Khám phá núi Ngũ Đài - Chí Linh (*), Kỳ cuối: Tới hang Pheo, khe Ổ Lợn...

Thứ hai - 17/09/2018 21:43 - 3369 lượt xem
Khám phá núi Ngũ Đài - Chí Linh (*), Kỳ cuối: Tới hang Pheo, khe Ổ Lợn...
Kỳ cuối: Tới hang Pheo, khe Ổ Lợn... (*)

“... Ngàn đời nay, người dân Hoàng Tiến giữ rừng để hưởng hoa lợi từ rừng và cũng chính họ cũng là những người đã cố công gìn giữ cái tài sản vô giá mà thiên nhiên và lịch sử đã ban tặng…” Chúng tôi chọn ngày Chủ nhật để tiếp tục hành trình khám phá Ngũ Đài Sơn. Chuyến đi này, chúng tôi có mời cụ Nguyễn Văn Ngoạn, ông Ngô Quang Vinh, một số cán bộ địa phương và các em sinh viên, các cháu học sinh trong thôn, trong xã cùng cả mấy cô giáo trẻ trường làng. Theo cụ Ngoạn, nếu muốn khám phá kỹ Ngũ Đài Sơn thì cần phải có nhiều ngày. Tuy nhiên, vẫn phải leo lên núi Đống Thóc, qua Cổng Trời, từ đó tới hang Pheo, công viên đá Khe Ổ Lợn và thác Bò Đái. Những người chưa leo núi nghe vậy thì hào hứng lắm.

Vẫn con đường dốc đứng lên núi những ngày trước đã trở nên quen thuộc với chúng tôi nhưng lại gợi sự tò mò cho những người lần đầu leo núi, nhất là các bạn trẻ. Cụ Ngoạn vẫn cố gắng leo núi cùng mọi người. Gió hun hút thổi, nhìn cụ già gần 90 tuổi bước đi, vững chãi từng bậc, chúng tôi cảm nhận thấy đó thực sự là sức mạnh phi thường của niềm tin. Do thời tiết tốt, tầm nhìn được mở rộng thêm nhiều so với những ngày trước của hành trình khám phá. Những bạn trẻ vui lắm. Quê hương đẹp đến vậy mà lần đầu tiên trong đời họ mới được nhìn ngắm một cách khá trọn vẹn từ trên cao. Để an toàn, chúng tôi đề nghị cụ Ngoạn xuống núi, bởi cụ đã 86 tuổi. Yêu lắm quê mình, cụ mong mỏi thêm một lần lên Ngũ Đài, nhưng thực sự không thể yên tâm… Rồi chúng tôi lên tới đỉnh Đống Thóc và các vị trí đã tới những ngày trước đó, trong đó có Cổng Trời.

Theo hướng tay chỉ của ông Vinh, chúng tôi nhìn thấy một chú thỏ đá khổng lồ. Có lẽ chú ngồi đấy đã ngàn vạn năm để đón đợi những du khách tới chiêm ngưỡng! Để khiến du khách nếu một lần đặt chân đến đây, chắc cứ vương vấn chẳng muốn rời. Lúc này, đoàn chúng tôi chia làm 2 nhóm, một nhóm theo ông Vinh xuống hang Pheo, nhóm còn lại ở lại tham quan khu vực Cổng Trời. Hang Pheo ở sườn núi dưới chân Cổng Trời. Theo ước lượng của ông Vinh, cả nhóm cứ cắt chéo sườn núi mà men dần xuống. Đây là sườn phía Đông Triều - Quảng Ninh hứng gió nên quanh năm ẩm thấp, cây cối phát triển với nhiều tầng lớp. Đường đi rất nguy hiểm, luôn tiềm ẩn những điều bất trắc xảy ra. Có đoạn chúng tôi đi qua toàn cây nứa. Những bụi nứa đã khai thác, gốc nhọn hoắt chĩa lên như bàn chông, như sẵn sàng xuyên thủng bất cứ bàn chân nào nếu sơ suất. Chưa hết, phần ngọn nứa còn lại phía trên những tán lá cũng sắc lẹm, nếu có tác động mạnh, sẽ lao thẳng xuống như một mũi giáo… Luồn lách mãi rồi chúng tôi cũng tới được hang Pheo. Hang Pheo gồm nhiều tầng, được tạo thành từ các tảng đá sỏi kết lớn xếp chồng lên nhau. Tương truyền, đây là nơi cư ngụ người xưa. Tại đây đã đào tìm được dụng cụ như cối xay đá, đồ gốm. Ngay bên dưới còn có khe nước trong vắt, đủ điều kiện sống. Ông Vinh còn dẫn chúng tôi tới xem một hõm đá tròn hằn sâu vào vách đá - đó là Mắt Thần, nghe nói thiêng lắm, đáng để mọi người tới thỉnh cầu và chiêm nghiệm. Khám phá xong hang Pheo, trên đường ra, vừa đi ông Vinh vừa kể về những sản vật khác của núi rừng Ngũ Đài, đó là những cây thuốc quý, chữa bệnh gan thận, đau nhức, thần kinh, rồi cả cây hương bài để sản xuất hương không độc.

Chúng tôi lại bắt đầu ngập vào bạt ngàn cỏ tranh để sang khe Ổ Lợn. Hôm nay, những đám mây lang thang đâu đó chưa về, nên chúng tôi nhìn được xa và rõ hơn. Đứng trên cao phóng tầm mắt xuống núi mới cảm nhận rõ phong cảnh dưới núi vẫn vương vấn màn sương mờ ảo, xa xa là bức tranh vùng sơn cước với nhiều mảng màu, thấp thoáng ngôi chùa nhỏ Ngũ Đài tạc vào sườn non. Đường sang khe Ổ Lợn qua công viên đá. Ở đây đá bạt ngàn khắp mọi nơi. Cả một công viên đá được dựng lên trên nền thảm cỏ tranh ngút tầm mắt. Nơi đây mở cánh cửa đi vào thế giới của đá mang vẻ đẹp lạ thường. Chúng tôi len lỏi qua “khu trưng bày” những tác phẩm của đá với nhiều dáng vẻ… Màu xám xù xì của đá giao duyên với sắc màu của cỏ cây hoa lá, tạo nên sự tương phản độc đáo ở thiên đường ở lưng trời. Liền kề là khe Ổ Lợn với mảng màu xanh đến mê mải. Mấy anh cán bộ địa phương kể rằng, vài chục năm trước tại khu vực này vẫn còn khá nhiều thú quý, đặc biệt là lợn rừng… Hàng đàn lợn thường lên đây để kiếm ăn. Rừng cỏ tranh là nơi chúng dễ kiếm được nhiều thức ăn nhất. Cái tên khe Ổ Lợn ra đời từ đó.

Rời công viên đá và khe Ổ Lợn, chúng tôi hào hứng tìm đường tới thác Bò Đái bằng cách tạt ngang sườn núi. Cả đoàn đã lấy được nước ở khe này để giải cơn khát. Xong xuôi, mọi người tiếp tục tìm vào thác Bò Đái - điểm đến cuối của hành trình… Không ai có thể tưởng tượng được, ẩn sâu trong núi, giữa bạt ngàn rừng cây lại có một ngọn thác khá lãng mạn. Không lộng lẫy, mà ẩn chứa nét duyên của núi, của rừng. Do không phải mùa nên thác ít nước, nhưng từ trên cao 2, 3 tầng đá, nước vẫn kiên trì chảy. Vào mùa mưa, tiếng thác đổ tạo nên âm thanh mang âm hưởng riêng của Ngũ Đài Sơn… Và đây cũng là khởi nguồn của con suối có tên Đá Mài, nơi người đi rừng thường nghỉ ngơi và mài dao. Con suối trong mát ngàn đời nay mang dòng nước ngọt lành tới cho nương rẫy, ruộng đồng, làm cho xóm làng trù phú, cây trái bốn mùa sum suê. Nhiều gia đình đã làm hệ thống lấy nước từ con suối này về dùng cho ăn uống, sinh hoạt.

Từ thực tế chuyến đi, có thể khẳng định quần thể núi Ngũ Đài còn tiềm ẩn nhiều điều. Trong tương lai không xa, quần thể di tích lịch sử văn hóa Ngũ Đài Sơn với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng phong phú sẽ trở thành điểm đến lý tưởng ở Hải Dương! 

(*) Bài dự thi cuộc thi viết về Du lịch Hải Dương
Báo Du lịch - Tổng cục Du lịch - Bộ VHTTDL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây