Chu Văn An - người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam

Thứ sáu - 16/11/2018 09:30 - 2591 lượt xem
Tranh vẽ Chu Văn An. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Tranh vẽ Chu Văn An. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Cho rằng trường lớp quá ít, con em nhân dân phần lớn thất học, Chu Văn An mở trường dân lập và dạy học tới cuối đời.

Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, "học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa".

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam viết Chu Văn An là thầy giỏi nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu ham chơi. Học trò của ông có nhiều người giỏi, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, hai quan lớn của triều Trần. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. 

Mở trường dân lập, dạy học cho nhân dân cả nước

Ở thời Chu Văn An, trường học còn rất hiếm. Cả nước chỉ có một trường quốc lập là Quốc Tử Giám ở kinh đô dành cho con vua, con quan, sau mở rộng cho những người tài trong nhân dân theo học. Tư Thiện Đường, Toát Trai Đường ở Thiên Trường (Nam Định) chỉ dành cho con em tôn thất nhà Trần. Trường Yên Tử (Quảng Ninh) hay Hương Sơn (Hà Tây cũ) dành riêng cho nhà chùa.

Bởi trường lớp quá ít, con em nhân dân phần lớn thất học, Chu Văn An đã mở trường Huỳnh Cung tại quê nhà (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội ngày nay) để dạy học. "Trường có lớp, thư viện.... Học trò đến học ở trường Huỳnh Cung khá đông, đến 3.000", tác giả Trần Lê Sáng viết trong cuốn Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp - ba bậc thầy của giáo dục Việt Nam.

Thời kỳ dạy học ở Huỳnh Cung, Chu Văn An chuyên truyền đạt kinh điển Nho giáo, mục đích cao nhất của ông không ngoài "giáo kính, giáo trung, giáo văn", nghĩa là dạy sự cung kính, trung hậu và văn nhã. Học trò ở trường Huỳnh Cung cũng chịu ảnh hưởng của thầy Chu rất lớn.

Trong khoa thi năm 1314, hai học trò của ông đỗ Thái học sinh, tương đương học vị tiến sĩ. Việc này gây tiếng vang lớn trong giới sĩ tử đương thời. Thầy giáo Chu Văn An và trường Huỳnh Cung được cả nước biết đến. Trường Huỳnh Cung trở thành mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Kể từ đây, bên cạnh trường quốc lập, các trường dân lập phát triển, đông đảo con em nhân dân có nơi học tập, sự nghiệp giáo dục nước nhà mở rộng hơn trước.

Trở thành Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám

Sau khi danh tiếng của Chu Văn An và trường Huỳnh Cung được cả nước biết tới, ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp (hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám, trông coi việc học cho cả nước. Dù được phong chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, những năm đầu, Chu Văn An chỉ có trách nhiệm chính là kèm cặp thái tử Trần Vượng, đào tạo vua mới cho nước nhà.

Sau khi Trần Vượng (tức vua Trần Hiến Tông) lên ngôi năm 1329, Chu Văn An mới thực sự chuyên tâm vào công việc ở trường Quốc Tử Giám. Ông cho mở mang trường, viết Tứ thư thuyết ước, tóm tắt bốn bộ sách lớn là Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung, làm giáo trình dạy học. Kể từ thời Chu Văn An trở về sau, Quốc Tử Giám mỗi ngày được củng cố, mở rộng.

Thời gian làm hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám đem đến cho Chu Văn An nhiều vinh quang mới, nhưng cũng khiến ông gặp đầy sóng gió. Vua Hiến Tông, học trò của ông ở ngôi được hai năm thì qua đời, công lao hơn mười năm đào tạo khó nhọc và hy vọng củng cố nhà Trần của thầy trò tiêu tan.

Lúc này, vua Trần Dụ Tông lên thay, triều chính đất nước rối ren. Vua ham mê tửu sắc, nóng nảy, nông cạn. Trong triều, quyền gian liên kết hoành hành, bên ngoài giặc giã dấy lên cướp bóc. Thấy chính sự bê bối, nhà giáo Chu Văn An phẫn nộ. Ông đã viết Thất trảm sớ, đòi chém 7 kẻ nịnh thần, đều là người quyền thế được vua yêu. Dù bị vua Dụ Tông phớt lờ, tấu sớ của hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám gây chấn động dư luận bởi theo quy chế lúc bấy giờ, chỉ quan Ngự sử mới được quyền can gián vua.

Rời kinh thành về Chí Linh dạy học tới cuối đời

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi dâng Thất trảm sớ nhưng không được vua trả lời, Chu Văn An rời kinh thành về vùng đất Chí Linh (Hải Dương) mở trường tiếp tục dạy học. Dù là nơi thâm sâu cùng cốc, số học trò đến với thầy Chu vẫn đông. Lúc này, Chu Văn An lấy hiệu là Tiều Ẩn, chỉ lấy việc dạy học, làm thơ cho vui.

Từ khi Chu Văn An về, Chí Linh dấy lên phong trào học tập, nhiều người học giỏi nổi tiếng. Đặc biệt, ở đời nhà Mạc, huyện này có bà Nguyễn Thị Duệ thi đỗ tiến sĩ, là nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của Việt Nam thời phong kiến. Ngoài ra còn có Nguyễn Phong, mới 14 tuổi đã cùng cha thi đỗ kỳ thi Hương, 26 tuổi đỗ tiến sĩ.

Những ngày dạy học ở Chí Linh, Chu Văn An còn trồng cây thuốc, nghiên cứu y học, giúp người dân chữa bệnh. Dù ở xa, nhiều học trò cũ đã làm quan vẫn về thăm ông. Đại Việt sử ký viết khi học trò về thăm, ai làm điều gì chưa đúng phép, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo. Điều này khiến học trò càng thêm kính mến.

Tượng thầy giáo Chu Văn An trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Trang

Tượng thầy giáo Chu Văn An trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Trang

Cuối đời, Chu Văn An sống thanh thản trong cảnh nghèo, vui với lớp học, văn chương. Triều đình nhiều lần mời về nhưng ông nhất định từ chối. Thế nhưng lòng ông vẫn hướng về nhà Trần. Sau khi vua Trần Nghệ Tông dẹp yên loạn Dương Nhật Lễ, lấy lại được ngôi vua, Chu Văn An dù tuổi cao vẫn về triều chúc mừng. Việc làm đó của ông khiến nhân dân và sĩ phu đương thời quý trọng.

Trở lại Chí Linh, Chu Văn An lúc bấy giờ gần 80 tuổi, ốm nặng. Tháng 11/1370, ông trút hơi thở cuối cùng. Sau khi mất, triều đình đã đưa Chu Văn An vào thờ ở Văn Miếu, xem ông ngang hàng với những bậc thánh hiền ngày xưa. 

"Suốt cuộc đời mình, Chu Văn An không lúc nào sao nhãng sự nghiệp giáo dục... Điểm nổi bật trong công lao đóng góp của ông là việc sáng lập nên trường học trong nhân dân; việc học và dạy có kết quả lớn. Trường Huỳnh Cung đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch trình phát triển sâu rộng của nền giáo dục nước ta", tác giả Trần Lê Sáng khẳng định.

Năm 2018, Việt Nam đã xây dựng hồ sơ khoa học về danh nhân Chu Văn An để đề nghị UNESCO phối hợp tổ chức kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông vào năm 2020. Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài khẳng định Chu Văn An có ảnh hưởng lớn tới nền giáo dục Việt Nam. Tư tưởng nổi bật của ông là tự học, tự lập, học tập suốt đời và là tấm gương tôn sư trọng đạo.

Để tưởng nhớ Chu Văn An, nhiều đường phố, trường học khắp cả nước được đặt theo tên ông. Gần đây nhất, trường Bưởi - Chu Văn An vừa kỷ niệm 110 năm thành lập. Giữa khoảng sân của ngôi trường cổ kính, tượng đài Chu Văn An đứng sừng sững như biểu tượng nhắc nhở thầy trò phải phấn đấu học tập. Vào những dịp như năm học mới hay ngày 20/11, nhiều thầy cô, học sinh, cựu học sinh tới trường Chu Văn An để thắp nén hương tưởng nhớ ông.

Dương Tâm (VnExpress)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây