Chiến khu Trần Hưng Đạo ngày ấy. Bài 4: Đơn vị thủy quân đầu tiên

Thứ năm - 24/08/2017 18:34 - 3370 lượt xem
Cụ Lê Phú, người trực tiếp chỉ huy đánh chiếm tàu Crayssac của hải quân Pháp
Cụ Lê Phú, người trực tiếp chỉ huy đánh chiếm tàu Crayssac của hải quân Pháp
Đội thủy binh của chiến khu được thành lập ở chùa Ngọc Thanh, làng Đạm Thủy gồm 20 tàu, thuyền buồm, ca nô chiếm được của địch.
Trong sách "Chiến khu Trần Hưng Đạo" của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 có viết: "Lúc này, các đội tự vệ công nhân mỏ Mạo Khê chiếm được một chiếc tàu thủy sử dụng trên sông Kinh Thầy làm nhiệm vụ tuần tra, vận chuyển vũ khí, lương thực. Sau đó, do nhu cầu phát triển lực lượng, bảo đảm cho chiến đấu đường sông và ven biển, Đội thủy binh của chiến khu được thành lập ở chùa Ngọc Thanh, làng Đạm Thủy gồm 20 tàu, thuyền buồm, ca nô chiếm được của địch. Đây là đơn vị thủy binh cách mạng đầu tiên, tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này". Giáo sư Văn Tạo cũng ghi nhận việc xây dựng thủy quân của chiến khu Trần Hưng Đạo thời ấy là "điều mà cả nước chưa có".

"Bắt sống" tàu địch

Sách hồi ký "Một cuộc đời" của cụ Vũ Đình Thiệp (nghĩa quân chiến khu) ghi lại: Sáng 10.6.1945, các đồng chí Lê Minh, Mạc Đình Vịnh, Tân Khải, Phạm Ngọc Sắc chiếm một chiếc tàu thủy ở bến cảng Mạo Khê. Sau đó, tàu này được sử dụng để chuyên chở vũ khí, lương thực cho chiến khu, làm nhiệm vụ tuần tra dọc sông Kinh Thầy. Tháng 7.1945, lãnh đạo chiến khu quyết định sử dụng con tàu này cùng với nhiều tàu, thuyền khác ta chiếm được của địch để thành lập đội thủy quân đầu tiên của chiến khu. Lãnh đạo chiến khu còn bố trí lực lượng trinh sát đường sông. 

Trước miếu Bảy Ông bên dòng sông Đạm Thủy (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh) thay mặt cho lãnh đạo chiến khu, sư Tuệ tuyên bố: "Chúng ta đã có bộ binh bảo vệ làng xóm quê hương. Còn về mặt sông nước chúng ta chưa có gì, vậy chúng ta phải có đội thủy quân để tuần tra, canh gác các cửa sông, đường biển. Hôm nay, tôi xin thay mặt đoàn thể xin trân trọng báo cáo lên Tổ quốc tuyên bố thành lập Đội thủy quân Bạch Đằng để góp phần bảo vệ, giữ gìn non sông gấm vóc của chúng ta. Đó là sứ mạng của quân đội ta. Sau đây tôi xin phân công nhiệm vụ như sau: Chỉ huy trưởng: đồng chí Tiên; Chỉ huy phó: đồng chí Miên; hậu cần: đồng chí Sinh; còn lại là các đội viên của Đội thủy quân Bạch Đằng. Các đồng chí hãy sẵn sàng nhận nhiệm vụ". 

Từ khi thành lập, đội thủy quân đã phát huy vai trò lớn trong vận chuyển người, vũ khí, lương thực phục vụ các trận đánh, hỗ trợ bộ binh và trực tiếp tham gia đánh chiếm nhiều tàu thuyền của địch. Tiêu biểu là ngày 20.7.1945, đồng chí Nguyễn Bình cùng gần 100 nghĩa quân đã đi bằng tàu thuyền để chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên.

 Hai chiến công nổi bật trong đó có đóng góp lớn của đội thủy binh là đã "bắt sống" 2 tàu Crayssac và Audacieuse của hải quân Pháp. Cụ Lê Phú, người trực tiếp đánh chiếm tàu Crayssac cho biết: "Sáng 6.9.1945, tàu tuần tiễu Crayssac vào Hòn Gai để chuyển thương binh xuống cấp cứu tại bệnh viện. Tôi đã từng ở trên tàu này 1 tháng nên biết rõ chức năng của tàu. Trên tàu trang bị nhiều súng lắm. Tôi ra lệnh cho anh em ra bờ sông, 2 tiểu đội xuống tàu vỏ sắt Bạch Đằng, 1 tiểu đội xuống tàu Giao Chỉ, còn lại 6 người ở trên bờ. Sau khi 2 tàu ta đuổi theo tàu Crayssac, tôi và một số anh em mượn ca nô chở khách, chạy đâm thẳng vào tàu địch. 6 người trên ca nô lập tức nhảy lên tàu Crayssac để khống chế. Địch bất ngờ, lúng túng, sợ hãi nên không dám chống trả. Tàu này sau đó giao cho đồng chí Bùi Sinh chỉ huy, được đồng chí Nguyễn Bình đổi tên là tàu Ký Con". 

Đánh bọn Việt Cách

Theo ông Phú, khi không thấy tàu Crayssac trở về, quân Pháp cử tàu Audacieuse (loại thuyền buồm có gắn máy) tiến vào vùng biển Hòn Gai. Khi thấy tàu Ký Con treo cờ đỏ sao vàng, chúng quay đầu bỏ chạy. Đồng chí Bùi Sinh lập tức cho tàu đuổi theo. Khi thủy thủ trên tàu vứt vũ khí, trang bị xuống biển thì tàu Ký Con ập tới. Ba chiến sĩ ta nhảy sang tàu địch, súng trên tay sẵn sàng nhả đạn. Sĩ quan, thủy quân Pháp xin hàng. Từ đó, hai tàu còn lại của tàn quân Pháp ở ngoài đảo không dám đến vùng biển Hòn Gai.

Ngày 14.9.1945, tàu Ký Con được lệnh đánh Tiểu đoàn quân Việt Cách theo đường biển từ Móng Cái trở về. Trong cuốn sách "Chuyện kể về Trung tướng Nguyễn Bình", Thiếu tướng Bùi Sinh có kể về trận đánh này: "Chạy tới phía bờ biển Cọc Năm thì tàu Ký Con gặp ba thuyền chở đầy quân Việt Cách. Chúng tôi định bắt sống cả bọn. Nhưng bọn chúng ranh ma rẽ vào vùng nước cạn khiến tàu Ký Con không thể đuổi áp sát được. Tôi lệnh cho pháo 37 ly cùng trọng liên, đại liên đồng loạt bắn. Bọn chúng nhốn nháo nhảy cả xuống biển, đồng thời phất cờ trắng đầu hàng. Tôi lệnh ngừng bắn. Chúng biết rõ tàu chúng tôi không thể tiếp cận được nên lợi dụng thời gian ngừng bắn nhanh chóng cho thuyền lẩn vào dãy núi đá để tránh đạn". 

Trung tuần tháng 9.1945, tại Hòn Gai, lực lượng vũ trang chiến khu có nhiều trận chiến với quân Tưởng Giới Thạch. Dù quân Tưởng đông hơn hàng chục lần nhưng quân ta vẫn kiên cường chống trả. Để hỗ trợ bộ binh, tàu Ký Con phải lùi xa bờ, dùng pháo 37 ly bắn vào các điểm cao do địch chiếm đóng.

Dù đội thủy binh của chiến khu Trần Hưng Đạo vẫn còn sơ khai, thiếu thốn song đã lập nhiều chiến công, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam về sau.

NINH TUÂN - Báo Hải Dương

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây