Trong Phật giáo, chuông được đưa vào sử dụng từ rất sớm bởi đó là một pháp khí, là phương tiện để khai mở trí tuệ cho các hành giả đang tiến bước trên con đường giải thoát giác ngộ. Đức Thế Tôn khi còn tại thế, ngoài những giáo lý, Ngài đã dùng tiếng chuông để đánh thức, khai mở tâm trí cho các đệ tử của mình
“Văn chung thanh phiền não khinh
Trí tuệ trưởng, Bồ đề sinh
Ly địa ngục xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật độ chúng sinh”.
Có nghĩa:
"Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ
Trí tuệ lớn, Bồ đề sinh
Lìa địa ngục thoát hầm lửa
Nguyện thành Phật độ chúng sinh".
Đây chính là công năng nhiệm màu của tiếng chuông, thông thấu thiên đường địa phủ, làm cho người nghe vơi đi phiền não, trí tuệ càng sinh trưởng, tâm càng sáng, thức tỉnh được thiện ác. Chúng sinh ở địa ngục nghe được tiếng chuông thì tránh được những cực hình khổ đau. Khi tiếng chuông chùa rung lên, làm cảm động chín cõi mười phương, vang vọng chuyển tải những lời cầu nguyện của dân chúng cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Chuông chùa Côn Sơn là đại hồng chung, sẽ được đúc vào sáng ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Hợi và treo trên gác chuông để sáng chiêu chiều mộ. Chuông nặng 1,2 tấn, cao 1,8m và có đường kính miệng chuông là 1,2m, được phục dựng theo mẫu chuông chùa Vân Bản (Đồ Sơn – Hải Phòng) có niên đại thế kỷ thứ 14 thời Trần, Chuông chùa Vân Bản có hình trụ đứng, miệng loe, trang trí rồng trên quai, băng cánh sen trên các núm gõ và vành miệng, phản ánh đặc trưng nghệ thuật Phật giáo thời Trần.
Đúc đại hồng chung ở chùa Côn Sơn làm tăng thêm năng lượng nhiệm màu, đáp ứng nhu cầu tâm linh và hoàn thiện quy hoạch trùng tu phục dựng lại các công trình ở thời Trần đã bị chiến tranh tàn phá.
Theo: Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn