Món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc An

Chủ nhật - 23/06/2019 20:29 - 3082 lượt xem
Món khau nhục của đồng bào dân tộc người Hoa ở xã Bắc An
Món khau nhục của đồng bào dân tộc người Hoa ở xã Bắc An
Những món ăn độc đáo, hấp dẫn của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bắc An (TP Chí Linh) được đời tiếp đời gìn giữ, mang bản sắc riêng.
Thiếu khau nhục là cỗ không to

​Tháng 4 vừa qua, về dự Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh tổ chức ở xã Bắc An, chúng tôi được người dân thết đãi một bữa cơm thịnh soạn. Mâm cỗ có khá nhiều món ngon được chế biến từ thịt, cá, rau xanh, nhưng độc đáo và ấn tượng hơn cả vẫn là món khau nhục. 

​Khau nhục (có nơi gọi khổ nhục) là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bắc An. Món này được chế biến từ thịt lợn ba chỉ. Khi ăn, mọi người cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị hòa quyện với vị béo ngậy của thịt lợn... "Món này thường được đồng bào người Hoa chế biến vào dịp Tết, khi có đám cưới hoặc làm cỗ đãi khách. Thiếu khau nhục là cỗ không to", ông Nguyễn Trọng Ánh, cán bộ văn hóa - xã hội xã Bắc An nói.

​Ông Diệp Văn Xường, 63 tuổi ở thôn Bãi Thảo 1 rất giỏi nấu món khau nhục. Ông Xường không biết món ăn này có từ bao giờ, chỉ biết do ông cha truyền lại. Nguyên liệu làm món khau nhục có sẵn ở địa phương nhưng chế biến rất tỉ mỉ, mất nhiều thời gian. "Ở một số nơi như Lạng Sơn cũng có món khau nhục nhưng ăn ngấy và không thơm ngon như chúng tôi chế biến", ông Xường chia sẻ.

​Để làm ra món khau nhục tròn vị, ngon đúng điệu theo kiểu đồng bào người Hoa ở Bắc An, việc đầu tiên là phải chọn mua được miếng thịt lợn ba chỉ ngon. Thịt sau khi rửa sạch sẽ được luộc chín. Vớt thịt ra để nguội, dùng vật nhọn châm vào bì để nước thoát ra ngoài. 

Sau đó, thoa nước cốt dừa thật đều lên bề mặt bì lợn rồi đưa vào vạc dầu quay cho tới khi bì lợn chuyển màu vàng và phồng rộp lên. Thịt được vớt ra, rồi ngâm vào nước ấm cho miếng thịt mềm, sau đó thái miếng dày 2 cm, dài khoảng 8-10 cm.

​Công đoạn quan trọng nhất trong chế biến món khau nhục là nêm gia vị. Thịt sau khi thái miếng sẽ cho vào bát to, ướp lẫn với tỏi khô băm nhỏ, củ địa liền, nước mắm, đường, mì chính, hạt tiêu, gừng... và cho lên bếp hấp cách thủy trong 2-3 giờ. "Nói thì thấy đơn giản vậy nhưng khi pha chế món này mà không khéo léo thì ăn không ngon. Ngày trước, chúng tôi cũng phải học từ ông bà, bố mẹ rất nhiều lần mới làm được", ông Xường nói.

​Ngậy thơm bánh phổi bò

 
Ông Diệp Văn Xường giới thiệu về củ địa liền - thứ củ làm nên hương vị chủ lực cho món khau nhục

Ở xã Bắc An, ngoài đồng bào dân tộc người Hoa còn có 11 dân tộc thiểu số khác như Sán Dìu, Khơ Me, Tày, Nùng, Cao Lan, Thổ... Trong số này, người dân tộc Sán Dìu đông hơn cả với hơn 600 hộ. Người Sán Dìu ở xã Bắc An cũng biết làm khau nhục nhưng món ăn truyền thống của họ là bánh phổi bò (còn gọi là bánh mào gà, bánh rợm).

​Người Sán Dìu cũng không biết bánh phổi bò có từ bao giờ và vì sao nó lại được đặt tên như thế. Nhưng có một điều chắc chắn họ biết đó là vào dịp Thanh minh, rằm tháng bảy, Tết đông chí thì trong mâm cỗ nhất thiết phải làm món này để cúng ông bà, tổ tiên. 

Chị Dịp Hồng Vui ở thôn Chín Thượng làm bánh phổi bò rất khéo. Nguyên liệu làm bánh gần gũi và có sẵn ở địa phương như gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, thịt lợn, đường...

​So với món khau nhục của người Hoa, cách làm bánh phổi bò của người Sán Dìu đơn giản hơn. Gạo sau khi vo sạch được ngâm với nước ấm 60 độ C trong khoảng 1 giờ. Sau đó, vớt gạo ra để ráo nước, nghiền thành bột nhưng vẫn phải giữ được độ ẩm để bảo đảm dẻo khi nặn bánh.

Đỗ xanh rửa sạch, nấu chín, đánh nhuyễn trộn với đường để làm bánh chay hoặc trộn với thịt lợn xào hành khô và hành hoa để làm bánh mặn. Công đoạn tiếp theo là nhào bột nặn thành hình tròn, đường kính khoảng 10 cm, đưa vào nồi luộc đến khi nổi lên trên mặt nước. Bánh được vớt ra đánh nhuyễn trộn với nhân đường hoặc thịt lợn xào sẵn, lấy lá chuối gói lại và hấp cách thủy trong khoảng nửa giờ.

​Bánh phổi bò khi ăn có vị đậm, béo, ngậy của thịt lợn hòa quyện phảng phất với mùi thơm của hành hoa, lá chuối. Nếu là nhân chay, khi ăn bánh có vị thanh mát.

​Ông Nguyễn Trọng Ánh, một người dân trong xã cho biết khau nhục và bánh phổi bò là 2 món ăn rất đặc trưng của đồng bào dân tộc Hoa và Sán Dìu. So với bánh phổi bò, món khau nhục được nhiều người ưa thích. Qua thời gian, 2 món này cũng nhiều gia đình người Kinh và đồng bào một số dân tộc thiểu số khác học cách làm. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm, các thôn trong xã đều tổ chức bữa cơm đại đoàn kết và trên mâm cơm không thể thiếu món khau nhục.  

BÌNH MINH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây