Kinh nghiệm du lịch Hải Dương từ A-Z

Chủ nhật - 10/07/2016 17:49 - 3584 lượt xem
Hải Dương, vùng đất lưu trữ nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và có nhiều món ngon làm níu chân du khách. Du lịch Nữ Hoàng sẽ đưa bạn đi từ thú vị này đến thú vị khác khi giới thiệu mảnh đất đặc biệt này. Bài viết này tổng hợp tất tần tật về địa danh nổi tiếng, lễ hội truyền thống, ẩm thực, phương tiện di chuyển và thời gian tới hợp lý khi tới Hải Dương, hi vọng sẽ có ích khi bạn muốn tìm hiểu về cảnh đẹp, con người và tập tục nơi đây.
I. DI CHUYỂN TỚI HẢI DƯƠNG
1. Di chuyển

Tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách di chuyển từ Hà Nội tới Hải Dương, những bạn ở miền Trung và Nam thì có thể chọn đây là địa danh xuất phát. Còn đối với những tỉnh ở miền Bắc thì tham khảo các bến xe ở tỉnh mình nhé!
+ Đi bằng xe bus
Các bạn bắt xe 202 từ Gia Lâm - Hải Dương, giá vé xe bus là 25.000 đồng và thời gian đi khoảng 1.5- 2 tiếng. Xe 202 có tần suất 15 phút 1 chuyến nên bạn hoàn toàn yên tâm là không bị chờ đợi quá lâu. Đi xe bus tuy không được tiện nghi như taxi nhưng nếu muốn có những trải nghiệm đáng nhớ thì tôi khuyên bạn nên đi để thử cảm giác ngồi bus về Hải Dương nhé! Bạn có thể bắt taxi hoặc xe ôm để tới các điểm tham quan quanh Hải Dương.
+ Đi bằng phương tiện cá nhân
Nếu bạn đi xe máy hoặc đi ô tô thì thật đơn giản vì Hải Dương cách Hà Nội khoảng 60km. Lưu ý là bạn cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ, kính đi đường, bản đồ hoặc điện thoại có chức năng chỉ đường và chấp hành đúng luật giao thông khi đi du lịch Hải Dương.
 
du lich hai duong 1

2. Thời gian đến
Hải Dương có sự thay đổi khí hậu rõ rệt theo mùa, bạn nên đến vào mùa thu vì lúc này thời tiết rất thoải mái và dễ chịu. Tuy nhiên, nếu thích ăn vải thì chọn đi vào mùa hè nhé, bạn sẽ được thoải mái thưởng thức những trái vải thơm ngon, ngọt lịm vào thời gian này.
3. Nhà nghỉ, khách sạn
Hải Dương có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nổi tiếng là khách sạn Nam Cường 25 tầng. Tuy nhiên, giá phòng ở đây hơi mắc. Với khách bình dân thì nên tìm khách sạn ở trên tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Duệ, Điện Biên Phủ,... Cần gọi điện đặt phòng trước để tránh tình trạng hết phòng.
Ngoài ra, còn một số nhà nghỉ bình dân cho bạn tham khảo là Công Đoàn Côn Sơn, Hữu Nghị, Nhà khách Hồ Côn Sơn, nhà khách Quân khu 3,... Tùy vào điểm đến của mình mà bạn chọn cho mình khách sạn, nhà nghỉ phù hợp.
II. CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NỔI TIẾNG
1. Quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Côn Sơn là nơi có phong cảnh thơ mộng, hữu tình, có núi, rừng, suối, hồ đan xen, hòa hợp nhau. Suối chảy rì rầm giống như những tiếng đàn cầm vang vọng giữa núi rừng mênh mông. Buổi sáng, sương mờ bao phủ quanh đỉnh núi, để đến buổi trưa lại khoác lên mình tấm áo màu xanh tươi tắn. Đến với Côn Sơn là bạn được đến một vùng đất huyền bí với bao điều cần khám phá.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về Quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc bạn vào đây.
2. Đền Tranh
Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm ở gần bến đò Tranh, Tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn, nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thờ vị thần sông nước coi khúc sông.
Đền Tranh một năm có ba mùa lễ hội. Hội tháng 2, từ ngày 10-20 / 2, trọng hội vào 14 - ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh, đây là hội chính hàng năm. Hội tháng 5, từ ngày 20-26 / 5, trọng hội vào 25 - ngày hoá của Đức thánh. Lễ hội đền Tranh có quy mô rộng lớn, thu hút khách nhiều tỉnh phía Bắc, một trong những hội lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường, đặc biệt với các bà các cô ở các thành phố, bởi thế khách thập phương đến đây rất đông. Không chỉ trong những ngày hội (thường kéo dài tới 7 ngày) mà những ngày thường cũng không ít khách đến lễ và không thể thiếu tiết mục hát chầu văn.
du lich hai duong den tranh
3. Đền Cao An Phụ
Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tên tự  là An Phụ Sơn Từ, thuộc xã An sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Đền xây dựng thời Trần, các công trình kiến trúc hiện nay được trùng tu, tôn tạo, khôi phục nhiều hạng mục, mở rộng phạm vi khu di tích xứng với tầm vóc của danh nhân: như đền chính, nghi môn ngoại, nghi môn nội và công trình văn hóa như chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo.Lễ hội được tổ chức ngày mùng 1 tháng 4 (âm lịch), kỷ niệm ngày mất của ông, nhân dân thập phương rước lễ vật về đền tế lễ… Ngoài lễ hội chính, đền Cao có quan hệ mật thiết với khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, do vậy trong hai kỳ lễ hội tại Côn Sơn-Kiếp Bạc (xuân, thu nhị kỳ) đông đảo khách thập phương hành hương về thắp hương tưởng niệm.
4. Đảo Cò Chi Lăng Nam
Từng đàn cò trắng hàng nghìn con bay rợp trời ríu rít gọi nhau về tổ mỗi khi chiều buông trên mặt hồ An Dương xanh mát, là hình ảnh cực kì ấn tượng đối với mỗi du khách khi có dịp ghé thăm đảo cò Chi Lăng Nam ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Hiện nay, đảo cò đã được quy hoạch thành vùng du lịch sinh thái để thu hút du khách. Đến với đảo cò, vào lúc sáng sớm hay chiều muộn, du khách sẽ có cơ hội được ngắm nhìn hàng nghìn cánh cò trắng chao nghiêng trên mặt hồ An Dương. Đẹp nhất là vào lúc hoàng hôn, khi buổi chiều tà hắt ánh sáng dát vàng lên mặt hồ An Dương, những đàn cò ríu rít gọi nhau bay về tổ, tạo nên một khung cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Đến với Đảo Cò, du khách còn được thưởng ngoạn một không gian xanh mát và mang đậm nét thôn quê của vùng hồ An Dương. Ở đó, trên chiếc thuyền nhẹ trôi trong ánh chiều tà, được ngắm nhìn những cánh cò cánh vạc, được nghe tiếng chim kêu gọi bầy trong một vùng không gian hoang dã, du khách sẽ thấy thêm yêu, thêm quý cuộc sống tươi đẹp của thiên nhiên, một món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.
du lich hai duong dao co

5. Văn miếu Mao Điền
Nằm bên quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, văn miếu Mao Điền ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là một kiến trúc bề thế và cổ kính. Nơi thờ các bậc nho học này có lịch sử vẻ vang với hàng ngàn cử nhân, tiến sĩ đã được đào tạo và đỗ đạt.
6. Bảo tàng Hải Dương
Bảo tàng Hải Dương được thành lập theo Quyết định số 314/QĐ - UBND, ngày 25/7/1987 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng. Ngày 1/1/1997 tỉnh Hải Hưng chia tách làm 2 tỉnh: Hải Dương và Hưng Yên. Bảo tàng được đổi tên là Bảo tàng Hải Dương. Phòng Trưng bày chính giới thiệu lịch sử tỉnh Hải Dương theo biên niên, được khánh thành ngày 2/9/1990, gồm các chủ đề:
a - Hoàn cảnh tự nhiên.
b - Di vật lịch sử - văn hóa từ khởi thủy đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.
c - Di vật lịch sử - văn hóa 50 năm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tiền thân của Bảo tàng Hải dương học hiện nay là Bảo tàng Sinh vật biển, được người Pháp xây dựng đồng thời với Viện Hải Dương Học Nha Trang. Bảo tàng còn tổ chức các kho mở để giới thiệu các sưu tập gốm sứ cổ, với gần 2.000 hiện vật, phần lớn được khai quật tại các lò sản xuất trên đất Hải Dương, tiêu biểu là sưu tập gốm Chu Đậu (Thế kỷ 15 đến 16).
Khu vực trưng bày ngoài trời dành để giới thiệu về Dân tộc học, mộ cổ, vũ khí lớn, bia ký, tác phẩm điêu khắc đá…
Nhà trưng bày chuyên đề gốm của Bảo tàng có trưng bày các sưu tập gốm cổ được phát hiện tại Hải Dương, đặc biệt là sưu tập gốm Chu Đậu được khai quật ở con tàu cổ bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam). Bảo tàng Hải Dương hiện có 43.324 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó có 25 bộ sưu tập hiện vật quý hiếm như: tiền cổ, gốm Chu Đậu, văn bản Hán Nôm.
7. Làng tiến sĩ Mộ Trạch
Cách thành phố Hải Dương về phía tây nam khoảng 30km là huyện Bình Giang. Ở đây có một làng cổ, làng tiến sĩ, làng văn hiến nổi tiếng khắp đất nước về truyền thống hiếu học và thành đạt của xứ Đông xưa, nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng. Đến nay tinh thần hiếu học đó vẫn được duy trì và phát huy, làng được mọi người gọi với cái tên trìu mến: Làng đại học.
Trong lịch sử khoa bảng, Mộ Trạch được xem như ngôi làng “số 1” của nước ta về con đường học vấn. Ngôi làng duy nhất trong cả nước được Dực Tôn Anh Hoàng đế (vua Tự Đức) vốn thông minh hay chữ tặng lời vàng ban tặng: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ).
Trong 82 văn bia còn lại tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã có đến 18 bia khắc tên 25 tiến sĩ làng Mộ Trạch. Còn tại Văn Miếu Mao Ðiền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thì có đủ tên của 36 tiến sĩ làng Mộ Trạch.
Cho tới nay, Mộ Trạch vẫn là làng quê thuần nông, không có nghề phụ. Vì thế người dân thường động viên con cái cố gắng học hành để thoát khỏi đói nghèo, làm rạng rỡ dòng họ, tổ tiên. Dân gian có câu “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm” (tên tục làng Mộ Trạch) là nói về “mạch chữ” không ngừng chảy ở mảnh đất xứ Đông nhiều nhân tài này.
du lich hai duong lang mo trach

8. Đền Sượt
Đền Sượt được xây dựng trên nền sinh từ, khi vinh quy về cho sửa làm quan cư, đã trùng tu nhiều lần. Đền kiến trúc kiểu chữ công, quay mặt hướng tây, gồm tòa bái đường, ống muống và hậu cung. Cổng tam quan, phía trước có ba chữ đại tự Quang Liệt miếu, mặt sau 4 chữ Thanh Cương linh từ. Năm gian tiền đường kiến trúc theo kiểu chồng rường đấu sen, thượng tam hạ tứ.
Trên tất cả các vì đều có chạm khắc các họa tiết gần gũi với đời thường. Chính giữa bái đường có một nhang án lớn bày các đồ tế tự, trên có treo bức đại tự Thượng đẳng phúc thần do vua phong cho ngày trước. Ba gian hậu cung kiến trúc kiểu con chồng đấu sen nhưng đơn giản. Một nhang án lớn có nhiều tầng để bày lễ vật. Trong cung có khám lớn, bày bài vị của đại vương.Đền Sượt hiện còn một di vật từ thời Vũ Hựu là đôi nghê đá dựng trước cửa đền.
Lễ hội đền Sượt hằng năm mở từ ngày 10 tháng 3 âm lịch, trước đây kéo dài tới 10 ngày. Trong dịp lễ hội, có nhiều nghi thức độc đáo, chuẩn bị rất công phu và mang nhiều kịch tính, thể hiện mối giao hòa giữa đời sống hiện hữu với thế giới tâm linh. Nổi bật là lễ thượng tiến, hội giã bánh dày, nấu rượu hoàng tửu, lễ xin âm dương, tục thả trứng đêm 14 tháng 3, tục thả cây đám, tục đánh “bệt” (đánh hổ dữ về gây hại dân làng) v.v… 
Mỗi nghi thức, tục  lệ đó đều gắn với các sự tích trong đời hoạt động của Vũ Hựu. Tục xin âm dương (cầu mưu) nhiều năm rất ứng nghiệm. Tục đánh “bệt” diễn ra như một màn kịch, có các hồi, các lớp, hàng trăm thanh niên tham dự, từ đình ra đến đền, hết sức sôi động, là nghi thức kết thúc mười ngày lễ hội. Ngày nay, lễ hội làm ngắn gọn và không tái diễn các nghi lễ cầu kỳ như ngày trước, song vẫn bảo đảm tín ngưỡng truyền thống. Ngược lại, việc lễ bái lại tổ chức thường xuyên vào mồng 1 và ngày rằm hằng tháng để khách thập phương đến dự.
9. Gốm Chu Đậu
Gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương được coi là gốm Đạo, gốm bác học, nó toát lên vẻ đẹp dung dị của người Việt Nam, một bản sắc Thuần Việt biểu trưng của nền văn minh châu thổ sông Hồng. Nét đặc trưng của Gốm Chu Đậu thể hiện ở kiểu dáng, màu sắc, văn hóa và các họa tiết tinh xảo. Những hoa văn trang trí trên Gốm Chu Đậu khiến người xem cảm nhận được bản sắc văn hóa của con người Việt Nam.
Không chỉ thu hút khách trong nước, làng gốm Chu Đậu còn hấp dẫn đông đảo khách nước ngoài; trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài là những nhà khoa học có nhu cầu nghiên cứu về không gian, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, các di vật gốm cũ, các lò, công cụ chế tạo gốm cổ.
du lich hai duong
10. Chùa Thanh Mai
Nếu có dịp về Hải Dương, mời du khách ghé thăm chùa Thanh Mai. Đến đây, ngoài cơ hội được chiêm ngưỡng cả một hệ thống công trình kiến trúc độc đáo như: Viên Thông Bảo Tháp - xây dựng năm 1334 và 7 ngôi tháp sư, trong đó có tháp Phổ Quang - xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702), tháp Linh Quang - xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703) cùng các pho tượng phật có hình dáng rất đẹp như: Pho tượng cửu long, đệ nhất tam tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, đệ nhị Thiền sư Pháp Loa và đệ tam Huyền Quang..., du khách còn được tham dự Lễ hội chùa Thanh Mai (được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm) với nhiều nghi lễ tôn nghiêm như: giảng kinh, mộc dục, chay đàn,...
Vào mùa thu, chùa Thanh Mai còn được các bạn trẻ đến rất đông bởi những cây phong lá vàng tạo một khung cảnh lãng mạn.
III. CÁC LỄ HỘI NỔI TIẾNG
1. Lễ hội đền Kiếp Bạc

Thời gian: 15-20/8 âm lịch.
Địa điểm: Xã Hưng Ðạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương
Đối tượng suy tôn:Trần Quốc Tuấn
Đặc điểm: Lễ tế, rước kiệu Thánh.
du lich hai duong hoi kiep bac
2. Hội đền Quan Lớn Tuần Tranh
Thời gian: 14/2 âm lịch.
Địa điểm: Thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Đối tượng suy tôn: Thần sông.
Đặc điểm: Lễ bái, lên đồng, hầu bóng, hát chầu văn.
3. Hội đền Sinh
Thời gian: 11/8 âm lịch.
Địa điểm: Làng An Mô, xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Đối tượng suy tôn: Chu Huy Công, Chu Phúc Uy, tướng giỏi của Lý Bôn.
Đặc điểm: Dâng hương cúng giỗ suốt ngày, cúng tế ở đền, chơi cờ tướng, chọi gà, hầu bóng.
4. Hội đền Yết Kiêu
Thời gian: 15/1 và 15/8 âm lịch.
Địa điểm: Thôn Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Đối tượng suy tôn: Yết Kiêu (danh tướng của Trần Hưng Đạo giỏi bơi lặn, có tài thuỷ chiến).
Đặc điểm: Lễ mộc dục, thi cỗ hộp, rước tượng, múa tứ linh, đòn bát cống, đua thuyền, đánh cờ, đánh đáo đĩa.  
du lich hai duong hoi den yet kieu

5. Hội Côn Sơn
Thời gian: Hội thu: 16 - 20/8 âm lịch; Hội xuân: 18 - 22/1 âm lịch. 
Địa điểm: Phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. 
Đối tượng suy tôn: Nguyễn Trãi - nhà quân sự, chính trị thiên tài và là nhà văn lớn của dân tộc Việt Nam thế kỷ 15, sư Huyền Quang, (một trong ba vị sáng lập thiền phái Trúc Lâm). 
Đặc điểm: Dâng hương, tưởng niệm, bàn cờ tiên, đấu vật, chơi cờ.
6. Hội chùa Thanh Mai
Thời gian: 1 - 3/3  âm lịch. 
Địa điểm: Xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. 
Đối tượng suy tôn: Đức Phật, Trúc Lâm đệ nhị Tổ Pháp Loa. 
Đặc điểm: Tưởng niệm ngày mất của Trúc Lâm đệ nhị Tổ Pháp Loa.     
7. Hội chơi pháo đất
Thời gian: Tháng 3 âm lịch. 
Địa điểm: Xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. 
Đặc điểm: Thi pháo đất, mỗi đội được dự thi 3 quả pháo đất. Thi pháo đất là hội tưởng niệm truyền thuyết dân làng đã cầu cho voi chiến thoát khỏi sa lầy trên đường đi đánh giặc và cũng là tục cầu sấm, cầu mưa của cư dân nông nghiệp cổ xưa.     
du lich hai duong hoi phao dat
8. Hội Tuệ Tĩnh
Thời gian: 14/2 âm lịch. 
Địa điểm: Xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 
Đối tượng suy tôn:  Thánh y sư Tuệ Tĩnh. 
Đặc điểm: Lễ dâng hương, lễ thánh vị, xin thuốc lá về uống (lá cây thuốc trồng quanh đền).     
9. Lễ hội đền Cao
Thời gian: 22 - 24/1 âm lịch. 
Địa điểm: Xã An Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. 
Đối tượng suy tôn: Thành hoàng làng và 5 anh em họ Vương giúp Lê Đại Hành phá giặc Tống: Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu. 
Đặc điểm: Rước 6 kiệu với đội múa rồng và múa lân đi đầu.
du lich hai duong hoi den cao
10. Hội đền Gốm
Thời gian: 13 - 21/8 âm lịch. 
Địa điểm: Xã Cổ Thành, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. 
Đối tượng suy tôn: Tướng Trần Khánh Dư, người có công lớn đánh chìm toàn bộ đoàn thuyền lương của quân Nguyên ở cửa biển Quảng Ninh 1288. 
Đặc điểm: Rước thần ra đình, tế lễ,  đua thuyền. 
IV. CÁC ĐẶC SẢN, MÓN ĂN NGON NỔI TIẾNG
1. Bánh đậu xanh

Bánh đậu xanh là đặc sản nổi tiếng nhất ở Hải Dương mà hầu như ai đến đây cũng đều muốn thưởng thức một lần và mua về làm quà biếu người thân. Nguyên liệu chính của bánh là: đậu xanh, đường tinh, mỡ lợn và tinh dầu hoa bưởi. Tất cả được hòa quyện vào nhau tạo thành bánh có mùi hương và vị đậm đà, khó quên.
Cái độc đáo, tinh tế của bánh nằm ở công đoạn chế biến, đòi hỏi người làm phải thật sự tỉ mỉ và khéo léo. Bánh có nhiều loại với độ ngọt khác nhau, thực khách có thể chọn loại phù hợp với mình. Có loại bánh còn cho thêm bột đậu đỏ, hạt sen hay lạc vào trong để tăng thêm hương vị. Ăn bánh đậu xanh, bạn sẽ cảm nhận được vị thơm, bùi của đậu, chút ngọt của đường kết tinh, chút ngậy của mỡ lợn và mùi thơm mát của hoa bưởi. Bánh thường được mọi người ăn cùng với nước chè.
du lich hai duong banh dau xanh
2. Bánh gai Ninh Giang
Chiếc bánh gai được làm từ bột nếp, đậu xanh, ăn dẻo và thơm thì ai cũng biết nhưng bánh gai Ninh Giang lại mang một hương vị rất riêng của vùng đất Hải Dương. Vỏ bánh được làm từ bột nếp hòa cùng với lá gai giã nhuyễn, tạo màu đen huyền hấp dẫn. Nhân bánh có mùi thơm đặc trưng của đậu xanh bỏ vỏ vùa xốp và mịn.
Bánh gai cũng đòi hỏi bạn phải biết cách thưởng thức, cắn từng miếng nhỏ để ngọt tan nơi đầu lưỡi. Mùi thơm của lá gai, độ sần sật của mứt bí và ngậy của mỡ lợn khiến người ta phải nhâm nhi chầm chậm từng chút một.
3. Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng thì có thể tìm thấy khắp mọi nơi nhưng để thưởng thức món bún cá rô vừa thơm, vừa hấp dẫn vừa đậm đà hương vị thì bạn phải đi du lịch Hải Dương.
Chế biến bún cá tưởng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người làm. Những con cá được luộc chín, bóc thịt ra riêng rồi phi cùng hành mỡ có mùi thơm nức. Nước dùng của bún cá rô cũng được chế biến rất tỉ mỉ, nước trong leo lẻo và đậm đà vị ngọt của cá, người ta có thể bỏ ít gừng tươi để mùi hương thêm phần quyến rũ.
Thưởng thức bát bún cá rô đồng trong ngày đông lạnh giá mới là cái thú. Đó là cảm giác ngồi xì xụp bát bún cá nóng hổi, thìa nước dùng ngọt đậm, thịt cá mềm, ngon trộn lẫn cùng những sợi bún trắng đều tăm tắp khiến thực khách nhớ mãi.
4. Vải thiều Thanh Hà
Vải thiều Thanh Hà được mệnh danh là “bà hoàng” của các loại vải. Vải thiều hạt nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày mọng nước. Trái vải lớn cỡ ngón chân cái, tạo thành chùm, vỏ màu đậm hơi sần sùi. Vị ngọt dịu mát hòa lẫn với mùi thơm của nước vải ngấm vào tận răng người thưởng thức. Hương vị của vải thiều Thanh Hà khi ăn xong còn vương vấn mãi.
du lich hai duong vai thanh ha
5. Rươi Tứ Kỳ
Về Tứ Kỳ - Hải Dương mà không thưởng thức những món rươi ở đây thì quả thực là điều tiếc nuối. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, món chả rươi là món dễ chế biến và thơm ngon nhất vùng quê này.
Chả rươi được làm theo phương thức gia truyền, thơm lừng hấp dẫn. Món rươi có thể “đánh gục” cả những người có khẩu vị khó tính nhất. Vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi trộn với trứng gà, và mùi thơm thanh thanh của vỏ quýt cộng với húng thơm hấp dẫn lưu lại hương vị khó quên. Ngoài chả rươi còn có món nem rươi, lẩu rươi, rươi rang muối… cũng được ưa thích.
6. Bánh đa gấc Kẻ Sặt
Bánh đa gấc Kẻ Sặt là một đặc sản không thể bỏ qua khi đến Hải Dương. Nguyên liệu làm bánh gồm những nguyên liệu giản dị như gạo, đường, vừng, lạc, dừa thái mỏng và hương vị gừng tươi.
Bánh đa gia truyền có màu vàng óng nhưng hiện nay người ta còn cho thêm cả gấc để tạo màu đỏ hấp dẫn, vì vậy mới có tên là bánh đa gấc Kẻ Sặt.
7. Gà Mạnh Hoạch
Gà tươi Mạnh Hoạch nổi tiếng khắp cả nước 20 năm nay không phải là một loại gà như ông cha ta vẫn gọi như: gà ri, gà Tam Hoàng, gà chọi… mà là tên một thương hiệu xuất phát từ ông “vua gà” đến từ Hải Dương– Phạm Hồng Hoạch.
Từ một quán nhỏ do ông Phạm Hồng Hoạch làm chủ đến nay đã trở thành một thương hiệu có hệ thống nhà hàng trên khắp cả nước thu hút nhiều thực khách gần xa và là một món ngon mà dân sành ăn nhắc đến như một món ăn không thể bỏ qua của ẩm thực miền Bắc Việt Nam nói chung và ẩm thực Hải Dương nói riêng.
du lich hai duong ga mach hoach
8. Bánh lòng Kinh Môn
Bánh lòng từ lâu đã trở thành thứ bánh đặc sản truyền thống ở đây. Thế nhưng ở ngay trên mảnh đất Kinh Môn, người ta không thể thấy thứ bánh này ở quán nước hay bất cứ phiên chợ nào mà chỉ thấy trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết đón xuân về.
Để làm ra những khuôn bánh lòng thơm ngon, người làm bánh phải mất rất nhiều thời gian, công sức và khó mà thành công được nếu chỉ có một hai người tham gia. Chính bởi sự cầu kỳ, công phu mà ngày càng ít hộ gia đình trong hai xã An Phụ và An Sinh (thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương) còn tiếp tục làm.
Bánh lòng khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh cáy, chè lam,... bởi vị ngọt dẻo bùi thơm, cay nhẹ của gừng, bỏng gạo nếp cái hoa vàng, lạc rang và đường quyện lại. Sản vật của vùng đất núi dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chỉ cần thử một lần cũng khó có thể quên được.
9. Bánh dày Gia Lộc
Khách qua đường lỡ bữa dừng chân tại thị trấn Gia Lộc (Hải Dương) ăn chiếc bánh dày, uống chén trà hoặc mua vài gói bánh về làm quà cho người thân, chỉ một lần rồi nhớ mãi hương vị để lần sau có dịp đi qua nhất định lại ghé nơi này.
Chiếc bánh dày trắng mịn, dẻo thơm đã trở thành một trong những đặc sản ẩm thực của thị trấn Gia Lộc. Bánh dày Gia Lộc có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối hòa quyện vào nhau tạo nên một dư vị rất độc đáo. Làm bánh dày có ít công đoạn nhưng đòi hỏi tay nghề người thợ làm bánh phải vào bậc nghệ nhân.
Thưởng thức thứ bánh này, thực khách sẽ thấy khoan khoái, cảm nhận dư vị đậm đà của hương nếp trong từng miếng bánh quyện vơi hương thơm lá chuối. Bánh dày ăn kèm với giò lụa, xôi nén ăn chung với chả là thứ quà sáng đặc trưng của người dân địa phương. Giữa vô vàn những thứ quà ăn sáng như phở, bún, cháo… chiếc bánh dày truyền thống vẫn được nhiều du khách lựa chọn như một món ăn đượm tình quê hương.
du lich hai duong banh day gia loc
10. Bánh cuốn Hải Dương
Về thành phố Hải Dương, tìm tới con phố Bắc Sơn, con phố với món bánh cuốn nổi tiếng đã được đưa vào từ điển Wikipedia. Ở đó có quán bánh cuốn bà Thấu gắn liền với thương hiệu bánh cuốn Hải Dương.
Chẳng như bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Hà Nam hay bánh cuốn Hàng Kênh, Nam Định nổi tiếng nhờ các phương tiện truyền thông hoặc phương tiện… giao thông do ở gần quốc lộ, không nhiều người còn nhớ đến bánh cuốn Hải Dương. Nhưng nếu ai đã thử, sẽ chẳng thể nào quên những tấm bánh mỏng mướt như giấy pơ-luya, thanh mát, trong suốt mà vẫn béo ngậy. Chẳng thế mà cách đây ít năm, khi quốc lộ 5 còn đi qua trung tâm thành phố Hải Dương, những chiếc xe gắn biển Hải Phòng, Hà Nội bao giờ cũng ghé vào Bắc Sơn ăn “Bánh cuốn bà Thấu”.
Bây giờ, những hàng bánh cuốn ở Bắc Sơn đã vãn. Nhưng miếng ngon nhớ lâu, nhiều vị khách ở nơi xa, dù chỉ một lần nếm thử bánh cuốn Hải Dương, mỗi lần đến đây vẫn phải cố công tìm ăn bằng được

Nguồn tin: dulichnuhoang.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây