Kỳ thú những lần phát hiện trống đồng ở Hải Dương

Thứ hai - 18/04/2016 20:21 - 2725 lượt xem
Bảo vật quốc gia trống đồng Hữu Chung thu hút sự quan tâm của nhiều người
Bảo vật quốc gia trống đồng Hữu Chung thu hút sự quan tâm của nhiều người
Việc phát hiện trống đồng trên địa bàn tỉnh là minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của văn hóa xứ Đông ngay từ thời kỳ đầu dựng nước.

Cùng với sự phát triển của tín ngưỡng thờ các nhân vật thời Hùng Vương, việc phát hiện trống đồng trên địa bàn tỉnh là minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của văn hóa xứ Đông ngay từ thời kỳ đầu dựng nước.
Tình cờ phát lộ

Trống đồng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong sinh hoạt của cư dân xã hội Lạc Việt nửa cuối thiên niên kỷ I trước Công nguyên. Trống là biểu tượng quyền lực của tầng lớp thống trị thời kỳ Hùng Vương, thể hiện cho tài năng, trí tuệ của cư dân Lạc Việt. Về cơ bản, trống đồng là nhạc khí dùng trong những lễ tiết lớn của dân tộc hay khi ra trận. Trống đồng còn được dùng trong lễ chôn theo người chết, trong lễ hội cầu mùa. Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, trên địa bàn tỉnh ta đã nhiều lần tìm thấy các di vật, hiện vật thời kỳ đầu dựng nước. Riêng trống có 3 lần. 

Năm 2005, thôn Hoàng Lại, xã An Lương (Thanh Hà) trở thành nơi ghi dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử khảo cổ học Hải Dương khi tìm thấy một trống đồng và một thạp đồng. Đã hơn chục năm trôi qua, ông Phạm Đức Thành ở xóm 11, thôn Hoàng Lại vẫn nhớ như in ngày hôm đó. Dẫn chúng tôi đến cuối con đường chạy qua cánh đồng cách nhà gần 200 m, ông Thành bảo: Đây là vị trí mà người dân trong xóm đã đào được trống đồng và thạp đồng dạo trước. Khu vực đào được các cổ vật trên nằm gần đường. Người dân trong xóm đã lập tấm bia với dòng chữ: “Nơi đây phát hiện trống đồng, thạp đồng có niên đại 2500 năm” để đánh dấu. "Tháng 10- 2005, nhân dân trong xóm tổ chức đắp đường. Khi đào đến khu vực này thì lưỡi mai bỗng chạm vào một vật cứng phát ra tiếng kịch. Thấy vậy mọi người tán lại gặp các cụ rồi, bởi trước đó ở mé đối diện chúng tôi đã đào phải một ngôi mộ. Nhưng khi lật viên đất lên thì thấy lộ ra cái miệng kim loại rất lạ. Bới tiếp gặp một cái miệng khác nhỏ hơn bên trong. Lúc đó ai cũng đoán là cái chậu thau. Thế là mọi người xúm cả lại đào đất xung quanh. Hết hai thép mai thì toàn bộ hình dáng của vật lạ hiện ra. Mọi người cùng ồ lên và đoán là trống đồng", ông Thành kể. Chiếc trống khá lớn được đặt ở tư thế ngửa lên. Ở trong lòng trống còn có một thạp đồng. Khi chiếc trống được đưa lên, toàn bộ hoa văn trên mặt trống in xuống cát thành những hình rất đẹp. Người dân trong xóm lấy tre đánh dấu vị trí rồi khiêng trống và thạp đồng về làng. Trong quá trình di chuyển, không may chiếc thạp để trong lòng đã làm vỡ mặt trống. Chiếc trống được mang về để tại nhà ông Thành. Mấy ngày đó, nhân dân trong vùng kéo đến nhà ông xem đông nghịt. Nhiều người buôn đồ cổ tìm đến gạ mua nhưng người dân xóm 11 không bán mà báo cho chính quyền địa phương. Chính quyền báo lên tỉnh và chiếc trống được Bảo tàng tỉnh thu hồi, đưa về nghiên cứu, lưu giữ, trưng bày. Được hỗ trợ 10 triệu đồng, nhân dân xóm 11 trích ra 2 triệu đồng làm tấm bia này, còn lại dùng để tu sửa đường. 

Theo đánh giá của Bảo tàng tỉnh, hai vật cổ trên thuộc nền văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách đây hơn 2.000 năm. Trống đồng cao 42,5 cm, đường kính miệng 52 cm, đường kính đáy 56,7 cm. Chiếc trống có 4 quai, giữa thân có các hoa văn, họa tiết hình cánh sao. Thạp cổ có chiều cao 41,5 cm, trên thân thạp, giáp với miệng có 1 quai. 

Trước đó, trung tuần tháng 1-1976, khi làm thủy lợi, người dân xã Tiền Tiến cùng huyện Thanh Hà cũng đã phát hiện 2 trống đồng ở độ sâu khoảng 3 m tại khu vực mả Gạo, thôn Du Tái. Khi tìm thấy, 2 trống ở tư thế úp vào nhau. Trống con nằm ngửa, trống lớn úp lên. Do không biết cách nên khi tách ra, chiếc trống lớn đã bị vỡ thành nhiều mảnh. Qua nghiên cứu xác định cặp trống đồng này có niên đại trước Công nguyên. Trống nhỏ cao 33 cm, đường kính mặt 44 cm, đường kính chân 55 cm, trọng lượng 25 kg. Trống lớn có đường kính mặt 55 cm, giữa mặt trống có một ngôi sao đúc nổi 12 cánh, phía ngoài có 6 vành hoa văn đồng tâm. 

Vượt thời gian 

Đáng chú ý nhất là sự kiện tìm thấy trống đồng Hữu Chung ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ). Đã mấy chục năm trôi qua, người dân Hữu Chung cả trẻ lẫn già vẫn truyền tai nhau câu chuyện đặc biệt trên. Sự kiện phát hiện trống đồng Hữu Chung diễn ra vào tháng 5-1961 trong quá trình đào đất làm gạch. Bằng nghiệp vụ, các cán bộ văn hóa khẳng định vật mà dân làng đào được là một trống đồng quý hiếm. Hiện vật hầu như còn nguyên vẹn, có kích thước lớn, dáng cân đối, đẹp và hội tụ đủ những đặc điểm của trống đồng Đông Sơn loại I. Có người đưa ra giả thiết có thể thời xa xưa khu vực tìm được trống đồng từng là nơi quân doanh của Nhà nước sơ khai. Lại có ý kiến cho rằng ngày trước khi quan quân nhà Mạc thua trận chạy qua đây, thuyền chở cổ vật của họ đã bị đánh chìm, chiếc trống đồng đã rơi xuống lòng sông... 

 

Vị trí người dân thôn Hoàng Lại, xã An Lương (Thanh Hà) phát hiện trống và thạp đồng được đánh dấu bằng bia đá 


Ông Vũ Đình Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trong hàng ngàn chiếc trống được phát hiện từ trước đến nay tại Việt Nam, trống đồng Hữu Chung có kiểu dáng hài hòa, kích thước lớn, trang trí đẹp và phong phú. Hoa văn trên trống đồng Hữu Chung phản ánh nhiều nét đặc trưng văn hóa của cư dân Lạc Việt. Trống được phát hiện tại huyện Tứ Kỳ, địa danh mà thời Hùng Vương là thủ phủ bộ Dương Tuyền với thành Dền, một trung tâm văn hóa cổ, nơi có nhiều cư dân sinh sống. Trống có đường kính mặt 91,5 cm, đường kính chân 97,7 cm, cao 67 cm, trọng lượng 75 kg. Với ý nghĩa và giá trị trên nhiều phương diện, trống đồng Hữu Chung được các nhà khoa học đánh giá là cổ vật độc đáo và tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, biểu tượng của nền văn minh Việt cổ. Năm 2015, trống đồng Hữu Chung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Hải Dương.

Từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh ta, việc phát hiện trống đồng chủ yếu do tình cờ trong quá trình người dân đào đất, mở đường, làm thủy lợi. Ngoài các trống đã được tìm thấy trên, chắc chắn vẫn còn những chiếc khác đang nằm dưới lòng đất.

Cùng với hàng trăm di tích lịch sử, các lễ hội đậm chất tâm linh, tín ngưỡng thờ các nhân vật thời Hùng Vương, việc nhiều lần phát hiện trống đồng trên địa bàn tỉnh là minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của văn hóa xứ Đông thời kỳ đầu dựng nước.

Tác giả bài viết: NGỌC HÙNG

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây