Nức tiếng bánh dày làng Đại

Chủ nhật - 14/04/2019 20:16 - 2615 lượt xem
Chiếc bánh dày khổng lồ được nhân dân khu dân cư Đại làm để phục vụ lễ rước kiệu thánh nhân dịp Lễ hội mùa xuân đền Cao năm 2019
Chiếc bánh dày khổng lồ được nhân dân khu dân cư Đại làm để phục vụ lễ rước kiệu thánh nhân dịp Lễ hội mùa xuân đền Cao năm 2019
Làng Đại xưa (nay là khu dân cư Đại), phường An Lạc (TP Chí Linh) nổi tiếng với tục làm bánh dày truyền thống.
Từ chỗ chỉ làm bánh phục vụ các công việc của địa phương, ngày nay, các dòng họ, gia đình, người dân nơi đây còn chủ động đưa đặc sản của địa phương quảng bá ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đời tiếp đời gìn giữ

Các cụ cao tuổi nhất ở khu dân cư (KDC) Đại hiện nay cũng không biết tục làm bánh dày của địa phương mình có từ bao giờ. Họ chỉ biết tục làm và dâng bánh dày gắn liền với sự lệ thờ cúng 5 đức thánh họ Vương là Vương Thị Đào - Đào hoa trinh thuận công chúa; Vương Thị Liễu - Liễu hoa linh ứng công chúa; Vương Đức Minh - Thiên Bồng Đại tướng quân đại vương; Vương Đức Xuân - Dực thánh linh ứng đại vương; Vương Đức Hồng - Anh vũ dũng lược đại vương. 5 vị thánh này đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981.

Theo truyền thống, hằng năm cứ vào các ngày 24 tháng giêng (ngày hóa của 5 ngài), mùng 6.3 âm lịch (ngày giỗ cha, mẹ của 5 ngài), 26.10 âm lịch (ngày sinh của 5 ngài), dân làng Đại lại tổ chức làm bánh dày dâng cúng vào các ngôi đền thờ các vị trên nằm trong quần thể di tích đền Cao. Mùng 1, tuần rằm hằng tháng, người dân ở đây cũng làm bánh dày dâng cúng các thánh. 

Theo ông Vương Văn Đông (64 tuổi) - một người dân ở KDC Đại, tương truyền để bảo đảm lương thực cho quân lính trên đường ra trận, 5 anh em họ Vương đã nghĩ ra cách cho quân lính nấu chín gạo, giã nhuyễn vo thành bánh để mang theo ăn dọc đường. Sau khi đánh thắng giặc Tống, các ngài hóa về trời, dân làng tưởng nhớ công đức nên đã làm thứ bánh này để dâng cúng. "5 đức thánh họ Vương khi đi đánh giặc toàn là những nam thanh, nữ tú, chưa ai lập gia đình nên việc dâng cúng bánh dày có ý nghĩa là tôn vinh sự trong trắng, thanh tịnh. Điều này cũng giải thích vì sao ở quần thể di tích đền Cao họ chỉ dâng cỗ chay (chủ yếu là bánh dày và chè kho), tuyệt đối không dâng cỗ mặn", ông Đông nói.

Làng Đại xưa chia thành 5 giáp là đông, trung, đoài, nam, bắc. Ngày nay, việc làm bánh dày dâng thánh được giao cho các quan đám đại diện cho 5 giáp. Ngoài ra, hầu hết các dòng họ, gia đình trong KDC Đại cũng làm bánh dâng thánh vào dịp lễ, Tết. Ông Dương Văn Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng KDC Đại nói: "Người dân làng Đại hầu như ai cũng biết làm bánh dày. Sự lệ làm bánh dày dâng thánh được truyền từ đời này qua đời khác, bởi đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha để lại". 

Ông Đông cho biết bánh dày làng Đại được làm khá kỳ công. Để làm ra bánh dày vừa trắng, dẻo, vừa thơm ngon thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Bánh dày làng Đại được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng do chính người dân địa phương làm ra. Thóc sau khi phơi được nắng sẽ đem đi xay xát. Người dân chọn những hạt gạo đều, trắng, không bị gãy mang ngâm với nước giếng khơi trong khoảng 10 tiếng. Sau khi ngâm, gạo được đãi sạch, để ráo nước và cho vào đồ trong khoảng 1 tiếng đến khi chín dẻo, thơm thì trải ra tấm bạt lớn rồi dùng vồ gỗ giã nhuyễn. Trong quá trình giã bánh, người dân làng Đại sử dụng dầu thực vật xoa đều lên bề mặt tấm bạt và vồ gỗ để không bị dính. Bánh dày sau khi được vo tròn sẽ được đặt lên lá chuối mít. Mỗi mẻ làm bánh dày tính từ khi đồ gạo đến lúc thành phẩm thường kéo dài hơn 1 tiếng. Trung bình cứ 3 kg gạo nếp sẽ làm ra 1 chiếc bánh dày loại to.

Khách ngợi khen

Xưa kia, bánh dày được người dân làng Đại dâng cúng các thánh vào những ngày lễ, Tết trong năm, sau đó chia lộc cho con cháu. Sau này, họ còn làm bánh dày để bán và giới thiệu đến du khách khi về dự lễ hội. Đặc biệt, người dân còn làm một chiếc bánh dày cỡ lớn vừa phục vụ nghi lễ rước kiệu thánh vào dịp lễ hội mùa xuân, vừa để quảng bá đặc sản của quê hương tới du khách và nhân dân thập phương. Lễ hội đền Cao mùa xuân vừa rồi, KDC Đại làm một chiếc bánh dày có đường kính 1,2 m, dày 15-20 cm, nặng 78 kg để phục vụ nghi lễ rước các thánh. Khu còn làm bánh dày để bán cho du khách và nhân dân thập phương. "Tôi rất ấn tượng khi nghe kể về tục làm bánh dày của người dân KDC Đại. Bánh dày ở đây có độ dẻo và thơm ngon hơn một số loại bánh dày tôi từng ăn", ông Vương Văn Bẩy đến từ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ.

Ở KDC Đại hiện có 5 hộ chuyên làm bánh dày bán cho những người đi lễ đền Cao nhân dịp lễ hội đầu xuân và mùng 1, tuần rằm hằng tháng. Những hộ dân khác trong khu tuy không kinh doanh nhưng cũng thường xuyên làm cho con cháu đi xa, về gần thưởng thức. Nhiều gia đình khi có công việc thường làm bánh dày để thay thế xôi trong mâm cỗ. Ngày Tết, nhiều nhà làm bánh dày cùng với bánh chưng thờ cúng tổ tiên. Những người họ Vương ở KDC Đại mỗi lần đi họp đồng hương họ Vương ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Bắc Ninh... đều không quên mang theo bánh dày để thết đãi bà con cùng họ.

Đội nghệ nhân bánh dày KDC Đại đã nhiều lần đoạt giải nhất tại hội thi bánh chưng, bánh dày do tỉnh tổ chức. Từ năm 2011 đến nay, đội đã nhiều lần được tỉnh cử đi tham dự hội thi nấu, gói bánh chưng, giã bánh dày tại Lễ hội Đền Hùng và có tới 5 lần giành giải nhất.

BÌNH MINH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây