Trận chống càn tại thôn Nội, xã Tân Dân (Chí Linh) (Ngày 09 tháng 01 năm 1953)

Chủ nhật - 27/03/2016 03:43 - 4312 lượt xem
Trận chống càn tại thôn Nội, xã Tân Dân (Chí Linh) (Ngày 09 tháng 01 năm 1953)
Trận chống càn tại thôn Nội, xã Tân Dân (Chí Linh) (Ngày 09 tháng 01 năm 1953)
Trận chiến đấu chống càn của Đại đội 911 và dân quân du kích xã Tân Dân, huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh), diễn ra tại khu vực thôn Nội, ngày 9 tháng 1 năm 1953, là trận chống càn tiêu biểu của bộ đội và nhân dân xã Tân Dân, đã đi vào lịch sử của địa phương trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Địa hình:

Xã Tân Dân nằm ở phía Đông Nam huyện Chí Linh, phía Bắc giáp 3 xã; Chí Minh, Thái Học, An Lạc, phía Đông giáp xã Phúc Thành - huyện Kinh Môn ngăn cách bằng sông Kinh Thầy, phía Tây giáp xã Thanh Quang - huyện Nam Sách, phía Nam giáp xã Đồng Lạc. Xã có 9 thôn gồm: Thôn Nội, Triều, Kỹ Trên, Kỹ Dưới, Giang Thượng, Giang Hạ, Mạc Động, Cầu Quan, Vọng Thúc.

Vị trí địa lý xã Tân Dân có đường giao thông thuỷ, bộ rất thuận lợi cho việc đi lại vận chuyển hàng hoá của nhân dân trong vùng. Về đường thuỷ cả 3 mặt Bắc - Đông - Tây của xã đều có sông bao bọc, lớn nhất là sông Kinh Thầy tạo thành vòng cung ôm lấy phía Tây và Đông của xã để từ đây xuôi về Quảng Ninh - Hải Phòng rồi đổ ra biển, phía Bắc là con sông Thiên bắt nguồn từ Sùng Nghiên chảy theo hướng Tây - Đông gặp sông Kinh Thầy ở Bến Vạn. Về hệ thống đường bộ, có đường quốc lộ 183 chạy qua xã theo hướng Bắc - Nam, đường 183 nối với quốc lộ 18 tại ngã ba Sao đỏ, đầu phía Nam gặp đường 5A tại Tiền Trung (Nam Sách) đã tạo lên một hệ thống giao thông đường bộ rất quan trọng nối liền vùng đồng bằng với vùng núi phía Bắc tỉnh Hải Dương cũng như cả vùng Bắc Bộ.

Với điều kiện địa lý thuận lợi như vậy, từ tháng 7 năm 1947 thực dân Pháp liên tiếp mở chiến dịch “lấn chiếm” xây dựng hệ thống đồn, bốt dầy đặc theo kiểu “vết dầu loang”. Đến đầu năm 1950 bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc đều có đồn, bốt địch tạo thành gọng kìm xiết chặt lấy xã.

2. Tình hình địch:

Sau trận càn vào thôn Giang Hạ, ngày 25 tháng 10 năm 1953, bị quân và dân xã Tân Dân phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt 162 tên, giải thoát cho 84 người bị bắt làm tù binh, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, làm cho địch tổn thất nặng nề, phải co cụm, bị động chống đỡ, nhưng chúng vẫn ra sức giữ các đồn bốt. Ngày 9 tháng 1 năm 1953 (tức ngày 7 tháng Chạp âm lịch), địch từ bốt Thiên vẫn liều lĩnh tổ chức cuộc càn quét vào thôn Nội hòng “cất vó” lực lượng kháng chiến của ta.

Bốt Thiên được thực dân Pháp lập từ tháng 11 năm 1949, phía Bắc của xã Tân Dân nơi có cầu Thiên, cùng với bốt Bến Bình ở phía Nam xã Đồng Lạc nhằm khống chế trục đường 183 và kiểm soát tuyến đường thuỷ trên sông Kinh Thầy, đồng thời thực hiện âm mưu khống chế đón lõng, tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta và căn cứ kháng chiến ở huyện Chí Linh.

Số lượng lính Pháp ở Bốt Thiên khoảng một tiểu đoàn có từ 200 - 300 tên với trang bị súng đại liên, trung liên, súng trường, lựu đạn.

3. Tình hình ta:

Sau trận chống càn ở thôn Giang Hạ giành thắng lợi, phong trào du kích của xã Tân Dân phát triển lên một giai đoạn mới, cùng với Đại đội 911 thuộc Tiểu đoàn Bạch Đằng và du kích các xã Thái Học, An Lạc luân phiên vây ép, bắn tỉa địch ở bốt Thiên làm cho chúng ngày càng thêm khốn đốn.

Ngày 09 tháng 1 năm 1953, huyện Chí Linh tổ chức hội nghị tập huấn chính trị, quân sự về phong trào “Chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích”. Tham dự hội nghị có 2 trung đội của Đại đội 911 và những du kích tiêu biểu của huyện, tổng số là 140 đồng chí. Phụ trách hội nghị tập huấn là các đồng chí Thanh Cường, đại đội phó; đồng chí Phố, chính trị viên phó; đồng chí Hoạt, đồng chí Mẫn là trung đội trưởng. Nhận định địch có thể càn quét vào thôn khi ta đang tổ chức hội nghị, lên tinh thần của hội nghị là: “Tập trung huấn luyện là chính, nếu địch càn vào phải kiên quyết đánh và đánh thắng”.

Trang bị vũ khí của ta gồm 3 súng trung liên, 16 tiểu liên, còn lại là súng trường, ngoài ra còn có lựu đạn, thủ pháo.

II. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA

1. Diễn biến:    

Trận đánh nổ ra vào lúc 15 giờ ngày 09 tháng 01 năm 1953. Địch từ Bốt Thiên (khoảng 250 tên), chia làm 2 mũi đồng loạt đánh thẳng vào phía Bắc và phía Đông thôn Nội. Do ta có sự chuẩn bị đề phòng trước, lên khi địch tiến đến đầu thôn đã bị lực lượng của ta phát hiện chặn đánh, không cho chúng càn quét vào làng. Đến 17 giờ cùng ngày chúng mới vào được thôn Nội, một trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt giữa ta và địch. Ta, địch giành giật từng nóc nhà, ngõ xóm. Quân ta chiến đấu rất dũng cảm, nhiều đồng chí đã lăn xả vào địch, “đánh giáp lá cà” để diệt chúng... Đến 20 giờ, địch bị tổn thất nặng buộc chúng phải rút chạy về bốt Thiên theo trục đường 183 bỏ lại 68 xác chết tại thôn. Về ta do lực lượng quá chênh lệch, ta bị hy sinh 05 đồng chí, bị thương 02 đồng chí.     

Sau trận chống càn quét của địch, chi bộ, chính quyền, Ban chỉ huy xã đội và Đại đội 911 đã họp rút kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ cấp bách là: Ổn địch tư tưởng cho quần chúng, củng cố lực lượng dân quân, du kích; đào thêm giao thông hào, hầm hố chiến đấu, bố trí thêm chông, mìn, cạm bẫy nơi địch thường qua lại; đẩy mạnh nhiệm vụ đánh địch để phối hợp với chiến trường chính.

2. Kết quả:

Về địch: Sau 5 giờ chiến đấu ta đã tiêu diệt 68 tên tại chỗ và bị thương nhiều tên khác.

Về ta: Giữ vững được thôn, buộc địch phải rút chạy, hy sinh 05 đồng chí, 02 đồng chí bị thương, một số nhà dân bị cháy, bị đổ.

3. Ý nghĩa:

Trận chiến đấu chống càn của dân quân, du kích xã Tân Dân và bộ đội Đại đội 911 đã phá vỡ được âm mưu hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta và ý địch mở rộng vùng bình định chiếm đóng của địch trên địa bàn.

Đây cũng là trận đánh thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu cao với tinh thần đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng bộ đội chủ lực và dân quân du kích đã đánh bại được cuộc tiến công của lực lượng địch tương đương một tiểu đoàn.

III. ƯU, KHUYẾT ĐIỂM VÀ KINH NGHIỆM

1. Ưu điểm:

Biết phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông ta, thực hiện đúng tinh thần chủ trương của Đảng ta là xây dựng làng, xã kháng chiến, phát huy sức mạnh của mọi lực lượng, bằng mọi phương tiện vũ khí có trong tay, đoàn kết một lòng sẵn sàng đánh địch bảo vệ quê hương.

2. Khuyết điểm:

Trận chiến đấu chống địch càn quét ngày 09 tháng 01 năm 1953, ở thôn Nội còn bộc lộ một số điểm yếu như:

Chưa có phương án đánh địch từ xa, để tiêu hao, tiêu diệt, làm tổn thất lực lượng địch, ngăn chặn không cho chúng tiến vào thôn, gây nguy hiểm và tổn thất tài sản của nhân dân.

Không có phương án đánh địch khi chúng rút chạy, do đó bỏ lỡ thời cơ diệt địch, thu vũ khí nên làm giảm hiệu suất chiến đấu.

3. Kinh nghiệm:

Trận chiến đấu chống càn tại thôn Nội ngày 09 tháng 01 năm 1953, của Đại đội 911 và dân quân, du kích xã Tân Dân là một thử thánh lớn của sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng kháng chiến. Trong trận chiến đấu này, từ chỗ có sự chuẩn bị từ trước, tinh thần chiến đấu cao nên lực lượng bộ đội và dân quân, du kích đã sát cánh cùng nhau chiến đấu, dìu dắt, giúp đỡ nhau cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Trong tổ chức sử dụng lực lượng, cần phải có sự bố chí cụ thể tỉ mỉ giữa các bộ phận để bảo đảm tính cơ động, phối hợp tốt, giải quyết các tình huống diễn ra kịp thời có hiệu quả.

Việc tổ chức bố phòng, canh gác, cảnh giới phải bảo đảm từ xa để nắm chắc ý đồ tiến công của địch, tổ chức đánh chặn phá vỡ ý đồ tiến công của địch. Đồng thời, thường xuyên củng cố xây dựng lực lượng dân quân, du kích tại chỗ, sẵn sàng chiến đấu khi có địch đến, xây dựng thế trận lòng dân đánh giặc bảo vệ quê hương, đất nước.

Tác giả bài viết: BAN KHOA HỌC QUÂN SỰ

Nguồn tin: quansu.haiduong.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây