Nghịch lý rừng dẻ bị “xẻ” thịt khi cải tạo?
Rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng tự nhiên tái sinh tại địa bàn xã Bắc An, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương từ lâu được coi là “lá phổi” xanh, phục vụ phòng hộ, bảo vệ môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất cho người dân quanh vùng.
Rừng dẻ hàng chục năm tuổi đã cho hạt thu hoạch
Đặc biệt, Chí Linh còn được biết đến là địa phương có rừng dẻ ăn quả (hạt dẻ) phân bố tự nhiên và có diện tích lớn hiện nay, cùng với huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Kết quả nghiên cứu về độ ẩm đất phản ánh một đặc điểm sinh thái của cây dẻ là thích nghi với độ ẩm đất. Đây là loài cây ưu đất thoát nước, nhưng chịu đựng được phạm vi biến động của độ ẩm đất.
Chính vì phát hiện cây dẻ bị đốn hạ trong rừng phòng hộ, người dân Chí Linh không khỏi xót xa đã báo cáo sự việc với chính quyền UBND xã Bắc An và cơ quan chức năng.
Trao đổi với PV, ông Dương Đức Giang- Chủ tịch UBND xã Bắc An, TP Chí Linh xác nhận sự việc hôm 21/9/2019 có bắt giữ một xe chở gỗ tạp, có lẫn một số gỗ cây dẻ.
Được biết, Chi cục kiểm lâm Hải Dương đã cử người về UBND xã Bắc An để làm việc, đồng thời xin giải phóng cho xe ô tô chở gỗ (có lẫn gỗ dẻ) thuộc Dự án Cải tạo rừng phòng hộ năm 2019 của tỉnh Hải Dương, mà không xử lý theo quy định.
“Chúng tôi có ý kiến với Chi cục kiểm lâm Hải Dương. Chúng tôi yêu cầu lần sau chở gỗ lẫn cây dẻ thì phải báo cáo, vì cây dẻ là một trong những cây có giá trị kinh tế cao, giữ độ ẩm cho đất rất tốt”. Ông chủ tịch xã Bắc An nhấn mạnh.
Cũng theo lời ông Dương Đức Giang, Dự án cải tạo rừng phòng hộ tỉnh Hải Dương (Chi cục kiểm lâm Hải Dương làm chủ đầu tư) đang triển khai. Tuy nhiên, theo quan điểm của địa phương, trong đường băng chặt, nếu có cây gỗ dẻ thì đề nghị các anh giữ lại, không nên chặt cây dẻ.
Cây dẻ có đường kính từ 25 – 40 bị đốt hạ tại hiện trường
Ông chủ tịch xã Bắc An nêu quan điểm: “Chúng tôi giữ xe gỗ và mời các anh Chi cục kiểm lâm Hải Dương về làm việc. Chúng tôi cũng báo cáo với Ban quản lý rừng Hải Dương để giám sát. Khi các anh Chi cục kiểm lâm Hải Dương về làm việc, chúng tôi nêu ý kiến: “Nếu có cây dẻ thì các anh để lại. Các anh chặt cây dẻ là chúng tôi bắt. Nếu dân chặt cây dẻ, kiểm lâm bắt ngay. Bây giờ dự án chính là của Chi cục kiểm lâm Hải Dương làm chủ đầu tư mà chặt cây dẻ là chúng tôi không đồng ý”.
Làm việc với thái độ thẳng thắn, ông Dương Đức Giang cho hay: “Nếu sự việc này (chặt gỗ dẻ) xảy ra lần thứ hai, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo thành phố”.
Theo chân người dân đi vào khu vực rừng phòng hộ Chí Linh, chúng tôi thấy con đường mòn dẫn vào rừng có nhiều vết xe ô tô (chuyên dùng để chở gỗ ra ngoài rừng) còn mới tinh. Chỉ tay về phía quả đồi được bao phủ bởi mày lá cây xanh xẫm, lác có vài điểm trắng xem kẽ (cây bị chặt hạ), một người dân cho PV biết, “người ta” đang chặt cây ở khu vực đó. Rừng cây yên tĩnh có thể nghe rõ tiếng máy móc từ xa vẳng lại. Tiếng cây rừng đổ hay tiếng cây dẻ “than khóc”?
Trống đánh xuôi, kèm thổi ngược
Theo tìm hiểu của PV, ngày 8/8/2019, tại UBND xã Bắc An, TP Chí Linh: Đại diện Chi cục kiểm lâm Hải Dương, Ban quản lý rừng Hải Dương, UBND xã Bắc An, đơn vị giám sát thi công, đơn vị tư vấn, đơn vị nhà thầu đã có có buổi làm việc về bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án công trình cải tạo rừng phòng hộ tỉnh Hải Dương.
Những chiếc xe bí mật vận chuyển gỗ dẻ trong rừng
Ý kiến của ông chủ tịch xã Bắc An được nhiều người dân và chủ rừng đồng tỉnh ủng hộ. Vậy có một câu hỏi đặt ra: Tại sao khi thực hiện dự án, người ta vẫn chặt cây dẻ?Tại buổi làm việc, ông Dương Đức Giang- Chủ tịch UBND xã Bắc An đã nêu ý kiến: “Đề nghị để lại toàn bộ cây dẻ tái sinh trong phạm vi thực hiện dự án”.
Để rồi vào ngày 5/9/2019, Trạm quản lý rừng Bắc Chí Linh (Ban quản lý rừng tỉnh Hải Dương) đã có bản báo cáo số 05 gửi UBND xã Bắc An với nội dung:
“Hồi 7 giờ 30 phút ngày 5/9/2019, cán bộ Trạm quản lý rừng Bắc Chí Linh cùng với ông Đào Xuân Vê- chủ hộ nhận khoán và ông Vũ Văn Hiệp- trưởng thôn Bãi Thảo 2 đi kiểm tra tại lô 4+6 khoảnh 3 tiểu khu 3 khu vực Miếu Ong, xã Bắc An diện tích rừng phòng hộ của ông Đào Xuân Vê nhận khoán với Ban quản lý rừng tỉnh Hải Dương.
Những xe cây dẻ sau khi bị “xẻ thịt” được vận chuyển lậu ra bên ngoài
Tại vị trí trên đang thực hiện thi công dự án trồng cải tạo rừng phòng hộ năm 2019 do Chi cục kiểm lâm tỉnh Hải Dương làm chủ dự án. Tại hiện trường thi công trồng cải tạo rừng phòng hộ có việc mở đường và chặt hạ, phát đường băng chiều rộng của đường băng từ 10 đến 20 m, trong đường băng có nhiều cây dẻ cũng bị chặt hạ, đường kính gốc cây dẻ bị chặt hạ từ 8 đến 15 cm (toàn bộ đường băng đã chặt hạ và phát dọn trắng).
Tại thời điểm kiểm tra không có mặt đơn vị giám sát việc trồng cải tạo rừng phòng hộ năm 2019 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Hải Dương, chỉ có một số nhân công làm thuê đang chặt hạ phát dọn.
Trạm quản lý rừng Bắc Chí Linh yêu cầu công nhân không được chặt hạ, phát dọn cây dẻ trong đường băng và chỉ được phát dọn đường băng theo đúng thiết kế đã được phê duyệt…”.
Đến đây, chúng ta có thể hình dung sự việc cây dẻ bị chặt hạ tại rừng phòng hộ Chí Linh đang ở mức độ trầm trọng thế nào? Liệu chính quyền tỉnh Hải Dương và Sở NN&PTNN tỉnh Hải Dương có biết sự việc này hay không?
Trong khi đó, nhiều người dân có lương tri và hiểu biết về rừng đã đau xót nêu ý kiến với báo chí như sau: “Chúng tôi đang rất băn khoăn, không hiểu tại sao cây dẻ thuần loài tái sinh đã thành rừng và có trữ lượng, tại sao lại phải chặt đi để đưa loài cây khác vào trồng; Liệu những loài cây đưa vào trồng đến bao giờ mới thành rừng?! Hơn nữa, chúng tôi chưa biết hiệu quả của việc cải tạo rừng là như thế nào, nhưng thực tế rừng tại xã Bắc An đang “kêu cứu”, đặc biệt cây dẻ đang bị chặt hạ một cách phũ phàng?!”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuyến- cán bộ Trạm quản lý rừng Bắc Chí Linh nêu quan điểm: “Cây dẻ ngoài phòng hộ còn mang lại kinh tế cho bà con (hạt dẻ), giữ nước, chống xói mòn, giữ môi trường cho khu vực này. Trên quan điểm chúng tôi muốn bảo tồn, khoan nuôi bảo vệ giữ lại cây dẻ, không nên chặt hạ nó”.
Để có thông tin chiều chiều, PV có buổi làm việc với ông Lê Văn Bàn- Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hải Dương. Ông Bàn xác nhận có việc chặt cây dẻ tái sinh.
Tuy nhiên, ông Chi cục trưởng cho rằng, thỉnh thoảng lẫn vào một vài cây, chứ không phải rừng dẻ mà UBND tỉnh Hải Dương đồng ý làm dự án vào đấy. Tất cả làm theo báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình cải tạo rừng phòng hộ tỉnh Hải Dương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dư luận đang rất mong chờ lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, Sở NN&PTNN tỉnh Hải Dương và các cơ quan ban ngành cần vào cuộc và có chính sách bảo tồn cây dẻ- một sản vật quý hiếm của địa phương không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn có tác dụng giữ độ ẩm rất hữu hiệu cho rừng phòng hộ Chí Linh. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn