Giải mã chiến thắng của “Ngôi sao” tại vòng loại khu vực phía Bắc
Chủ nhật - 05/05/2019 21:52 - 1542 lượt xem
Tại cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam 2019 vòng loại khu vực phía Bắc, những chiến thắng UUKHAI đã đưa 6 đội tuyển robocon Trường Đại học Sao Đỏ giành quyền vào Vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2019. Với chiến thắng đó, giới truyền thông và người hâm mộ gọi đội tuyển robocon Trường Đại học Sao Đỏ là “ngôi sao” hay “những hạt giống” của vòng loại vậy điều gì làm nên thành công đó, hãy cùng chúng tôi giải mã câu hỏi này!
Vì đó là niềm đam mê cháy bỏng trong mỗi thành viên đội tuyển
Chỉ có niềm yêu thích và đam mê mới giúp con người tạo thành công cho chính bản thân mình, điều đó hoàn toàn đúng đối với các thành viên của đội tuyển robocon Đại học Sao Đỏ. Từ khi là học sinh, niềm yêu thích, đam mê với robot đã ngự trị trong tâm trí của mỗi người và Trường Đại học Sao Đỏ là điểm đến giúp các em thực hiện ước mơ của mình. Bởi vậy, 70% thành viên trong đội tuyển đều là sinh viên năm thứ nhất. Mặc dù là thành viên mới của đội tuyển nhưng cũng không kém cạnh các anh chị về mặt nghiên cứu, chế tạo robot. Theo nhận xét của bạn Phạm Khắc Nam - phụ trách chung toàn đội cho biết: “Các bạn mới tiếp thu rất nhanh, chịu khó tìm tòi, học hỏi thậm chí còn có nhiều ý tưởng sáng tạo trong quá trình nghiên cứu chế tạo robot”.
Nhóm thiết kế cơ khí miệt mài, khéo léo trong chế tạo robot
Không chỉ các thành viên mới, 30% các bạn còn lại là sinh viên năm hai, ba và năm cuối đều là những người “truyền lửa” đam mê cho các em bằng nhiệt huyết của mình. Có lẽ vì điều đó mà tại Trung tâm nghiên cứu chế tạo robot luôn sáng đèn trong đêm, các thành viên của đội tuyển miệt mài với máy tính, đinh, ốc vít… lấp lánh ánh lửa "pháo hoa" đẹp như chính tâm hồn của những chàng trai, cô gái làm nên kỳ tích tại Cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam 2019 vòng loại khu vực phía Bắc.
Phát huy tối đa sự sáng tạo và kiến thức chuyên ngành của các thành viên
Chủ đề của cuộc thi năm nay là bài toán khó đối với sinh viên khi đòi hỏi cơ chế hoạt động của robot MR2 phải đi bằng bốn chân (mô phỏng giống động vật) để vượt qua các chướng ngại vật như: đụn cát (bục gỗ), đụn cỏ (hàng rào dây) và leo núi… bởi vậy, việc thiết kế chế tạo robot tự động khó khăn hơn nhiều so với các năm trước. Các thành viên của đội tuyển phải hợp nhất sự sáng tạo, đưa ra ý tưởng đầu tiên về “hình hài” của robot cùng với đó là cơ chế hoạt động của robot. Bạn Nguyễn Đăng Dũng - phụ trách vẽ thiết kế 3D cho robot MR2 cho biết: “Để MR2 có được hình hài đẹp và hoạt động như hiện nay, các thành viên của đội đã suy nghĩ và đưa ra rất nhiều ý tưởng. Phương án robot đi bằng 4 chân đã được vẽ thiết kế và thực hiện chế tạo cả về phần cơ khí và lập trình, nhưng khi hoạt động tốc độ của robot không cao. Chúng em lại tiếp tục nghĩ ra phiên bản 2 để khắc phục nhược điểm này, sau đó kết hợp hai phiên bản với nhau để ra robot MR2 như hiện nay, đạt được hai ưu điểm đi nhanh và có khả năng vượt qua chướng ngại vật dễ dàng”.
Hình ảnh robot MR2 vượt qua chướng ngại vật
Ý tưởng là sáng tạo về mặt hình thức còn để cả hai robot MR1 và MR2 hoạt động hiệu quả đòi hỏi sinh viên phải vận dụng các kiến thức đã học vào lập trình. Đảm nhận vai trò này chính là các bạn học chuyên ngành điện, điện tử. Để giải quyết được vấn đề kiểm soát gia tốc chuyển động của robot, các bạn đã sử dụng lập trình trên phần mềm Kel CV5, chip sử dụng STM 32 F407 VET8… giúp robot không bị trượt bánh, di chuyển mọi bề mặt khác nhau vẫn giữ được vận tốc và đường đi chuẩn.
Sự kiên trì, bền bỉ và bàn tay khéo léo trong quá trình chế tạo của mỗi thành viên
Không chỉ dừng lại ở phần ý tưởng, việc chế tạo robot là một cả quá trình gian nan, thử thách đòi hỏi mỗi thành viên trong đội tuyển cần phải có sự kiên trì, bền bỉ cùng bàn tay khéo léo trong chế tạo. Đặc biệt, phần chế tạo ra robot MR2 cần chuẩn và chắc chắn, các kỹ sư cơ khí tương lai đã phải rèn giũa tay nghề của mình trong quá trình học tập tại trường cũng như trong chế tạo robot.
Bạn Hồ Văn Công – Sinh viên khoa Cơ Khí, đội trưởng đội SAO ĐỎ NTC KING tuyên thệ tại Cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam 2019 vòng loại khu vực phía Bắc
Bạn Hồ Văn Công – sinh viên khoa Cơ khí cho biết: “Nhận bản thiết kế 3D các bạn trong nhóm cơ khí bắt tay ngay vào chế tạo thử nghiệm. Khi bước vào thử nghiệm mới phát sinh ra các lỗi trong phần thiết kế đó, điển hình như đối với cơ cấu xoay của robot, kích thước được in từ bản 3D, chúng em tự cắt thủ công nên phải tính toán kích thước rất tỉ mỉ. Để robot có được độ chính xác cao, việc chế tạo cần kiên trì, bền bỉ, làm đi làm lại nhiều lần. Trong quá trình chế tạo một phiên bản cho đến khi chạy xuất hiện nhiều lỗi, chúng em lại cải tiến để ra một phiên bản khác dựa trên phần mềm cũ… sau rất nhiều lần cải tiến mới ra phiên bản cuối cùng khá hoàn chỉnh và chạy ổn định nhất”.
Tổ chức nhiều lần thi đấu cọ sát, chăm chỉ tập luyện để đạt được tốc độ cao nhất
Thi đấu cọ sát giúp các đội điều chỉnh để hoàn thiện robot, xác định thời gian cũng như tốc độ của robot tại mỗi trận. Đặc biệt, giúp các bạn phụ trách điều khiển robot MR1 luyện tập để đạt được tốc độ nhanh và chính xác khi trao thẻ và bắn Shagai. Mặc dù robot MR1 được lập trình bán tự động nhưng tại các trận thi đấu vòng loại khu vực phía Bắc, các thành viên đều sử dụng phương án điều khiển bằng tay và đã đạt được kết quả cao. Sự tập trung cao độ cùng bàn tay khéo léo, thuần thục của các thành viên điều khiển robot MR1, giúp cho MR1 chạy với tốc độ nhanh, chính xác góp phần tạo nên chiến thắng UUKHAI, đạt kỷ lục về thời gian tại Cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam 2019 vòng loại khu vực phía Bắc.
Trận đấu cọ sát tại Trung tâm Robot của nhà trường
Luôn giữ tâm thế bình tĩnh, tự tin giành chiến thắng!
Tinh thần là yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng, do vậy, trước khi lên đường tham gia cuộc thi, các thành viên đội tuyển vô cùng háo hức và tự tin khẳng định bản lĩnh thi đấu của mình. Bởi vậy, tại các trận đấu “chiến binh” của Đại học Sao Đỏ không hề nao núng mà luôn bình tĩnh giải quyết các tình huống trên sân. Những chiến thắng UUKHAi của đội Sao Đỏ NTC King, Sao Đỏ VHV Queen, Sao Đỏ An Phát… đạt được trong khoảng thời gian 64 giây, 65 giây, 76 giây và 98 giây… đã gây ấn tượng mạnh với truyền thông và khán giả theo dõi cuộc thi.
Một số hình ảnh chiến thắng UUKHAI của các đội robocon Trường Đại học Sao Đỏ
Tấm vé giành cho 6 đội tham gia thi đấu bước vào vòng chung kết toàn quốc là kết quả thuyết phục mà các chàng trai, cô gái trong đội tuyển đem lại. Sự sáng tạo không ngừng của các thành viên robocon ở sân chơi này thêm một lần nữa khẳng định được bản lĩnh tri thức của sinh viên Nhà trường hướng tới Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.