Mùa hái măng rừng ở xã Hoàng Hoa Thám

Chủ nhật - 21/04/2019 21:54 - 2444 lượt xem
Anh Bùi Văn Thảo ở thôn Đồng Châu (xã Hoàng Hoa Thám) làm nghề hái măng được hơn 10 năm nay
Anh Bùi Văn Thảo ở thôn Đồng Châu (xã Hoàng Hoa Thám) làm nghề hái măng được hơn 10 năm nay
Khi những cơn mưa rào đầu tháng 4 xuất hiện cũng là lúc người dân ở một số xã của TP Chí Linh bước vào mùa thu hoạch măng rừng...
Tạo nguồn thu nhập

Hơn 6 giờ sáng, chị Vũ Thị Tuyển ở thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám đã cùng chồng là anh Bùi Văn Thảo vào rừng hái măng. Chị đã chuẩn bị đầy đủ từ ủng, găng tay đến dao, bao đựng và một ít nước uống. "Tôi đã có hơn 10 năm đi hái măng rừng. Từ giữa tháng 2 đến hết tháng8 âm lịch là mùa thu hoạch măng nứa, măng trúc. Măng đầu mùa vừa non vừa được giá bán nên ai cũng tranh thủ đi lấy", chị Tuyển nói.

Muốn lấy được nhiều măng, người dân phải kiên trì, chịu khó đi xa, băng qua các con suối để tìm. "Nếu măng mới nhô lên mặt đất thì phải đào, còn cao từ 20-30 cm sẽ dùng dao chặt hoặc bẻ. Măng mới lấy về mà bán ngay thì giá thấp. Thông thường, chúng tôi sẽ tách lớp vỏ bên ngoài rồi luộc qua cho hết vị đắng, sau đó đem ngâm trong nước để giữ màu và độ tươi ngon. Người bóc vỏ măng cũng phải khéo léo, cẩn thận tránh bị ngứa và cho ra những mẻ măng bắt mắt", chị Tuyển nói. Măng được người dân bán tại nhà với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg, hoặc mang bán ở các chợ giá sẽ cao hơn, từ 18.000-20.000 đồng/kg.
       
Ngoài lấy măng trên diện tích rừng được giao, gia đình chị Tuyển còn trồng thêm 1.000 gốc tre trúc, tre Bát Độ từ 3-5 năm tuổi để lấy măng. Nhờ vậy, vào mùa thu hoạch măng, mỗi năm gia đình chị thu vài chục đến hàng trăm triệu đồng. "Cây tre chỉ cần trồng một lần rồi tự phát triển, ít phải chăm sóc, sau 3 năm sẽ cho thu hoạch. Không phải đi lại vất vả, trồng tre lấy măng còn góp phần bảo vệ, cải tạo đất rừng", chị Tuyển cho biết.

Không chỉ ở xã Hoàng Hoa Thám mà người dân các xã lân cận cũng đang tất bật vào mùa hái măng rừng. Ông Diệp Văn Phú ở xã Bắc An cho biết: "Năm nào người dân trong xã cũng canh đến mùa măng để lấy về, bán kiếm thêm thu nhập. Măng rừng hiện được thị trường ưa chuộng, nhiều thương lái tìm đến tận nơi để thu mua". Một số hộ còn chế biến thành măng chua ngâm ớt hoặc phơi khô, sau đó mới đem bán, lợi nhuận cao hơn so với măng tươi.

Nghề vất vả

Để có những cây măng tươi ngon, người hái măng rừng cũng phải đổ mồ hôi công sức, thậm chí gặp nguy hiểm, rủi ro. Người đi hái măng rừng cần có sức khỏe, thông thạo địa hình và kiên trì, khéo léo. “Không ít lần tôi phải vào những bụi tre rậm rạp để lấy măng làm trầy xước cả da thịt. Rừng rậm, dốc cao, chưa kể nhiều hôm trời mưa gió. Nguy hiểm nhất là trong lúc đi vào rừng lấy măng gặp phải rắn, vắt...", chị Tuyển nói. Vào mùa thu hoạch măng, vợ chồng chị Tuyển lúc nào cũng bận rộn. Ban ngày đi lấy măng, buổi tối cả nhà lại ngồi bóc vỏ, luộc măng rồi sáng hôm sau đem ra chợ bán.

Theo chị Tuyển, không phải lúc nào đi hái măng rừng cũng gặp suôn sẻ, may mắn. Có hôm hai vợ chồng chị thu hoạch được từ 30- 40 kg măng nhưng không ít lần chỉ hái được vài cân hoặc thậm chí tay trắng ra về. "Tuy công việc vất vả, khó nhọc nhưng mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp cải thiện cuộc sống nên chúng tôi vẫn vào rừng hái măng từ năm này qua năm khác", chị Tuyển cho biết.

Ông Lê Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám cho biết mỗi mùa măng đều mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Xã cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn lâm sản phụ này. Đồng thời khuyến cáo người đi rừng nên cẩn thận, nhất là sử dụng lửa, đề phòng cháy rừng. Địa phương khuyến khích người dân trồng tre trên đất rừng được cấp để lấy măng. Hiện toàn xã có vài chục hộ phát triển theo hướng này với tổng diện tích khoảng 40 ha.

THẢO NGUYỄN (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây