Hồ Côn Sơn có gì đặc biệt?

Chủ nhật - 24/02/2019 15:00 - 2724 lượt xem
Hồ Côn Sơn đẹp hư ảo, giàu tiềm năng để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn
Hồ Côn Sơn đẹp hư ảo, giàu tiềm năng để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn
Theo quan niệm của nhiều người, hồ Côn Sơn là nơi tụ linh, tụ phúc, ban phát điều tốt lành.
Không đơn thuần là nơi cung cấp thủy sản, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo phong thủy, hồ Côn Sơn còn là minh đường của toàn bộ khu di tích Côn Sơn. Trong tương lai, nơi này có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Cảnh đẹp thơ mộng

Trên đường vào khu di tích Côn Sơn, du khách dễ dàng nhìn thấy một hồ nước trong xanh, thoáng đãng, án ngữ trước núi Côn Sơn (còn gọi là Kỳ Lân). Đó chính là hồ Côn Sơn, địa danh được nhắc đến trong sách Công Dư tiệp ký của Vũ Phương Đề: "Dưới núi Côn Sơn có một cái ao vuông, nước trong leo lẻo. Hai bên nước suối chảy qua trước núi, rồi lại vòng quanh vài dặm chảy vào con sông Cái. Lên núi ngắm trông thực không chán mắt. Quả là một cảnh lâm tuyền rất đẹp vậy".

Hồ Côn Sơn được tôn tạo từ năm 1998, có diện tích 43 ha. Bao quanh hồ là hệ thống đường dạo và cây cảnh. Hồ Côn Sơn không chỉ cung cấp nguồn lợi thủy sản, nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần tô điểm cho vẻ đẹp hư ảo, thơ mộng cho vùng đất linh thiêng này.

Trong văn bia và các sách viết về khu di tích Côn Sơn từ xưa đến nay đều ca ngợi hồ Côn Sơn là nơi rất đẹp. Về mặt phong thủy, hồ Côn Sơn là minh đường của toàn bộ khu di tích Côn Sơn. Người xưa khi chọn đất đẹp để xây chùa, đền và làm nhà đều căn cứ vào 5 yếu tố chính: tổ sơn, tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường và tiền án. Ở Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc là tổ sơn, tả thanh long là phần kéo dài của núi Ngũ Nhạc bên tay trái, núi Kỳ Lân bên tay phải là hữu bạch hổ, minh đường là hồ Côn Sơn, tiền án là núi An Lạc. 9 ngọn núi ở An Lạc giống như hình con rồng (gọi là cửu trùng tinh An Lạc) đang chầu quay lại khu di tích Côn Sơn, thể hiện sự quy phục. Khu di tích Côn Sơn nằm lọt trong 5 yếu tố đó nên rất đẹp. Nhìn hẹp hơn, khu di tích Côn Sơn nằm lọt trong 4 ngọn núi mang tên 4 con vật linh thiêng là long - ly - quy - phượng. Núi Ngũ Nhạc hình con rồng dài 4,3 km bên tay trái, núi Kỳ Lân dài 1,8 km bên tay phải, núi Phượng Hoàng gồm 72 ngọn hình con chim phượng đang chầu xuống uống nước ở hồ Côn Sơn, bên kia là núi Hồ Phong hình con quy (nơi xây dựng nghĩa trang liệt sĩ) theo thế đang thò cổ xuống uống nước của hồ Côn Sơn.

Theo quan niệm của nhiều người, hồ Côn Sơn là nơi tụ linh, tụ phúc, ban phát điều tốt lành. Đặc biệt, vào những ngày diễn ra lễ hội, hồ Côn Sơn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như rước nước, đua thuyền... thu hút du khách thập phương. "Tôi rất bất ngờ khi ở khu di tích Côn Sơn có hồ nước đẹp thơ mộng đến vậy. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây cho tôi cảm giác thư thái, dễ chịu. Nếu hồ Côn Sơn được đầu tư để trở thành một điểm du lịch thì tôi nghĩ sẽ rất đông khách đến đây", chị Đoàn Hải Yến - một du khách đến từ Hà Nội nói.

Khai thác để phát triển du lịch

Hồ Côn Sơn rất giàu tiềm năng để trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Năm ngoái, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam lần đầu đặt chân tới Hải Dương để tham dự hội thảo bàn về giải pháp phát triển du lịch Hải Dương với TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh phía Bắc. Về khu di tích Côn Sơn, bà Thanh thực sự ấn tượng với nơi đây, trong đó có hồ Côn Sơn. Bà Thanh cho biết không hiếm điểm du lịch cũng có hồ nước kiểu này, song ít nơi đẹp bằng hồ Côn Sơn. Vậy mà họ vẫn tạo ra được các sản phẩm du lịch để hút khách. Khu di tích Côn Sơn cảnh sắc đẹp, lại có nhiều công trình giàu giá trị lịch sử, văn hóa nhưng lại thiếu đi những sản phẩm du lịch kèm theo để níu chân họ. "Hồ Côn Sơn cần được đầu tư đường dạo kết hợp với các hạng mục tiểu cảnh xung quanh. Cũng có thể phát triển dịch vụ chèo thuyền, đạp vịt ngắm cảnh ở đây kết hợp hình thành một hệ thống các cửa hàng dịch vụ... song phải bảo đảm môi trường, thiên nhiên luôn xanh, sạch, gần gũi", bà Thanh nêu quan điểm.

Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Lê Duy Mạnh cho biết hồ Côn Sơn nằm trong quy hoạch tổng thể khu di tích đã được phê duyệt. Trong tương lai, Ban Quản lý di tích sẽ xin ý kiến cấp trên cho xây dựng một đường rước từ tam quan chùa Côn Sơn chạy thẳng ra giữa hồ Côn Sơn dài 1,3 km. Bên phải con đường này sẽ xây dựng một trung tâm tổ chức sự kiện, lễ hội. Bên trái sẽ quy hoạch, phát triển các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Bờ xung quanh hồ sẽ được kè lại, trồng cây xanh, tạo thành hệ thống đi dạo. Ngoài ra, xung quanh hồ Côn Sơn sẽ bố trí các gian hàng, dịch vụ phù hợp với khu di tích, khai thác giá trị để phát triển du lịch.

BÌNH MINH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

 Từ khóa: côn sơn, quan niệm, ban phát

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây