Tổng kết Hội thi bánh chưng - bánh dầy tỉnh Hải Dương lần thứ X năm 2019

Thứ ba - 19/02/2019 20:50 - 2546 lượt xem
Sáng 18.2 (14 tháng giêng), tại sân đá chùa Côn Sơn, Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 tổ chức Hội thi bánh chưng, bánh dày lần thứ X năm 2019. Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã có mặt để xem và cổ vũ hội thi.

Các đội bước vào phần thi gói bánh chưng trong tiếng trống thúc giục, tiếng hò reo của người xem

Hội thi năm nay thu hút nhiều đoàn nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, có 11 đoàn nghệ nhân tham gia thi gói bánh chưng (huyện Thanh Hà không tham gia) và 6 đoàn nghệ nhân tham gia thi giã bánh dày, gồm Tứ Kỳ, Kinh Môn, Nam Sách, Thanh Hà, thị xã Chí Linh và TP Hải Dương. Buổi sáng, các đoàn thi gói bánh chưng, buổi chiều thi giã bánh dày.

Các nghệ nhân về tham dự hội thi bánh chưng đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Hội thi bánh chưng, bánh dày là hoạt động được duy trì nhiều năm tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, góp phần tái hiện nét đặc trưng văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc nói chung, xứ Đông nói riêng, hướng về giỗ tổ Hùng Vương 2019. Hội thi còn góp phần khích lệ, động viên, tôn vinh tài nghệ, sự khéo léo của những người đã, đang và sẽ tiếp tục góp sức giữ gìn, phát huy một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc...

Sau lễ khai mạc, các đoàn về tham dự hội thi trải chiếu giữa sân đá chùa Côn Sơn thẳng theo một hàng, sắp sẵn gạo nếp ngâm, đỗ xanh, thịt ba chỉ, lá dong, lạt buộc... Các nghệ nhân mặc trang phục truyền thống, nét mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi. Phần thi bánh chưng, mỗi đội chuẩn bị 6,8 kg gạo nếp, 1,5 kg đỗ xanh đã bỏ vỏ, 0,8 kg thịt lợn, hạt tiêu, hành muối, gia vị. Với số nguyên liệu này, mỗi đội gói 5 chiếc bánh mặn (ký hiệu bằng 6 lạt buộc) và 5 chiếc bánh chay (ký hiệu bằng 4 lạt buộc). Các nghệ nhân gói bánh vo mà không được dùng khuôn. Ban Tổ chức căn cứ vào các tiêu chí như số lượng, thời gian gói bánh, hình thức, chất lượng bánh... để chấm điểm.

Bánh chưng của các đội được chấm điểm trước khi mang đi luộc

Càng gần đến giờ thi, các nghệ nhân ai cũng háo hức, hồi hộp. Tiếng chiêng báo hiệu hội thi chính thức bắt đầu, các nghệ nhân nhanh chóng ngồi xuống chiếu, bắt đầu gói bánh chưng. Từng hồi trống thúc giục xen lẫn tiếng hò reo, cổ vũ không ngớt của người dân và du khách thập phương tạo nên bầu không khí rất sôi nổi. Các nghệ nhân về tham dự hội thi bánh chưng đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Đôi bàn tay của họ thực hiện điêu luyện, mau lẹ các động tác trải lá, gạo, nhân, gói bánh và buộc lạt khiến khán giả rất thích thú. "Đôi bàn tay họ như những nhà ảo thuật. Chỉ vài chục giây là họ đã gói xong một chiếc bánh chưng. Tối rất ấn tượng với hội thi này", anh Huân - một du khách đến từ Hải Phòng nói.

Theo thể lệ cuộc thi, các đội có tối đa 15 phút để gói 10 chiếc bánh. Tuy vậy, chỉ trong 3 - 5 phút, nhiều đội đã hoàn thành phần thi của mình. Họ xếp bánh vào mâm, để ngay ngắn trên bàn để đợi Ban giám khảo chấm điểm. Đội TP Hải Dương gói xong 10 chiếc bánh với 3 phút 54 giây. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, thành viên đoàn nghệ nhân bánh chưng, bánh dày TP Hải Dương chia sẻ bí kíp gói bánh nhanh: "Tất cả các thành viên trong đội tham dự hội thi hôm nay đều là anh chị em trong gia đình có nhiều đời làm nghề gói bánh chưng. Anh chị em chúng tôi dù có kinh nghiệm nhưng trước khi đi thi vẫn nhiều lần tập gói bánh ở nhà và chuẩn bị chu đáo các điều kiện".

Nồi luộc bánh phải bằng đồng hoặc tôn hoa thì bánh mới xanh lá

Bánh chưng của đội Bình Giang gói rất đều, hình vuông sắc cạnh, tám góc bằng nhau, được nhiều người xúm lại xem. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lý cho biết năm ngoái Bình Giang đạt giải gói bánh chưng đẹp nhất. Năm nay, đội kỳ vọng lặp lại thành tích này và phấn đấu đoạt luôn giải bánh ngon nhất. "Chúng tôi tự tin bánh năm nay của đội sẽ ngon hơn vì từ gạo nếp đến đỗ xanh đều được chọn lọc kỹ lưỡng. Để có bánh đẹp và ngon khi gói phải chặt tay", bà Lý thông tin.

Phần thi bánh dày diễn ra vào buổi chiều cùng ngày diễn ra sôi nổi không kém

Sau khi Ban giám khảo hoàn thành chấm điểm hình thức, các đội đưa bánh chưng về phía trong tam quan chùa Côn Sơn để luộc. Người chất củi, nhóm bếp, người xếp bánh, lấy nước luộc bánh... tạo nên bầu không khí sôi động, cuốn hút người xem. Theo các nghệ nhân, luộc bánh là công đoạn rất quan trọng, quyết định tới cả hình thức lẫn chất lượng bánh chưng. Nồi luộc bánh phải bằng làm đồng hoặc tôn hoa thì bánh mới xanh lá. Nếu luộc bằng nồi chất liệu khác, lá bánh chuyển màu vàng, không đẹp. "Nước phải đổ ngập bánh, đun to lửa đến khi sôi thì điều chỉnh lửa cháy đều đều khoảng 6 tiếng sẽ chín", nghệ nhân Nguyễn Hữu Phi (đoàn Tứ Kỳ) chia sẻ.

Các nghệ nhân nhanh chóng chạy vào khu vực bếp đã nhóm sẵn lửa để đồ gạo, nấu xôi

Phần thi bánh dày diễn ra vào buổi chiều cùng ngày diễn ra sôi nổi không kém. Trong 50 phút, mỗi đội gồm 6 thành viên phải thực hiện các công đoạn đồ xôi, giã và hoàn thành 5 chiếc bánh dày. Tiếng chiêng báo hiệu thời gian thi đấu bắt đầu, các nghệ nhân nhanh chóng chạy vào khu vực bếp đã nhóm sẵn lửa để đồ gạo, nấu xôi. Chỉ trong khoảng 5 phút đã có đội hoàn thành công đoạn này. "Muốn xôi chín nhanh, bánh trắng, dẻo thì phải ngâm gạo 8 - 10 tiếng", bà Dương Thị Hoa, đội thị xã Chí Linh nói.

Các nghệ nhân tay cầm chày gỗ, dồn hết sức vào 2 cánh tay để giã

Nếu như phần thi bánh chưng đòi hỏi sự khéo léo thì phần thi bánh dày lại yêu cầu sức mạnh. Xôi đồ xong nhanh chóng được các đội đổ ra trên khoảng bao sạch trải sẵn trên chiếc chiếu cói đặt ở sân đá chùa Côn Sơn. Các nghệ nhân tay cầm chày gỗ, dồn hết sức vào 2 cánh tay để giã. Cứ người này mệt lại người khác vào thay. Công đoạn này diễn ra trong khoảng 3-5 phút. Khi xôi đã được giã nhuyễn, các nghệ nhân khác nhanh tay lấy dao cắt và vo thành những chiếc bánh tròn trịa, trắng thơm. Các nghệ nhân tiết lộ để làm ra chiếc bánh dày dẻo, trắng mịn, thơm ngon thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Gạo dùng làm bánh nhất thiết phải là gạo nếp cái hoa vàng được chọn lọc kỹ càng, hạt rộng, trong, đều, không có đầu đen... Khi nấu phải kỹ, nếu gạo bị xượng bánh sẽ không dẻo, không ngon.

Các đội thi hoàn thành sản phẩm của mình để Ban tổ chức chấm điểm

Hội thi bánh chưng, bánh dày lần thứ X năm 2019 khép lại để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân và du khách thập phương. Toàn bộ bánh chưng, bánh dày sẽ được sử dụng để cúng Phật, Thánh vào sáng 19.2 (15 tháng giêng). Hội thi cũng sẽ được tổng kết và trao giải vào sáng cùng ngày.

Sáng 19/02/2019, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc tiếp tục diễn ra nghi lễ dâng hương tại các di tích tại Côn Sơn và khu vực Kiếp Bạc. Các đại biểu cùng thành kính tưởng nhớ tới các vị tiên hiền, tri ân công lao to lớn của các vị danh nhân; của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thế và những đóng góp xuất sắc của Ông trong xây dựng đất nước, phát triển nền văn hoá dân tộc…Cùng thời gian, BTC cũng bố trí đoàn rước Lễ vật và bánh chưng, bánh dầy tới dâng cúng tại Đền Kiếp Bạc, Đền chùa Nam Tào, Bắc Đẩu.

Sau lễ dâng hương là lễ tế anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi do chi họ Nguyễn và nhân dân Khu dân cư Chúc Thôn (phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh), thể hiện lòng thành kính của các thế hệ người Việt hôm nay trước anh linh Ức Trai.

Cùng vào buổi sáng, BTC Hội thi bánh chưng-bánh dầy tỉnh Hải Dương lần thứ 10 năm 2019 tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc đã tổ chức tổng kết và trao giải.
 

Kết quả thi bánh chưng: Giải Nhất thuộc về Gia đình nghệ nhân Bùi Quốc Thái, thôn Tống Xá, xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn. Đoàn nghệ nhân phường Thanh Bình, TP.Hải Dương giành Giải Nhì. Giải gói bánh chưng nhanh nhất thuộc về phường Thanh Bình, TP.Hải Dương. Giải bánh đẹp nhất thuộc về Đoàn Thị trấn Kẻ Sặt-Bình Giang, và Giải bánh chưng ngon nhất được trao cho Gia đình nghệ nhân Bùi Quốc Thái, thôn Tống Xá, xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn.

Về thi giã bánh dầy: Giải Nhất và giải Bánh đẹp nhất, Bánh giã nhanh nhất đều thuộc về Gia đình nghệ nhân Dương Thị Hoa - thôn Bờ Đa, xã An Lạc, Tx Chí Linh. Giải Nhì được trao cho Gia đình nghệ nhân Bùi Quốc Thái thôn Tống Xá, xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn...


Nhân dịp này Sở VHTTDL cũng khen thưởng cho các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham gia Hội thi.

TIẾN MẠNH - THÀNH CHUNG - PHẠM CHỨC (Báo Hải Dương điện tử & Hải Dương TV)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây