Tham dự lễ trồng cây, có các đồng chí Mạc Văn Vững, Phó Bí thư thường trực thị ủy; Nguyễn Đức Hóa, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã; Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã; Nguyễn Minh Thắng, Thị ủy viên, Trưởng ban Quản lý Di tích Chí Linh; lãnh đạo xã An Lạc, các cụ cao niên trong làng Đại nơi có di tích; cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 490 đóng trên địa bàn thị xã.
Sau khi dâng hương, làm lễ xin phép 5 Đức Thánh họ Vương được trồng mới, mở rộng diện tích rừng lim, các đại biểu đã tiến hành trồng gần 100 cây lim xung quanh đền Cao. Số cây lim này được lấy từ những cây lim con mọc dưới gốc những cây lim cổ thụ của đền.
Đền Cao An Lạc nằm giữa quần thể rừng lim cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm gắn với truyền thuyết về sự ra đời của các dòng họ ở An Lạc và gắn với quá trình tồn tại của đền Cao.
Hiện tại, ở đền Cao còn 54 cây lim cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm, trong đó cây lim to nhất ở đền Cao có đường kính lên đến 1,3 m, cao trên 20 m, có độ tuổi 800 năm. Cây bé nhất có đường kính trên 0,3 m, độ tuổi hơn 200 năm.
Năm 2000 các ngành chức năng đã tiến hành trồng nâng cấp mở rộng diện tích rừng lim lên 12 ha, với mật độ hơn 300 cây/ha ở khu vực phụ cận vành đai tiếp giáp với rừng lim cổ.
Với nỗ lực của Ban Quản lý di tích Chí Linh, cùng các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển rừng lim ở đền Cao, ngày 25 – 2 – 2011, 54 cây lim cổ thụ ở đền Cao đã được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam.
Việc trồng mới số cây lim này nhằm mục đích bảo tồn, phát triển, mở rộng rừng lim, đồng thời tạo cảnh quan cho di tích đền Cao
Quang cảnh buổi lễ trồng cây
Theo BQL Di tích Chí Linh