Côn Sơn, Kiếp Bạc - Những giá trị lịch sử văn hóa

Thứ hai - 25/04/2016 11:11 - 5187 lượt xem
Lễ hội truyền thống Côn Sơn, Kiếp Bạc
Lễ hội truyền thống Côn Sơn, Kiếp Bạc
Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia; thời Trần thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhỡn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc. Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sách Cao Biền di cảo và Chí Linh phong vật chí chép rằng: Côn Sơn, Kiếp Bạc mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình kỳ dạng, long bàn, hổ cứ, như muôn quân nghìn tướng chầu về… ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời… Khu Di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân liền kề; đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn - Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa (phía Tây Bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với Khu Di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng với sông núi thị xã Chí Linh.

Đây là vùng đất lịch sử còn mãi âm vang những chiến công lừng lẫy trong ba lần quân dân Nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Côn Sơn, Kiếp Bạc còn là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán...

Nếu như Khu Di tích lịch sử Kiếp Bạc là một trung tâm nội đạo thờ Đức thánh Trần thì Khu Di tích Côn Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt mà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông  sáng lập ở thế kỷ XIV. Côn Sơn còn là nơi thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn, Kiếp Bạc là một trong những khu di tích tiêu biểu kết tinh tư tưởng tam giáo đồng nguyên: Phật giáo - Đạo giáo - Nho giáo cùng hòa đồng, mục đích là quy tụ nhân tâm, lấy thần quyền phục vụ cho vương quyền, củng cố tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc.

Côn Sơn là mảnh đất lịch sử lâu đời. Hơn một ngàn năm trước, Định Quốc Công Nguyễn Bặc, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Trãi đã lập căn cứ ở đây để đánh sứ quân Phạm Phòng Át, giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước vào năm 968.

Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm và Thanh Mai, Côn Sơn là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đệ nhất tổ - Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ - Pháp Loa tôn giả và Đệ tam tổ - Huyền Quang tôn giả đã về đây hoằng dương thuyết pháp, xây dựng chùa Hun thành chốn tổ đình gọi là liêu Kỳ Lân, một thiền viện lớn nổi tiếng của Triều Trần.

Tổng quan Di tích lịch sử Côn Sơn, Kiếp Bạc (Ảnh: TL)

Côn Sơn là mảnh đất có bề dày văn hóa hiếm có. Ở đây, văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo và văn hóa Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt, đều để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc trên các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối…Văn hóa Lý - Trần, văn hóa Lê - Nguyễn được bảo tồn khá nguyên vẹn ở các tầng văn hóa dưới lòng đất. Di sản văn hóa phi vật thể quý giá ở Côn Sơn lưu giữ trong sách vở, trong các truyền thuyết và các nghi thức cúng tế, trong các hoạt động lễ hội vô cùng phong phú. Hiếm ở đâu có nhiều trí thức, những nhà văn hóa đến thăm viếng như ở Côn Sơn. Trần Nguyên Đán - quan Đại tư đồ phụ chính, nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư động để lui nghỉ những năm tháng cuối đời. Thời Lê sơ, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp với Côn Sơn. Lê Thánh Tông, vị minh quân và là Tao Đàn nguyên súy (thời Lê sơ); Thánh thơ Cao Bá Quát (thời Nguyễn)... đều đã đến đây vãng cảnh, làm thơ, để lại những thi phẩm giá trị. Tháng 2 năm 1965, Hồ Chủ tịch về thăm Côn Sơn. Người đã lên thăm Thạch Bàn, Thanh Hư động và đọc văn bia trước cửa chùa Hun, bằng sự trân trọng thiêng liêng và niềm giao cảm đặc biệt với cổ nhân.

Người xưa từng đúc kết: “Núi chẳng cần cao có tiên ắt nổi tiếng. Nước chẳng cần sâu có rồng ắt thiêng”. Mỗi sự vật, di tích ở Côn Sơn đều lấp lánh ánh sáng của Nguyễn Trãi - Sao Khuê; mỗi địa danh ở Côn Sơn đều in đậm dấu ấn thiêng liêng, áng thi văn, cổ thoại, truyền thuyết ly kỳ và những sự tích bất hủ của những danh nhân kim cổ. Những di tích và tên tuổi các danh nhân, của Trúc Lâm Tam Tổ, đặc biệt là của Nguyễn Trãi, đã nâng tầm vóc Côn Sơn trở thành quốc tự, thành di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, thành “một cõi đi về” trong đời sống tâm hồn của muôn triệu người dân Việt.

Cảnh sắc thiên nhiên và con người tạo dựng đã làm cho Côn Sơn thành một “Đại thắng tích”. Ở đây, có núi Kỳ Lân và Ngũ Nhạc, với rừng thông bát ngát, suối chảy rì rầm, nước hồ trong mát; có Bàn Cờ Tiên, Thạch Bàn, Giếng Ngọc, có Ngũ Nhạc linh từ... Cũng vì Côn Sơn cảnh vật tốt tươi, “sắc ngàn ráng đỏ, rừng gấm cuốn, cỏ lụa giăng”, chùa chiền cổ bích, am pháp thâm nghiêm, u tịch và tao nhã, nước biếc, non xanh, hữu tình và hoà hợp, thành miền thắng cảnh làm say đắm hồn người, là nơi con người có thể gửi gắm ước nguyện tâm linh, thoả chí hướng và rung động tâm hồn. Cho nên, từ bao đời nay, mùa trảy hội, “trai thanh gái lịch đi lại đông như mắc cửi”; bao thi nhân, trí giả tìm về  rồi ở đó, nghiền ngẫm và xúc cảm viết lên những trước tác có giá trị sâu sắc, những áng thơ văn tuyệt đẹp. Ở đây, Huyền Quang viết kinh, thuyết pháp, làm thơ; Trần Nguyên Đán nghiên cứu nông lịch và viết “Băng Hồ ngọc hác tập”, Nguyễn Phi Khanh viết “Thanh Hư động ký” và Nguyễn Trãi viết “Côn Sơn ca” cùng nhiều thi ca xứng là kiệt tác.

Những năm gần đây, nhân dân Hải Dương, được sự đồng lòng của đồng bào cả nước, đã tu bổ nhiều di tích như đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, đường lên Ngũ Nhạc... làm cho Côn Sơn càng giàu thêm giá trị văn hoá, cảnh sắc càng thêm tráng lệ, tôn nghiêm, hấp dẫn du khách bốn phương.

Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang, cách Côn Sơn chừng 5 cây số. Đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, trấn giữ cửa ngõ phía Đông Kinh thành Thăng Long. Nơi đây trời bày, đất dựng, vị trí đắc địa về phong thủy, hình thế hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng. Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất năm (1258), Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo đã chọn Kiếp Bạc lập đại bản doanh; xây dựng phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng ra biển Đông... trong đó căn cứ địa Vạn Kiếp làm trung tâm chỉ huy. Đây là trận đồ “thủy bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Tháng 6 năm 1285, tại đây Hưng Đạo Vương đã tập hợp 20 vạn quân, hơn 1000 thuyền chiến đánh trận Vạn Kiếp, tiêu diệt 20 vạn quân Nguyên Mông, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ hai một cách nhanh gọn. Tháng 3 năm 1288, từ căn cứ Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương cùng Vua Trần Nhân Tông tổ chức phản công đánh trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng, tiêu diệt 30 vạn quân giặc, kết thúc thắng lợi 3 lần kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông vĩ đại của dân tộc.

Đất nước thanh bình, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Tại đây, Đại Vương đã viết “Binh gia diệu lý yếu lược” để dạy tướng sỹ, và viết “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, đúc kết những kinh nghiệm, những bí quyết đánh giặc giữ nước của một đời cầm quân truyền lại cho hậu thế. Trước khi mất, được Vua Trần Anh Tông về thăm bệnh và hỏi kế sách giữ nước, Đại Vương đã căn dặn: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”.

Đền Kiếp Bạc là nơi thờ phụng Trần Hưng Đạo (Ảnh: TL)

Đại Vương là danh tướng bậc nhất “tài mưu lược, anh hùng, một lòng giữ gìn trung nghĩa…lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên”. Ngài đã được Triều đình Nhà Trần cho lập đền thờ ngay khi còn sống, gọi là Sinh Từ; Thượng hoàng Trần Thánh Tông tự soạn văn bia ca ngợi công đức Đại Vương. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), Đại Vương mất tại Kiếp Bạc. Triều đình đã tôn phong là Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương; nhân dân Đại Việt tôn ngài là Đức Thánh Trần, xây đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công lao to lớn đối với non sông, đất nước. Ngày giỗ Đại Vương hàng năm trở thành ngày chính hội đền Kiếp Bạc. Hội Đền kéo dài hàng tuần, thu hút hàng chục vạn con dân Đại Việt từ khắp mọi miền đất nước về kính bái, nguyện cầu. Đó là một trong số lễ hội lớn nhất của cả nước được gìn giữ hơn 7 thế kỷ nay, trở thành mỹ tục truyền thống, thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đền Kiếp Bạc cùng với hai ngôi đền trên núi Bắc Đẩu và Nam Tào được ví như “một cõi thiên bồng giữa hạ giới”. Tại vị trí trang trọng nhất của đền Kiếp Bạc, tượng thờ Đức Thánh Trần đường bệ, uy nghi, bao thế kỷ vẫn là biểu tượng của hào khí Đông A lẫm liệt. Được phối thờ tại Đền là gia quyến của Đại Vương, gồm 4 tượng thờ: Nguyên từ Quốc mẫu Thiên Thành công chúa (tức phu nhân của Trần Hưng Đạo), Tướng quân Phạm Ngũ Lão (danh tướng Đời Trần, là con rể của Đại Vương), 2 người con gái của Trần Hưng Đạo là Đệ nhất Khâm từ Hoàng thái hậu Quyên Thanh công chúa (phu nhân của Đức Vua Trần Nhân Tông), Đệ nhị Nữ hoàng Anh Nguyên quận chúa (phu nhân Tướng quân Phạm Ngũ Lão) và 4 ngai bài vị thờ bốn con trai của Đại Vương.

Cổng đền Kiếp Bạc có câu đối nổi tiếng:

“Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí;

Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh”

Nghĩa là:

Kiếp Bạc muôn ngọn núi đều có hùng khí của kiếm thiêng

Lục Đầu không còn nước nào chẳng vọng tiếng thu”

Có thể nói, mỗi cảnh sắc, hiện vật, dấu tích ở Kiếp Bạc đều gợi về bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc ở triều đại Nhà Trần. 

Hàng năm ở Côn Sơn - Kiếp Bạc có hai kỳ lễ hội truyền thống mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân kỷ niệm ngày viên tịch của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang tôn giả (ngày 23 tháng Giêng), lễ hội mùa xuân Côn Sơn có nhiều nghi lễ như: Lễ Mông Sơn thí thực, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ, lễ rước nước, cùng nhiều trò chơi dân gian như: Đu tiên, chọi gà, cờ người, đấu vật... Lễ hội mùa thu tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo (ngày 20 tháng 8 Âm lịch) và ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi (ngày 16 tháng 8 Âm lịch). Lễ hội mùa thu đền Kiếp Bạc có nhiều nghi thức tế lễ và diễn xướng dân gian rất nổi tiếng như: Lễ rước cỗ tiến Thánh, Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, tục hầu Thánh, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần... Các trò chơi dân gian như: Đấu vật, đua thuyền, bắt vịt, nấu cơm thi, nhảy phỗng... Trong các kỳ lễ hội có hàng chục vạn du khách và nhân dân thập phương về dâng hương lễ bái.

Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng UBND tỉnh Hải Dương đầu tư kinh phí tu bổ Di tích và tổ chức nghiên cứu phục dựng lại các nghi lễ của Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu Di tích ngày càng khang trang khởi sắc. Ngày 18-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 920/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu Di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn- Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương”.

Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là Di tích quốc gia đặc biệt.

Những giá trị lịch sử, văn hoá của Côn Sơn- Kiếp Bạc, cùng với danh thơm, sự nghiệp của các bậc vĩ nhân đã tỏa rọi hào quang vào lịch sử và văn hoá dân tộc. Sự linh thiêng của đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn tồn tại vĩnh hằng cùng non sông đất nước.

Tác giả bài viết: TS Nguyễn Khắc Minh

Nguồn tin: thegioidisan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây