Sáng 2/7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hải Dương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Kết quả kinh tế 6 tháng của tỉnh Hải Dương khá tích cực với tăng trưởng kinh tế tăng 7,2%, công nghiệp – dịch vụ đều tăng trưởng cao, nông sản tiêu thụ tốt góp phần xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Điển hình là vải thiều, nhờ trồng theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, EU.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Bên cạnh đó, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 5.075 tỷ đồng, đạt trên 51% dự toán năm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 117 triệu USD, vốn giải ngân là 150 triệu USD.
Nhờ thực hiện tốt các Nghị định 19 và 35 của Chính phủ, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 26% so với năm ngoái, đưa số doanh nghiệp lên trên con số 9.000.
Tại buổi làm việc, tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng, trong đó có Hải Dương, theo Kết luận số 13/2011 của Bộ Chính trị; sớm ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thay thế quy định cũ; tăng mức bố trí kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới trong kế hoạch hàng năm.
Đối với sản xuất công nghiệp, tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Nhà đầu tư khẩn trương đây nhanh tiến độ xây dựng Dự án BOT nhiệt điện Hải Dương, nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện một số công trình dở dang; cho phép tỉnh tham gia Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh Hải Dương nằm trong vùng Thủ đô, có diện tích lớn, dân trí cao, là nôi văn hóa. Tỉnh cũng có cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi hoàn chỉnh.
Những năm qua, Hải Dương tăng trưởng khá, 7,7%/năm, giảm nghèo bình quân 1,5%/năm, đã quan tâm đến giải quyết việc làm, an sinh xã hội, đời sống người dân nâng lên, 100% số xã có nước sạch…
Tỉnh đã hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, kể cả giao thông nội đồng. Điểm ấn tượng nữa là tỉnh thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng tốt. Với nhiều nỗ lực khác của tỉnh đã đó góp phần giúp Hải Dương đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới.
Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Dương còn thấp, năm 2015 giảm 3 bậc so với năm 2014 và đứng thứ 31. Do đó, hệ thống hành chính phải cải cách tốt hơn.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh chưa rõ nét. Tỉnh vẫn còn tình trạng khiếu nại về đất đai, giải phóng mặt bằng.
Với tình trạng khai thác đá, sản xuất xi măng và một số công trình xả thải ra sông, và sắp tới lại làm nhà máy nhiệt điện, Thủ tướng lưu ý cần hết sức quan tâm bảo vệ môi trường.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Thủ tướng cũng lưu ý Hải Dương vẫn còn tình trạng tội phạm khai thác cát lậu, đánh bạc, bảo kê, xã hội đen; mất cân bằng giới tính cao; mất an toàn giao thông đường sắt đường bộ vẫn diễn ra.
Để phát triển nhanh hơn, Thủ tướng chỉ đạo Hải Dương phải có sự đột phá trong cấp ủy, Ủy ban và Hội đồng nhân dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Hải Dương phải làm tốt công tác quy hoạch, không để tình trạng phát triển lộn xộn ở vùng Thủ đô, kể cả quy hoạch nông thôn và đô thị. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Hải Dương tập trung một số khâu đột phá.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tập trung một số khâu đột phá, một số mô hình. Chúng ta chỉ đạo toàn diện nhưng cách làm là phải có đột phá mô hình trong nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa. Và tôi đề nghị tỉnh phải nâng tỷ lệ đô thị hóa cao hơn. Vì công nghiệp hóa đi liền với đô thị hóa, và đô thị hóa đi liền với bảo vệ môi trường sống của người dân, phải xanh sạch. Đây phải là khâu đột phá của Hải Dương, không chỉ là kinh tế không”. Thủ tướng cũng chỉ đạo Hải Dương phải nỗ lực để là tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương thay vì nhận trợ cấp từ Trung ương.
Ngay trong năm 2016, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hải Dương phải hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, đóng góp vào các nhiệm vụ kinh tế xã hội chung của cả nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hải Dương nghiên cứu giải pháp công nghệ thiết bị, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt đặt vấn đề phát triển công nghệ cao ở Hải Dương.
Bên cạnh đó là xem lại tiến độ đưa vào sử dụng các dự án giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp. Trong bối cảnh vốn ít, Thủ tướng lưu ý cần sử dụng vốn tập trung, hiệu quả.
Cho rằng với một tỉnh gần 2 triệu dân mà chỉ có hơn 9.000 doanh nghiệp là thấp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thực hiện tốt các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ.
Thường xuyên gặp gỡ giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp. Huy động các hình thức hợp tác đầu tư, xã hội hóa để huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng cũng lưu ý Hải Dương chú trọng xây dựng nông thôn mới, nhưng theo hướng nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân.
Thủ tướng nêu rõ “Chúng ta phải coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng hướng không phải làm hạ tầng. Đó là phải là nâng cao mức thu nhập cho người dân, mức sống của nông dân được nâng lên. Bản chất nông thôn mới là ở chỗ đó chứ không phải xây dựng công trình hạ tầng. Giống gì, sản xuất gì, dịch vụ gì để nâng cao mức sống của hộ nông dân, đó mới là gốc của vấn đề. Mong rằng các đồng chí quán triệt để chỉ đạo các huyện ủy nâng cao mức sống của người dân bằng ứng dụng khoa học công nghệ, bằng giống mới, sản phẩm mới ở nông thôn với giá trị gia tăng cao hơn”.
Đối với các kiến nghị của Hải Dương về cơ chế chính sách cho vùng đặc thù với địa phương của vùng Thủ đô, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ phối hợp sớm đề xuất trưởng ban chỉ đạo vùng Thủ đô, có thể là Phó Thủ tướng hoặc Hà Nội để điều tiết mối quan hệ giữa các vùng.
Về Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng cho rằng đã là thời điểm giữa năm mà chưa có quy chế là quá chậm, khiến chưa thể giải ngân được nguồn vốn.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng xây dựng quy chế này, vì không chỉ Hải Dương, mà nhiều tỉnh cũng có đề xuất tương tự.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hải Dương chủ động tự cân đối nguồn lực để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành phối hợp với tỉnh Hải Dương để đưa ra biện pháp giải quyết các đề xuất của tỉnh./.
Tác giả bài viết: Vũ Dũng/VOV
Nguồn tin: vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn