẫn đơm hoa kết trái. Vải thiều Thanh Hà trái đều, bóng mượt, đỏ nhạt, vỏ mỏng, hạt lép, cùi dày, thơm ngọt, vị thanh mát.

Vào mùa vải thiều, du khách đến Thanh Hà không chỉ được thưởng thức trái cây quý giá ngon nức tiếng mà còn được chiêm ngưỡng cây vải tổ, thăm những vườn vải sai trĩu quả, thấy được cảnh tất bật vào vụ thu hoạch của bà con nông dân.

Bánh đậu xanh

Không chỉ làm món quà biếu cho người thân phương xa hay xuất hiện trong các dịp lễ, Tết, bánh đậu xanh hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, khi thảnh thơi nhâm nhi bên chén trà nóng hay thức quà cho con trẻ ăn chơi.

Món bánh thơm ngọt này được làm từ đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu hoa bưởi quyện lại với nhau. Từng công đoạn tỉ mỉ, chăm chút từ việc chọn lọc tới chế biến. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ vừa miệng ăn, tan nhanh trong miệng. Khi ăn, món bánh có vị bùi của đậu xanh, ngọt của đường, béo ngậy của mỡ và thơm hương hoa bưởi.

Bánh đa gấc Kẻ Sặt

Đã về huyện Bình Giang, ai cũng muốn mang mấy chiếc bánh đa gấc Kẻ Sặt làm quà mang đi. Những chiếc bánh màu đỏ tươi, cuộn tròn thành cuộn độc đáo đánh thức mọi giác quan, từ ngon mắt, ngon mũi tới ngon miệng. Mộc mạc, giản dị nhưng đậm đà, rõ từng vị là điều có thể cảm nhận khi ăn bánh đa Kẻ Sặt. Bánh có sự hòa trộn vị bùi của gạo, béo ngậy của lạc, vừng, dừa, gấc cùng với vị ấm của gừng tươi quyện trong nhau, thêm mùi thơm của lửa khói nướng quyện vào nhau. Bánh có màu đỏ của gấc, khi bẻ thành miếng thấy giòn tan vui tai.

Bánh gai, bánh gấc Ninh Giang

Nghề làm bánh gai ở huyện Ninh Giang đã có tuổi đời tới vài trăm năm. Từ những mẹt bánh bày bán ở bến đò Chanh hay trong các phiên chợ, đến nay, bánh gai Ninh Giang đã trở thành đặc sản, nguồn sinh kế của nhiều hộ gia đình, trở thành món quà quê đặc sản của vùng đất này.

Bánh gấc là một sự sáng tạo từ bánh gai, vẫn giữ được những hương vị đặc trưng của gạo nếp, mật mía, hạt sen, mứt bí, đỗ xanh, dừa, dầu chuối, mỡ lợn nhưng được ưa chuộng trong các dịp lễ, Tết vì màu đỏ của gấc gắn với mong muốn đem lại những điều may mắn. Không chỉ thưởng thức bánh, những gia đình có nghề gia truyền làm bánh gai, bánh gấc còn là nơi tham quan, trải nghiệm làm bánh cho du khách, được thưởng thức món đặc sản nổi tiếng xứ Đông thơm ngon ngay khi mới “ra lò”. Bún cá rô đồng Hải Dương Ngoài rươi, có lẽ bún cá rô đồng là món ăn đậm chất đồng quê, phổ biến ở đất Hải Dương. Món ăn được chế biến với các nguyên liệu đơn giản như cá rô đồng, xương ống, cà chua, một số loại rau như cải cúc, cải xanh, rau cần..., không quá cầu kỳ, có thể dùng ở mọi bữa ăn trong ngày.

Xương cá được giã nhừ, lọc kỹ rồi cho nước vào nồi nước dùng. Rau cải cúc, rau cải xanh hay rau cần phải tươi non, làm sạch rồi cắt khúc đều chằn chặn. Trên bát bún cá, ngoài hành hoa, rau thìa là tươi non thì bao giờ cũng điểm xuyết thêm lớp trứng cá mịn màng, vàng ruộm.

Thưởng thức bát bún cá rô đồng, xì xụp bát bún nóng hổi, nước dùng ngọt đậm, thịt cá mềm, ngon trộn lẫn cùng những sợi bún trắng đều tăm tắp sẽ khiến thực khách nhớ mãi.

Thảo Minh (Báo Du lịch - Tổng cục Du lịch - Bộ VHTTDL)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây