Constrexim - HOD: Tiên phong xây dựng đô thị Chí Linh

Thứ sáu - 19/04/2019 16:38 - 3072 lượt xem
Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Constrexim - HOD
Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Constrexim - HOD
Là một trong những doanh nhân đầu tiên đặt nền móng khai phá, xây dựng và phát triển đô thị xanh, mang lại diện mạo mới và tầm nhìn dài hạn, ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT Constrexim - HOD có nhiều xúc động tự hào riêng vì những đóng góp của mình trong không khí TX Chí Linh đón nhận Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP trực thuộc Hải Dương vào ngày 20/4/2019.

Phóng viên Báo Xây dựng có cuộc trao đổi phỏng vấn ông Nguyễn Đức Cây về những tâm huyết và kế hoạch khi phát triển dự án đô thị tại địa phương này.

Được biết, ông là một trong những doanh nhân đầu tiên đặt nền móng bảo vệ đề án, đầu tư xây dựng và mở rộng khu đô thị hồ Mật Sơn tại huyện Chí Linh trước đây. Hiện nay, dự án trở thành khu đô thị kiểu mẫu với hạ tầng đô thị đồng bộ có tầm nhìn chiến lược. Nguyên nhân, lý do gì khiến ông “gieo duyên” trên mảnh đất này?

- Vốn là người làm việc trong ngành Xây dựng, được phân công quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS. Đến khi Hải Dương và huyện Chí Linh có lời mời các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị xung quanh khu trung tâm, kinh tế, hành chính văn hóa thì năm 2004 tôi chính thức về nghiên cứu một vài dự án tại tỉnh Hải Dương. Tôi đã dừng lại và tiếp cận dự án này tại huyện Chí Linh (nay là TP Chí Linh).

Lúc ấy huyện Chí Linh đồng ý cho tôi nghiên cứu xây dựng đô thị ở cửa ngõ phía Tây Nam của huyện - đó là khu vực hồ Mật Sơn. Vì vậy tôi bắt tay vào thực hiện dự án này ngay sau khi khảo sát mặt bằng (đầu năm 2005).

Những người đi tiên phong, mở lối thường có khó khăn và thuận lợi riêng. Theo ông, những ngày nhận dự án, những thách thức lớn nhất mà ông và các cộng sự phải vượt qua là gì?

- Việc khó khăn nhất khi triển khai dự án đó là: Dự án khu dân cư hồ Mật Sơn có 38ha đất bám phía sau hồ Mật Sơn, nhưng phía sau hồ là thung lũng chứ không phải đất ruộng bằng phẳng. Câu chuyện đặt ra với tôi lúc đó là có dám chấp nhận đầu tư dự án về hướng đó hay không? Vì mở rộng về hướng đó thì đô thị rất đẹp, nhưng nếu không chấp nhận xử lý mặt bằng con suối lớn ngay sau con đập Mật Sơn thì không có khu đô thị đẹp như ngày hôm nay.

Sau khi nghiên cứu kỹ tôi đã quyết định đầu tư và chấp nhận bài toán khó khăn vì phải san lấp trên nửa triệu m3 đất để lấp phẳng 1 thung lũng lớn, công việc này sau 2 năm mới hoàn thành mặt bằng dự án.

Khó khăn tiếp theo là phải rời bỏ gần 3km đường điện cao thế 210KV ra khỏi dự án. Đây là việc chưa có ai làm tại huyện Chí Linh và tưởng chừng không bao giờ làm được. Đến năm 2007 được sự đồng tình của ngành Điện lực, chúng tôi đã di chuyển hoàn thành đường điện mất gần 2 năm.

Ngoài ra công tác giải phóng mặt bằng của một số hộ dân cư cũng rất khó khăn: có thể nói dự án đã được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Hải Dương và huyện Chí Linh. Vào thời điểm ấy, bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương rất ủng hộ các hoạt động đầu tư trong đó có dự án này.

Ông đã thuyết phục lãnh đạo tỉnh Hải Dương và huyện Chí Linh lúc đó như thế nào về một đô thị của huyện nhưng lại xây dựng có định hướng của đô thị có tầm nhìn, có điểm nhấn đến tận tương lai như hôm nay?

- Khi chúng tôi làm dự án KĐT mới khu dân cư hồ Mật Sơn, chưa ai nghĩ khu đô thị sẽ trở thành một TP hiện đại như hôm nay. Lúc ấy, tôi có ý tưởng thiết kế quy hoạch xây dựng quảng trường Sao Đỏ tại 1 thị trấn nhỏ thuộc huyện miền núi. Khi đưa ra xin ý kiến rất nhiều người phản đối vì họ cho rằng Chí Linh cần gì quảng trường, chúng tôi kiên trì thuyết phục trong 6 tháng về dự án và quảng trường này và cuối cùng, tại một cuộc họp đầu năm 2005 dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bí thư Tỉnh ủy và ông Bùi Thanh Quyến - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương các vấn đề đã được quyết định.

Tại cuộc họp này tôi đã trình bày: Chí Linh có gần 20 vạn dân, cần quảng trường rộng cho 2 vạn người trong tương lai. Theo tư duy quy hoạch, tôi đã tính toán khu vực này cần phải có những công trình phù hợp với thời đại, nên cần có quảng trường để trở thành điểm nhấn của TP hôm nay.

Sau khi có quảng trường rồi, thì 5 năm sau Chí Linh được công nhận lên TX. Tôi mừng vì ý tưởng của mình đã thành hiện thực và hôm đó đã có trên 2 vạn người đến quảng trường để mừng Chí Linh lên TX.

Tôi cảm ơn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, vì bà trân trọng tâm huyết của nhà đầu tư khi chúng tôi đã chấp nhận san lấp trên nửa triệu m3 đất, hạ cốt đập hồ Mật Sơn để mặt bằng dự án và hồ văn hóa tương ứng với nhau về cao độ và kiến trúc cảnh quan. Cũng tại hội nghị này lãnh đạo tỉnh đã đồng ý phê duyệt phương án quy hoạch quảng trường theo đề xuất của Cty tôi để hướng tới hôm nay.

Tại dự án này được Trung ương và địa phương rất quan tâm, nó như tín hiệu sáng về quy hoạch đô thị vào thời điểm đó. Ngày 26/5/2005 dự án đã chính thức được khởi công trong niềm hân hoan vui mừng của CBCN và nhân dân trong vùng.

Xuất phát từ tình cảm với quê hương, nhưng hiệu quả dự án mang lại là cơ hội đầu tư cho nhiều khách hàng và môi trường ở lý tưởng không thua kém các khu đô thị chất lượng tại Hà Nội. Xin ông chia sẻ về định hướng kiến trúc trong quá trình thực hiện ạ!

- Trong quá trình thi công dự án mang lại hiệu quả lớn cho xã hội. Tôi đầu tư vì nhiệm vụ và một phần vì tình cảm quê hương. Tôi thấy quê hương mình còn nghèo lắm, đâu đâu cũng nghèo, chưa có đô thị nào xứng đáng. Tôi thấy lãi trong kinh doanh là quan trọng, nhưng tôi đã chia sẻ một phần lãi của dự án để giá bán hợp lý cho người dân quê mình được đến khu đô thị mới để ở. Có thể nói các biệt thự ở đó không thua kém gì các biệt thự tại Hà Nội. Kết quả đó là phần thưởng lớn nhất cho tôi và các cộng sự.

Tại khu đô thị này, chúng tôi chịu trách nhiệm hướng dẫn và quản lý không gian kiến trúc (độ cao, khoảng lùi, đất trống…) nên khu đô thị rất sáng, xanh, sạch, đẹp… Lúc đầu chúng tôi mang cây từ Hà Nội về trồng, sau đó, chúng tôi ươm cây tại chỗ để phục vụ dự án. Toàn bộ mặt hồ Mật Sơn được trồng cây bằng lăng rất đẹp.

Tại dự án này có 1.000 lô đất đã được bán hết, trong đó đã xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 50%. Có nhiều đoàn kiểm tra về dự án đều đánh giá không có bất kỳ điều gì sai sót trong quy hoạch và xây dựng, chúng tôi đã nhận được nhiều lời khen về một “Contrexim vừa có tâm vừa có nghề”. Trong 10 năm qua đơn vị đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Chính phủ và nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác.

Tiếp theo dự án đầu tay nhiều dấu ấn, có thêm bề dày và nguồn lực, được biết sắp tới, ông tiếp tục theo đuổi dự án mới tại Chí Linh. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về kế hoạch này?

- Sau khi hoàn thành dự án khu dân cư hồ Mật Sơn, cách đây 5 năm, chúng tôi có đề xuất tỉnh Hải Dương để xin mở rộng TX Chí Linh về hướng Tây Nam. Sau khi nghiên cứu về hồ sơ đề xuất của đơn vị về quy hoạch và kiến trúc… chúng tôi được lãnh đạo TP Chí Linh và UBND tỉnh Hải Dương chính thức phê duyệt đầu tư 132ha (gấp gần 4 lần dự án cũ). Dự án này được đặt tên là đô thị sinh thái Chí Linh.

Dự án được chia làm hai giai đoạn đầu tư. Giai đoạn I đầu tư 57ha, các hồ sơ dự án cơ bản đã hoàn thành. Nếu không có gì thay đổi, sẽ được thực hiện trong vài tháng tới. Tôi coi đây là cơ may của Constrexim được tiếp tục tham gia đầu tư mở rộng TP Chí Linh.

Đối với dự án Nhà ở sinh thái Chí Linh cơ cấu đầu tư sẽ có nhà cao tầng, thấp tầng, biệt thự, có đầy đủ thiết chế văn hóa thể thao… Tôi cho rằng, với Chí Linh phải đầu tư đúng tầm để nơi đây tiến lên một bước nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tiến lên đô thị TP trực thuộc cấp tỉnh, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng cơ hội phát triển và sức hấp dẫn của Chí Linh trong thời gian tới?

- Tôi lấy làm vinh dự là những người đầu tiên mở rộng xây dựng đô thị ở Chí Linh. Cách đây 15 - 20 năm về trước, sự phát triển của Chí Linh khá khiêm tốn. Sau khi có chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo, chính quyền địa phương, thì Chí Linh phát triển rất nhanh. Từ khi lên TX 2010 đến nay, đã được Trung ương quyết định từ TX lên TP. Bản chất việc chuyển đổi lên TP đã nói lên nội lực toàn diện bên trong của nó.

Tại một vị trí thuận lợi số một về mặt giao thương vì có QL18 đi qua TP, với 3 ngã rẽ về Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Hiện nay, tôi nghĩ, có hai vấn đề cần giải quyết đó là điều hành và kết nối. Nếu làm được hai vấn đề này, thì Chí Linh sẽ là trung tâm kinh tế, du lịch và giao lưu tổng hợp lớn nhất trong vùng. Còn kết nối không tốt thì Chí Linh sẽ bị bỏ qua cơ hội.

Như vậy, kết nối để kêu gọi đầu tư và giao lưu kinh tế là trọng trách của các cấp lãnh đạo chính quyền TP Chí Linh. Tôi tin tưởng với mảnh đất Chí Linh địa linh nhân kiệt, hội tụ đầy đủ các tiềm năng Chí Linh chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Diện mạo của TP sẽ dần mở rộng. Đời sống kinh tế - xã hội của TP hiện đã khá phát triển và sẽ còn phát triển lớn hơn nữa trong tương lai. Tôi vui và tự hào vì đã có những đóng góp nhỏ bé của mình cho địa phương.

Tôi xin phép được thông báo với quý độc giả Báo Xây dựng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu quy hoạch, dự án sắp tới của Constrexim-HOD tại Chí Linh sẽ là dấu ấn lớn của TP vì ở đó có đầy đủ thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch, có đầy đủ hạng mục kiến trúc và hạ tầng đô thị hiện đại không thua kém bất cứ đô thị nào trong khu vực dự án đô thị sinh thái Chí Linh hy vọng sẽ làm thay đổi diện mạo TP trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ninh Nhi (thực hiện)
(Báo Xây dựng điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây