Mất thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Nhiều hệ lụy xấu

Chủ nhật - 07/08/2016 23:55 - 8364 lượt xem
Việc tạm dừng tuyển chọn lao động sang làm việc tại Hàn Quốc đối với 7 huyện, thị xã, thành phố đã gây tâm lý hụt hẫng, băn khoăn cho nhiều người và để lại dư luận xấu.
Một số lao động đang theo học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sau khi biết thông tin địa phương mình bị tạm dừng tuyển chọn đi làm việc ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục học tiếng mong sớm có cơ hội để làm hồ sơ xuất cảnh
 
Những ngày gần đây, thông tin Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tạm dừng tuyển chọn lao động sang làm việc tại Hàn Quốc đối với 7 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương đã gây tâm lý hụt hẫng, băn khoăn cho nhiều người và để lại dư luận xấu.

Cảnh báo sớm

Theo Công văn số 2843/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 29-7-2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Hải Dương là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc. 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh do có số lao động cư trú bất hợp pháp từ 60 người trở lên đã bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc gồm: Cẩm Giàng (112 người), Gia Lộc (99 người), Chí Linh (95 người), TP Hải Dương (83 người), Bình Giang (81 người), Thanh Miện (73 người) và Tứ Kỳ (70 người). 

Việc một số địa phương trong đó có Hải Dương bị dừng tuyển chọn lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc) đã được cảnh báo từ lâu. Chương trình EPS được thực hiện từ năm 2004. Hằng năm, Bộ LĐTBXH, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đều ký bản ghi nhớ đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc đối với những lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi tuyển tiếng Hàn. Tuy nhiên, do tỷ lệ người lao dộng (NLĐ) Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc tăng cao, nên từ năm 2011 đến nay, phía Hàn Quốc chỉ tiếp nhận những lao động đã đạt yêu cầu trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2011 và NLĐ hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Theo đại diện Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTBXH) có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng tăng. Trước hết, do thị trường việc làm của Hàn Quốc phù hợp với NLĐ, chủ yếu là ngành sản xuất chế tạo với điều kiện làm việc tốt. Các khoản chi phí để sang Hàn Quốc khá phù hợp so với mặt bằng chung. Mức lương một NLĐ nhận được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Khi sang Hàn Quốc qua chương trình EPS, NLĐ sẽ được bảo đảm tuyệt đối về công việc và thu nhập, cũng như các chế độ, quyền lợi khác theo hợp đồng. Vào thời điểm trước năm 2011, khi Hàn Quốc vẫn duy trì bản ghi nhớ thông thường theo chương trình EPS, hằng năm, Hải Dương luôn có hàng trăm lao động sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, chính vì có nhiều lợi ích như vậy nên một bộ phận lao động sau khi hết hạn hợp đồng vẫn cố bám trụ lại Hàn Quốc bởi họ sợ khi trở về sẽ khó kiếm được công việc phù hợp và có thu nhập cao. Nếu muốn quay trở lại Hàn Quốc làm việc, NLĐ sẽ phải tham dự kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính. Nếu trượt kỳ thi này, họ sẽ không còn cơ hội để tiếp tục làm việc ở xứ Hàn. Chế tài xử phạt là số tiền NLĐ phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trước khi xuất cảnh thấp so với mức thu nhập của NLĐ ở Hàn Quốc. Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tỷ lệ lao động cư trú trái phép ở Hàn Quốc tăng cao vào thời điểm hiện nay.

Tác hại lâu dài
 
 
Nhờ xuất khẩu lao động, diện mạo nông thôn ở Đáp Khê, xã Nhân Huệ (Chí Linh) có nhiều khởi sắc
Việc 7 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc đã để lại nhiều hệ lụy. Trước hết, vấn đề này làm mất hình ảnh của NLĐ Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc. Hiện nay Hàn Quốc đã nối lại bản ghi nhớ, phối hợp với Việt Nam tổ chức kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS.

Anh Phan Văn N. ở phường Văn An (Chí Linh) làm công nhân của một công ty điện tử ở Bắc Ninh được 2 năm thì quyết định đi học tiếng Hàn, muốn sang làm việc ở xứ sở Kim Chi. Đến nay, anh N. đã theo học tiếng Hàn được 2 tháng và chuẩn bị hồ sơ đăng ký dự thi vào tháng 10 tới. Những ngày gần đây, khi biết Chí Linh bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc, anh N. và gia đình rất lo lắng. Hiện anh N. cũng chưa biết xử trí như thế nào, đành chấp nhận học tiếp để chờ đến ngày Chí Linh được gỡ bỏ việc cấm tuyển dụng lao động sang nước này.

Trao đổi qua điện thoại, chị Đỗ Thị D. ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) cũng rất hoang mang. Khi có thông tin về kỳ thi tiếng Hàn được tổ chức trong năm nay, Chị D. đã bỏ công việc đang làm, chuẩn bị hồ sơ sang làm việc ở Hàn Quốc. Hiện tại, chị vẫn mong sẽ đi được bởi trước đó vài tháng một người bạn của chị từng thi tiếng Hàn theo chương trình EPS cũng đã xuất cảnh thành công. 

Việc bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc cũng tác động đến nguồn thu từ xuất khẩu lao động. Điển hình như Chí Linh, theo tính toán của ông Nguyễn Văn Thưởng, Chánh Văn phòng UBND thị xã, nguyên Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã, nếu NLĐ không được đi làm việc ở Hàn Quốc trong thời gian tới, thị xã sẽ mất gần 10% lợi nhuận từ nguồn xuất khẩu lao động mang lại...

Để giải quyết vấn đề NLĐ hết hợp đồng không về nước, Sở LĐTBXH đã triển khai rất nhiều biện pháp. Sở đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố gửi văn bản đến các gia đình có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc để vận động NLĐ về nước đúng hạn hợp đồng. Niêm yết danh sách NLĐ cư trú bất hợp pháp tại địa phương. Gửi 45 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tới UBND xã nơi người bị xử phạt cư trú, buộc thân nhân thực hiện. Tổ chức phiên giao dịch việc làm cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước có nhu cầu tìm việc... 

Để Hàn Quốc có thể gỡ bỏ việc tạm dừng tuyển chọn lao động ở các huyện, thị xã, thành phố trên, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng, còn phụ thuộc phần lớn vào ý thức của NLĐ cư trú trái phép tại nước này. Chỉ khi nào những NLĐ đang cư trú trái phép không vì quyền lợi cá nhân thì sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến những lao động khác. Những NLĐ có dự định đi Hàn Quốc trong thời gian này có thể tham khảo những thị trường xuất khẩu lao động khác, nếu phù hợp có thể thay đổi quyết định để không lãng phí thời gian và kinh phí.

Tác giả bài viết: PV

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây