Khu rừng cổ độc đáo tại Chí Linh

Thứ ba - 05/09/2017 20:54 - 5538 lượt xem
Cây vả cổ thụ vào mùa thu, quả vả như trát vào thân suốt từ gốc đến ngọn, khiến mọi người  có cảm giác như có ai đem một sọt quả đổ từ ngọn cây xuống đến gốc vậy
Cây vả cổ thụ vào mùa thu, quả vả như trát vào thân suốt từ gốc đến ngọn, khiến mọi người có cảm giác như có ai đem một sọt quả đổ từ ngọn cây xuống đến gốc vậy
Đó là khu rừng nằm xung quanh chùa Thanh Mai, một di tích thuộc xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) do Thiền sư Pháp Loa xây dựng vào năm 1329 trên núi Tam Ban.
Gọi là Tam Ban vì có ba cấp núi nối liền nhau thuộc ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh. Vị trí dựng chùa thuộc cấp thứ hai của ngọn núi, là khu đất bằng phẳng nhất, cao khoảng 200 m. Chùa cách quốc lộ 18 khoảng 12 km, cách phường Sao Đỏ (trung tâm thị xã Chí Linh) chừng 15 km.

Cây cổ thụ chính làm nên phong cảnh ở đây được người địa phương gọi là cây phong. Quanh chùa hiện có 3-4 gốc cây phong cổ thụ 2 người ôm. Còn những cây có kích thước 1 người ôm thì không đếm xuể. Các cây này chỉ mọc ở núi Tam Ban và phân bố nhiều ở sườn phía nam nơi chùa tọa lạc. Ở các ngọn núi bên cạnh không hề có. Có thể một phần vì vẻ đẹp của rừng phong này mà xưa kia các thiền sư đã lựa chọn để dựng ngôi chùa.

Hằng năm, cứ vào độ cuối thu đầu đông, lá cây phong chuyển sang màu vàng, rồi đỏ rực và rụng xuống. Năm nào mùa đông càng lạnh thì lá càng đỏ rực rỡ. Nguyễn Du chắc đã cảm xúc trước màu đỏ về mùa thu của loại cây này chăng nên đã viết:

 
Người lên ngựa, kẻ chia bào.
Rừng phong, thu đã nhuộm màu quan san.

Khi lấy mẫu về tra cứu thì thấy tên gọi chính xác của cây này là sau sau có tên khoa học là: Liquidambar formosana. Chúng khác với cây phong ôn đới (mà lá chúng được dùng cho quốc kỳ của Canada) về chi, về họ và về cả bộ thực vật.

Cây sau sau còn tiết ra một loại nhựa thơm đặc biệt. Do đó, rừng sau sau thơm ngát quanh chùa Thanh Mai đã tạo cho nơi đây một cảnh sắc và hương vị tuyệt vời vào mỗi độ thu tới, đông về. Cây sau sau có ưu thế hơn cây phong ôn đới ở chỗ khi đâm lộc vào mùa xuân lá non lại đỏ rực rỡ một lần nữa và từ rễ đến lá, hoa, quả, cả nhựa nữa đều có thể làm thuốc chữa bệnh rất hiệu nghiệm.

Loại cổ thụ thứ hai là cây vải rừng hay cây tu hú, được coi như là tổ tiên của cây vải thiều đang trồng. Cách đây hơn chục năm, Viện Tài nguyên thực vật đã về đây đo toạ độ của các cây cổ thụ này để làm dự án bảo vệ chúng, nhằm đề phòng cây vải thiều sau này thoái hoá đi thì từ nguồn gen của cây tu hú, chúng ta có thể phục tráng chúng.

Trên mặt bằng của chùa Thanh Mai có tới chục cây tu hú gần nghìn năm tuổi. Mỗi cây thân to tới 2 người ôm. Đáng tiếc là một cây ngay trên sân chùa đã bị chết, vết gốc cây để  lại  còn to hơn chiếc mâm. Tu hú cho quả chín trước cây vải trồng nhưng cùi mỏng, ăn chua và ít nước. Gần chục cây còn lại đã khép tán, tạo bóng mát cho khuôn viên chùa. Điều đáng báo động là một số cây do thiếu chăm sóc nên hoặc bị cây tầm gửi ký sinh um tùm hoặc bị mối xông làm chết từng cành một.

Hai loài cây trên từng là tiêu chí để chọn chỗ cho chùa toạ lạc nên chắc chắn có niên đại cao hơn tuổi ngôi chùa .

Ngoài ra, chùa còn có những cây cổ thụ vẫn trường tồn và cho hoa quả ngày cành sung mãn hơn, xứng đáng là những "kỳ hoa dị thảo". Trong đó, phải kể đến cây thị cổ thụ có thân 2 người ôm. Mỗi mùa thị chín, quả rụng xuống nhiều vô kể, đến mức đem thắp hương, phát lộc không hết, dọn không xuể, thường phủ như dát vàng ở gốc cây.

Cây vả cổ thụ vào mùa thu, quả vả như trát vào thân suốt từ gốc đến ngọn, khiến mọi người có cảm giác như có ai đem một sọt quả đổ từ ngọn cây xuống đến gốc vậy. Quả vả khi chín có màu đỏ, ăn ngọt và còn tác dụng như một vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Cây khế cổ thụ có thân không cao nhưng xoè tán rộng, đặc biệt vào mùa thu, quả nhiều rủng rỉnh đầy cành. Cây thấp nên vươn người lên là hái được quả. Quả chín mọng nước và ngọt dịu. Điều lạ là cây già nhưng quả không hề cỗi và thường còn to hơn quả khế bình thường. Ngoài ra, còn có các cây cổ thụ khác như các cây đại, tre, trúc và nhiều cây rừng khác cũng nhờ sự linh thiêng của ngôi chùa mà còn giữ lại được.

Di tích chùa Thanh Mai vì trải qua các biến cố lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi chùa cổ đã đổ, nhiều cổ vật bị mất mát và hư hại. Năm 1992 chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Dù vậy, do quy mô nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút, nên ngôi chùa còn ít người biết đến. Bù lại, ngôi chùa cổ còn giữ được nguyên vẹn "Viên Thông bảo tháp" (có chứa xá lị thiền sư Pháp Loa), bia "Thanh Mai viên thông tháp bi" và đặc biệt khu rừng cổ thụ độc đáo trong khuôn viên và xung quanh chùa.

Hằng năm, nhân dân thường tổ chức hội chùa vào ngày giỗ của Thiền sư Pháp Loa (từ mùng 1 - 3.3 âm lịch). Rừng núi Tam Ban vừa có chùa linh thiêng, lại có rừng cổ thụ và gần đây đường giao thông đã thuận tiện, nếu khai thác thêm được vẻ đẹp và sự hấp dẫn của các cổ thụ "kỳ hoa dị thảo" trên, chắc chắn thắng cảnh chùa Thanh Mai sẽ trở thành điểm đến quanh năm hấp dẫn.

 
NGUYỄN VĂN KHANG - Báo Hải Dương

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây