Hải Dương đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch

Thứ năm - 03/08/2017 17:40 - 2125 lượt xem
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương.
Những năm qua, ngành Du lịch tỉnh Hải Dương đã tích cực kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh liên kết với các địa phương để phấn đấu sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để hiểu thêm về điều này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương.

Phóng viên (PV):Thưa bà, nói đến Hải Dương nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc. Vậy ngoài điểm mạnh về du lịch văn hóa tâm linh, Hải Dương có những tiềm năng du lịch nào khác?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Hải Dương có khá nhiều loại hình du lịch, trong đó, du lịch văn hóa tâm linh là điểm mạnh của địa phương với Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc; hệ thống các đền thờ Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Khúc Thừa Dụ… cùng nhiều di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh khác. Hải Dương còn có điểm du lịch sinh thái với Đảo cò Chi Lăng Nam được công nhận Di tích quốc gia; Khu du lịch sinh thái Sông Hương-Thanh Hà. Ngoài ra, Hải Dương có thế mạnh về du lịch làng nghề, như: gốm Chu Đậu, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, vàng bạc Châu Khê… Hiện nay, toàn tỉnh có 66 làng nghề và đây là một trong những tiềm năng lớn mà ngành du lịch Hải Dương đang tiếp tục đẩy mạnh khai thác.

PV: Với nhiều tiềm năng như vậy, tình hình phát triển du lịch của tỉnh Hải Dương trong những năm qua như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Từ lâu, Hải Dương đã xác định xây dựng du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2016, toàn tỉnh Hải Dương đón gần 3,4 triệu lượt khách, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 8,4% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt hơn 200.000 lượt, khách nội địa đạt hơn 1 triệu lượt). Ngoài ra, tại các di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, đền Tranh, An Phụ-Kính Chủ vào những ngày lễ hội đầu năm có khoảng hơn 2 triệu lượt khách đi về trong ngày. Doanh thu năm 2016 ước đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đón hơn 1,7 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 815 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, du lịch Hải Dương chưa phát triển. Có nhiều nguyên nhân, trong đó sự kêu gọi đầu tư cho du lịch vẫn chưa tương xứng, thiếu các nhà đầu tư tầm cỡ.

PV: Việc liên kết du lịch giữa các vùng lân cận là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Vậy thời gian qua, Hải Dương đã thực hiện liên kết du lịch như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Gần nhất trong năm 2017 đã có hai cuộc làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội về nhiều nội dung quan trọng trong hợp tác phát triển kinh tế, trong đó có du lịch. Các hội nghị này đã xác định tăng cường các mối quan hệ, xây dựng những tour, tuyến, điểm du lịch, có sự kết nối du lịch vùng. Ví dụ, Hải Dương có hệ thống chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm giống như quần thể di tích danh thắng Yên Tử của Quảng Ninh. Vì có nét tương đồng nên chúng tôi dễ dàng xây dựng các tour, tuyến du lịch tâm linh cho du khách đi Hải Dương sang Quảng Ninh.

Điều kiện thuận lợi về mặt địa lý giúp Hải Dương dễ dàng kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh… Hiện nay, chúng tôi có một số tuyến du lịch được nhiều du khách yêu thích, như: Hà Nội đi Côn Cơn-Kiếp Bạc (Hải Dương)-Yên Tử-Hạ Long (Quảng Ninh)-Hải Phòng; Hà Nội đi Đảo cò Chi Lăng Nam-múa rối nước Hồng Phong-Thanh Hà (Hải Dương)-Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các công ty lữ hành để tạo ra nhiều tour, tuyến du lịch giữa Hải Dương và các tỉnh lân cận.

Hai Duong day manh lien ket phat trien du lich - Anh 2

Lễ hội truyền thống Côn Sơn thu hút đông đảo du khách. Ảnh: HOA LƯ.

PV: Thẳng thắn nhận định, Hải Dương vẫn chưa phải là điểm đến yêu thích và điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Vậy ngành Du lịch Hải Dương sẽ làm gì để mời gọi, níu chân và tăng chi tiêu của khách du lịch?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Ngành Du lịch Hải Dương xác định ngay từ đầu cần phải nỗ lực quảng bá, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh liên kết du lịch với các địa phương. Chúng tôi đang quy hoạch chi tiết một số điểm du lịch và kêu gọi những nhà đầu tư chiến lược, có tầm cỡ đến đầu tư tại tỉnh. Chúng tôi cho rằng, Hải Dương phải có những khu vui chơi giải trí, mua sắm gắn với các khu du lịch thì mới giữ chân được du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức cuộc thi cho thuyết minh viên, hướng dẫn viên để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Công tác rà soát các cơ sở lưu trú về chất lượng phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm được ngành Du lịch Hải Dương chú trọng nhiều hơn. Trên thực tế, ở Hải Dương các khách sạn lớn không nhiều, đa phần là các khách sạn nhỏ và nhà nghỉ. Một trong những điểm yếu của du lịch Hải Dương là các sản phẩm du lịch chưa phong phú, đặc biệt là quà lưu niệm cho du khách. Hải Dương chỉ mới dừng lại ở một số đặc sản theo mùa vụ như: Vải, ổi Thanh Hà; nhãn, na, vải Chí Linh… Về ẩm thực, tỉnh nhà có rươi Tứ Kỳ đã được ghi danh vào tốp 50 đặc sản Việt Nam, ngoài ra còn có bánh đậu xanh, bánh gai, bún cá rô… Dù rất mong muốn du lịch sẽ sớm mang màu sắc mới nhưng chúng tôi sẽ không đánh đổi tất cả mà phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường. Năm nào ngành Du lịch Hải Dương cũng mở các lớp tập huấn, tuyên truyền cho các hộ gia đình làm du lịch, các cá nhân để phát triển du lịch bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Quân đội Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây