Nguyễn Lương Bằng - Người cán bộ mẫu mực của Đảng và Nhà nước

Thứ bảy - 02/04/2016 17:15 - 3410 lượt xem
Nguyễn lương Bằng (1904 - 1979)
Nguyễn lương Bằng (1904 - 1979)
Ông Nguyễn Lương Bằng, bí danh là Triệu Vân, biệt danh là Sao Đỏ hay Anh Cả, sinh ngày 7 tháng 2 năm Giáp Thìn, tức 2-4-1904, trong một gia đình nho giáo thanh bạch, tại Thôn Đông, nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện. Thân phụ là ông Nguyễn Lương Thiện, làm nghề dạy học; thân mẫu là bà Ngô Thị Tý, thuộc dòng dõi nho gia. Dòng họ Nguyễn Lương cư trú ở Thanh Tùng lâu đời, là một dòng họ hiếu học và trọng nhân cách, nay còn một nhà thờ khá lớn. Gia đình có 4 người con, 3 gái, 1 trai, Nguyễn Lương Bằng là con út.
Thanh Tùng là một làng quê có truyền thống hiếu học, thời Lê-Mạc có 7 người đỗ tiến sĩ, trong đó có Nguyễn Phục và Đỗ Uông, hai nhân vật có nhiều cống hiến cho đất nước, sau khi qua đời được tôn làm Thành hoàng, thờ tại đình làng. Thời kỳ cách mạng, kháng chiến chống Pháp, Thanh Tùng là cơ sở tin cậy của Đảng, nhiều hội nghị quan trọng đã diễn ra tại đây. Cuối năm 1946, Tỉnh uỷ đã xây một hầm kiên cố với quy mô lớn ở phía đông Đình Đông, nay còn di tích.
Năm tuổi mồ côi mẹ, 14 tuôỉ lại mất cha, Nguyễn Lương Bằng sớm có ý chí và sống tự lập. 15 tuổi đi học may, 17 tuổi xuống Hải Phòng làm công nhân cho một công ty tầu biển của Pháp, chạy tuyến Hải Phòng - Hồng Kông để có điều kiện hoạt động cách mạng. Trong những năm tháng lao động vất vả, đồng chí vẫn quyết tâm học tập Quốc ngữ và Pháp ngữ để có điều kiện tham gia sự nghiệp cứu nước.
Năm 1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Lương Bằng may mắn gặp đồng chí Hồ Tùng Mậu và qua đồng chí Hồ Tùng Mậu, được gặp Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12-1925, đồng chí gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, một tổ chức cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo. Đồng chí được tổ chức tín nhiệm, phân công về nước hoạt động, giữ vai trò giao thông liên lạc với các tổ chức cách mạng trong và ngoài nước. Kể từ đây, Nguyễn Lương Bằng bắt đầu bước vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thật sôi nổi, mưu lược, gian lao, nguy hiểm, nhưng đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được anh em, đồng chí kính trọng.
Năm 1928, đồng chí sang Hương Cảng, Quảng Châu, Thượng Hải tham gia hoạt động cách mạng; tháng 12-1929,  gia nhập An Nam cộng sản Đảng.
Năm 1931, đồng chí bị mật thám bắt lần thứ nhất, nhưng đã mưu trí trốn thoát. Cũng năm 1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt lần thứ hai ở Trung Quốc, giải về nước, giam ở nhà lao Hải Dương, rồi Hoả Lò (Hà Nội) với án phạt tù chung thân. Ngày 24-12-1932, đồng chí vượt ngục, trở về Ấp Dọn (Bình Giang). Tại đây, đồng chí xuất bản tờ Báo Công nông, đây là tờ báo tuyên truyền cách mạng đầu tiên xuất bản ở Hải Dương.
Cuối năm 1933, đồng chí bị địch bắt lần thứ ba, mang án khổ sai chung thân, đày lên nhà tù Sơn La, một nhà tù mà tù nhân không bị chết vì tra tấn thì cũng dễ mất mạng vì bệnh tật.
 Ba lần bị địch bắt, hơn 10 năm bị đày ải trong các nhà tù đế quốc, trong đó có 10 năm ở nhà tù Sơn La, bị tra tấn tàn bạo, mang án khổ sai chung thân, nhưng đồng chí vẫn kiên cường, bất khuất, mưu trí, vững niềm tin, tìm mọi cách lấy thông tin trong và ngoài nước, chờ thời cơ vượt ngục, trở về tiếp tục hoạt động.
Ngày 3-8-1943, đồng chí vượt ngục, mau chóng bắt liên lạc với cơ sở Đảng, được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác mặt trận và tài chính.
Năm 1944, đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tổng bộ Việt Minh.
Năm 1945, là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá I), Uỷ viên Uỷ ban giải phóng dân tộc toàn quốc, đồng chí có những cống hiến to lớn trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, chuẩn bị cho việc giành chính quyền. Đồng chí là một trong ba đại biểu đại diện chính phủ lâm thời vào Huế tước ấn tín của Bảo Đại, tuyên bố xoá bỏ chính quyền phong kiến. 
Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước:
- Tháng 5-1951, được cử làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và là Tổng giám đốc đầu tiên của ngành này, ngày nay gọi Thống đốc.
- Tháng 5-1952, làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước ta tại Liên Xô.
- Năm 1956, làm Tổng Thanh tra của Chính phủ.
- Tháng 9-1960, làm Trưởng Ban kiểm tra Trung ương Đảng.
- Ngày 23-8-1969, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước và giữ chức vụ này cho đến khi qua đời.
 - Đồng chí là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và Đại biểu Quốc hội các khoá I, II, III, IV.
Đồng chí từ trần  tại Hà Nội, ngày 20-7-1979 ở tuổi 76.

 
 
Nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện. (Ảnh: TBH)

Nguyễn Lương Bằng là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của Đảng và Nhà nước ta, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao cả và đạo đức cách mạng trong sáng, sống khiêm tốn, giản dị. Phát biểu trong buổi lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng, tại Hà Nội, ngày 13-7-1996, đồng chí Đỗ Mười, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nêu rõ:" Anh Nguyễn Lương Bằng, anh Cả quý mến của chúng ta đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Anh Cả là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất, về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liên, chính, chí công, vô tư và tác phong cần cù, giản dị; là người lãnh đạo, người đồng chí được toàn Đảng, toàn dân yêu mến, cảm phục. Chúng ta nguyện noi gương anh Cả."
 Đồng chí Phạm Văn Đồng viết:" Học tập những đức tính cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí là người khiêm tốn, giản dị, cần, kiện, liêm, chính, chí công, vô tư, thực hiện dân chủ, giữ vững kỷ luật, phục tùng tổ chức, đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ, rất mực yêu thương đồng chí và chăm lo sức khoẻ của nhân dân. Cái tên Anh Cả mà chúng ta thường gọi là biểu hiện của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em ".
Căn cứ vào những cống hiến to lớn và đạo đức trong sáng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, được sự nhất trí của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quyết định xây dựng Nhà tưởng niệm Cố phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, tại quê hương đồng chí, nhằm thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và phát huy tinh thần, đạo đức cách mạng của đồng chí. Tại đây, trưng bày nhiều di vật quý, chứng minh cho quá trình hoạt động và cuộc sống giản dị của đồng chí. Bộ quần áo gụ, chiếc mũ cát đã sờn đồng chí thường  dùng vào những năm 1950; chiếc khăn mặt rách giữa, đồng chí cắt đôi khâu hai đầu vào giữa để tiếp tục dùng. Tuy giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, quản lý những tài sản lớn, quyền lực không nhỏ, nhưng tuyệt nhiên đồng chí không hề lợi dụng chức quyền để  biến công vi tư. Bộ com-lê dùng để tiếp khách của Đảng và Chính phủ, chiếc đài bán dẫn để nghe tin tức hàng ngày và nhiều tư trang khác. Ở người khác, việc lấy công quỹ để mua sắm là điều đương nhiên, nhưng đồng chí Nguyễn Lương Bằng  đều lấy tiền cá nhân để tự trang bị cho mình, nay gia đình vẫn giữ được hoá đơn về những thứ đó, ở thời bao cấp, đó là những bằng chứng về sự liêm khiết của Anh Cả. Để ghi nhận đức tính cao quý của đồng chí, tại hậu cung Nhà tưởng niệm có bức đại tự:
Kiên cường, bất khuất, cần , kiệm , liêm, chính, chí công, vô tư.
Và câu đối do cụ Trần Đương sáng tác và Bảo tàng tỉnh nhuận sắc:
Hồng lộ xuất vĩ nhân, liêm , chính, kiệm, cần, lừng danh Sao Đỏ,
Thanh Tùng sinh hào kiệt, trí, dũng, kiên, trung, nức tiếng sử xanh.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương sáng không chỉ cho lớp cán bộ Cách mạng tiền bối mà còn cho cán bộ đảng viên hôm nay và mãi mãi mai sau.

Tác giả bài viết: Tăng Bá Hoành

Nguồn tin: vhttdlhd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây