Chiến khu Trần Hưng Đạo ngày ấy. Bài cuối: Chớp thời cơ khởi nghĩa

Thứ năm - 24/08/2017 21:35 - 4762 lượt xem
Lực lượng vũ trang chiến khu tiếp quản Trại bảo an binh Hải Phòng vào tháng 8.1945
Lực lượng vũ trang chiến khu tiếp quản Trại bảo an binh Hải Phòng vào tháng 8.1945
Ngày 8.6.1945, lực lượng cách mạng đánh chiếm các đồn địch, sau đó tuyên bố thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo.
Một số ý kiến cho rằng đây là việc làm tự phát vì chưa có ý kiến đồng ý của Xứ ủy Bắc Kỳ. Thực tế, nếu đợi phải có ý kiến của cấp trên thì thời cơ sẽ qua đi, ta khó giành thắng lợi. Nhiều ý kiến khách quan đều chung nhận định rằng phát động khởi nghĩa ngày 8.6 là biết chủ động chớp thời cơ, rất sáng tạo. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo (8.6.1945 - 8.6.1995), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Tinh thần sáng tạo của những người lãnh đạo, của nhân dân chiến khu là rất tốt, khi có thời cơ là chủ động sáng tạo".

Không bỏ lỡ cơ hội 

Cuối tháng 4.1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh tỉnh Hải Dương được tổ chức tại Hội Xuyên (thị trấn Gia Lộc). Tại hội nghị, hai đồng chí Trần Cung, Hải Thanh đã phân tích tình hình ở Chí Linh, Đông Triều và đề nghị thành lập chiến khu tại đây. Sau khi thảo luận, hội nghị thống nhất với đề nghị này, giao cho các đồng chí Trần Cung, Hải Thanh phụ trách việc chuẩn bị thành lập chiến khu. Đồng chí Trần Đức Thịnh, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách Hải Dương tham dự hội nghị cho rằng đây là vấn đề rất lớn, phải xem xét tình hình cụ thể, báo cáo Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, chờ sự chuẩn y của trên mới tiến hành. 

Tình hình thực tế diễn biến rất nhanh. Các công tác chuẩn bị cho thành lập chiến khu được ráo riết thực hiện. Trong buổi thương thuyết giữa 2 đồng chí Trần Cung, Hải Thanh và tướng thổ phỉ Lương Đại Bân, tên Bân cho biết sẽ đánh đồn Chí Linh vào đêm 7, rạng sáng 8.6.1945. Ra về, các đồng chí lãnh đạo chiến khu khẩn trương họp bàn. Nhiều ý kiến nhận định đây là thời cơ hiếm có, cần sớm khởi nghĩa. Các đồng chí Trần Cung, Hải Thanh, Nguyễn Bình thống nhất nhận định: Nếu để thổ phỉ đánh đồn Chí Linh nhưng ta không phối hợp với chúng thì chúng sẽ coi thường lực lượng ta, bất lợi cho việc đàm phán sau này. Mặt khác, nếu ta không nhân cơ hội này đánh các vị trí khác ở Đông Triều để tước khí giới thì bọn Nhật sẽ thu hết súng hoặc điều binh lính đi nơi khác, ta sẽ mất hết cơ sở nội ứng. Hiện thời, lực lượng cách mạng đã đủ mạnh để đánh đồn. Tuy nhiên, điều làm mọi người băn khoăn là chưa có quyết định chính thức của Xứ ủy Bắc Kỳ và chưa có cán bộ do cấp trên phái đến giúp đỡ thành lập chiến khu. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và với tinh thần đề cao trách nhiệm trước Đảng, không bỏ lỡ thời cơ giành thắng lợi, cuộc họp đã thống nhất sẽ cùng thổ phỉ đánh đồn Chí Linh, huy động lực lượng chiếm đồn Đông Triều, Tràng Bạch và tước vũ khí của bọn chủ mỏ than Mạo Khê. 

Đúng như kế hoạch, cuộc khởi nghĩa ngày 8.6.1945 đã giành thắng lợi giòn giã, nhanh gọn. 

Theo hồi ức được ghi lại của đồng chí Hải Thanh, lúc đầu khi biết việc khởi nghĩa mà chưa được Xứ ủy Bắc Kỳ đồng ý, đồng chí Trần Đức Thịnh rất bực. "Để anh nguội cơn bực bội, chúng tôi lần lượt trình bày những kết quả đã thu được. Nghe chúng tôi nói, anh Thịnh dần dần bình tĩnh, chỉ thị cho chiến khu nhiều ý kiến quan trọng... Sau này anh thực thà nói cho biết: Anh định về báo cáo Trung ương thi hành kỷ luật chúng tôi về việc "nổi dậy sớm". Nhưng khi đi qua Bắc Giang lên Thái Nguyên để dự hội nghị Tân Trào thì thấy phong trào cách mạng gần như công khai, nhiều nơi tập quân sự, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay ở nhiều địa điểm. Vì vậy, anh bỏ ý định báo cáo lên trên kỷ luật anh Trần Cung, anh Nguyễn Bình và tôi; đồng thời suy nghĩ: "Có lẽ mấy đồng chí mình làm đúng", đồng chí Hải Thanh viết.

Chủ động chớp thời cơ để mau chóng giành thắng lợi cũng được thể hiện qua những trận đánh Trại thanh niên Đại Việt ở Bí Chợ, tỉnh lỵ Quảng Yên và nhiều trận đánh khác.

Tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Trong Cách mạng Tháng Tám, chiến khu Trần Hưng Đạo giống như một "bàn đạp" thuận lợi để lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân ở nhiều địa phương đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng cách mạng ở chiến khu đã tích cực tham gia, hỗ trợ các địa phương nổi dậy giành chính quyền. 

Ngày 16.8.1945, lực lượng vũ trang chiến khu cùng lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng chiếm huyện lỵ Trịnh Xá tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ngày 17.8.1945, hàng nghìn quần chúng kéo về huyện lỵ để mít tinh ủng hộ Việt Minh. Ngày 22.8.1945, đông đảo nhân dân huyện Thủy Nguyên dự mít tinh chào mừng lễ ra mắt của Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện.

Ngày 16 - 17.8.1945, lực lượng của chiến khu phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương triệt phá một sào huyệt của bọn Quốc dân đảng ở huyện Chí Linh và tham gia khởi nghĩa, cướp chính quyền ở huyện Nam Sách.

Ngày 23.8.1945, nghĩa quân chiến khu chia thành 2 cánh quân tiến về TP Hải Phòng. Đoàn quân do đồng chí Hải Thanh chỉ huy đi đến ngã ba bến Bính thì gặp cánh quân của đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy, cùng nhập vào nhau rồi tiến vào Quảng trường Nhà hát lớn TP Hải Phòng. Trước khí thế cách mạng dâng cao, địch không dám chống cự. 10 giờ ngày 23.8.1945, cuộc mít tinh trọng thể diễn ra tại quảng trường Nhà hát lớn. Sau cuộc mít tinh là cuộc tuần hành thị uy của lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng nhân dân. Kết thúc diễu hành, lực lượng vũ trang chiến khu cùng các lực lượng tự vệ tổ chức canh giữ các khu vực trọng điểm. 

Tại Quảng Yên, tuy lực lượng vũ trang của chiến khu và cơ sở Việt Minh địa phương đã đánh chiếm tỉnh lỵ ngày 20.7.1945 nhưng chưa lập được chính quyền cách mạng. Thời gian này, bọn thổ phỉ ở Nam Mẫu, Yên Lập, Hoành Bồ mưu toan kéo vào Quảng Yên. Lực lượng vũ trang chiến khu đã chặn đứng âm mưu này của chúng. Trong 2 ngày 22 - 23.8, lực lượng cách mạng lần lượt giành chính quyền ở huyện Yên Hưng, huyện đảo Cát Hải, Cát Bà. Ngày 24.8.1945, ta chính thức làm chủ chính quyền tỉnh Quảng Yên.

Sau Cách mạng Tháng Tám, lực lượng vũ trang chiến khu Trần Hưng Đạo còn đóng vai trò lớn trong đấu tranh với "thù trong, giặc ngoài", bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

 
NINH TUÂN - Báo Hải Dương

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây