Khám phá núi Ngũ Đài - Chí Linh (*), Kỳ II: Theo ông Cóc lên Cổng Trời

Thứ hai - 17/09/2018 21:38 - 2865 lượt xem
Khám phá núi Ngũ Đài - Chí Linh (*), Kỳ II: Theo ông Cóc lên Cổng Trời
Kỳ II - Theo ông Cóc lên Cổng Trời

Thực hiện xong các nghi lễ, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục núi Ngũ Đài… Nhưng người dẫn đường nói rằng hôm nay mọi người sẽ lên gặp ông Cóc rồi cùng ông lên Cổng Trời. Đường đi lúc này khó hơn nhiều. Giữa mênh mông của núi là bạt ngàn cỏ tranh ngập ngang người. Sẽ không ai đoán được phía dưới những trảng cỏ tranh dày đặc này là những gì.

Không chỉ thế mà đường còn rất dốc, mây gần như phủ kín đỉnh núi nên việc giữ cự ly và bám đuổi nhau là cực kỳ quan trọng… Thế nhưng, thi thoảng có đoạn núi như nằm ngang ra, như giúp người ta lấy đà để lên dốc tiếp. Đi mãi mà chưa tới nơi cần tới, ai cũng bảo hình như núi cao thêm. Núi như gối đầu vào mây để ngủ và phủ trên mình chiếc chăn mây bồng bềnh. Chúng tôi vừa đi vừa dò tìm, vạch cỏ tranh để tạo đường lên núi. Người trước làm lối cho người sau đi theo hình thành một “con đường” để đánh dấu lối về. Biết đâu đây có thể sẽ là con đường ghi dấu chân đầu tiên của những người chinh phục đỉnh núi này. Và hy vọng sau chuyến đi này sẽ có một con đường để nhiều người hơn có cơ hội lên núi, lên với chốn linh thiêng và ngoạn mục này!

Chúng tôi vẫn còn phải lên cao. Cả cánh rừng cỏ tranh bây giờ lại tiếp tục trải ra trước mắt mọi người mênh mông, bát ngát. Nếu như có thể từ một vị trí cao hơn nhìn xuống nơi này, chắc người ta dễ nhầm đây là một cánh đồng lúa đang chín. Cũng có lúc, trời như vén bớt mây đi để chúng tôi dễ quan sát hơn. Giữa cái mênh mông của đất của trời ấy, chúng tôi đi như vô định trong một không gian vừa huyền ảo, vừa có cảm giác như có Phật Thánh đâu đây… Bất chợt trước mặt chúng tôi là một khối đá có hình thù rất lạ, xù xì, mốc mác… hình một chú cóc khổng lồ. Mọi người ai nấy đều trầm trồ trước bàn tay khéo léo của tạo hóa. Ông Nghị - người dẫn đường của chúng tôi nói đây là ông Cóc và lưu ý mọi người phải gọi như thế bởi đây được coi là linh vật của vùng Ngũ Đài. Ông Nghị kể, từ nhiều đời truyền tụng đến nay câu chuyện về ông Cóc: Ngũ Đài Sơn là một đoạn đường trong hành trình ông Cóc đi kiện Trời… Bãi đá nhấp nhô, thiên hình vạn trạng phía dưới rừng cỏ tranh kia được hình thành sau mỗi bước nhảy của ông lên Trời… Sau khi lên Trời rồi thắng kiện, ông Cóc trở lại vị trí này, ngay phía dưới Cổng Trời để có thể theo dõi Ngọc Hoàng có thực hiện đúng cam kết hàng năm đem mưa thuận gió hòa đến cho nhân gian… Và như thế ông ngự ở trên cao, giữa bao la đất trời đã ức vạn năm che chở cho mọi người, mọi nhà…

Không ai bảo ai, tất cả mọi người trong đoàn đều tới gần, chạm tay vào ông Cóc rồi thì thầm gì đó. Có lẽ tất cả đều mong ông linh thiêng, tiếp tục phù hộ cho dân lành. Mang theo những sở nguyện chung-riêng, chúng tôi lại tiếp tục tìm đường để lên cái đích của chuyến đi, đó là Cổng Trời. Đường vẫn rất nguy hiểm. Tuy nhiên hình như những điều khấn nguyện của mỗi người như ứng nghiệm nên chúng tôi đi nhanh hơn, chân bước nhẹ nhàng hơn, cảm thấy Cổng Trời như gần lắm, bởi ẩn hiện trong mây là hình ảnh của Cổng Trời lung linh, huyền ảo. Sau hành trình khá vất vả, nay thì Cổng Trời đây rồi. Điểm cao nhất của hành trình khám phá đã được chúng tôi chinh phục. Trên gương mặt rạng rỡ của mỗi người đều ánh lên niềm vui khôn tả và xen lẫn niềm tự hào. Cổng Trời được tạo thành bởi các khối đá xếp chồng lên nhau như một tác phẩm kiến trúc kết hợp điêu khắc khổng lồ. Cổng có thể đủ 2 người đi qua mỗi lượt và đủ chỗ cho 20 người. Ở đây, người đời có thể thỏa sức giao tiếp với mây trời… Đẹp quá! Ai cũng phải thốt lên như vậy. Cái đẹp càng được tôn thêm lên bởi không chỉ của trời đất, mà còn là cả sự linh thiêng của ngàn năm tụ lại nơi này. Gần đó có một mỏm đá gọi là giếng Trời. Phải rất thận trọng vì “giếng” nằm ngay trên mặt của một phiến đá của Cổng Trời, chênh vênh, phía dưới là vực sâu thẳm. Không thể tưởng tưởng được đây lại là giếng! Chỉ là một hõm trên bề mặt phiến đá mấy mét khối, khá độc lập, gác lên các phiến đá khác của Cổng Trời, vậy mà nước ở đâu cứ chắt ra mãi, trong vắt, chẳng bao giờ cạn… Cả đoàn chúng tôi hơn mười người thành kính xin Trời, rồi múc uống mỗi người vài cốc, vậy mà nước vẫn lại ra đầy ngay tức khắc… Đặc biệt nước rất ngọt như tinh hoa của trời đất.

Niềm vui đã xua hết mệt nhọc trước đó, mọi người tranh thủ ghi lại những hình ảnh của đất, của trời, của cảnh đẹp quê hương mình nhìn từ Cổng Trời như sợ khó có dịp quay lại hoặc nếu không nhanh mọi thứ sẽ tan biến mất như trong truyện cổ tích. Cách Cổng Trời vài trăm mét là nậm Rượu - đây cũng là một hõm đá độc lập. Có 2 lý do để dân gian đặt tên là nậm Rượu, bởi hõm nước này, nhìn từ trên xuống, hình dáng giống như cái nậm nằm ngang và “rượu”thì giống như nước ở Giếng Trời, không bao giờ cạn. Lại thêm một điều linh diệu nữa ở Ngũ Đài. Tại khu vực Cổng Trời còn một nơi linh thiêng nữa, đó là một phiến đá hiện còn khắc in hình một dấu chân lớn hơn bàn chân người thường. Theo những người dân địa phương, họ được các cụ truyền lại rằng đó là dấu tích bàn chân của Phật. Phật đặt chân trái ở Ngũ Đài, lấy đà để bước chân phải sang Yên Tử ! Nơi đây phong cảnh hữu tình. Không những cỏ cây hoa lá tốt tươi mà đá cũng nở hoa. Trên các phiến đá, có loài hoa đá sinh sôi, phát triển, như những bức gấm thêu hoa của những thợ thủ công khéo tay. Chắc chắn, bất kỳ ai, bất kỳ du khách nào đặt chân tới vùng địa linh này sẽ đều cảm nhận được đầy đủ và trọn vẹn điều chúng tôi kể...

Hoa văn trên núi

 Với chúng tôi, phong cảnh quần thể di tích Ngũ Đài thật kỳ thú và ẩn chứa bao điều linh diệu. Và thật khó nói hết được bằng lời khi mà hành trình của chúng tôi chưa dừng lại. Vẫn còn những điều bí ẩn nữa cần khám phá để kể cho mọi người nghe!

>>> Kì I: Kỳ I: Lên núi Đống Thóc, thăm chùa Bát Hương

(Còn tiếp)

(*) Bài dự thi cuộc thi viết về Du lịch Hải Dương
Báo Du lịch - Tổng cục Du lịch - Bộ VHTTDL

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây