Đi tìm biểu tượng Chí Linh, Bài cuối: Biểu tượng nào cho thành phố Chí Linh?
Thứ hai - 22/10/2018 21:04 - 3672 lượt xem
Việc xây dựng biểu tượng hay lựa chọn một công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa hay kinh tế tiêu biểu của thành phố đó làm biểu tượng là điều cần thiết. Vì nó truyền tải những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc trưng nhất, nó gửi gắm thông điệp, khát vọng về sự phát triển vươn lên của thành phố cũng như của chính quyền và nhân dân ở thành phố đó. Trong những bài trước đã đề cập đến những nét, những công trình lịch sử, văn hóa đặc trưng của Chí Linh nhưng việc lựa chọn để tìm ra và tôn vinh thành biểu tượng của Chí Linh cũng không phải là một điều dễ dàng.
Một số xu hướng lựa chọn biểu tượng.
Hiện nay, nhiều thành phố ở nước ta và trên thế giới đều có biểu tượng của riêng mình. Việc lựa chọn biểu tưởng nhằm định vị, nhận diện ra nét đặc trừng, tôn chỉ, mục đích, định hướng của thành phố đó hướng đến điều gì và mang ý nghĩa nào. Những công trình được lựa chọn làm biểu tượng cho thành phố thường là những công trình mang tính lịch sử, văn hóa đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của vùng đất đó mà các thành phố hoặc vùng miền khác không có. Để khi nhắc về công trình đó, người ta có thể biết đó là biểu tượng của thành phố nào và mục đích, ý nghĩa và định hướng của thành phố đó là gì?
Nhìn vào biểu tưởng của nhiều thành phố trong nước và trên thế giới, thấy có một số xu hướng lựa chọn biểu tượng. Trong đó xu hướng lựa chọn những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất gắn bó mang tính trường tồn với thời gian, với đời sống văn hóa, xã hội của cư dân vùng đất đó hay thành phố đó được nhiều thành phố chọn làm biểu tượng. Có thể điểm ra được khá nhiều thành phố theo xu hướng này như:
TP Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của Việt Nam, vì vậy Hà Nội có nhiều công trình hiện đại như những tòa nhà cao tầng hiện đại và cũng có nhiều công trình lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiểu biểu và nổi tiếng như: Khuê Văn Các ở Văn miếu Quốc Tử giám, chùa Một Cột, tháp Rùa, cầu Long Biên, thành Thăng Long, cột cờ Hà Nội… Việc lựa chọn một công trình tiểu biểu nào đó làm biểu tưởng cho Hà Nội cũng là vấn đề rất khó khăn. Năm 2012, Quốc hội đã thông qua và lựa chọn Khuê Văn Các của Văn miếu Quốc Tử giám làm biểu tượng chính thức của thành phố. Văn miếu Quốc Tử giám được xây dựng vào năm 1070 dưới triều Vua Lý Thánh Tông. Đây là trường Đại học đầu tiên của nước ta, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Còn Khuê Văn Các ở trong khu Văn miếu Quốc Tử giám được hoàn thành năm 1805, thời Nguyễn. Công trình có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, ý nghĩa về văn hóa và có tính biểu tượng cao. Việc TP Hà Nội lựa chọn Khuê Văn Các ở Văn miếu làm biểu tượng mang ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần hiếu học, tôn vinh đạo học. Một công trình biểu tưởng đã khái quát đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và định vị đúng về Hà Nội là thành phố hòa bình, văn hiến.
Thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) cũng lựa chọn một công trình lịch sử, văn hóa làm biểu tượng của thành phố, đó là Văn Miếu Xích Đằng. Công trình này năm ở khu dân cư Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên là một di tích quan trọng trong quần thể di tích ở phố Hiến. Di tích này được xây dựng vào cuối thời Lê (cuối thế kỷ 17) và được trung tu lớn vào năm 1839. Công trình rộng 6000 m2, bao gồm các hạng mục kiến trúc: Tam quan, lầu chuông lầu khánh, hai nhà giải vũ, khu chính của Văn miếu, khu tháp thờ… công trình vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ đặc sắc. Tam quan của Văn miếu được xây theo kiến trúc “chồng diêm hai tầng tám mái”. Ngày xưa, Văn miếu Xích Đằng là nơi tổ chức kỳ thi Hương của các triều đình phong kiến. Việc thành phố Hưng Yên lựa chọn Tam quan của Văn miếu Xích Đằng làm biểu tượng có ý nghĩa thể hiện niềm tự hào, nơi hội tụ tinh hoa, học vấn , trí tuệ của người dân phố Hiến.
Ngoài ra, còn nhiều thành phố khác trong nước cũng chọn biểu tượng theo xu hướng này như: TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) với biểu tượng Ngọ Môn và Hoàng Thành, đây là công trình biểu tượng mang tính lịch sử đánh dấu thời kỳ hoàng kim của Huế. TP Nam Định (tỉnh Nam Định) lựa chọn công trình cột cờ Nam Định, đây cũng là di tích lịch sử, văn hóa được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia, biểu tượng tiêu biểu cho kiến trúc thành Nam. Ngay như trong tỉnh Hải Dương có thành phố lựa chọn hình ảnh công trình được xây dựng lâu đời có tính chất lịch sử, văn hóa làm biểu tượng. Đó là TP Hải Dương lựa chọn hình ảnh cổng Thành Đông xưa làm biểu tượng cho mình…
Còn xu hướng lựa chọn những công trình mới, hiện đại được xây dựng mới cũng được nhiều thành phố chọn làm biểu tượng. Đây thường là những công trình hoành tráng, đồ sộ, thể hiện sự kết nối, khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Những công trình được chọn làm biểu tượng theo xu hướng này thường là công trình tòa nhà cao tầng, cầu, tháp, tượng đài… Nhiều thành phố chọn công trình mới xây làm biểu tượng như: TP Đà Nẵng chọn công trình cầu Rồng làm biểu tượng; TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chọn công trình tháp Trầm Hương làm biểu tượng; TP Buôn Mê Thuột chọn công trình Tượng đài Chiến Thắng ở trung tâm thành phố làm biểu tượng…
Chí Linh chọn biểu tượng theo xu hướng nào?
Vùng đất Chí Linh là nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và có nhiều công trình, di tích cổ, đồng thời cũng là địa phương năng động trong phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương, tuy nhiên để lựa chọn biểu tượng Chí Linh được nâng cấp trở thành thành phố là điều không phải dễ dàng. Vậy biểu tượng của thành phố Chí Linh tương lai sẽ được chọn theo xu hướng nào?
Nếu theo xu hướng chọn các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc lâu đời làm biểu tượng thì vừa dễ vừa khó. Dễ bởi vì vùng đất Chí Linh có nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, nhiều di tích gắn với các danh nhân kiệt xuất của lịch sử như: Các di tích của Chí Linh bát cổ gồm: Trạng Nguyên cổ đường, Thượng tể cổ trạch, Nhạn Loan cổ độ, Phao Sơn cổ thành, Dược Lĩnh cổ viên, Tiều Ẩn cổ bích, Tinh Phi cổ tháp, Vân Tiên cổ động, trong đó 3 di tích cổ gồm: Tiều Ẩn cổ bích giờ là di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An; Tinh Phi cổ tháp nằm trong di tích đền thờ Nữ Tiến sĩ khoa bảng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam Nguyễn Thị Duệ, Vân Tiên cổ động giờ là di tích chùa Huyền Thiên nằm trong khu di tích Phượng Hoàng. Ngoài Chí Linh bát cổ còn nhiều di tích quan trọng và giá trị khác như: Di tích đền Kiếp Bạc thờ Danh tướng thế giới, Anh hùng Dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; di tích chùa Côn Sơn thờ Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang, đền Nguyễn Trãi thờ Danh nhân Văn hóa Thế giới, Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trãi; khu di tích đền Cao thờ 5 vị thánh họ Vương là những vị tướng có công lao giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống xâm lược năm 981 và nơi đây cũng là đại bản doanh của Vua Lê Đại Hành điều binh khiển tướng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống; chùa Thanh Mai thờ Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa… Tuy nhiên, khó chọn cũng bởi các công trình có lịch sử lâu đời nhưng trải qua thời gian nhiều công trình di tích đều đã xuống cấp, không còn dấu tích. Hiện nhiều di tích được xây mới trên nền di tích cũ nhưng theo kiến trúc của di tích trước. Kiến trúc các đền, chùa tại các di tích tuy bề thế, nhưng kiến trúc lại giống với các đền, chùa ở miền Bắc nên cũng không tạo ra sự riêng biệt của vùng đất Chí Linh nên không thể chọn làm biểu tượng.
Xu hướng lựa chọn công trình xây mới làm biểu tượng lại càng khó, vì các công trình hiện đại của Chí Linh không có công trình nào to cao, đẹp, đồ sộ mang tính biểu tượng.
Trước đây, nhiều người dân Chí Linh thường tự hào về Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại với cột ống khói cao vút. Cộng trình được xây dựng cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là một trong những công trình nhiệt điện được xây dựng sớm nhất của nước ta. Nó có thể mang tính biểu tượng trong thời kỳ đó, bởi nó là công trình độ sộ, tượng trưng cho đổi mới, tượng trưng cho sự phát triển nền công nghiệp của Chí Linh, tạo bước đột phá, bứt khỏi nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Công trình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đã tạo nên cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thơ, nhạc, họa. Một thời, nhiều người dân Chí Linh thuộc và hát vang bài hát ca ngợi công trình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, tự hào về Chí Linh có công trình thế kỷ này: “Em yêu quê hương em Chí Linh lịch sử. Có Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại mến yêu. Em yêu cột ống khói cao nhất trên công trường. Nhưng em còn yêu hơn bác công nhân nhà máy. Áo thấm mồ hôi muối, tay nấm màu xi măng. Bác làm trên công trường đứng cao hơn ống khói. Bác làm ra ánh sáng truyền giòng điện đi muôn nơi. Đem ánh sáng cho đời. Em càng nhiêu nhà máy. Em càng yêu quê hương. Em càng yêu bác công nhân.”. Một thời, khi nói đến Chí Linh người ta nói ở đó có “ống khói Phả Lại”, còn khi nói về “ống khói Phả Lại” người ta biết nó nằm ở Chí Linh. Nếu trước đây, chọn làm biểu tượng thì rất xứng đáng bởi công trình có tính định vị, nhận diện, tượng trưng và ý nghĩa. Còn bây giờ chọn công trình này làm biểu tượng cho Chí Linh thì không còn hợp nữa. Bởi hiện nay, có nhiều công trình nhiệt điện, thủy điện đã xuất hiện nhiều nơi trong nước với công suất lớn hơn, hiện đại hơn, vì vậy không còn ý nghĩa tượng trưng cho sự đổi mới phát triển nữa.
Hai xu hướng lựa chọn biểu tượng cho Chí Linh đều không phù hợp để chọn biểu tượng. Tuy nhiên, Chí Linh có thể xây dựng một công trình làm biểu tượng cho thành phố trong tương lai. Một công trình được thiết kế sẽ kết hợp giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, kiến trúc và những yếu tố hiện đại để tạo thành công trình biểu tượng của Chí Linh nhằm gửi gắm niềm ước vọng vươn lên trên nền tảng của lịch sử, văn hóa để hướng tới sự phát triển bền vững.
Ví dụ Chí Linh có thể xây dựng một công trình tháp bút ở trung tâm quảng trường Hồ Mật Sơn, trong đó trên đỉnh tháp bút được tạo như ngòi bút lông thời xưa cách điệu giống hình ngọn đuốc, ngọn lửa. Bên dưới thân tháp bút được khắc họa bằng các họa tiết gắn với các đặc trưng của các công trình, di tích của Chí Linh như Chí Linh bát cổ, đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, đền Cao, chùa Thanh Mai… Dưới chân đế của tháp bút cũng được tạo hình bằng các họa tiết mạnh mẽ, khỏe khoắn biểu thị cho những võ công hiển hách của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến lần 2, lần 3 chống quân Nguyên Mông xâm lược trên vùng đất Chí Linh. Công trình tháp bút này biểu thị ý nghĩa thời loạn dùng võ, thời bình dùng văn. Dùng võ để đấu tranh giành độc lập chủ quyền xây dựng nền tự chủ cho quốc gia, dân tộc. Đất nước yên bình dùng văn trị, coi trọng giáo dục để đào tạo nhân tài xây dựng đất nước giàu đẹp.
Xây dựng công trình tháp bút nó mang nét đặc sắc riêng của Chí Linh, vì các danh nhân ở Chí Linh đều là những người hay chữ, giỏi thơ văn, trong đó có nhiều danh nhân như Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ là những nhà giáo xuất sắc trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Tại đền thầy giáo Chu Văn An, nhiều năm trở lại đây đã phụng dựng lại hoạt động đặc sắc đó là lễ khai bút đầu xuân để tôn vinh đạo học. Công trình tháp bút xứng đáng làm biểu tượng của thành phố Chí Linh tương lai.
Tất nhiên, đây chỉ là ví dụ, còn việc lựa chọn biểu tượng nào cho thành phố Chí Linh tương lai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có sự chung tay chung sức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân Chí Linh, cũng như các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và những người có chuyên môn về kiến trúc, biểu tượng để cùng bàn bạc đóng góp để xây dựng biểu tượng cho thành phố Chí Linh xứng tầm những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền tải khát vọng của vùng đất và con người nơi đây.