Nhà trình tường - kiến trúc độc đáo của người Sán Dìu

Thứ bảy - 27/10/2018 20:22 - 2979 lượt xem
Gia đình ông Tô Văn Sạc ở thôn Chín Hạ, xã Bắc An (Chí Linh) còn giữ được ngôi nhà trình tường khá nguyên vẹn
Gia đình ông Tô Văn Sạc ở thôn Chín Hạ, xã Bắc An (Chí Linh) còn giữ được ngôi nhà trình tường khá nguyên vẹn
Nhà trình tường không chỉ độc đáo về chất liệu, kiến trúc mà còn là biểu tượng cho tập quán, lối sống của người Sán Dìu. Tuy nhiên, theo thời gian, những mái nhà trình tường dần biến mất.
Kỳ công

Người Sán Dìu có tên gọi khác là Sán Déo, Mán quần cộc, Mán váy xẻ, Trại đất... Theo người dân nơi đây, nhà trình tường được làm bằng đất. Tùy vào điều kiện kinh tế và số người trong gia đình, người Sán Dìu làm nhà trình tường theo khuôn mẫu 3 gian hoặc 5 gian. Nhà 3 gian gồm gian trái là phòng nghỉ của bố mẹ, gian phải là phòng nghỉ của con cái. Gian giữa có kích thước rộng hơn, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và tiếp khách. Nhà 5 gian gồm 3 gian ở giữa và 2 gian ở hai bên, kết cấu theo hình chữ U. Bên trong nhà có hệ thống cột gỗ phân chia các gian. Để làm được một ngôi nhà vững chãi, gỗ được chọn phải tốt, bền chắc; dùng tre để làm đòn tay, kèo, xà…

Xây nhà trình tường, người Sán Dìu chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chọn đất, vật liệu đến chọn hướng nhà... Vật liệu chính là đất sét đỏ mịn kết hợp với sỏi. Hai loại vật liệu này được nhào kỹ với nước tạo nên một hỗn hợp có độ kết dính cao, sau đó đổ vào khuôn gỗ rồi dùng chày giã đến khi liền thành khối. Lớp này khô lại dỡ khuôn chồng lên lớp khác, cứ như vậy cho đến khi hoàn thành. Để bảo đảm chất lượng nhà, đất phải đạt độ kết dính và trình phải đều, chắc tay.

Gia đình ông Tô Văn Sạc ở thôn Chín Hạ, xã Bắc An (Chí Linh) là hộ duy nhất còn giữ được ngôi nhà trình tường khá nguyên vẹn, đã xây dựng hơn 50 năm. Nhà của ông Sạc gồm 5 gian theo hình chữ U, có 12 cột gỗ xung quanh nhà. Theo ông Sạc, để hoàn thiện ngôi nhà phải mất 3 tháng với hơn 5 chỉ vàng. Khi ấy, số tiền này là cả một gia tài lớn mà không phải gia đình nào cũng có. Gia đình ông phải thuê 10 thợ để thực hiện các khâu như lấy đất, đào móng nhà, nhào đất, đắp trình tường… Ông Sạc cho biết: “Nhìn thì đơn giản nhưng quá trình làm mất nhiều thời gian, công sức. Móng nhà đào sâu khoảng 1 m, được kè bằng đá kết hợp với đất trộn nhuyễn. Độ dày của tường được trình từ 40-50 cm, cao từ 4-5 m. Việc dựng một ngôi nhà trình tường hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên đòi hỏi người thợ phải khéo léo, chính xác”.

Ông Diệt Văn Phú, Trưởng thôn Chín Hạ cho biết: “Nhà trình tường được xây dựng theo kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, thường mở cửa chính theo hướng đông hoặc đông nam. Ưu điểm của nhà này là giữ ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, tuy nhiên lại dễ sập khi bị ngâm nước nhiều ngày. Vì thế, người Sán Dìu thường chọn làm nhà ở nơi cao ráo, tránh những nơi đồi núi trọc, gần khe suối”. Điểm đặc biệt là người Sán Dìu rất quan tâm đến ngạch cửa chính. Họ cho rằng, đây là nơi đầu tiên bước vào trong nhà, là điểm ngăn cách giữa bên trong và bên ngoài. Số ngạch cửa được quyết định theo tuổi của gia chủ, thường được chọn số lẻ.

Cần bảo tồn

 
Cột, cánh cửa nhà trình tường làm bằng loại gỗ tốt

Không chỉ độc đáo về kiến trúc, chất liệu, nhà truyền thống của người Sán Dìu còn mang giá trị tinh thần sâu sắc. Nó còn là nơi gắn kết giữa các thế hệ trong một gia đình. Ở đó, họ truyền cho nhau kinh nghiệm sống, cách giao tiếp ứng xử, phong tục, tập quán… “Ngôi nhà này tuy cũ nhưng rất ấm cúng, bảo đảm cho sinh hoạt gia đình nên dù sau này có điều kiện tôi cũng không muốn xây mới. Bởi tôi muốn giữ lại nếp nhà truyền thống để con cháu đời sau hiểu, từ đó biết trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, ông Sạc cho biết thêm.

Nhưng không phải ai cũng nghĩ như ông Sạc. Cuộc sống của người Sán Dìu ngày nay đã có nhiều thay đổi, những nếp nhà truyền thống được thay bằng những ngôi nhà mái bằng kiên cố. Về cấu trúc, quy mô gia đình truyền thống của người Sán Dìu cũng đang dần thay thế bằng gia đình có 2 thế hệ, rất ít gia đình có 4-5 thế hệ cùng chung sống. Theo ông Diệt Văn Phú, cách đây khoảng 10 năm, trong thôn, trong xã vẫn còn một vài ngôi nhà trình tường, nhưng qua thời gian một số hộ đã bán đi hoặc phá bỏ để xây dựng nhà cao tầng. Hiện Chín Hạ có 160 hộ dân là người Sán Dìu, chiếm 80% số dân trong thôn. Người Sán Dìu vẫn giữ được bản sắc, phong tục tập quán của dân tộc mình như lễ Tết, ma chay... Tuy nhiên, đến nay chỉ còn hộ ông Tô Văn Sạc giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc nhà truyền thống, một số hộ khác chỉ còn giữ được nhà bếp.

Theo ông Đào Bá Võ, cán bộ văn hóa xã Bắc An, hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có chính sách cụ thể nào để bảo tồn, gìn giữ nếp nhà truyền thống của người Sán Dìu. Thời gian qua, địa phương đã tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nơi đây về bảo tồn nếp nhà truyền thống, nhất là thế hệ trẻ để họ trân trọng giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Tuy nhiên ngoài tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể để bảo tồn nét văn hóa độc đáo này của người Sán Dìu. 

THẢO NGUYỄN (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây