Tiếng chuông chùa Côn Sơn

Chủ nhật - 24/02/2019 20:37 - 2577 lượt xem
Quả chuông cổ hiện tại ở nội tự chùa Côn Sơn nặng khoảng 5 tạ
Quả chuông cổ hiện tại ở nội tự chùa Côn Sơn nặng khoảng 5 tạ
Tiếng chuông chùa ở vùng đất thiêng Côn Sơn (Chí Linh) cất lên khiến tâm người ta tự tại, mọi ưu tư, muộn phiền dường như tan biến, hướng đến những điều tốt đẹp...
Nghe tiếng chuông, lòng thanh thản

Ban ngày, khu di tích Côn Sơn luôn nhộn nhịp bởi dòng người tấp nập đến dâng hương, chiêm bái. Nhưng vào mỗi buổi sáng sớm, khi du khách chưa về di tích, nơi này yên tĩnh đến lạ thường. Bởi vậy, mọi âm thanh của núi rừng, từ tiếng gió lay cây lao xao, tiếng chim muông, côn trùng kêu, tiếng gà gáy, đến tiếng nước chảy róc rách từ khe suối gần đó cũng dễ dàng nghe thấy. Nhưng có lẽ âm thanh thức tỉnh con người và vạn vật ở vùng đất thiêng này hẳn phải là tiếng chuông phát ra từ ngôi chùa cổ Côn Sơn (tục gọi là chùa Hun). Với chị Yến và những hộ kinh doanh ở khu di tích Côn Sơn, tiếng chuông chùa không chỉ như hồi chuông báo thức mà còn giúp họ có được những giây phút tĩnh tại giữa cuộc sống bộn bề. "Dù đang làm gì thì mỗi khi tiếng chuông chùa Côn Sơn vang lên tôi đều dừng lại. Hàng chục năm qua, chẳng hiểu sao mỗi khi nghe tiếng chuông chùa tôi luôn thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm, tâm tự tại đến lạ. Lúc đó, mọi mệt nhọc, lo toan trong tôi gần như chẳng tồn tại", chị Yến chia sẻ.

Một số chủ hộ kinh doanh và cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nói rằng được sống và làm việc gần chùa, được nghe tiếng chuông chùa hằng ngày giúp họ tĩnh tâm, vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Họ biết suy nghĩ lại những việc làm chưa tốt, hướng tới những hành động, lời nói tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Đưa chúng tôi đi thăm chùa Côn Sơn, tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết ở chùa Côn Sơn, tất cả các ngày trong năm đều thỉnh chuông, không kể ngày lễ hay ngày thường. Mỗi ngày các nhà sư đánh một hồi chuông vào buổi sáng, một hồi chuông vào buổi chiều.

Trong Phật giáo, chuông được đưa vào sử dụng từ rất sớm, bởi đó là một pháp khí, là phương tiện để khai mở trí tuệ cho các hành giả đang tiến bước trên con đường giải thoát giác ngộ. Đức Phật khi còn tại thế, ngoài những giáo lý, ngài đã dùng tiếng chuông để đánh thức, khai mở tâm trí cho các đệ tử của mình. Sách nhà Phật có câu: "Văn chung thanh phiền não khinh/ Trí tuệ trưởng, Bồ đề sinh/ Ly địa ngục xuất hỏa khanh/ Nguyện thành Phật độ chúng sinh". Có nghĩa: "Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ/ Trí tuệ lớn, Bồ đề sinh/ Lìa địa ngục thoát hầm lửa/ Nguyện thành Phật độ chúng sinh". Đó chính là công năng nhiệm màu của tiếng chuông chùa, thông thấu thiên đường địa phủ, làm cho người nghe vơi đi phiền não, trí tuệ càng sinh trưởng, tâm càng sáng, thức tỉnh được thiện ác. Chúng sinh ở địa ngục khi nghe được tiếng chuông thì tránh được những cực hình khổ đau. Khi tiếng chuông chùa rung lên, làm cảm động chín cõi mười phương, vang vọng chuyển tải những lời cầu nguyện của dân chúng cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Bởi vậy, việc thỉnh chuông chùa không chỉ là một nghi thức đặc trưng của Phật giáo mà còn mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc. Có lẽ cũng vì thế mà những người tâm hướng Phật luôn tìm thấy sự bình yên, tự tại, giải thoát mỗi khi nghe được tiếng chuông chùa.

Đúc chuông mới


Tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc 2019 diễn ra Lễ đúc chuông chùa Côn Sơn theo nghi thức Phật giáo
Chùa Côn Sơn được khởi dựng từ cuối thế kỷ thứ 13, được Pháp Loa mở rộng năm 1329. Theo văn bia, ở thế kỷ thứ 17-18, tại chùa Côn Sơn, các nhà sư đã nhiều lần trùng tu lầu chuông, gác trống, gác phẩm chênh vênh (tức là rất cao). Như vậy, có thể khẳng định từ xa xưa ở chùa Côn Sơn đã có chuông. Tuy nhiên, chuông đó nặng, cao bao nhiêu thì sử sách, văn bia không ghi lại. Hiện nay, chùa Côn Sơn có 2 quả chuông cổ, đều có niên đại ở thời Tự Đức, cách chúng ta khoảng 150 năm. Một quả chuông treo ở trong chùa ước nặng 5 tạ, 1 quả treo ở nhà Tổ ước nặng 1 tạ. 2 quả chuông đều ghi tên người công đức, có bài minh ca ngợi cảnh sắc Côn Sơn.

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh và hoàn thiện quy hoạch trùng tu phục dựng lại các công trình ở thời Trần đã bị chiến tranh tàn phá, tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, Ban tổ chức lễ hội tổ chức lễ đúc chuông chùa Côn Sơn vào sáng 20.2. Được biết, chuông chùa Côn Sơn sau khi được đúc sẽ được treo trên gác chuông mới phục dựng. Quả chuông được đúc bằng đồng, nặng 1,2 tấn, cao 1,8 m và có đường kính miệng chuông là 1,2 m, phục dựng theo mẫu chuông chùa Vân Bản (Đồ Sơn, Hải Phòng) có niên đại thế kỷ thứ 14 thời Trần. Chuông chùa Vân Bản có hình trụ đứng, miệng loe, trang trí rồng trên quai, băng cánh sen trên các núm gõ và vành miệng, phản ánh đặc trưng nghệ thuật Phật giáo thời Trần... "Chuông chùa Côn Sơn lấy mẫu từ chùa Vân Bản nhưng được làm to hơn để phù hợp với quy mô di tích. Rồi đây tiếng chuông chùa ở vùng đất thiêng này sẽ còn vang xa hơn nữa", tiến sĩ Lê Duy Mạnh nói.

BÌNH MINH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây