Dịch vụ khu công nghiệp: Nhìn đâu cũng thiếu

Thứ hai - 03/07/2017 09:48 - 2837 lượt xem
Rất ít doanh nghiệp trong khu công nghiệp xây dựng khu giải trí cho công nhân. Trong ảnh: Sân bóng đá  của Công ty TNHH Kefico Việt Nam trong khu công nghiệp Đại An
Rất ít doanh nghiệp trong khu công nghiệp xây dựng khu giải trí cho công nhân. Trong ảnh: Sân bóng đá của Công ty TNHH Kefico Việt Nam trong khu công nghiệp Đại An
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đến nay, toàn tỉnh chưa có khu công nghiệp nào xây dựng được khu dịch vụ như nhà văn hóa, khu mua sắm... dành riêng cho công nhân.
Hải Dương hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động thu hút hơn 170 dự án, giải quyết việc làm cho khoảng 90.000 lao động. Tuy nhiên, dịch vụ tiện ích phục vụ công nhân, người lao động trong các KCN vẫn còn rất thiếu thốn. 

"Khát" dịch vụ

Làm việc hơn 5 năm nay tại Công ty TNHH During Việt Nam (KCN Đại An, TP Hải Dương), anh Nguyễn Ngọc Ba ở xã Thống Kênh (Gia Lộc) luôn mong ngóng một ngày nào đó có được một căn nhà dành cho công nhân hoặc người thu nhập thấp gần KCN. “Công ty không có ký túc xá cho công nhân thuê nên vợ chồng tôi phải thuê phòng trọ trong khu dân cư. Mọi sinh hoạt gia đình đều ở trong căn phòng rộng khoảng 10 m2, rất bất tiện. Những ngày được nghỉ, bạn bè muốn gặp nhau trò chuyện, ăn uống cũng khó. Cuối tuần muốn chơi thể thao thì chúng tôi phải lên TP Hải Dương thuê địa điểm”, anh Ba cho biết.

Hằng ngày, không ít những công nhân, người lao động như chị Phạm Thị Phương (làm việc trong KCN Nam Sách) phải mua đồ ăn sáng, rau quả tại các điểm bán hàng ngay cổng KCN. Chị luôn lo lắng vì chất lượng hàng hóa ở đây nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. “Chúng tôi thường xuyên phải làm theo ca hoặc tăng ca về muộn nên không có thời gian đi mua đồ tại các siêu thị, cửa hàng uy tín. Hàng hóa bán bên ngoài KCN như cái chợ trời. Nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng, các mặt hàng bày bán bị bụi bám đầy. Ngay cạnh các điểm bán, xe cộ đi lại tấp nập rất nguy hiểm. Do không có các dịch vụ trong KCN, siêu thị lại ở xa nên chúng tôi cũng nhắm mắt mua cho tiện", chị Phương nói.

Nhận thấy rõ sự bất tiện khi thiếu các dịch vụ thiết yếu, một số doanh nghiệp (DN) trong các KCN đã dành một phần diện tích đất để xây dựng khu dịch vụ cho công nhân. Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (KCN Phúc Điền) đã xây khu ký túc xá cho công nhân, trong đó có các phòng để giải trí như xem phim, thư viện, chơi bóng bàn, cầu lông. Công ty TNHH Kefico Việt Nam (KCN Đại An) dành hơn 3.000 m2 đất để xây dựng khu dịch vụ giải trí cho công nhân với các phòng nghỉ cho phụ nữ mang thai, cửa hàng tạp hóa, phòng bóng bàn, sân bóng đá... Tuy nhiên, những DN như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động trong công ty.

Giải bài toán đầu tư

Cuối tháng 10.2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Trong đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2015, 70% số công nhân và người sử dụng lao động ở các KCN được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có KCN hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân; 50% số công nhân ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao... Tuy nhiên theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, đến nay, toàn tỉnh chưa có KCN nào xây dựng được khu dịch vụ như nhà văn hóa, khu mua sắm, khu vui chơi... dành riêng cho công nhân. Một số KCN đã được phê duyệt có diện tích đất dành để xây dựng dịch vụ KCN nhưng không thu hút được nhà đầu tư. Nhà đầu tư lo ngại việc thu hồi vốn và khả năng sinh lời từ các khu dịch vụ này sẽ không cao. Tỉnh hiện cũng chưa có quy định, thiết chế buộc chủ đầu tư phải xây dựng khu dịch vụ thiết yếu cho công nhân nên nhiều DN không quan tâm đến điều này. 

Ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch Công đoàn các KCN cho biết: "Các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong KCN còn nhiều hạn chế. Hằng năm, công đoàn KCN thường phối hợp tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao, vui chơi cho công nhân. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ được tổ chức định kỳ, không thường xuyên. Không phải KCN nào cũng có không gian dành cho các hoạt động như vậy nên mỗi khi tổ chức, công đoàn KCN thường phải mượn địa điểm của DN".

Chỗ ở không bảo đảm, đời sống tinh thần nghèo nàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Để cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân trong các KCN, góp phần xây dựng các DN phát triển ổn định thì các cấp, các ngành chức năng cần sớm xây dựng các thiết chế văn hóa. Trong đó, buộc DN đầu tư vào các KCN phải xây dựng các khu dịch vụ. Tỉnh cần có cơ chế khuyến khích DN xây dựng khu nhà ở cho công nhân.

LAN NGUYỄN - Báo Hải Dương

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây