Giếng Ngọc trên đỉnh thiêng Phượng Hoàng

Thứ ba - 18/09/2018 09:45 - 4798 lượt xem
Giếng Ngọc
Giếng Ngọc
Trên đỉnh núi Phượng Hoàng nằm trong quần thể di tích đền thờ Thầy giáo Chu Văn An, khu di tích Phượng Hoàng (phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) có khu lăng mộ Thầy giáo Chu Văn An và giếng Ngọc. Điều đặc biệt ở chỗ nước giếng Ngọc luôn đầy ắp, trong mát quanh năm. Kỳ lạ ở chỗ giếng nằm trên đỉnh núi và trong điều kiện thời tiết nhiều ngày không có mưa nhưng giếng không cạn nước.
Giếng trên đỉnh núi không cạn nước

Chúng tôi đã nhiều lần hòa vào dòng người đông đúc “hành hương” lên khu lăng mộ thầy Chu Văn An, nhiều du khách trầm trồ ngạc nhiên, vì trên đỉnh núi lại có giếng lúc nào cũng đầy ắp nước, trong mát quanh năm. Khi lấy nước giếng để rửa mặt, uống ai cũng thấy tỉnh táo, bao mệt mỏi bị xua tan.

Giêng kỳ lạ đó có tên là giếng Ngọc, nằm cách khu lăng mộ khoảng 50 m về phía tây. Giếng không sâu, từ thành giếng đến đáy giếng chỉ độ khoảng 1,6 m, đấy là tính cả thành giếng, còn từ mặt đất đến đáy giếng chỉ khoảng 60 cm nhưng lúc nào cũng đầy nước. Từ thành giếng nhìn xuống nước trong vắt đầy đến mặt nền giếng và nhìn được thấy đáy. Vậy giếng Ngọc này có từ bao giờ và tại sao giếng ở trên đỉnh núi lại không bao giờ hết nước?

Truyền thuyết có nói rằng, sau khi thầy Chu Văn An mất, các học trò đã an táng thầy trên đỉnh núi Phượng Hoàng. Học trò của thầy đều là những bậc trí thức, nho sĩ nổi danh đương thời có hiểu biết về phong thủy nên đã tìm vị trí đẹp về phong thủy để làm nơi an tang thầy. Mà một vị trí đẹp về phong thủy không thể thiếu yêu tố “tụ thủy”. Trong suốt cả năm trời hương khói bên mộ thầy, những học trò phải sinh sống ngay bên mộ thầy. Trong thời gian đó, những người học trò đã tìm ra mạch nước và đã khơi thành vũng, thành giếng để giữ nguồn nước phục vụ cho việc thờ phụng thầy, phục vụ các học trò sinh sống, sử dụng trong thời gian phụng thờ bên mộ thầy. Vì vậy, giếng Ngọc có từ thời điểm đó.

Giếng Ngọc đặc biệt và kỳ lạ ở chỗ. Giếng nằm trên đỉnh núi cao hơn 180 m so với mực nước biển mà giếng lúc nào cũng đầy nước. Có những thời điểm nhiều tháng không mưa nhưng giếng không hết nước. Khi công nhân xây dựng đường và lăng mộ thầy sử dụng rất nhiều nước trong việc nhào trộn vữa, bê tông, nước sinh hoạt nhưng nước chỉ vơi và hôm sau lại đầy. Mà chỉ có vị trí này có nước, còn các vị trí khác xung quanh thôi nhưng cũng không có nước. Mặc dù trên đỉnh núi nhưng không cần đào sâu đã có nước. Chỉ cần lý giải vì sao mạch luôn có nước, trong khi đây là đỉnh núi thì lấy nguồn nước ở đâu ra? Tại sao cũng trên đỉnh núi nhưng nơi khác lại không có nước? Chỉ riêng điều đó đã tạo nên sự kỳ thù, đặc biệt của giếng Ngọc rồi.

Theo nhận định của các chuyên gia văn hóa, chuyên gia phong thủy, vị trí lăng mộ của thầy Chu Văn An là đầu con chim Phượng Hoàng, còn giếng Ngọc là mắt Phượng Hoàng, nước Giếng là nước mắt của Phượng Hoàng. Vì nguồn nước quý, linh thiêng nên được gọi là giếng Ngọc. Nguồn nước từ giếng Ngọc, được dùng để “tắm” hoa quả, thờ cúng trong đền và trên mộ thầy, hay được du khách dùng rửa mặt, uống giải khát mỗi lần leo lên đỉnh núi để thắp hương mộ thầy. Lý giải dưới góc độ tâm linh thì đó là “nguồn nước thiêng” trời ban để các thế hệ con cháu dùng nguồn nước tinh khiết, trong sạch để thờ cúng, để xứng với kỳ đức của người thầy muôn đời. 

Bảo vệ giữ gìn mạch nước quý

Năm 1997 Ban QLDT Chí Linh đã thực hiện đợt đại trùng tu và tôn tạo các hạng mục công trình tại khu di tích, trong đó giếng Ngọc đã được xây dựng với lòng giếng được kè đá núi địa phương, nền giếng được lát gạch lát đỏ, thành giếng cao 50 cm được chát vữa, với đường kính 70 cm.

Đến năm 2013, trong đợt trùng tu quy mô lớn tiếp theo giếng Ngọc đã được xây mới. Từ khu lăng mộ thầy đi xuống phía giếng đều được xây dựng, lắp ghép từ đường đi, bậc, thềm giếng, thành giếng bằng đá xanh. Ông Vũ Văn Hạnh, công nhân thi công giếng cho biết: Trong quá trình thi công giếng, chúng tôi luôn ý thức phải giữ gìn nguồn mạch nước thiêng. Để giếng tích được nhiều nước, chúng tôi phải khơi rộng, khởi sâu lòng giếng, với đường kính 1 mét và độ sâu hơn 1 mét. Thành giếng được ốp đá cao hơn 1 mét, được trạm trổ hình “lưỡng long chầu nguyệt” rất công phu, đẹp mắt. Chúng tôi, tạo các đường dẫn nước từ các mạch vào giếng. Vì vậy giếng bây giờ nhiều nước hơn trước”.

Để nguồn nước giếng Ngọc luôn trong sạch, Ban Quản lý di tích thương xuyên cử người dọn dẹp vệ sinh khu lăng mộ và xung quanh giếng Ngọc không để lá cây rời xuống giếng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý thường xuyên tuyên truyền du khách trong quá trình sử dụng nước giếng phải có ý thức giữ gìn vệ sinh, không thả tiền xuống giếng. Vì đây là nguồn nước giếng quý và được sử dụng trong việc thờ cúng linh thiêng nên nguồn nước cần phải được bảo vệ giữ gìn cẩn thận.
Cùng với việc được đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục di tích đã tạo cảnh quan quần thể khu di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An đã quy mô hơn, đẹp hơn, nhiều nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa được phục dựng, trong đó việc tôn tạo, bảo vệ giếng Ngọc và giữ gìn nguồn nước quý đã góp phần nâng cao giá trị văn hóa tâm linh của khu di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An.


BQL Di tich và Danh thắng Chí Linh

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây