'Máu' con trai và những hệ lụy sau này ở Hải Dương, có khi phải 'nhập khẩu cô dâu'?

Thứ năm - 28/07/2016 19:26 - 4132 lượt xem
'Máu' con trai và những hệ lụy sau này ở Hải Dương, có khi phải 'nhập khẩu cô dâu'?
Hải Dương là 1 trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về mất cân bằng giới tính khi sinh trong đó tỷ lệ nam luôn áp đảo nữ (Hơn 10 năm mất cân bằng thừa trên 1 vạn nam giới). Báo NNVN đã tìm về địa phương này để tìm hiểu “bí quyết” đẻ con trai và những hệ lụy…
Kém một tí là ế
Ở xã Hiệp Cát (huyện Nam Sách, Hải Dương) nhiều người có 2-3 thậm chí 4 vợ cả hợp pháp lẫn phi pháp nhưng câu chuyện của ông Phạm (*) là nổi tiếng nhất.
Tính ông nóng như lửa. Khi một bà vợ đang bụng mang dạ chửa về nhà mẹ đẻ dưỡng thai, đến đón cứ chùng chình chưa muốn ông liền thẳng tay phá tan… nhà ngoại để ép. Vụ việc chấn động khiến cho cả công an phải vào cuộc, bắt ông làm lại nhà cho mẹ vợ mới tránh khỏi vòng lao lý.
Giờ đây 4 bà vợ lần lượt bỏ ông đi về cõi rất xa khiến ông lão 85 tuổi cô đơn đến nỗi đang đánh tiếng lấy thêm vợ thứ 5. Nhưng than ôi, thời oanh liệt của con trai nay còn đâu nữa? Trai xoan còn đang ế rạc ế dài nữa là một ông lão móm mém.
Kể đâu xa, ông bà Trịnh Xuân Thiện 63 tuổi ở thôn Kinh Dương chẳng như đang ngồi trên đống lửa vì thằng con ngót 40 tuổi đầu chưa có vợ đấy thôi.
Chiến đã gần 40 mà vẫn chưa vợ  

Ông Thiện thở dài sườn sượt: “Tôi nghe đài báo bảo đồng giới nam yêu nam, nữ yêu nữ nhưng xem ra thằng Chiến nhà tôi không phải loại như thế. Hồi 20 tuổi nó đi tán gái rất mạnh. Nhiều tối cơm no, rượu say tôi giữ lại nhà mà nó còn vùng dậy đi. Đến năm 30 tuổi bỗng thấy nó ít đi. Giục giã mà cứ ì ra đấy, miệng ậm ừ bảo từ từ…”.
Thấy cơ sự như vậy, vợ ông Thiện hễ nghe thấy ở đâu có thầy nào cao tay đều tìm đến. Bốn ông thầy thì ba ông bảo thằng Chiến bình thường, một ông bảo nó có người tình là…ma.
Con ma ấy trẻ lắm, đẹp lắm, yêu thằng Chiến lắm nên phải cắt tiền duyên. Thế mà lễ lạt cắt xong thằng Chiến cứ đực ra đấy, chẳng lấy được vợ khiến cho bà rên rỉ lên rằng: “Tao chết đến nơi rồi mà mày vẫn chưa phương trưởng, Chiến ơi là Chiến”.
Mà nào con trai bà có thuộc loại sứt môi, hở rốn gì cho cam? Chăm chỉ tối ngày, không rượu chè cờ bạc, ngoại hình cũng trên trung bình phải mỗi cái chậm mồm tán gái và thu nhập hơi thấp thôi.
Cách đây chục năm ông bà cắt đất rồi dựng lên cho Chiến một ngôi nhà, lập một mảnh vườn, đào một cái ao rất xinh những mong cậu sớm lập gia đình. Nhà cửa, mặt người nay đã cũ dần theo năm tháng mà Chiến vẫn chưa vợ. Không gì buồn hơn một ngôi nhà không có bàn tay phụ nữ. Nó lạnh lẽo như một ngôi nhà hoang. Ngôi nhà bố mẹ làm cho đã cũ mà Chiến vẫn chưa lấy được vợ  

 

Nhà cửa, mặt người nay đã cũ dần theo năm tháng mà Chiến vẫn chưa vợ.

Gái làng tuổi 18-20 đã gọi Chiến bằng chú. Đã thế, mấy đứa cháu hay mấy đứa con nhà hàng xóm hễ gặp Chiến ở đâu cũng réo ời ời: “Bác ế ơi là bác ế”. Mà nào anh có tiêu chuẩn gì cao xa? Tìm được chỗ nào thì lấy chỗ ấy, công nhân, nông dân cũng được thế mà vẫn không ăn thua.
Em ông Thiện là Trịnh Xuân Thoa cũng có một người con trai đứng tuổi chưa vợ. Khác với ông anh rặt nông dân, ông Thoa từng là Chủ tịch xã, vợ là giáo viên mầm non, gia cảnh bề thế.
Thằng Bình con trai ông sau khi học xong đại học sư phạm, dạy hợp đồng một số nơi mà không mua được việc nên đành về quê làm tạm ở UBND xã rồi bỏ ngang đi nuôi cá lồng. Ngoại hình thư sinh, tính tình nhỏ nhẻ, 33 tuổi ta rồi nhưng vẫn nằm trong quân chủng “phòng không” của làng Kinh Dương.
Lê Trọng Yến sinh năm 1986 (làng Cát Khê) khá đa tài từ lái tàu, nấu ăn đến thợ sơn anh đều thành thạo nhưng phải cái thấp chỉ khoảng 1,5m.
Đi khám bộ đội anh bị loại ngay từ vòng đầu, trong mắt gái làng anh bị loại ngay từ vòng gửi xe. Lao động gần 10 năm nay nhưng Yến cũng chỉ thuộc diện vắt mồ hôi đủ bỏ mồm đã may chứ không có tích lũy.
Mẹ Yến dấm cho con trai hai đám, một trong xã, một xã ngoài nhưng không ai ưng. Bản thân anh cũng tự thân vận động, tìm hiểu tới vài ba cô nhưng sau một thời gian cứ thấy rơi như sung hết lượt.
Mẹ Yến than thở: “Trước kia mỗi khi từ TP Hải Dương về quê cứ thấy nó nước hoa thơm nức, đầu tóc bóng mượt nhưng đợt Tết vừa rồi không thấy dùng nữa, chẳng ra ngoài chơi, nằm nhà được 4 ngày rồi lại đi ”.
Làng Cát Khê chỉ có một cô gái chưa chồng (dù đầy người đến hỏi) còn phải đến 5-7 trai tráng ế vợ. Vừa rượu chè, vừa đui què sứt mẻ xác định luôn là ế dài hạn. Trung bình làng mỗi năm có 4-5 đám cưới nhưng hai năm nay toàn con trai lấy vợ thiên hạ chứ không lấy được gái thôn.
Phạm Văn Dũng - một thợ sơn khá hoạt ngôn nhưng gầy tong teo đến nỗi không thể lọt vào mắt xanh của bất cứ cô gái làng nào nên phải lên mạng làm quen rồi lấy một cô người Tày tận Hữu Lũng (Lạng Sơn). Cũng còn là may chán bởi ối anh đang hàng đêm nằm trằn trọc trên chiếc giường không đấy thôi.

10 năm nữa sẽ ra sao?
Những người con trai lông bông rượu chè cờ bạc chỉ lấy được vợ ở vùng thấp kém hơn chứ không thể lấy được vùng ngang bằng về trình độ phát triển kinh tế.

Đang ở thế cân bằng giới tính (với lứa tuổi trên 20) đã xảy ra tình trạng như thế không biết thế hệ mất cân bằng giới tính (hiện đang từ 10 tuổi trở xuống) lớn lên sẽ còn ra sao? Mang nỗi trăn trở ấy tôi gặp bác sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện Nam Sách.
Ông cho hay, trước đây Việt Nam cũng mất cân bằng giới tính do chiến tranh, cả mấy thế hệ thanh niên trai tráng ra đi nên thiếu hụt trầm trọng cả đến tận thời hậu chiến. Thế nên mới có những người con gái trẻ viết đơn tình nguyện đến các trại thương binh nặng để xin được lấy làm chồng.

Niềm vui của một bà mẹ đẻ được con trai  

Chính một đồng nghiệp của ông Đoàn ở huyện Nam Sách tên là Gái rồi bên Kim Thành có chị Nến cùng một loạt các chị em kế hoạch hóa gia đình khác đã từng làm đơn xin lấy thương binh nặng như vậy.
Nghe các chị kể là họ được tập trung lại, giới thiệu sơ qua về người thương binh này, người thương binh kia rồi bốc vé, ai thấy hợp thì mang về chăm sóc. Chị Gái sau này lấy được anh thương binh tên Toàn rồi sinh được một người con giờ cũng đã vào độ tuổi trưởng thành. Đối với nó, chuyện bố mẹ mình gặp gỡ đã lạ lẫm tựa cổ tích bởi tình thế nay hoàn toàn thay đổi…
Tỷ lệ giới tính bình thường khi sinh là 105-106 nam/100 nữ bởi trong quá trình lớn lên nam chết non nhiều hơn nữ nên dần cân bằng. Hiện tại với 124-126 nam/nữ thì sẽ thừa 15-20 nam.
Nam Sách có dân số khoảng 115.000 người, một năm sinh được 1.700-1.900 trẻ với tỷ lệ chênh lệch nam nữ nên thừa xấp xỉ 200 nam/năm. Trên 10 năm mất cân bằng tính ra cả tỉnh Hải Dương đang thừa trên 1 vạn nam giới.
Bác sĩ Đoàn phân tích, 10-15 năm nữa Việt Nam sẽ xảy ra kịch bản như Trung Quốc, cụ thể: Con gái khi ấy có quyền lực tối cao trong lựa chọn. Con trai khi ấy những người ưu tú có sức khỏe tốt, có học thức, có kinh tế mới lấy được vợ còn rớt lại những người yếu ớt hoặc kinh tế khó khăn. Những người kém sẽ giải quyết nhu cầu sinh lý bằng mại dâm kiểu “ăn đong” để biết thôi chứ không duy trì nòi giống được.
Cũng có thể họ sẽ đi vùng sâu, vùng xa ở Tây Bắc, Tây Nguyên để lấy vợ. Những nơi này tuy rằng lạc hậu, tư tưởng nối dõi tông đường cũng rất mạnh nhưng điều kiện kỹ thuật thực hiện không bằng miền xuôi nên chỉ gia tăng về quy mô dân số chứ chưa mất cân bằng giới tính.
Khả năng nhập khẩu cô dâu là khó vì nước chảy chỗ trũng chứ không bao giờ nước chảy chỗ cao. Một quốc gia kinh tế, hạ tầng thấp kém như Việt Nam không bao giờ là sự chọn lựa của các cô gái ngoại quốc.

(*) Vì lý do tế nhị, tên một số nhân vật trong bài đã được đổi.

Tác giả bài viết: Dương Đình Tường

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây