Tổ chức tọa đàm phát triển du lịch thị xã Chí Linh
Thứ ba - 03/10/2017 17:28 - 4179 lượt xem
Sáng 3 – 10, tại Khách sạn Sao Đỏ (phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) UBND thị xã Chí Linh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức tọa đàm phát triển du lịch thị xã Chí Linh. Các đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh; Nguyễn Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương chủ trì buổi tọa đàm; cùng dự có đại diện vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch), một số phòng, ban chuyên môn của Sở, phòng, ban, ngành và các địa phương có di tích văn hóa lịch sử của thị xã Chí Linh; đại diện một số trung tâm xúc tiến du lịch một số tỉnh, thành; cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài tỉnh.
Trong diễn văn khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh đã thông tin một số nét khái quát về vùng đất, con người và tình hình kinh tế - xã hội của thị xã Chí Linh. Theo đó, thị xã Chí Linh nằm trong khu vực cánh cung Đông Triều, có hệ thống đồi núi chạy theo hướng từ Đông Bắc sang Tây Nam, cao từ 50 – 300 m từ Tổ sơn Yên Tử muôn ngọn đổ về Chí Linh quần tụ, tạo thành các huyệt mạch linh thiêng. Các huyệt mạch này gắn với 4 linh vật: Long (núi Rồng - đền Kiếp Bạc), Ly (núi Kỳ Lân – chùa Côn Sơn), Quy (núi Quy – Chùa Thanh Mai), Phượng (núi Phượng Hoàng – đền Chu Văn An). Về hình thế sông, có 6 con sống hội tụ ở phía Tây đất Chí Linh gồm: Sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình, sông Kinh Thầy nên còn gọi là Lục Đầu Giang. Mảnh đất Chí Linh không chỉ là nơi núi sông hòa hợp, sơn thủy hữu tình mà còn là nơi tự “hội giang – tụ thủy” mang đến thái bình thịnh vượng cho muôn đời.
Chí Linh còn có nhiều danh lam cổ tích, xưa vốn nổi tiếng với “Chí Linh bát cổ” đã đi vào huyền sử nhưng vẫn còn đây những di tích - danh thắng nổi tiếng gắn với các Văn thần - Võ tướng nổi danh trong lịch sử như Côn Sơn - Kiếp Bạc thờ Ức Trai Nguyễn Trãi và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; khu di tích Phượng Hoàng thờ Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An, nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, khu di tích đền Cao thờ Vua Lê Đại Hành và 5 vị tướng họ Vương có công chống Tống ở thế kỷ thứ X; chùa Thanh Mai, nơi tu hành và viên tịch của đệ nhị tổ Trúc lâm Pháp Loa Tôn Giả; núi Bái Vọng nơi đặt mộ của quan Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi; chùa Ngũ Đài Sơn; Đền Gốm thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư…
Trong giai đoạn hiện nay, du lịch ngày càng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ trên khắp mọi miền đất nước. Trong đó, thị xã Chí Linh với trữ lượng tài nguyên du lịch đặc sắc và phong phú, nguồn lực du lịch mạnh mẽ, dồi dào hoàn toàn có thể trở thành một vùng du lịch hấp dẫn.
Tuy vậy, thực tế hoạt động du lịch trên địa bàn Chí Linh chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình. Cách thức tổ chức hoạt động du lịch chưa chuyên nghiệp, hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch cũng như nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn… Tất cả những khó khăn đó khiến cho du lịch Chí Linh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của mình.
Đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh đề nghị các đại biểu là những nhà nghiên cứu, chuyên gia và đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng sau: Nghiên cứu đánh giá những giá trị, tiềm năng lợi thế của du lịch Chí Linh; đánh giá khách quan thực trạng phát triển của du lịch Chí Linh đồng thời chỉ ra những khó khăn, trở ngại, nguyên nhân gây hạn chế của hoạt động du lịch trên địa bàn thị xã, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong tổ chức quản lý, điều phối các hoạt động du lịch một cách thống nhất, đồng bộ.
Gợi ý, đề xuất các ý tưởng quy hoạch, xúc tiến đầu tư, xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại; cùng với đó là việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù… phù hợp với tiềm năng, khả năng, điều kiện của Chí Linh nhưng phải đáp ứng được các nhu cầu, yêu cầu của các đối tượng du khách. Góp ý cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch và thu hút đầu tư phát triển các tuyến, điểm du lịch cụ thể trên địa bàn thị xã.
Nghiên cứu đề xuất việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho kinh tế du lịch của thị xã Chí Linh; xây dựng những chương trình, kế hoạch, chính sách và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các xã, thị trấn… trong việc quản lý, khai thác và phát triển du lịch, sản phẩm du lịch vùng, địa phương trên địa bàn thị xã Chí Linh.
Trao đổi những kinh nghiệm tổ chức tour du lịch mà địa phương khác thực hiện có hiệu quả để liên hệ với tình hình cụ thể của thị xã, với tỉnh thực hiện. Đề xuất các giải pháp liên minh, liên kết giữa các cơ quan chức năng, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn thị xã với các địa phương trong vùng và cả nước; với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn thị xã Chí Linh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu ngoài việc nói rõ những thế mạnh đặc trưng của thị xã Chí Linh là hệ thống các di tích, thắng cảnh nổi tiếng có thể trở thành điểm đến của du lịch tâm linh. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế như: Sản phẩm du lịch Chí Linh còn đơn điệu, nghèo nàn thiếu những dịch vụ phụ trợ, lưu trú hay những hoạt động trải nghiệm, vui chơi giản trí để giữ chân du khách. Một số điểm di tích chưa được quảng bá truyền thông tốt khiến cho ngay cả các công ty du lịch cũng không biết tới như chùa Thanh Mai, đền Cao. Bên cạnh đó, một số sản phẩm du lịch đang là những tài sản có thể thu hút du khách bị bỏ qua hoặc làm chưa tới như đền Chu Văn An, tòa Cửu phẩm Liên Hoa ở Côn Sơn.
Nhiều ý kiến cũng đề ra những giải pháp để tăng thêm sản phẩm du lịch, sức hấp dân của du lịch Chí Linh như: Cần sớm khôi phục lại “Chí Linh bát cổ”, mở tuyến du lịch đường sông để nhiều du khách được trải nghiệm về “Lục đầu Giang”. Cần quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cụ thể là nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Mở rộng thêm nhiều sản phẩm, loại hình du lịch; xây dựng các tuyến, điểm du lịch rõ ràng cụ thể, cần làm rõ sản phẩm du lịch Chí Linh là gì. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch như hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí; đẩy mạnh các chương trình quảng bá, khai thác những sản phẩm du lịch độc đáo của Chí Linh, chẳng hạn như Tòa Cửu phẩm Liên Hoa ở chùa Côn Sơn. Tỉnh Hải Dương nói chung và thị xã Chí Linh cần đẩy mạnh việc liên kết vùng trong tỉnh, liên kết vùng với các tỉnh xung quanh; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp về đầu tư phát triển du lịch…
Trước đó, ngày 2 – 10, Ban tổ chức thành lập đoàn FamTrip với những thành viên trong ban tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch và phóng viên để khảo sát, trải nghiệm khám phá các điểm di tích của thị xã Chí Linh như: Chùa Thanh Mai, đền Sinh – đền Hóa, đền Cao, đền Nguyễn Thị Duệ, đền Chu Văn An, Côn Sơn- Kiếp Bạc.
Một số hình ảnh đoàn khảo sát, toạn đàm phát triển Du lịch Chí Linh năm 2017