Hải Dương: Cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch lễ hội (*)

Thứ hai - 17/09/2018 21:45 - 1969 lượt xem
Lễ hội đền Kiếp Bạc
Lễ hội đền Kiếp Bạc
Với hơn 2000 di tích lịch sử văn hóa cùng hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khác nhau, Hải Dương là địa phương có số lượng di tích lịch sử dày đặc gắn với nhiều danh nhân văn hóa và nhân vật lịch sử của đất nước.

Hơn nữa tỉnh lại có vị trí thuận lợi để xây dựng các sản phẩm du lịch lễ hội liên vùng gắn với các trung tâm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...Nhiều lễ hội ở Hải Dương đã và đang có sức hút lớn đối với du khách, điển hình như lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc; lễ hội Văn Miếu Mao Điền; lễ hội đền Cao – An Phụ; lễ hội đền thờ thầy giáo Chu Văn An… Việc bảo tồn, tôn tạo và giữ gìn giá trị của di tích cũng như lễ hội truyền thống đã và đang được Hải Dương làm rất tốt. Tuy nhiên, việc gắn kết các di tích và lễ hội truyền thống để phát triển du lịch thì dường như vẫn còn hạn chế.

Yếu trong quảng bá du lịch lễ hội

Tại Hải Dương, các lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm với quy mô khác nhau. Nhưng điều đáng nói là các lễ hội này chưa thực sự trở thành “thương hiệu”, thậm chí kém thu hút khách hơn so với lễ hội của các tỉnh lân cận. Một trong những nguyên nhân là do việc đầu tư cho công tác quảng bá du lịch nói chung và tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội nói riêng còn hạn chế.

Trước đây công tác tuyên truyền hầu như chỉ được thực hiện bởi Báo Hải Dương, Tạp chí VHTTDL và Đài PTTH tỉnh nhưng thời lượng còn thưa thớt. Từ năm 2013, sau khi Trung tâm Thông tin & Xúc tiến Du lịch được thành lập, công tác quảng bá về du lịch Hải Dương đã từng bước được nâng lên. Trung tâm đã tích cực phối hợp với các cơ quan Báo, Đài trung ương và địa phương cùng các công ty lữ hành để giới thiệu về các các khu di tích, văn hóa và các lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh cũng như xây dựng các sản phẩm tour, tuyến mới. Tuy vậy, nguồn kinh phí dành cho tuyên truyền, quảng bá du lịch lễ hội chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chương trình xúc tiến chưa có chiều sâu và bài bản.

Có một thực tế là nhiều khi chính bản thân người tham dự lễ hội cũng không hiểu hết về lịch sử, nguồn gốc của lễ hội, tôn vinh ai, có giá trị văn hóa gì… Đây là hệ quả tất yếu mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị tổ chức lễ hội và công tác tuyên truyền, quảng bá.

Du khách tham dự lễ hội mùa Xuân Côn Sơn

Mặt khác, lễ hội ở Hải Dương cho tới thời điểm hiện tại mới dừng lại ở việc bảo tồn các giá trị truyền thống chứ chưa thực sự được quan tâm đầu tư để gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động phần lễ và hội chưa lôi kéo được du khách thập phương, cũng như du khách nước ngoài cùng tham gia vào các hoạt động trong lễ hội. Du khách mới đến đây để xem chứ chưa thực sự được trải nghiệm, chia sẻ với chính người dân địa phương. Điều này làm giảm sự ấn tượng của du khách và đương nhiên sự lan tỏa sẽ kém đi.

Xây dựng chiến lược phát triển du lịch lễ hội

Kinh nghiệm của Quảng Ninh hay Ninh Bình cho thấy, những lễ hội truyền thống của địa phương đã trở thành ngày hội chung của khách thập phương với đầy đủ các sắc màu. Trong nhiều năm qua, các địa phương này đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức, đặc biệt các công ty lữ hành đã nhận được chương trình cụ thể về thời gian, địa điểm hoạt động, kèm theo là các chương trình kích cầu, khuyến mãi trước khi diễn ra các lễ hội. Từ đó, thông tin về lễ hội, đặc biệt là nội dung và ý nghĩa của lễ hội đã được doanh nghiệp chuyển đến cho du khách, khiến không ít người đến với lễ hội chỉ vì tò mò. Trong quá trình tổ chức, một kịch bản chuyên nghiệp được xây dựng với phần lễ được tổ chức trang nghiêm, đầy đủ nghi thức truyền thống nhưng không tẻ nhạt, mang tính đặc trưng văn hóa địa phương. Phần hội được tổ chức trong không gian rộng và mở, tạo điều kiện cho du khách được chiêm ngưỡng và tự mình trải nghiệm. Một yếu tố nữa là người dân sẵn lòng mời khách du lịch cùng tham gia và cùng chia sẻ ý nghĩa của các hoạt động lễ hội.

Ngoài việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, để thu hút du khách trong và ngoài nước, thiết nghĩ Hải Dương cần phải có chiến lược và thay đổi cách làm để hướng đến một sản phẩm du lịch lễ hội đặc thù.

Lễ khai bút đền Chu Văn An

Trước hết, cần phải chọn lọc một số lễ hội đặc sắc nhất, ấn tượng nhất, từ đó tập trung đầu tư xây dựng thành sản phẩm đặc thù và đưa ra chiến lược xúc tiến, quảng bá phù hợp. Các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu khoa học mang tính tổng thể về lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch ở Hải Dương. Trong đó, chỉ ra những giá trị tích cực của lễ hội, đâu là tín ngưỡng văn hóa dân gian, đâu là mê tín dị đoan, đâu là giá trị vốn có, đâu là yếu tố vay mượn lai tạp… Từ đó lựa chọn và khai thác giá trị lễ hội đúng với phong tục truyền thống. Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về các sự tích và truyền thuyết của các di tích, danh nhân, nhân vật lịch sử… để xây dựng kịch bản cho lễ hội thêm phong phú; đầu tư sâu vào một trong các phần nghi lễ đặc sắc để tạo điểm nhấn cho lễ hội như: Lễ ban Ấn, lễ hội quân trên sông Lục Đầu đền Kiếp Bạc; lễ ban khước thánh đền Cao - An Lạc; lễ xin chữ tại đền thờ Chu Văn An…

Đối với phần hội cần tạo một không gian mở hơn nữa với các trò chơi dân gian, loại hình diễn xướng dân gian phi vật thể và dịch vụ bổ trợ khác. Mỗi lễ hội nên có đội ngũ tổ chức và lôi kéo du khách vào trải nghiệm với chính người dân địa phương, biến cái riêng thành cái chung để thu hút du khách nhiều hơn nữa. Những địa điểm quanh khu vực lễ hội cần đầu tư thêm một số dịch vụ giải trí lành mạnh cho khách tham quan. Thêm vào đó, cần quan tâm công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về nội dung của lễ hội bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm mục đích thu hút du khách trong và ngoài nước thông qua đầu mối là các doanh nghiệp lữ hành. Một nội dung quan trọng khác là cần nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua đào tạo bồi dưỡng kỹ năng thuyết minh, tuyên truyền về hệ thống di tích lịch sử văn hóa để mỗi du khách đến đây được tiếp nhận thông tin đúng, đủ và đặc sắc nhất của mỗi lễ hội.

(*) Bài tham dự cuộc thi viết về Du lịch Hải Dương
Báo Du lịch - Tổng cục Du lịch - Bộ VHTTDL

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây