Khám phá núi Ngũ Đài - Chí Linh (*), Kỳ I: Lên núi Đống Thóc, thăm chùa Bát Hương

Thứ hai - 17/09/2018 10:35 - 3311 lượt xem
Khám phá núi Ngũ Đài - Chí Linh (*), Kỳ I: Lên núi Đống Thóc, thăm chùa Bát Hương
Kỳ I: Lên núi Đống Thóc, thăm chùa Bát Hương

“… Biết đâu đấy trong tương lai không xa, quần thể di tích lịch sử văn hóa - danh thắng núi Ngũ Đài (xã Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh, Hải Dương) với một hệ sinh thái tự nhiên phong phú sẽ trở thành nơi đón du khách tới thưởng ngoạn, đắm mình vào phong cảnh kỳ thú, tìm hiểu thêm về một dòng Thiền thuần Việt và nghe những câu chuyện cổ ly kỳ, mang tính nhân văn sâu sắc…”

Thị xã Chí Linh nằm giữa miền rừng núi phía Đông Bắc Bắc bộ, nổi tiếng với “Chí Linh bát cổ” cùng một hệ thống đậm đặc những đền chùa, di tích danh thắng nổi tiếng như Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Cao, đền Sinh - đền Hóa, núi Ngũ Nhạc, Phượng Hoàng... Không những thế, Chí Linh còn nổi tiếng với thắng cảnh trong quần thể di tích núi Ngũ Đài - nơi tương truyền có một hệ thống chùa từ rất xa xưa… Mong muốn được khám phá, “mục sở thị” quần thể di tích này, chúng tôi đã có cuộc “thượng sơn”…

Điểm đến đầu tiên của hành trình là ngôi chùa Ngũ Đài (tên chữ là Kim Quang tự). Nhân dân địa phương lấy tên làng Ngũ Đài để gọi cho dễ nhớ. Cái tên ấy đã gắn liền với lịch sử tồn tại và đi vào tiềm thức của lớp lớp thế hệ người dân trong vùng. Theo tư liệu của Viện Hán-Nôm, chùa cổ Ngũ Đài được xây dựng vào thời vua Trần Minh Tông (năm 1320), thờ Phật theo Thiền phái Trúc Lâm, nằm trong hệ thống chùa cổ Yên Tử - Quỳnh Lâm - Thanh Mai - Sùng Nghiêm nổi tiếng linh thiêng. Chùa tọa lạc trên một khu đất cao, nằm dưới chân núi Đống Thóc, tựa vào núi Vua Bà, núi Chóp Chài bốn mùa vân tản - thông reo - suối hát… Lời bài minh khắc trên bia đá của ngôi chùa lưu truyền rằng: “Lớn thay! Huyện Phượng/Đẹp quá! Hoàng hương/Núi Đài trùng điệp/Suối nước mênh mang/Một cung chùa Phật/Hòa thượng thập phương/Còn đây di tích/Người đời không  quên…”. Cảnh đẹp Ngũ Đài Sơn là vậy, nhưng chiến tranh và thời gian đã hủy hoại quần thể chùa. Ngôi chùa hiện hữu do nhân dân địa phương và phật tử công đức xây dựng lại vào những năm 2003-2004 ở vị trí thấp hơn, nhỏ hơn quy mô cổ rất nhiều. Trong chùa vẫn còn những cổ vật giá trị được nhiều thế hệ nhân dân trong vùng lưu giữ như một số pho tượng, tòa cửu long, hoành phi, câu đối, bát hương... Ngôi chùa bình dị ẩn mình dưới tán cổ thụ của cây thông, cây sung, cây đại hàng trăm năm tuổi. Giữa không gian thanh tịnh, chùa như nét chấm phá trong một bức tranh thủy mặc lưu luyến du khách thập phương.

Không chỉ dừng lại ở đó, vùng núi Ngũ Đài còn ôm trong mình những huyền thoại cùng sự tích ra đời những di tích trên dãy núi phía sau chùa. Tương truyền, ở khu vực Đài Sơn xưa, có nhiều ngôi chùa lớn nhỏ với hàng trăm gian nằm rải từ chân núi lên tới đỉnh núi. Trong đó có những di tích hoàn toàn do thiên nhiên tạo ra như Bát Hương, hang Pheo, “Công viên đá” với muôn hình Thỏ, Rùa, Ông Cóc, Bàn chân Phật, Cổng Trời, Giếng Trời, Nậm Rượu... Những huyền tích ấy đã thôi thúc chúng tôi khám phá bằng chính con đường mòn phía sau chùa. Mục tiêu đầu tiên là vượt dốc để lên núi Đống Thóc. Mấy chục mét đường đi đầu tiên đều không dốc lắm, len lỏi qua những vòm lá với chi chít hoa rừng… Mọi người đều háo hức, hăm hở leo lên cao dần. Cảnh đẹp thiên nhiên cứ từng bước mở ra trước mắt mọi người. Ai nấy đều trầm trồ trước vẻ đẹp của núi, của rừng. Càng lên, đường càng lúc càng dốc đứng… Từ vị trí nửa đường lên núi Đống Thóc nhìn xuống, cảnh quan hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Con đường mòn trên núi nhìn từ trên cao như một dải lụa, một đầu vướng vào cây rừng, một đầu uốn lượn rồi vươn ra mãi cánh đồng xanh mướt phía xa… Núi Đống Thóc có độ cao khoảng gần 300m so với mực nước biển. Nhiều đời xưa truyền lại, đây là đỉnh núi thiêng, nơi luôn mang đến sự ấm no cho mọi người. Vì vậy mà người ta đều tin rằng nếu muốn mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt cứ tới núi mà cầu và ngẫm xem có ứng nghiệm?! Có lẽ, người dân ở đây nghìn đời gắn bó với núi rừng mà truyền tụng vậy chăng? Hay bởi núi Đống Thóc sừng sững như bức bình phong lớn, che chở cho dân làng, ruộng đồng nơi đây!

Chạm vào mây

Trên đỉnh núi Đống Thóc không có chùa, nhưng có pho tượng Văn Thù Bồ Tát bằng đá trắng rất lớn, từ dưới núi đã có thể nhìn thấy, tôn thêm vẻ đẹp cho không gian linh thiêng chốn sơn lâm này… Từ đỉnh núi Đống Thóc, chúng tôi lại tiếp tục hành trình qua các cánh rừng thông rì rào, gió lồng lộng thổi, quấn quít vị hương thoang thoảng từ chồi non nụ biếc của hoa rừng. Giữa đường lên núi, chúng tôi gặp một đoạn như ngang ra, không dốc, tạo ra một không gian khá bằng phẳng… Theo người dân địa phương, chỗ này dân gian gọi là Chợ Gỗ dùng để trao đổi lâm sản, tre gỗ cùng nhiều sản vật của rừng và cũng là điểm nghỉ ngơi… Chúng tôi ao ước sau này, khi mà mọi tiềm năng vùng núi Ngũ Đài được đánh thức, nơi này sẽ có một điểm dừng chân ngắm cảnh được xây dựng?

Ngay sau Chợ Gỗ, chúng tôi lại tiếp tục leo lên một vị trí linh thiêng khác nằm trong quần thể núi Ngũ Đài, đó là chùa Hàm Long. Để lên được di tích chùa Hàm Long phải bám theo đường nước chảy mà leo lên, người trước vạch lối cho người sau, cây cối mọc rậm rạp che khuất đường mòn. Mây ở độ cao này dày hơn, có lúc đậm đặc làm khuất tầm nhìn. Đến vị trí tương truyền là ngôi chùa Hàm Long, chúng tôi thấy những hố đào trên một bãi đá lô nhô. Dưới những cái hố là dấu tích của nền chùa, chân tảng… Tương truyền chùa Hàm Long là nơi giấu binh lương của quân dân nhà Trần trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Sau này đất nước thái bình, triều đình và nhân dân đã lập chùa để thờ Phật và ghi nhớ công ơn những người vị quốc vong thân. Thực hư điều này còn cần được kiểm chứng nhưng thực tế đây là một nơi đáng đến ở Ngũ Đài, bởi cảnh quan vô cùng đẹp, đá núi muôn hình, muôn vẻ. Chúng tôi tiếp tục tìm rãnh nước chảy làm đường lên một ngôi chùa khác có tên gọi là Bát Hương. Điểm đến này nằm phía trên chùa Hàm Long, ở độ cao khoảng trên 500m so với mực nước biển. Đây là chùa thiên tạo, được tạo thành bởi 3 khối đá lớn chồng lên nhau. Nhân dân trong quanh vùng cho biết đây là nơi rất linh thiêng. Họ thường tới cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, làm rừng hiệu quả… Giữa không gian mênh mông, con người nhỏ bé bị chìm vào trong mây, ngập trong cây cỏ và lẫn trong bãi đá với nhiều hình dạng ngộ nghĩnh: kia là chú thỏ khổng lồ, xa xa có phải là đôi rùa đang âu yếm nhau, còn trước mắt là đàn thú rừng ung dung kiếm ăn và đùa giỡn?!,…

Hành trình đầu tiên khám phá Ngũ Đài Sơn là vậy, nhưng chưa hết, vẫn còn những điều kỳ thú đang đợi mọi người ở phía trước!

(Còn nữa)

(*) Bài dự thi cuộc thi viết về Du lịch Hải Dương
Báo Du lịch - Tổng cục Du lịch - Bộ VHTTDL

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây