Đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước, mảnh đất này còn hoang vu, thưa thớt bóng người. Lỵ sở mới chỉ có những dãy nhà trình tường, lợp lá gồi, lá tranh. Đường 18 heo hút ít người xe qua lại.
Thế mà 12 năm sau, cảnh Sao Đỏ đã thay đổi. Đường 18 xanh bóng cây xà cừ, phi lao, bạch đàn, là kết quả toàn dân thực hiện lời kêu gọi Tết trồng cây của Hồ Chủ tịch. Nông trường, lâm trường và một số cơ quan, trường học đã về đây xây dựng. Phía Lục Đầu Giang, người ta đang thi công Nhà máy Thuỷ tinh y tế trong thời chống Mỹ, cứu nước.
Ngày ấy tôi vừa ở bộ đội xuất ngũ về quê, tham gia công tác thông tin - văn hóa xã. Những lần từ nhà lên huyện họp, ngắm nhìn phong cảnh mảnh đất Sao Đỏ đang chuyển mình, bỗng dâng lên một niềm tin. Những năm ấy tôi cũng mới làm thơ. Suy nghĩ nhiều ngày và tôi viết bài thơ về quê hương, chọn tên trước là "Sao Đỏ".
Tôi mở đầu những câu thơ bằng thế đất, bằng vị trí địa lý của Sao Đỏ: "Dựa lưng vào dãy Côn Sơn/Đầu vươn Kiếp Bạc, sóng nguồn Lục Giang/Mắt tìm con gió phương nam/Sao Đỏ ơi, mảnh đất ngàn yêu thân…".
Đến năm 1973, tuy đất nước đang trong cảnh chiến tranh nhưng khắp nẻo đường đều có mạng lưới dây truyền thanh, có treo loa công cộng. Đây đó là những nhà bưu điện, hiệu sách nhân dân, cửa hàng bách hóa, hiệu thuốc nằm san sát theo hai bên đường phố…
Từ cái thực ấy đã tạo cho tôi cảm hứng. Tôi vân vi nghĩ tới ngày mai, trên mảnh đất này sẽ có nhiều biến đổi, khi đất nước hòa bình: "Ngày mai em đến Côn Sơn/Điện lừng khe suối, vui đường thông reo/Ngày mai Sao Đỏ đẹp nhiều/Núi nhường ống khói sớm chiều vờn mây".
Tôi cũng linh cảm rằng một vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, như Côn Sơn, Kiếp Bạc, sẽ là mảnh đất có tiềm năng, thu hút sự chú ý của cả nước vào đây. Trong dòng liên tưởng lãng mạn ấy, tôi hạ bút: "Một thành phố của tương lai/Đã nghe náo nức bào thai nhân hình".
Bài thơ viết tháng 7.1973, khi đất nước đang còn trong chiến tranh ác liệt nhất. Các cơ quan của Huyện uỷ, Ủy ban Hành chính huyện phải đi về các làng quê sơ tán, cuộc sống vô cùng gian khổ... Nhưng tôi cứ tin rằng cái mảnh đất này sẽ trở thành một thành phố. Tại thời điểm ấy, có người bảo tôi lạc quan tếu?
Bài thơ đã in ra và phổ biến rộng rãi, được tuyển trong tập thơ "Hải Hưng 1965-1975", có nhiều nhà thơ trung ương và địa phương đóng góp tác phẩm.
Sau gần 40 năm bài thơ ra đời, tháng 2.2010, mảnh đất Sao Đỏ, thủ phủ của huyện Chí Linh miền núi ấy, cả huyện đã trở thành thị xã Chí Linh. Rồi 9 năm sau, bây giờ một tên gọi mới xuất hiện: Thành phố Chí Linh.
Thế là sau hơn một nửa thế kỷ (1961-2019), mảnh đất Ba Đèo quạnh hiu khô khát… đã trở thành một đô thị sầm uất, thành thủ phủ của một thành phố đầy tiềm năng kinh tế, văn hóa và du lịch.
Ôi, mảnh đất Sao đỏ - Chí Linh, một thành phố thân yêu, mà tôi đã gọi tên từ 46 năm về trước!
Sao Đỏ
Dựa lưng vào dãy Côn Sơn
Đầu vươn Kiếp Bạc, sóng nguồn Lục Giang
Mắt tìm con gió phương nam
Sao Đỏ ơi, mảnh đất ngàn yêu thân
Tiếng con chim núi thưa dần
Sau đồi ngàn lá thì thầm xôn xao
Tiếng loa hát đó ngọt ngào
Gió như những lớp sóng trào xa bay.
Hơn mười năm trước nơi này (1)
Một vùng hoang dại đất gày xác xơ
Ngổn ngang sỏi đá bơ vơ
Chẳng tiếng chim, chẳng cánh hoa thẹn thùng
Đường còm hun hút lạnh không
Đêm là xứ sở côn trùng, buồn teo!
Mười năm nào đã bao nhiêu
Mà nay Sao Đỏ đã nhiều đổi thay
Đường Xuân (2) rợp mát hàng cây
Chênh chênh vạt lúa quả sây bông vàng
Nương chè đằm ánh trăng ngàn
Chuyến xe vồi vội hương ngàn bay theo
Dãy nhà ai đó lưng đèo
Nôi đưa tiếng mẹ thương yêu ru hời.
Nghiêng nghiêng một bóng chim trời
Lắng nghe chim hót vọng lời nước non
Ngày mai em đến Côn Sơn
Điện lừng khe suối, vui đường thông reo
Ngày mai Sao Đỏ đẹp nhiều
Núi nhường ống khói sớm chiều vờn mây
Một thành phố của TƯƠNG LAI
Đã nghe náo nức bào thai nhân hình.
Tháng 7.1973
1- Năm 1961, Sao Đỏ trở thành huyện lỵ của Chí Linh
2- Đường số 18 |
Theo Báo Hải Dương điện tử