Đi tìm biểu tượng Chí Linh, Bài 4: Miền đất tâm linh

Thứ hai - 22/10/2018 20:46 - 3042 lượt xem
Đi tìm biểu tượng Chí Linh, Bài 4:  Miền đất tâm linh
Như những bài trước đã nói về Chí Linh là vùng đất thiêng với các huyệt mạch được đặt theo “Tứ linh” Long, Lân, Quy, Phượng. Vùng đất này còn sản sinh và hội tụ nhiều danh nhân, danh tướng, danh sư cùng nhiều truyền thuyết về nhân thần, thiên thần đã tạo lên một hệ thống di tích linh thiêng với sự đa dạng trong tín ngưỡng thờ Phật, thờ Mẫu, thờ Thánh. Chí Linh trở thành miền đất tâm linh hấp dẫn du khách thập phương về chiếm bái, cầu mong những điều tốt đẹp.
Vùng đất “sinh” Thánh
Đất Chí Linh còn lưu giữ biết bao truyền thuyết thần kỳ, nơi đây Phật hiển hiện, Tiên dạo chơi, Huyền Thiên giáng lâm, Phi Bồng tái thế, Nam Tào xuất hiện, Bắc Đẩu về trời... Bởi vậy chùa Thanh Mai có núi Phật Tích, trên núi Côn Sơn có Bàn Cờ Tiên, núi Phượng Hoàng có động Huyền Thiên, chân núi Ngũ Nhạc có tảng đá thờ Phi Bồng nguyên soái; Đền Kiếp Bạc tả hữu có đền thờ quan Nam Tào, Bắc Đẩu... truyền thuyết về nhân thần và thiên thần đã tạo ra sự huyền bí, linh thiêng khiến du khách ngưỡng vọng luôn muốn về để thành kính chiêm bái.

 Đền Sinh – đền Hóa (thôn An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh) là một di tích với tín ngưỡng thờ Thiên Thần Phi Bồng Hiệu Thiên và thờ Mẫu Thạch Linh. Ở di tích này gắn với truyền thuyết về Đức Thánh Mẫu Thạch Linh hạ sinh Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên trên một tảng đá lớn.

Theo nhân dân địa phương kể lại truyền thuyết rằng: Vào thế kỷ thứ 6, thời Tiền Lý, ở làng Yên Mô (nay là thôn An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh) có xảy ra chuyện lạ. Đó là, vào một hôm đám trẻ mục đồng của làng đang chăn trâu dưới chân núi bỗng nghe thấy tiếng khóc vang của hài nhi vọng từ lưng chừng núi Kỳ Lân vọng xuống. Thấy lạ, đám trẻ đã kéo nhau lên nơi có tiếng khóc. Đến nơi, đám trẻ thấy một hài nhi đang nằm trên một tảng đá lớn. Đám trẻ đã đan tay làm kiệu, lấy nón làm lọng rước hài nhi đó về làng. Xuống đến chân núi, bỗng có tiếng nổ lớn, mây đen ùn ùn kéo đến, sấm, chớp, gió cuốn cát bay bụi mù, hài nhi trên tay đám trẻ mục đồng bay vụt lên trời và vọng lại tiếng nói: “Ta là Đại tướng Phi Bồng Hiệu Thiên giáng hạ, nay bị lộ ta phải về trời”. Sau đó, trời quang mây tạnh, khiến đám trẻ mục đồng và dân làng hết sức kinh ngạc và sau đó liền lập miếu thờ. Sau này, nơi Đức Thánh Mẫu Thạch Linh sinh Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên được nhân dân lập đền thờ mang tên đền Sinh, còn nơi Thánh hóa bay về trời lập đền thờ gọi là đền Hóa thờ phụng từ đó đến nay. Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên còn nhiều lần hiển linh giúp đỡ Vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương và giúp Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên Mông xâm lược.

Đền Sinh - đền Hóa là một di tích linh thiêng, luôn được vua quan các triều đại phong kiến và lãnh đạo nhà nước, địa phương thời nay cầu đảo quốc thái dân an, người dân cầu mùa màng tươi tốt, bội thu, sinh sôi nảy nở. Ngoài ra, di tích có gắn với truyền thuyết Đức Thánh Mẫu Thạch Linh hạ sinh Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên nên nhân dân cũng thường đến đây cầu tự mong Đức Thánh Mẫu Thạch Linh phù hộ. Lạ thay, nhiều người đã được toại nguyện có con theo đúng sở cầu.

Đền Cao ( xã An Lạc, thị xã Chí Linh, Hải Dương) gắn với truyền thuyết về 5 đức Thánh họ Vương là những dũng tướng giúp Vua Lê Đại Hành đại phá quân Tống xâm lược năm 981.

Truyền thuyết kể rằng,  vào thời nhà Đinh ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa có một cặp vợ chồng nọ, chồng họ Vương tên Tĩnh, vợ họ Đào tên Thanh tuy đã có tuổi nhưng vẫn không có con. Sau đó, cuộc sống trong quê khó khăn, 2 vợ chồng rời quê đi chu du thiên hạ và tìm nơi dân cư thuần hậu, dễ làm ăn để sinh sống. Hai vợ chồng ông Vương Tĩnh đến vùng Dược Đậu Trang (nay là xã An Lạc, thị xã Chí Linh), thấy nơi đây đất đai trù phú đã ở lại sinh sống. Được sự giúp đỡ của gia đình ông Phạm Lược nên ông bà nhanh chóng ổn định cuộc sống, làm ăn sung túc, giầu có.

Tuy có cuộc sống đủ đầy và cũng thường xuyên làm việc thiện nhưng ông bà vẫn canh cánh nỗi buồn vì tuổi đã già mà vẫn chưa có mụn con nào. Ông bà đã lập đàn cầu tự. Sau khi lập đàn tế xong, đến nửa đêm hôm ấy bà Thanh nằm mơ thấy có một vị quan mũ áo xênh xang hào quang rực rỡ lớn tiếng truyền rằng: “Gia đình nhà ngươi có phúc dày, trời cao đã biết. Nay trời ban cho một bọc 5 trứng, 3 trứng màu vàng, 2 trứng màu xanh đầu thai vào nhà người làm con quý tử”. Bà tỉnh giấc mới biết đó chỉ là giấc mộng. Hôm sau bà làm lễ bái tạ.

Hằng ngày bà Thanh hay ra sông Nguyệt Giang tắm giặt. Một hôm bà đang tắm chợt thấy sóng nước cuồn cuộn, mưa gió nổi lên ấm ầm phả mạnh vào thân thể. Chợt một con giao long ngũ sắc nổi lên cuốn chặt lấy bà năm vòng khiến bà Thanh vô cùng hoảng sợ. Một lát sau, giao long biến mất, mưa gió tự nhiên tạnh hẳn, bà Thanh về kể lại sự việc với chồng. Ông Vương Tĩnh nói: “Nếu quả như điều bà nói thì thủy thần sẽ xuất thế, thiên đình sẽ cho bậc đại tài giáng thế”. Từ đó, bà Thanh thấy trong người khang khác, rồi bà mang thai đủ tháng đủ ngày vào giờ Mão, ngày 26 – 10 năm Đinh Mùi, bà Thanh sinh ra một bọc 5 trứng, trong đó có 3 trứng màu vàng sinh ra 3 con trai, 2 trứng màu xanh sinh con gái. Các con của vợ chồng ông bà Vương Tĩnh con trai có dáng mạo khôi ngô, tuấn tú, con gái xinh đẹp. Năm 3 tuổi 5 người con được cha mẹ đặt tên, con trai lớn tên là Vương Đức Minh, con trai thứ Vương Đức Xuân, con trai thứ 3 tên Vương Đức Hồng, con gái lớn tên Vương Thị Đào, con gái thứ 2 tên là Vương Thị  Liễu. Các con đều được cha mẹ nuôi ăn học tinh thông văn võ.

Năm 980 để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, Vua Lê Đại Hành đã chuẩn bị lực lượng, bài binh bố trận để sẵn sàng thực hiện cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Vua dẫn đại quân về vùng Chí Linh, khi qua Dược Đậu Trang thấy địa thế phù hợp cho việc điều binh khiển tướng cho các cánh quân thủy, bộ. Vua cho đóng đại bản doanh tại đây và tuyển chọn người tài cho cuộc kháng chiến. 5 anh em họ Vương lúc này đã khôn lớn, bèn ra ứng tuyển. Thấy 5 anh em họ Vương tướng mạo trai khôi ngô, tuấn kiệt, gái xinh đẹp lại có tài thao lược văn võ tinh thông, am hiểu binh pháp liền phong tướng cho 5 anh em họ Vương.

Mùa xuân năm 981, quân Tống sang xâm lược nước ta, Vua Lê Đại Hành từ tổng hành dinh ở Dược Đậu Trang đã chỉ huy các cánh quân thủy, bộ nghênh tiếp địch. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, 5 vị tướng họ Vương đã lập nhiều chiến công. Khi cuộc kháng chiến chống quân Tống giành thắng lợi, ca khúc khải hoàn 5 vị tượng họ Vương xin nhà Vua cho ở lại quê nhà để chịu tang cha mẹ. Vào một đêm mưa gió, 5 vị tướng họ Vương đã hóa về trời. Tưởng nhớ công đức lao của 5 vị tướng họ Vương, nhà Vua đã cử quan triều đình về dự tang và chỉ đạo bản xã và nhân dân lập đền thờ 5 vị tướng quân và tôn xưng gọi là 5 đức Thánh họ Vương thờ phụng cho đến ngày nay. Khu di tích đền Cao là một nơi linh thiêng. Hằng năm, vào dịp mùa xuân lễ hội truyền thống đền Cao đã thu hút nhiều du khách về dâng hương chiêm bái, trảy hội.

Đền Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh thờ Đức Thánh Trần. Ông là Anh hùng dân tộc, danh tướng thế giới có nhiều công lao trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, nhất là lần 2, lần 3 trên cương vị Tổng tư lệnh, Quốc công tiết chế lãnh đạo toàn quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13. Ông tuy không phải là người sinh ra ở đây, song vùng Kiếp Bạc, Chí Linh lại là nơi ông ở, nơi ông lập đại bản doanh, nơi ông bày binh bố trận để đánh trận Vạn Kiếp nổi tiếng. Tại chiến trường Vạn Kiếp, ông cùng quân dân đã khiến cho quân Nguyên khiếp vía, không có đường thoát, đến nỗi chủ tướng giặc là Thoát Hoan phải trốn trong ống đồng chạy về nước.

Sau chiến tranh, ông cùng gia đình tiếp tục sống ở Thái ấp Vạn Kiếp cho đến khi mất. Trong thời gian đó, bằng tấm lòng đức độ, tài năng ông đã giúp nhân dân trừ ma tà, chữa bệnh cho người dân và giúp dân ổn định cuộc sống, sản xuất. Khi ông mất, với công lao và đức độ ông được nhân dân phong Thánh và gọi là Đức Thánh Trần. Di tích đền Kiếp Bạc rất linh thiêng, nên hằng năm vào mùa xuân và mùa thu, chính quyền và nhân dân địa phương mở hội truyền thống để du khách thập phương về trảy hội, chiêm bái. Đặc biệt là lễ hội mùa thu là lễ hội chính của đền Kiếp Bạc, tưởng nhớ ngày mất của Đức Thánh Trần đã có hàng chục vạn du khách nô nức trảy hội về đền Kiếp Bạc để cầu mong Đức Thánh Trần phù hộ cho quốc thái dân an, nhân dân làm ăn mùa màng bội thu, khỏe mạnh, hạnh phúc.

Nơi 2 vị tổ Trúc Lâm đắc đạo

Chí Linh không chỉ là nơi “sinh” Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên, 5 vị Thánh họ Vương và Đức Thánh Trần mà vùng đất này cùng với Yên Tử (Quảng Ninh) được Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng các đồ đệ lựa chọn làm trung tâm Thiên phái Trúc Lâm Yên Tử. Tại đây, các vị tổ khai lập và phát triển Thiền phái đã cho xây dựng hệ thống các chùa triền, giáo lý của Thiền phái để tu tập. Đây là dòng thiền độc đáo mang đậm văn hóa, bản sắc dân tộc Việt. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có 3 vị tổ gồm: Đệ nhất tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông; đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả; đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả. Trong 3 vị tổ này, có đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang tu tập, đắc đạo ở các chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám) và Côn Sơn (phường Cộng Hòa) của Chí Linh.

Đệ nhị tổ Pháp Loa, tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284 tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương). Thuở nhỏ ông có thiên tư đạo nhãn. Năm 1304, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đến thăm hương Cửu La, Đồng Kiên Cương ra bái yết và được Trần Nhân Tông thu nhận cho theo tu hành, học đạo và đặt tên mới là Hỉ Lai. Hỉ Lai thông minh, hiếu học có nhiệt tâm với đạo phật nên chỉ một năm sau ông được Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Tháng 2 năm Hưng Long 15 (1306), Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao cho Pháp Loa các bảo bối và đến ngày mồng 1 tháng Giâng năm Hưng Long 16, trước khi viên tịch Phật hoàng đã trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm  cho ông. Từ đó ông trở thành vị Tổ thứ 2 của Thiền phái này. 

Năm 1330, Pháp Loa đang giảng kinh ở viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13 sư về viện Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) tĩnh dưỡng. Ngày 19 bệnh trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi Pháp Loa cho mời Huyền Quang đến trao cho bảo bối mà 22 năm trước Điều Ngự Trần Nhân Tông đã trao cho ông trước khi qua đời như áo cà sa, kệ tả tâm và nói “Huyền Quang sẽ là người hộ trì, thừa kế”. Đến ngày 3 tháng 3 Pháp Loa viên tịch tại viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của sư xá lị của người được đặt trong tháp phía sau chùa Thanh Mai. Thượng hoàng Trần Minh Tông  ngự bút đặt tên hiệu cho sư là Tĩnh Trí Tôn giả, đặt tên tháp là Viên Thông.

Trong giai đoạn hơn 20 năm đứng đầu Thiền phái, Pháp Loa đã cùng với các đệ tử, chư tăng trong Thiền phái ra sức phát triển, đưa dòng thiền này phát triển, lan tỏa sâu rộng trong dân gian. Nhiều ngôi chùa đã được xây dựng, nhiều tượng được đúc, Pháp Loa cùng các đệ tử đi giảng kinh khắp nơi. Trong thời gian tuy không dài những ông đã tạo lên sự nghiệp lớn cho sự phát triển của Thiền phái nói chung và cho bản thân nói riêng. Đệ nhị tổ Pháp Loa đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc với hơn 30 người, nuôi dạy 15000 tăng ni, đúc trên 1300 pho tượng lớn nhỏ, xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và viện nghiên cứu phật giáo Quỳnh Lâm. Những công trình này bây giờ đều trở thành những trung tâm tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa quý báu của đất nước.

Chùa Thanh Mai là ngôi chùa cổ nằm trên lưng chừng núi Tam Ban có độ cao 400m so với mặt nước biển. Chùa được xây dựng vào thời nhà Trần, tương truyền do chính Pháp Loa xây dựng. Xung quanh chùa Thanh Mai hiện nay còn nhiều dấu tích của các nền chùa cổ với quy mô lớn, điều đó cho thấy thời đó, Thanh Mai có một hệ thống chùa quy mô to rộng. Trải qua thời gian, hệ thống chùa ở Thanh Mai đã bị mất dấu tích hoàn toàn. Những năm 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, chùa Thanh Mai được đầu tư xây lại mới hoàn toàn và trở thành điểm đến cho nhân dân, phật tử và du khách thập phương hành hương về chốn tổ linh thiêng chiêm bái, thưởng ngoạn phong cảnh nơi đây.

Còn chùa Côn Sơn lại gắn với đệ tam tổ Huyền Quang. Ông tên thật là Lý Đạo Tái thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý, sinh  năm 1254 tại hương Vạn Tư, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 21 tuổi, Ông đỗ đầu khoa Giáp Tuất, niên hiệu Bảo Phù (năm 1274). Đương thời, Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đã làm việc tại Viện Hàn lâm nhà Trần và được giao tiếp sứ Bắc Triều. Không mặn mà với chốn quan trường, ông đã từ quan tìm đến với tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Huyền Quang cùng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi đến mọi miền đất nước để thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Những năm tháng cuối đời, ông đã về trụ trì tại chùa Côn Sơn, hoằng dương phật pháp, lập đài Cửu Phẩm Liên Hoa, biên soạn kinh sách để truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Ngày viên tịch của Ông đã trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn hàng năm.

Gần 7 thế kỷ qua, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc,  di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng không chỉ của riêng vùng đất Hải Dương mà trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa” bằng sức sống văn hóa, bằng tâm nguyện của hàng triệu đồng bào Việt Nam. Với giá trị đặc biệt, Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Năm 2012, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội đền Kiếp Bạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2017, Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ XIII, là nơi trụ trì của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang Tôn giả, chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Nội dung văn bia ghi lại quá trình tôn tạo, tu bổ chùa Côn Sơn đầu thế kỷ XVII. Qua đó thấy rõ quy mô chùa Côn Sơn giai đoạn này là quần thể kiến trúc hoàn chỉnh gồm 83 gian với các công trình: Phật Điện, Tổ Đường, Hậu Đường, Đông Hành lang, Tây Hành lang, Cửu Phẩm Liên Hoa với 385 pho tượng...

Với những giá trị đặt biệt  như vậy những năm gần đây, các di tích đang được các cấp bộ, ngành trung ương; Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hải Dương và thị xã Chí Linh đầu tư trùng tu, tôn tạo và cải tạo hạ tầng  để khai thác giá trị di sản,, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách thập phương. Qua đó, để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch tâm linh đưa lĩnh vực du lịch - dịch vụ trở thành lĩnh vực chủ đạo trong phát triển kinh tế của thị xã Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung. 

Nguồn: 
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ DANH THẮNG CHÍ LINH

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây