Tấm lòng hậu thế với Nữ tiến sĩ khoa bảng đầu tiên của Việt Nam

Thứ hai - 19/03/2018 20:50 - 3630 lượt xem
Tấm lòng hậu thế với Nữ tiến sĩ khoa bảng đầu tiên của Việt Nam
Trong những di tích thờ các danh nhân lịch sử ở Chí Linh, đã có nhiều di tích được trùng tu tôn tạo đẹp và trở thành điểm đến tâm linh của bao du khách trên khắp mọi miền đất nước. Di tích đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ tuy đã được đầu tư, trùng tu tôn tạo, song hiện nay di tích đền thờ bà vẫn chưa hoàn thiện. Di tích vẫn đang được Ban Quản lý Di tích Chí Linh, UBND thị xã Chí Linh tiếp tục đề nghị các cấp bộ, ngành, chính quyền quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo để di tích đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được đồng bộ và thu hút du khách về vãn cảnh, chiêm bái ngưỡng vọng anh linh “Bà chúa Sao Sa”, một nữ danh nhân kỳ tài nước Việt.
Nữ kỳ tài nước Việt
Theo nhiều tài liệu lịch sử và các nhà nghiên cứu lịch sử đều đánh giá và ghi nhận bà Nguyễn Thị Duệ là một bậc nữ kỳ tài hiếm hoi trong lịch sử. Bà sinh năm 1574, trong một gia đình nhà nho nghèo hiếu học ở làng Kiệt Đặc (nay xã phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Mặc dù xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ” không cho phép phụ nữ được đi học, đi thi nhưng bà vẫn quyết chí xin cha mẹ cho đi học. Cha bà là một nhà nho có tư tưởng cấp tiến, khi nghe con xin được học chữ, ông không phản đối mà có khuyến khích con, thậm chí tìm thầy cho con theo học. Bà thông minh, học giỏi hơn chúng bạn được thầy khen.
Năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm kinh thành Thăng Long, nhà Mạc yếu thế rút chạy lên Cao Bằng, gia đình bà cũng di tản lên Cao Bằng sinh sống. Tại đây, năm Giáp Ngọ (1594) nhà Mạc mở khoa thi Hội để tuyển chọn người tài giúp nước. Dù học giỏi nhưng do xã hội “trọng nam khinh nữ” nên bà không thể đàng hoàng đi thi như những nam sĩ tử khác, bà đành nghĩ ra cách đóng giả trai để đi thi. Đây là điều xưa nay chưa từng xảy ra trong lịch sử. Trong kỳ thi Hội năm đó bà đã đỗ thủ khoa, trong khi đó thầy học của bà chỉ đỗ á khoa. Thầy bà cảm phục nói “Màu xanh là từ màu lam mà ra và đẹp hơn màu lam”. Năm đó, bà tròn 20 tuổi, trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến.
Trong buổi gặp mặt các tân khoa, Vua Mạc Kính Cung thấy có một tiến sĩ trẻ tuổi, dáng người nhỏ nhắn, thanh tú, liền sinh nghi. Sau khi hỏi và biết rõ sự thật bà là gái giả trai nhà vua đã không những xử tội “khi quân” mà còn khen ngợi và mời bà vào cùng dậy học cho các phi tần và tuyển bà làm phi, phong là Tinh Phi, ngụ ý khen bà vừa xinh đẹp lại vừa sáng láng như một vì sao. Sau biến cố lịch sử, năm 1625, chúa Trịnh kéo quân lên Cao Bằng diệt nhà Mạc, bà đã trốn vào rừng đi tu trong một ngôi chùa. Bà cầm thanh gươm khảng khái nói: “Các người bắt được ta phải mang ta nộp cho chúa các ngươi. Nếu vô lễ  với lưỡi gươm này ta sẽ tự tử”. Cảm phục khí tiết của bà, quân sĩ đã giải bà về kinh giao nộp cho chúa Trịnh. Nghe tiếng tăm của Nguyễn Thị Duệ đã lâu, chúa Trịnh rất sủng ái, phong cho bà chức Cung Trung Giáo Tập, rồi Lễ Nghi Học Sĩ để trông coi việc dạy học trong vương phủ.
Đương thời, bà có nhiều đóng góp cho nền giáo dục thời Lê, bà quan tâm đến việc học hành, thi cử có công phát hiện, bồi dưỡng, dạy dỗ nhiều nhân tài cho đất nước. Phần lớn các kỳ thi Đình, thi Hội, các bài vở của sĩ tử đều qua tay bà chấm chọn. Các biểu sớ, văn bài thi đại khoa vua, chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại. Đơn cử, năm Đức Long thứ 3 (đời vua Lê Thần Tông) Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ làm giáo khảo kỳ thi Tiến sĩ (năm 1631) ở Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương). Có rất nhiều sĩ tử dự thi, trong đó có sĩ tử Nguyễn Minh Triết. Sau khi thi xong giám khảo lựa chọn các bài đỗ trong đó có bài thi của Nguyễn Minh Triết. Điều lạ là bài thi quy định 12 câu nhưng sĩ tử Triết chỉ làm có 4 câu, nhưng 4 câu cực kỳ xuất sắc, các quan không nỡ đánh trượt, bèn tâu lên vua. Nhà vua bèn hỏi ý kiến của bà. Đọc xong bài thi của sĩ tử Triết, bà thấy hay liền tâu vua: “Bài văn làm được 4 câu mà hay còn hơn làm cả 12 câu mà không hay. Triều đình cần người thực tài chứ không cần kẻ xu ninh”. Nhà vua cảm phúc, chấm cho bài thi của Nguyễn Minh Triết đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi.
Bên cạnh đó, bà còn khuyến khích việc phát triển giáo dục ở các địa phương, khuyến khích phong trào học tập, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học. Bà thường giao bài cho sĩ tử ở các địa phương. Sau đó, sĩ tử học và làm bài thi gửi lên kinh thành cho bà xem, duyệt, chấm bài rồi lại gửi về địa phương. Vì vậy, bà còn được coi là người phát triển hình thức giáo dục đào tạo từ xa.
Không chỉ có công trong phát triển giáo dục, bà còn có tấm lòng độ lượng với dân với nước. Khi đất nước gặp thiên tai địch họa, nhân dân lầm than, đói khổ và đã xin với triều định cấp phát lương thảo cứu đói, cấp phát nhiều mẫu ruộng tốt để nhân dân cấy cày. Bà cũng hay gặp gỡ giao thiệp với những sĩ phu Bắc Hà, nhà nho thực tài như: Thám hoa Giang Văn Minh, Thám hoa Phương Thế Hiền để nắm bắt tình hình, thời thế, tâm tư, mong muốn của nhân dân và tâu vua điều chỉnh những chính sách nhằm an dân.
Nguyễn Thị Duệ thọ hơn 80 tuổi. Khi mất bà được triều đình ban sắc phong, cho đúc tượng, dựng bảo tháp, khắc bia và được nhân dân lập đền thờ, tôn làm Phúc thần.
Tấm lòng hậu thế
Theo sách “Chí Linh phong vật chí” viết: Sau khi bà Chúa Sao Sa qua đời, người ta đưa hài cốt bà về quê hương xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh an táng trên một đỉnh đồi cạnh núi Phượng Hoàng và trên xây một ngôi tháp bằng gạch nung, vì vậy nhìn từ xa tháp có mầu hồng rất đẹp, gọi là Tinh Phi Cổ Tháp. Vào cuối triều Lê, Tinh Phi Cổ Tháp được xếp vào hàng “Chí Linh Bát Cổ”.
Trải qua thời gian, đến đầu thế kỷ XIX, Tinh Phi Cổ Tháp bị xuống cấp, hư hại. Đến năm 1993, nhân dân địa phương kêu gọi công đức xây dựng lại ngôi tháp như hiện nay với kiến trúc khá đơn giản. Đến năm 2004, nhận thấy tầm quan trọng của di tích, đặc biệt là giá trị lịch sử của danh nhân, ngày 28 – 6 – 2006, UBND tỉnh Hải Dương đã ký duyệt dự án xây dựng đền thờ Nguyễn Thị Duệ. Dự án bao gồm các hạng mục: Đền chính, tả hữu vu, nghi môn, 2 am hóa vàng, cải tạo nâng cấp lăng mộ. Đến nay, đền chính, am hóa vàng, sân trước đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Đền thờ Nguyễn Thị Duệ được xây dựng trên cơ sở nền đền cũ trên đỉnh đồi Mâm Xôi, mắt hướng phía tây nam. Đền thờ bà Chúa Sao Sa có kiến trúc kiểu chữ Đinh, Tiền tế ba gian hai dĩ và một gian hậu cung, phía sau hậu cung không xa là Tinh Phi Cổ Tháp. Theo thuyết phong thủy, thế đất của đền như viên ngọc được bao bọc bởi dãy núi Phượng Hoàng, phía trước là một hồ nước rộng mênh mang chấp chới cánh cò, cánh bạc  vào những buổi hoàng hôn đã khẳng định nơi đây đất lành chim đậu.
Những năm gần đây, di tích tiếp tục được đầu tư xây dựng đường vào và sân bãi để xe trước đền. Mặc dù di tích đền thờ Nguyễn Thị Duệ đã khang trang, bề thế hơn trước rất nhiều nhưng cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Chí Linh vẫn canh cánh nỗi lòng, vì Tinh Phi Cổ Tháp là điểm nhấn quan trọng của di tích đền thờ Nguyễn Thị Duệ vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo. Nhiều lần Ban Quản lý Di tích Chí Linh đã tham mưu cho UBND thị xã Chí Linh để đề nghị UBND tỉnh Hải Dương lập đề án đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép được trùng tu, tôn tạo Tinh Phi Cổ Tháp. Ngày 29/12/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Hải Dương về việc đầu tư tôn tạo di tích Mộ và đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ hạng mục phục dựng  Tháp mộ và xây mới Nghi môn ngoại khu đền thờ bằng nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Sau khi nhận được thông báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích thị xã tích cực chuẩn bị cho lễ khởi công xây dựng tôn tạo hạng mục Tháp mộ và xây mới Nghi môn ngoại vào ngày 18 – 3 – 2018.
Việc tôn tạo Tinh Phi Cổ Tháp, xây mới nghi môn ngoại góp phần giúp di tích đền thờ Nguyễn Thị Duệ hoàn thiện đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản di tích. Đây cũng  là một việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện tấm lòng, sự tri ân, biết ơn của hậu thế đối với bậc tiền nhân là một bậc nữ kỳ tài của nước Việt đã có nhiều công lao đối với nhân dân, đất nước.

Kim Xuyến (Ban QLDT  Chí Linh)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây