Đi tìm biểu tượng Chí Linh, Bài 2: Địa linh tụ nhân kiệt

Chủ nhật - 16/09/2018 21:15 - 3988 lượt xem
Đi tìm biểu tượng cho Chí Linh - Thành phố tương lai
Đi tìm biểu tượng cho Chí Linh - Thành phố tương lai
Chí Linh không chỉ là vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử liên quan đến vận mệnh đất nước. Nơi đây, còn có nhiều danh lam thắng cảnh, nơi khí thiêng hội tụ và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử nước ta. Những danh nhân này trở thành niềm tự hào của mọi người dân Chí Linh.
Vùng đất địa linh

Để lý giải cặn kẽ vì sao vùng đất này lại “hữu duyên” với các bậc danh nhân kiệt xuất của lịch sử đã “tụ” về đây sinh sống thì cũng thật khó. Chỉ biết từ trước đến nay, dân gian lưu truyền gọi Chí Linh là vùng đất linh thiêng, đất lành nên thu hút được người tài quần tụ. Nhưng ngẫm cũng phải, các danh nhân đều thuộc vào hàng kiệt xuất của lịch sử cũng đều là người học cao, hiểu rộng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý nên việc am hiểu về phong thủy, huyệt đạo của đất, thế núi hình sông, chỗ nào đất tươi tốt để giúp “nhân khang vật thịnh”, chỗ nào đất xấu để tránh thì có lẽ việc lựa chọn của các “ngài” không phải là điều ngẫu nhiên mà đều có căn cứ cả.

Chí Linh nằm trong cánh cung Đông Triều với hệ thống núi đồi chạy từ Đông Bắc sang Tây Nam, địa hình xen lẫn giữa núi đồi và đồng bằng, với thế đất, hình sông, theo thuyết phong thủy đã được các bậc tiền nhân tổng kết thành câu ca:
“Đông hướng Sài Sơn thiên lĩnh hội
Tây lai vụ thủy lục long chầu”.
 Tạm dịch là: “Phía Đông là dãy Sài Sơn (dãy Yên Tử, cánh cung Đông Triều) có hàng nghìn ngọn núi chầu về.
Phía Tây tụ thủy sáu con rồng chầu lại (sông Lục Đầu)”.

Về địa thế, mạch núi Đông Bắc từ Tổ sơn Yên Tử muôn ngọn đổ về Chí Linh quần tụ nên tạo ra nhiều huyệt mạch linh thiêng. Người xưa đã đặt các huyệt mạch này theo tên gọi của 4 linh vật quý như: Long (đó là núi Rồng ở đền Kiếp Bạc), Ly (núi Kỳ Lân ở chùa Côn Sơn), Quy (núi Quy ở chùa Thanh Mai), Phượng (núi Phượng Hoàng ở đền Chu Văn An). Kỳ lại thay, ở mỗi huyệt mạch linh thiêng này lại là những danh lam thắng cảnh và đều là những nơi các danh nhân, bậc kỳ tài về sinh sống và nay đều trở thành các di tích nổi tiếng của vùng đất Chí Linh.

Về hình thế sông, ở phía Tây của vùng đất Chí Linh có 6 con sống tụ về và được người xưa gọi bằng những tên mang ý nghĩa lớn lao như có 4 con sống được đặt theo 4 đức gồm: Sông Lục Nam trước đây được gọi là sông Minh Đức (có nghĩa là đức sáng), sông Thương gọi là sông Nhật Đức (đức của mặt trời), sông Cầu gọi là sông Nguyệt Đức (đức của mặt trăng), sông Đuống gọi là Thiên Đức (đức của trời). Còn 2 con sống khác cũng đều mang ý nghĩa tốt đẹp như sống Thái Bình còn gọi là sông Phú Lương có nghĩa là thái bình thịnh vượng và sông Kinh Thầy có nghĩa đường kinh lý của Đức Vua cha - Đức Thánh Trần.

Có thể nói, vùng đất Chí Linh nơi có sông núi hòa hợp, hữu tình, nơi hội tụ khí thiêng của đất, đức của trời, tụ thụy, tụ nhân mang đến thái bình thịnh vượng. Chính vì vậy mà qua các triều đại các danh nhân, kỳ tài kiệt xuất đều lựa chọn vùng đất Chí Linh làm nơi sinh sống, di dưỡng tinh thần.

Tụ nhân tài

Có điều thú vị khi tìm hiểu về các danh nhân của Chí Linh đó là các danh nhân có trên nhiều lĩnh vực. Về quân sự có các võ tướng Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Chẩn, lĩnh vực giáo dục có thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Lộ; lĩnh vực văn hóa có Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán; lĩnh vực tôn giáo đạo Phật Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có Pháp Loa, Huyền Quang. Có nhiều danh nhân thuộc hàng kiệt xuất trong từng lĩnh vực như: Về quốc tế tôn vinh Danh tướng Thế giới, Danh nhân Văn hóa Thế giới, Chí Linh có 2 danh nhân, đó là Danh tướng Thế giới có Trần Hưng Đạo, Danh nhân Văn hóa Thế giới có Nguyễn Trãi. Cả nước từ cổ chí kim đến hiện đại có 14 Anh hùng Dân tộc thì Chí Linh có 2 danh nhân được tôn vinh Anh hùng Dân tộc là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Về giáo dục được tôn vinh người thầy muôn đời có thầy giáo Chu Văn An; nữ tiến sĩ khoa bảng đầu tiên và duy nhất có Nguyễn Thị Duệ. Trong Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì Chí Linh có 2 vị Tổ là Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang. Hiếm có vùng đất nào (trong phạm vị đơn vị hành chính cấp huyện, thị) lại hội tụ được nhiều anh tài, nhân kiệt tầm cỡ như vậy.
Trong phạm vi bài viết không thể nói hết và đầy đủ về các danh nhân mà chỉ xin nói về một số danh nhân tiêu biểu.

Nói về Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, có lẽ hầu hết người dân đất Việt đều biết về ông. Tuy Chí Linh không phải quê ông và ông cũng không sinh ra ở đây nhưng vùng đất Chí Linh với ông lại như định mệnh và tên tuổi của ông gắn với vùng đất này. Vùng đất Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo) là Thái ấp của ông được Vua Trần phong cho các vương tôn quý tộc triều đình. Phần lớn cuộc đời ông sống ở Chí Linh, chỉ khi nào triều đình có việc triệu hồi ông về triều để bàn chuyện chính sự của đất nước hoặc những lúc ông đi kinh lý, vi hành để nắm bắt tình hình nhân dân, tìm người hiền tài ông mới rời Chí Linh. Sau khi xong việc triều đình, xã tắc ông lại về sinh sống ở Thái ấp Vạn Kiếp.

Đây là nơi hội tụ của 6 con sông thông với các ngả trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và nhất là vùng Đông Bắc, với tầm nhìn của một thiên tài quân sự, ông “nhìn” thấy nơi đây có một vị trí địa chiến lược về quân sự quốc phòng. Ví trí án ngữ vùng Đông Bắc, là phên dậu, lá chắn bảo vệ kinh thành Thăng Long cả trên đường bộ, lẫn đường thủy. Cũng chính vì vậy, trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2, lần 3 vùng Vạn Kiếp, Chí Linh vừa là đại bản doanh nơi ông điều binh khiển tướng, vừa là chiến trường tổ chức các trận đánh tiêu diệt quân Nguyên Mông xâm lược.

Với công lao to lớn với đất nước, Trần Hưng Đạo được Vua Trần cho lập Sinh từ ngay lúc ông còn sống. Ông còn có công đức với nhân dân trong vùng trong việc trừ ma quỷ, chữa bệnh, giúp người dân sản xuất, ổn định cuộc sống nên khi ông mất nhân dân đã tôn ông là Đức Thánh Trần và lập đền thờ tưởng nhớ, thờ phụng ông. Ngày nay, vùng Vạn Kiếp với đền thờ Kiếp Bạc, đền Nam Tao, đền Bắc Đẩu cùng với khu di tích Côn Sơn trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt. Đặc biệt là vào tháng Tám (âm lịch) mùa thu diễn ra lễ hội đền Kiếp Bạc đã thu hút hàng chục vạn lượt du khách về dâng hương, chiêm bái cầu mong Đức Thánh Trần phù hộ, độ trì quốc thái dân an.

Côn Sơn là thái ấp của Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần. Ông là người có tài, hiền từ, nho nhã có phong cách của bậc quân tử. Tuy nhiên, nói đến Côn Sơn nhiều người biết tên tuổi cháu ngoại Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là Nguyễn Trãi hơn. Nguyễn Trãi con của Nguyễn Phi Khanh, quê gốc ở Chi Ngãi, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh. Ông đỗ Thái học sinh thời nhà Hồ. Sau khi giặc Minh sang xâm lược đã bắt thân phụ ông về Trung Quốc, ông theo xe tù cha đến biên giới Ải Chi Lăng. Sau khi nghe lời thân phụ dặn trở về để đền nợ nước trả thù nhà. Để thực hiện lời dạy của cha ông vào Thanh Hóa gia nhập nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi để thực hiện cuộc kháng chiến chống quân Minh và góp công lớn vào sự thành công của cuộc khởi nghĩa. Nhà hậu Lê được thành lập, ông là khai quốc công thần và được phong đến chức Nhập nội hành khiển. Những năm cuối đời, ông trở về sinh sống tại Côn Sơn. Ông và toàn bộ gia tộc mắc vào án oan và bị kết án tru di tam tộc. Hơn 20 năm sau ông được vua Lê Thánh Tông minh oan và tôn vinh “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”.

Trong cuộc đời ông, ngoài việc đóng góp công sức to lớn trong việc đấu tranh chống ngoại xâm thông nhất đất nước, ông còn là một nhà chính trị, văn hóa kiệt xuất. Ông để lại nhiều tác phẩm thơ, văn chính luận, sách khoa học về địa chí… Đặc biệt ông được đánh giá là nhà tư tưởng lớn của nước ta. Trong mọi hành động từ đấu tranh giải phóng dân tộc hay tham mưu cho vua về các chính sách trị nước, an dân, ông đều lấy tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng nhân dân đặt lên hàng đầu là kim chỉ nam của cuộc đời ông. Ông được tôn vinh là Anh hùng Dân tộc và được thế giới tôn vinh là Danh nhân Văn hóa Thế giới.

Ngày nay, Côn Sơn đã trở thành một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thị xã Chí Linh và cùng với đền Kiếp Bạc trở thành khu di tích Quốc gia đặc biệt. Hằng năm lễ hội chính vào mùa xuân thu hút rất đông du khách về trảy hội.

Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, người thầy muôn đời Chu Văn An là một tượng đài vĩ đại, một tấm gương lớn về đạo đức khiến cho nhiều thế hệ làm giáo dục noi theo. Trong suốt cuộc đời dạy học, ông đã đào tạo hàng nghìn học trò, trong đó có nhiều học trò đỗ đạt làm quan to trong triều như: Phạm Sự Mệnh, Lê Quát… Ông là người tiết tháo, đức cao vọng trọng nên từ Vua đến các quan trong triều đều kính trọng. Ông quê ở Thanh Trì, Hà Nội nhưng vùng đất Chí Linh lại được ông lựa chọn để sống những năm tháng cuối đời. Việc ông chọn núi Phượng Hoàng thuộc huyện Chí Linh xuất phát từ việc sau khi ông dâng “Thất trảm sớ” dâng Vua Trần Dụ Tông xin chém 7 tên quan nịnh thần. Không được Vua chấp nhận ông bèn trả mũ áo từ quan đi chu du thiên hạ. Đi đến vùng đất Chí Linh thấy núi Phượng Hoàng có cảnh đẹp nên ông đã ở lại dựng nhà ven sườn núi để ở gọi là tiểu ẩn cổ bích sống cuộc đời thanh bạch, dạy học, làm thơ cho đến khi mất.
Khi ông mất Vua Trần ban cho tên thụy Văn Trinh Công, cho thờ ở Văn Miếu. Ông được tôn vinh là “Người thầy của muôn đời”. Nơi ông sống những năm tháng cuối đời “Tiểu ẩn cổ bích” nay đã được hậu thế xây dựng đền thờ mang tên ông và thờ phụng suốt hơn 6 thế kỷ qua và trở thành khu di tích mang tên Phượng Hoàng hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch, nhất là các đoàn giáo giới học sinh về dâng hương báo công với thầy.

Khu di tích Phượng Hoàng không chỉ có đền thờ thầy giáo muôn đời Chu Văn An mà nơi đây còn có một đền thờ thờ bậc kỳ tài thiên hạ đặc biệt nữa mà vùng đất Văn An, Chí Linh đã sản sinh. Bậc kỳ tài đặc biệt đó không ai khác chính là Nữ Tiến sĩ Khoa bảng đầu tiên và duy nhất của nền giáo dục khoa bảng phong kiến Việt Nam Nguyễn Thị Duệ (1574 – 1654). Bà có số phận khá đặc biệt, sinh ra ở Kiệt Đặc, Văn An (Chí Linh), lớn lên bà theo gia đình lên Cao Bằng sinh sống. Tại đây để được đi thi bà phải giả trai để đi thi do nhà Mạc ở Cao Bằng tổ chức để tuyển chọn người tài. Kết quả bà đỗ đầu kỳ thi được gọi là Tiến sĩ, bà đỗ cao hơn thầy dạy học của mình. Sau khi nhà Mạc bị quân triều đình Lê - Trịnh diệt, bà bị bắt đưa về kinh thành Thăng Long, cảm phục tài năng đức độ, Vua Lê – Chúa Trình đã trọng dụng bà phong cho bà chức quan và giao cho bà việc dạy học trong cung. Bà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục và tuyển chọn người tài cho đất nước.

Đến những năm tháng cuối đời bà về quê Văn An sinh sống và mất tại đây. Nhân dân xây dựng tháp mộ bà gọi là Tinh phí Cổ tháp và xây dựng đền thờ hương khói. Bà còn được hậu thế ghi nhận và đánh giá rất cao bằng việc được thờ trong Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cùng với Khổng Tử và 7 vị đại khoa bảng của Việt Nam gồm: Chu Văn An, Phạm Sự Mệnh, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hiện nay, đền thờ bà đang được đầu tư trùng tu tôn tạo để xứng tầm với một bậc kỳ tài đất Việt.

>>> Xem thêm: 
Bài 1: Chí Linh vùng đất nhiều lần đồng hành cùng vận mệnh đất nước

Nguồn: Du lịch Chí Linh

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây