Mộc bản về Tư nghiệp Quốc Tử giám - Chu Văn An

Thứ sáu - 16/11/2018 22:20 - 3236 lượt xem
Tượng thờ Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An tại nhà Thái Học Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nguồn: vanmieu.gov.vn
Tượng thờ Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An tại nhà Thái Học Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nguồn: vanmieu.gov.vn
Bài viết tổng hợp và giới thiệu một số tài liệu Mộc bản về Chu Văn An - người thầy mẫu mực.

Chu Văn An (Chu An) sinh năm 1292, tại thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội) (1). Ông là người tính tình cương trực, khí chất thanh cao, là nhà nho, nhà giáo sống thời Trần. Nổi tiếng với việc tự học, tự rèn luyện và mở lớp dạy học ở quê hương, giảng dạy theo kinh điển của Nho giáo; lớp học của ông có rất nhiều môn sinh theo (2). Cũng chính vì ngưỡng mộ tài, đức của Thầy, vua Trần Minh Tông (1314-1329) đã mời ra làm Tư nghiệp tại Quốc tử giám (3) và dạy học cho thái tử (4).

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập về việc Vua Trần Minh Tông cử Chu Văn An giữ chức Tư nghiệp tại Quốc Tử Giám. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. 

 

Bản dập sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập về việc Vua Trần Minh Tông cử Chu Văn An giữ chức Tư nghiệp tại Quốc Tử Giám. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hiện nay, chưa có tài liệu lịch sử nào ghi chép về việc ông tham gia và đỗ Tiến sĩ trong các kỳ thi do triều đình tổ chức trước khi được chọn làm Tư nghiệp tại Quốc Tử Giám (5), nhưng qua hai tài liệu Mộc bản ghi về điều kiện để chọn người vào học “Người nào thi Hương bốn kỳ đều trúng tuyển, được sung vào học tại Quốc Tử Giám gọi là Giám sinh” (6) và quy định về các ngạch quan giảng dạy tại Quốc Tử Giám: “Thầy dạy trong Quốc Tử giám được xếp theo cấp bậc: Tế tửu, Tư nghiệp, Trực giảng, Bác sỹ, Trợ giáo, Giáo vụ, Huấn đạo” (7), có thể nhận thấy, tài, đức của Thầy phải hơn người mới được nhà vua mời làm Tư Nghiệp và giao nhiệm vụ dạy học cho thái tử.

 

 Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục Quy định về tiêu chuẩn sung làm Giám sinh Quốc Tử Giám dưới triều vua Lê Thánh Tông, năm 1462. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư về việc Quy định về các ngạch quan giảng dạy tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới triều vua Lê Nhân Tông, năm 1448. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

     
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam chưa có người thầy giáo nào khẳng khái dâng vua bản sớ xin chém 7 tên nịnh thần hại dân, hại nước, không được vua Trần Dụ Tông chấp thuận đã xin từ chức về quê, tiếp tục mở trường dạy học tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) (8), đến đời vua Trần Nghệ Tông (1321–1394) có mời ra làm quan nhưng ông chỉ đến yết bái không nhận chức vụ gì, mà trở lại nhà riêng ở núi Phượng Hoàng để tiếp tục dạy học. Trong quá trình dạy học, Ông còn viết một số tác phẩm “Tiểu Ẩn thi tập” và “Quốc ngữ thi tập”, “Tứ thư thuyết ước” (9)… Các tác phẩm này hiện không còn lưu giữ được, nhưng tấm lòng trung quân, ái quốc, câu truyện về tài dạy học của Thầy vẫn còn được nhắc đến qua các điển tích, huyền tích lưu truyền trong dân gian, được dựng thành phim, trong các bộ sách lịch sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều Hiến chương loại chí,..và Mộc bản triều nguyễn – Di sản tư liệu thế giới.

    
Các học trò đến với lớp học không chỉ vì biết thầy Chu Văn An tinh thông Nho học mà còn vì nể phục, trân trọng khí chất thanh cao, tấm lòng trung hiếu với dân, với nước không màng danh vọng. Học trò của thầy có nhiều người đã đỗ đạt và làm quan trong triều đình được sử sách nhắc tới như Phạm Sư Mãnh, Lê Quát (Bá) Quát. Cả cuộc đời của Chu Văn An gắn liền với sự nghiệp giáo dục, đào tạo người hiền tài phò vua, giúp nước. Khi còn trẻ Thầy dạy học tại quê nhà Thanh Đàm (Hà Nội), làm quan Tư Nghiệp tại Quốc Tử Giám và dạy học cho thái tử, sau khi từ quan tiếp tục về Chí Linh (Hải Dương) mở lớp dạy học.

     
Để tri ân những đóng góp của ông và khuyến khích truyền thống hiếu học, tôn sư, trọng đạo, từ thời Trần - vua Trần Nghệ Tông đã sắc phong cho Chu Văn An là Th­ượng Đẳng Thần và cho thờ tại Văn Miếu (Thăng Long – Hà Nội). Đến thời Nguyễn kinh đô được đặt ở Huế, vua Minh Mệnh cho thờ Chu Văn An tại Văn Miếu (Huế). Tại một số tỉnh cũng lập đền, văn bia thờ Thầy như: Hà Nội (Văn Miếu – Quốc Tử giám, Thanh Trì); Hải Dương (Chí Linh), Hưng Yên (thành phố Hưng Yên, thị trấn Ân Thi),... Đền thờ nhà giáo Chu Văn An đã trở thành một di tích lịch sử, địa chỉ tâm linh cho thế hệ sau đến dâng hương, tìm hiểu về cuộc đời gắn liền với sự nghiệp giáo dục của Vạn thế sư biểu. Tại một số nơi như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An – Hà Nội, Văn Miếu (Trấn Biên – Đồng Nai) còn đặt tượng bằng đồng để tưởng nhớ về Thầy./.

Chú thích:

1&2. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1998, T.II, Str. 151 - 153, ghi về Chu Văn An: “An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát...”
3. Theo tác giả Nguyễn Văn Tú, trong bài viết “Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An với Văn miếu Quốc Tử Giám Thăng Long” tại Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp” chức quan Tư nghiệp là “Người phụ trách, người đứng đầu về chuyên môn của trường – quản lý việc giáo dục” tại Quốc Tử Giám.
4. Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 8.
5. Theo trong bài viết “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”: Hiện nay, có hai tư liệu viết về việc Chu Văn An có đi thi đỗ Thái học sinh và Tiến sĩ: đó là 2 tư liệu là tấm bia hiện được lưu giữ tại Văn chỉ Chu Văn An ở thôn Huỳnh Cung (Thanh Trì, Hà Nội) và Bản Hà Nội).
6. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 20, mặt khắc 14.
7. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, mặt khắc 75.
8. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb.Văn hóa – Thông tin, H, 2007, tr.298.: “Nói về nước ta, thì triều Trần có 5 người: Chu An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều, ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất”.

9. Chu Văn An: Người thầy mẫu mực, Lê Phước, báo Điện tử Pháp luật Việt Nam, số đăng ngày 26/4/2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1998.
2. Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, tập 1, Nxb Giáo dục. 2007. Tr 434.
3. Thân thế, sự nghiệp của Chu Văn An qua ghi chép của chính sử và tư sử, TS. Nguyễn Hữu Tâm – Viện Sử học, Trích Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”.
4. Chu Văn An: Người thầy mẫu mực, Lê Phước, báo Điện tử Pháp luật Việt Nam, số đăng ngày 26/4/2016.
5. Website: http://vanmieu.gov.vn
6. Tạp chí: QueHuongOnline.vn
7. Website:http://dulichchilinh.com
8. Website Trường THCS Chu Văn An

Trần Ngọc - Trung tâm Tin học 
CỤC VĂN THƯ VÀ LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây