Lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ

Thứ hai - 18/02/2019 21:32 - 2662 lượt xem
Lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ
Chí Linh vùng đất địa linh nhân kiệt, sơn thanh thủy tú, rồng chầu hổ phục, long phượng tường trình, nhiều cao nhân, đại sĩ quy về Côn Sơn tu luyện, cứu dân độ thế. Tam tổ Trúc Lâm dựng chùa cầu phúc; Thánh võ Hưng Đạo Đại Vương dựng phòng tuyến đánh giặc, Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An lấy Phượng Hoàng làm nơi dậy học; Quan đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán mở động Thanh Hư, lập đàn tinh Đẩu ở Ngũ Nhạc cầu cho giang sơn, xã tắc trường tồn; Thánh văn Nguyễn Trãi tàng ẩn Côn Sơn soạn Bình Ngô Sách… Non thiêng vẫn đấy, di tích không mờ, biết bao quân vương, anh hùng hào kiệt nghiêng mình trước Côn Sơn hùng vĩ, Kiếp Bạc uy linh, Ngũ Nhạc kỳ bí.

Thắng cảnh Côn Sơn được tạo bởi 2 mạch núi linh thiêng là Ngũ Nhạc trấn mặt bắc và Kỳ Lân ngự ở phía nam. Hai mạch núi này bắt nguồn từ dãy Yên Tử và Huyền Đinh đột khởi mà thành. Nơi đây trời đất giao hòa, khí thiêng ngùn ngụt; Trong Kinh Phật có Tam Phủ, thì Ngũ Nhạc là Thiên phủ (Địa phủ là Thập Điện Minh Vương, Thủy phủ là Giang Hà Hoài Hải). Năm đỉnh núi trên Ngũ Nhạc phân bố đều ở năm hướng, từ xa xưa các triều đại đã xây dựng 5 miếu thờ trời đất và các vị tiên thánh gọi là Ngũ Nhạc linh từ gồm:

+ Đông Nhạc - Thái Sơn: Hành mộc, màu xanh, thờ thần Đông Nhạc Thiên Tề Đại Vương Nhân Thánh Đế Quân, quản việc cát hung họa phúc của nhân gian.
+ Nam Nhạc - Hoành Sơn: Hành hỏa, màu đỏ, thờ thần Ty Thiên Chiêu Thánh Đế Quân, thống đốc các loài thủy tộc.
+ Tây Nhạc - Hoa Sơn: Hành kim, mầu trắng, thờ thần Kim Thiên Thuận Thánh Đế Quân, quản ngũ kim và họ nhà chim.
+ Bắc Nhạc - Hằng Sơn: Hành thủy, màu đen, thờ thần An Thiên Nguyên Thánh Đế Quân, quản sông biển ao hồ, các loài thú rắn rết côn trùng.
+ Trung Nhạc - Tung Sơn: Hành thổ, màu vàng, thờ thần Trung Thiên Sùng Thánh Đế Quân, quản về đất đai, cây cối, rừng núi, khe vực.

Ngũ hành tương sinh Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ là gốc của tạo hóa sinh ra muôn loài, Ngũ hành tương khắc là sự tịch diệt đổi thay của mọi sự sống. Vậy nên, Ngũ Nhạc là vùng đất phúc, nơi ngự trị của Phật, Thánh và các vị thần tiên... quản việc cát hung, họa phúc của muôn loài trên thế gian. 

Lệ xưa, mỗi khi đất nước có ngoại xâm, giặc dã, bệnh dịch, hạn hán mất mùa…triều đình cử các quan về Ngũ Nhạc tế lễ trời đất cầu đảo cho quốc thái dân an. Các triều đại mỗi khi vua đăng cơ lên ngôi đều về Ngũ Nhạc lễ trình kính cáo trời đất.

Ở thế kỷ XIV, quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán về Côn Sơn, tu bổ chùa, đền, lập đàn Tinh Đẩu trên Ngũ Nhạc tế lễ trời đất cầu cho vương triều trường tồn, quốc gia cường thịnh. Vì vậy người xưa ca ngợi: 

Chí Linh vi chi địa, thực dĩ Côn Sơn chân linh,
Côn Sơn vi tối linh, chân ỷ Ngũ Nhạc kỳ tú.
Nghĩa là: Đất Chí Linh linh thiêng vì có Côn Sơn tối linh,
Côn Sơn linh thiêng vì có Ngũ Nhạc kỳ tú.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc là nghi lễ quan trọng của quốc gia. Chủ tế là đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đông đảo nhân dân, Phật tử thập phương tham gia.
 


Lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng. Phẩm vật có lễ chay gồm 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ); lễ mặn là cỗ tam sinh gồm: Lợn, Ngan, Cá chép (tượng trưng cho tam phủ: Thiên, Địa, Thủy). Năm loại ngũ cốc dâng lễ ứng với ngũ hành gồm: Thóc - hành thổ, Ngô - hành kim, Đậu - hành hỏa, Lạc - hành mộc, Vừng - hành thủy. Ngũ Cốc dâng lễ là năm loài tinh túy nhất do trời đất sinh ra nuôi sống con người và vạn vật; là vật chất để tái tạo sinh sôi duy trì sự sống của thế gian. Vậy nên Ngũ Cốc dâng tế được chọn lọc kỹ lưỡng từng hạt. Tối ngày 14 tháng Giêng, dâng lên tổ đường chùa Côn Sơn làm lễ cầu xin Phật Tổ phù phép để thành Thần Ngũ Cốc. Ngày 16 tháng Giêng dâng Thần Ngũ Cốc cáo yết lên Trung Nhạc miếu.

Ngày tế trời đất, đầu giờ Thìn (7h sáng), đoàn rước đi từ tam quan Ngũ Nhạc lên Trung Nhạc miếu. Dẫn đầu đoàn là chủ tế cùng nhân dân Phật tử thập phương. Giữa giờ Thìn, lễ tế trời đất bắt đầu. Đoàn pháp sư phụng hành các nghi lễ cúng tế. Chủ tế dâng hương, dâng sớ cầu xin trời đất phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…Chủ lễ ban phát Ngũ Cốc cho nhân dân mang về làm giống. Đoàn hành lễ, dâng hương ở các miếu rồi hạ sơn xuống núi. 

Trên non cao kỳ vĩ, nhã nhạc, trống chiêng vang lừng, quang cảnh linh thiêng, tiết xuân ấm áp, trời đất giao hòa, mưa xuân nhẹ bay, lòng người náo nức, vạn vật sinh sôi nảy nở, Thiên - Địa - Nhân hòa hợp… chốn bồng lai tiên là đây! Đầu năm mới, lên Ngũ Nhạc (Thiên Phủ) tế trời đất, người người cảm thấy như gặp được các vị Thần tiên; nhận được Ngũ Cốc về làm giống như được lộc trời ban; hòa mình trong không khí thanh tịnh trên Thiên giới như được tăng thêm sinh lực của siêu nhiên. Tất cả đều hoan hỷ, tin ở một năm mới tốt lành và hứa hẹn đầu xuân sang năm lại lên Ngũ Nhạc linh từ dự lễ./.

Theo: Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây