Thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) hiện có 20 thôn, khu dân cư, nhưng tới đây sẽ giảm 6-7 thôn, khu dân cư để bảo đảm quy định. Trong ảnh: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở thôn An Nghĩa
Trong khi đó đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách vẫn phải đầy đủ nên khá cồng kềnh. Sáp nhập các thôn, KDC để thành lập các thôn, KDC mới có quy mô hộ gia đình hợp lý; giảm số người hoạt động không chuyên trách; tiết kiệm kinh phí, cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các cấp chính quyền và của thôn, KDC là đòi hỏi từ thực tiễn.
Khó huy động các nguồn lực
Thôn Ngũ Đài, xã Hoàng Tiến (Chí Linh) có 30 hộ dân chia thành 3 xóm. Khi xây dựng nông thôn mới, thôn được hỗ trợ làm tuyến đường trục trải nhựa dẫn vào trung tâm song vẫn còn khoảng 4 km đường xóm là đường đất. Ông Nguyễn Hữu Nghị, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngũ Đài cho biết: Bê tông hóa các tuyến đường trong thôn là niềm mong mỏi của người dân ở đây. Tuy nhiên, thôn có ít hộ, nếu làm đường giao thông các nhà sẽ phải đóng góp kinh phí rất lớn nên đành bất lực.
Khu dân cư 20, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) chỉ có 48 hộ dân. Được thành lập hơn hai chục năm nay song khu chưa có nhà văn hóa do không còn quỹ đất. Theo ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng KDC 20, không có nhà văn hóa nên nhiều năm nay các cuộc họp của chi bộ, các ngành, đoàn thể và họp dân đều phải nhờ nhà dân. Ngày hội đại đoàn kết vừa rồi, khu cũng phải bắc rạp tổ chức ngoài đường.
Trên đây cũng là khó khăn chung của các thôn, KDC có quy mô dân số nhỏ, chưa xây dựng được nhà văn hóa.
Thôn Cải Cách, xã Cổ Thành (Chí Linh) được thành lập từ năm 1954, có hơn 50 hộ dân. Ông Vũ Tiến Thịnh, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Thôn nhỏ, dân số ít nên hoạt động của các ngành, đoàn thể trong thôn có không ít hạn chế. Thôn phải cố gắng mới thành lập được đội văn nghệ. Chi bộ của thôn nhiều năm nay không phát triển được đảng viên do không có nguồn.
Toàn tỉnh hiện có 1.469 thôn, KDC thuộc 265 xã, phường, thị trấn. Theo quy định hiện hành, các thôn vùng đồng bằng phải có từ 400 hộ trở lên, ở vùng núi từ 200 hộ trở lên; các KDC vùng đồng bằng phải có từ 500 hộ trở lên, vùng miền núi từ 300 hộ trở lên. Đa số các thôn, KDC trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có diện tích nhỏ, quy mô dân số thấp so với tiêu chuẩn quy định. Trong đó, 339 thôn, KDC có dưới 50% số hộ theo quy định.
Giảm gánh nặng cho ngân sách
Thôn, KDC có diện tích nhỏ, dân số quá ít không chỉ gây khó khăn trong quy hoạch phát triển, huy động kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở mà còn khiến việc đầu tư xây dựng các công trình này dàn trải, gây lãng phí ngân sách. Ví dụ, theo quy định hiện hành, ngân sách tỉnh phải hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng khi xây dựng mỗi nhà văn hóa thôn, KDC. Đó là chưa kể số tiền hỗ trợ mua sắm trang thiết bị trong nhà văn hóa. Chỉ tính giai đoạn 2006-2016, toàn tỉnh đã xây dựng 1.519 nhà văn hóa với tổng kinh phí khoảng 275 tỷ đồng. Tỉnh hỗ trợ khoảng 104 tỷ đồng, còn lại từ nguồn xã hội hóa và cấp huyện, cấp xã hỗ trợ thêm. Số thôn, KDC giảm sẽ tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách phải chi cho việc đầu tư hạ tầng nói trên.
Theo quy định, thôn, KDC không phải là đơn vị hành chính nhưng lâu nay vẫn được tổ chức hoạt động như một đơn vị hành chính, dẫn tới số người hoạt động không chuyên trách ngày càng phình ra, là gánh nặng cho ngân sách. Trong khi đó chất lượng hoạt động của đội ngũ này chưa đạt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Vì vậy, việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, KDC là cần thiết để tiết kiệm kinh phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các cấp chính quyền và của thôn, KDC.
Toàn tỉnh đang bố trí 6.429 người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, KDC, hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng theo quyết định của UBND tỉnh. Nhiều thôn, KDC có quy mô quá nhỏ, số hộ ít nhưng vẫn được bố trí số cán bộ hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể chính trị-xã hội như những thôn, KDC có quy mô lớn. Việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, KDC có diện tích nhỏ, dân số ít sẽ giảm đáng kể số lượng người hoạt động không chuyên trách, tiết kiệm ngân sách và khắc phục hạn chế trong hoạt động.
Việc sáp nhập các thôn, KDC có những nét chung về văn hóa, nguồn gốc còn là việc làm thiết thực giữ gìn truyền thống, phong tục tập quán địa phương. Một số nơi như ở thôn Cải Cách, xã Cổ Thành (Chí Linh), các gia đình đều có nguồn gốc từ thôn Cổ Châu (Cổ Thành) di dân lên. Bởi vậy dù là hai làng, song người dân Cổ Châu và Cải Cách cùng có chung nguồn gốc, phong tục tập quán. Hiện hai thôn vẫn chung đình làng và lễ hội truyền thống. Nếu hai thôn được sáp nhập sẽ có tác dụng tích cực giữ gìn văn hóa truyền thống.
Từ thực tiễn và các bất cập đang diễn ra tại các thôn, KDC nhỏ, dân số ít, việc sáp nhập các thôn, KDC là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, cần phải quyết tâm thực hiện.
NGỌC HÙNG (Báo Hải Dương điện tử)
Kỳ sau: Thực hiện thế nào?