Hội thi năm nay thu hút 150 nghệ nhân của 12 đội đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, thi bánh chưng có 11 đội và thi bánh giầy có 6 đội: Thanh Hà, Nam Sách, Tứ Kỳ, Kinh Môn, thị xã Chí Linh, TP Hải Dương.
Ngay sau lễ khai mạc, trao cờ lưu niệm, các đội bước vào phần thi gói bánh chưng. Trong phần thi này, mỗi đội có 10 phút để gói 10 chiếc bánh (5 bánh chay, 5 bánh mặn) và 7 tiếng để luộc bánh. Phần thi bánh giầy diễn ra vào buổi chiều, mỗi đội có 30 phút để nấu xôi, làm ra 5 chiếc bánh. BTC chấm điểm bánh chưng, bánh giầy dựa trên các tiêu chí về thời gian thực hiện, hình thức, chất lượng.
Sản phẩm sau khi hoàn thành phải đạt tiêu chí về thẩm mỹ, bánh chưng phải chín rền, đảm bảo thơm ngon, mùi vị hấp dẫn; bánh giầy phải dẻo, mịn, trắng, bánh tròn, thành cao, bày trên mâm có dán chữ “Phúc” màu đỏ.
Phần thi gói bánh chưng diễn ra sôi nổi
Theo truyền thuyết, bánh chưng, bánh giầy là biểu tượng của Trời, đất, được chế biến từ hạt lúa nếp thơm, một sản phẩm tiêu biểu của nghề trồng lúa nước có từ thời Vua Hùng. Hai loại bánh đặc biệt này được gắn với tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Với tấm lòng thành kính, các đội thi đã chọn nguyên liệu làm bánh ngon nhất, thao tác nhanh và chuẩn xác nhất để có thể hoàn thành việc gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy trong thời gian ngắn nhất mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Sáng ngày 19/2 (ngày 15 tháng Giêng) sẽ diễn ra Lễ rước bánh chưng, bánh giầy từ chùa Côn Sơn lên đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán để dâng những chiếc bánh chưng, bánh giầy có hình thức đẹp làm lễ vật dâng lên Phật, Thánh.
Hội thi là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động phục vụ nhân dân về dự Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn năm 2019 nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Theo: Phòng Nghiệp vụ (Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn