Nét đẹp lễ thượng điền tại khu di tích lịch sử đền Cao, phường An Lạc

Thứ năm - 22/08/2019 22:20 - 3850 lượt xem
Nghi thức xin phép mở cửa đình
Nghi thức xin phép mở cửa đình
Hiếm có nơi đâu còn giữ được vẹn nguyên lễ thượng điền (lễ lên đồng) như ở khu di tích lịch sử đền Cao, phường An Lạc (TP Chí Linh).

Lễ thượng điền nơi đây được tổ chức hằng vào rằm tháng 7 (âm lịch) - thời điểm người dân kết thúc vụ mùa.

Để chuẩn bị cho lễ thượng điền, ngay từ sáng ngày 14.7 (âm lịch), thủ nhang tại các đền Cao, đền Cả (nằm trong quần thể khu di tích đền Cao) đứng ra lo liệu lễ vật cúng thánh và Thần Nông như phân công người làm 8 cỗ bánh giày, chè kho, mua bánh kẹo, hoa quả, cầu cau, vàng hương... 

Chiều 14.7, các vị quan đám và ông trùm ra đình làm lễ xin phép mở cửa đình, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Ông Mạc Đình Hồng ở thôn Lạc Đạo - nguyên quan đám của làng cho biết đền Cao rất linh thiêng, để thực hiện các nghi thức hành lễ, các quan đám và ông trùm phải thực hiện việc kiêng khem rất khắt khe theo lệ nhà đền như phải ăn chay từ ngày 13, nằm riêng giường, ăn riêng bát đũa, không được ăn thịt chó, không vướng tang trở, đi đường nếu gặp đám ma phải quay lại. Nếu quan đám nào nhà có tang trước khi sự lệ diễn ra 3 tháng thì được phép gửi trầu nhưng chỉ đứng ngoài mà không được vào hành lễ...

Sáng 15.7, các quan đám đi đặt lễ tại các đền như đền Cao thờ Đại tướng quân Vương Đức Minh, đền Cả thờ hai người chị cả Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu, đền Bến Tràng thờ Đại vương Vương Đức Xuân và Đại vương Vương Đức Hồng. Sau đó, mời các thánh xe giá về đình Lạc Đạo dự lễ thượng điền.

Theo tục lệ, các thánh đi đâu thì các quan đám phải theo để hầu cận. Nghi thức làm lễ trong đền cúng thánh, ngoài sân cúng Thần Nông. Lễ vật cúng thánh được bày trên các ban trong đình là các loại lễ chay gồm bánh dày, chè kho, tiền vàng, hoa quả, trầu cau, cơm trắng muối vừng. Ngoài sân, lễ có thủ lợn, gà, xôi, rượu, hoa quả để cúng Thần Nông.

Các quan đám và ông trùm làm lễ xin phép các thánh mở cửa hậu cung để đặt lễ gồm hộp trầu cau (gồm 1 cơi trầu, 1 quả cau), 1 chén bạc trắng để đựng nước, 1 chiếc tăm đặt trên chén dài khoảng 22 cm. Theo tục lệ ở đây, tăm phải đi đôi với trầu cau.

Trong khi làm lễ, các quan đám gọi nhau là chị em. Quan giáp đông phụ trách đền Cả là quan chị có nhiệm vụ chia tất cả trầu cau cho các quan em. Đặt trầu cau xong, các quan đám lễ thánh 9 vái, ông trùm đứng hướng dẫn, quan sát các quan lễ sai hay đúng và lễ sau. 

Sau khi mang hộp trầu cau vào trong Hậu cung hành lễ, các quan đám và ông trùm ra ngoài sân lễ Thần Nông báo cáo về vụ mùa vừa qua và cầu mong năm tới dân làng làm ăn được thuận lợi. Các quan đám và ông trùm thực hiện nghi thức vái 9 vái giống như cúng các thánh trong hậu cung.

Sau khi nghi lễ hoàn tất, ông trùm, quan đám và các phụ lão mang cày, bừa ra ao đình để rửa sạch, sau đó đem cất vào kho chờ vụ mùa năm tới. 

Lễ Thượng điền tại quần thể khu di tích lịch sử đền Cao có ý nghĩa báo cáo với Thần Nông và các thánh việc cày cấy của làng đã xong xuôi, nay rửa cày, bừa cất giữ dụng cụ và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngoài đáp ứng nhu cầu tâm linh, lễ thượng điền còn góp phần giáo dục, giữ gìn thuần phong mỹ tục, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng.

HT (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây