Đánh thức tiềm năng sản phẩm du lịch ẩm thực đặc thù

Thứ hai - 12/11/2018 22:22 - 1693 lượt xem
Các gian hàng ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn bán hàng vụn vặt, chưa có nhà hàng nào kinh doanh đặc sản ẩm thực đặc thù của Hải Dương
Các gian hàng ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn bán hàng vụn vặt, chưa có nhà hàng nào kinh doanh đặc sản ẩm thực đặc thù của Hải Dương
Hải Dương có nhiều món ngon nổi tiếng như chả rươi, bún cá rô đồng... Đây là những món ăn có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù nếu được quan tâm đúng hướng.
Ấn tượng

Đầu tháng 10 vừa qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam lần đầu đặt chân tới mảnh đất xứ Đông để tham dự hội thảo giải pháp phát triển du lịch Hải Dương với TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh phía Bắc. Nhà nghiên cứu này đã cùng các đại biểu đi khảo sát danh lam thắng cảnh, một số địa điểm du lịch nổi tiếng và thưởng thức những món ăn đặc trưng của Hải Dương. Bà Thanh nhận xét, Hải Dương có tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng với hệ thống các khu di tích quốc gia đặc biệt mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh đó là các làng nghề truyền thống và một số điểm du lịch sinh thái giàu tiềm năng như sông Hương (Thanh Hà), Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện)... Một trong những điều khiến nhà nghiên cứu này thích thú nhất là khi thưởng thức bún cá rô đồng. "Tôi đã nhiều lần ăn bún riêu cua, bún bò, bún chả hải sản tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng bún cá rô đồng của Hải Dương vẫn ấn tượng hơn cả. Bát canh cá rô đồng ở đây có hương vị rất riêng với nước dùng được chế biến từ chính xương con cá, sợi bún to, thịt cá thơm, dai và ngon hơn khi ăn kèm với các loại gia vị như chanh, ớt, măng chua, rau thơm. Đây là món ăn hoàn toàn có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương".

Nghe về con rươi từ lâu nhưng chỉ khi về với Hải Dương, chị Nông Thanh Thủy (TP Cao Bằng) mới được tận mắt chứng kiến và thưởng thức các món ăn chế biến từ con đặc sản tự nhiên này. Mới đầu nhìn chúng như con rết khiến chị và mọi người trong đoàn hơi sợ, nhưng khi đưa miếng chả rươi thơm lừng, vàng ruộm vào miệng mới thấy nó rất ngon. Món canh rươi nấu măng, rươi đốt, nem rươi, thịt lợn cuốn bánh đa chấm mắm rươi cũng đều rất ấn tượng, mỗi món lại có một hương vị riêng. "Tôi rất ấn tượng khi nghe anh chủ quán rươi ở Tứ Kỳ nói rằng để làm ra những món ngon này họ đã phải đi kiếm hàng chục loại rau gia vị từ tự nhiên. Hải Dương thật may mắn vì thiên nhiên ưu ái ban tặng cho con đặc sản tự nhiên này. Lần sau về đây chắc chắn tôi sẽ lại thưởng thức các món ăn chế biến từ rươi", chị Thủy chia sẻ.

Không đặc trưng như bún cá rô đồng hay chả rươi nhưng thịt trâu (Ninh Giang), thịt dê (Kinh Môn) cũng là những đặc sản hút du khách khi về Hải Dương. Ngoài các món ăn, Hải Dương cũng có nhiều đặc sản khác như vải thiều Thanh Hà, bánh gai Ninh Giang... Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch tin rằng Hải Dương hoàn toàn có thể khai thác những tiềm năng ẩm thực để phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc thù.

Dùng đặc sản để thu hút du khách

Tiềm năng sản phẩm du lịch ẩm thực của Hải Dương phong phú nhưng chưa được khai thác hiệu quả. PGS.TS Bùi Thị Thanh Thủy, giảng viên Trường Đại học Văn hóa thắc mắc tại sao ở những địa điểm du lịch nổi tiếng của Hải Dương như khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc không thấy có các quán chuyên kinh doanh các món ăn từ rươi, thịt trâu, cá rô đồng. Thay vào đó, các hộ chỉ bán những đồ ăn, thức uống lặt vặt thông thường, thậm chí chẳng có mấy đặc sản liên quan tới Hải Dương. Lượng khách tới đây rất lớn, đặc biệt vào mùa lễ hội nhưng sau khi chiêm bái họ ngay lập tức đi nơi khác vì không có gì ấn tượng để ở lại thưởng thức, mua sắm. Đây là điều rất lãng phí. Tỉnh Ninh Bình thực chất chỉ có đặc sản thịt dê và cơm cháy là nổi tiếng, không phong phú bằng Hải Dương. Tuy nhiên họ lại biết cách khai thác rất tốt tiềm năng của mình để phục vụ khách du lịch. Ở khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, ngay phía ngoài đã có cả chục gian hàng được quy hoạch gọn gàng bán các loại cơm cháy và sản vật địa phương. Cách đó không xa là các nhà hàng kinh doanh thịt dê. Khách sau khi tham quan, chiêm bái sẽ ra mua sắm và thưởng thức các loại đặc sản. "Nếu ở những khu vực đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn cũng có các nhà hàng bán đặc sản ẩm thực địa phương thì tôi tin khách rất đông", bà Thủy nêu quan điểm.

Sau khi tham quan, chiêm bái tại các địa điểm, khách du lịch thường có tâm lý muốn tìm hiểu xem ở khu vực mình đến có đặc sản gì để thưởng thức hoặc mua về làm quà cho người thân. Nhưng thực tế, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhiều các nhà hàng, ki-ốt kinh doanh các loại đặc sản ẩm thực, sản vật của địa phương. Nếu có cũng chỉ nhỏ lẻ, manh mún, chưa gây được sự chú ý, quan tâm của du khách. Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho rằng, khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc không thể quay về tận Tứ Kỳ để thưởng thức rươi hay về Ninh Giang để ăn thịt trâu, mua bánh gai. Hải Dương nên quy hoạch diện tích phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp hoặc cá nhân có đủ điều kiện để đầu tư xây các trạm dừng chân hoặc hệ thống công trình nhà hàng kinh doanh, giới thiệu các loại đặc sản ở các điểm du lịch là giải pháp tốt nhất. Chính quyền cần tạo điều kiện, cơ chế thông thoáng để họ yên tâm đầu tư, nếu có thể hỗ trợ một phần kinh phí. Khi đó, các điểm du lịch tại Hải Dương sẽ dễ níu chân du khách hơn và giá trị kinh tế khai thác được từ du lịch cũng sẽ tăng lên. "Thời gian qua, TP Hải Phòng có nhiều chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch. Từ nay đến năm 2020, thành phố hỗ trợ tối đa 50 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp xây dựng điểm dừng chân trên địa bàn để kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ, giới thiệu đặc sản địa phương cho khách du lịch. Mục tiêu của Hải Phòng là đón 7,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020 nhưng hiện nay chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu này", ông Thưởng cho biết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng khi đã hình thành được chuỗi nhà hàng kinh doanh, giới thiệu đặc sản của địa phương tại các địa điểm du lịch, Hải Dương cần quan tâm tuyên truyền, quảng bá dưới nhiều hình thức để hút khách du lịch. Các doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh các loại đặc sản phải cam kết bảo đảm chất lượng, xây dựng đội ngũ phục vụ nhiệt tình, chu đáo để tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách...

TIẾN MẠNH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây