6. ĐỒNG NGẠN HOẰNG (?-?)
Đồng Ngạn Hoằng người huyện Chí Linh, châu Thượng Hồng-nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông sinh và mất năm nào đều chưa rõ. Chỉ biết sống vào cuối thời Trần.7. HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN (1228-1300)
Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là con của An Sinh vương Trần Liễu.Trần Liễu là anh ruột của Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông). Như vậy Trần Quốc Tuấn gọi vua Trần Thái Tông bằng chú ruột. Trần Quốc Tuấn là người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay).8. TRẦN NGUYÊN ĐÁN (1325-1390)
Trần Nguyên Đán hiệu là Băng Hồ, người hương Tức Mặc, lộ Thiên Trường, thuộc Nam Định ngày nay. Ông là chắt của Trần Quang Khải và là ông ngoại của Nguyễn Trãi.
Là người thuộc dòng dõi tôn thất nên ông làm quan từ rất sớm. Dưới thời Trần Dụ Tông (1341-1369) làm quan Đại phu ở Đài ngự sử. Khi Dương Nhật Lễ thoán ngôi nhà Trần, ông đã có công đánh dẹp và đưa Trần Phủ lên làm vua (tức vua Trần Nghệ Tông,1370-1372). Dưới thời Trần Nghệ Tông ông được phong chức Tư đồ. Thời vua Trần Duệ Tông (1373-1377) được giao coi thêm việc quân ở trấn Quảng Oai và ban tước Chương Túc quốc thượng hầu. Nhưng lúc này nhà Trần đã suy, quyền lực dần dần tập trung vào tay Hồ Quý Ly.
Trong hoàn cảnh phức tạp ấy, Trần Nguyên Đán cuối cùng đã phải chọn con đường kết thông gia với Hồ Quý Ly để mong tìm sự yên ổn cho con cháu. Mùa thu năm 1385 ông xin về trí sĩ ở Côn Sơn, cho xây dựng Thanh Hư động, công trình kiến trúc này trở thành một danh thắng nổi tiếng trong lịch sử. Tại đây Trần Nguyên Đán đã sống cuộc đời nhàn dật những năm cuối cùng. Ngày 14 tháng 11 âm lịch năm Canh Ngọ (20 tháng 12 năm 1390) ông mất tại Côn Sơn.
Khi ông đang còn ốm nặng, Thượng hoàng Nghệ Tông thường đến nhà riêng thăm bệnh và hỏi việc về sau, Trần Nguyên Đán chỉ nói: “ Xin bệ hạ kính nước Minh như cha, yêu Chiêm Thành như con, thì nhà nước được vô sự, tôi dầu chết cũng không nát xương”. Như vậy theo Trần Nguyên Đán muốn cho đất nước được “vô sự’ thì phải xây dựng được một nền ngoại giao hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, đặc biệt là đối với các quốc gia lân cận.Trong thời buổi ấy, tư tưởng này của Trần Nguyên Đán là quá mới mẻ nên ông thường bị các sử gia sau này phê phán.
Trước tác của ông có: Băng Hồ ngọc hác tập và Bách thế thông kỷ nhưng đã mất mát hầu hết. Lưu được đến ngày nay chỉ còn có 51 bài thơ chép trong Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục. Sau đây chúng tôi xin chọn giới thiệu một số bầi thơ của ông:
Bài 1
至櫺山鳳凰峰
雙鳳悠然望杳冥
鳳凰萬古愛芳名
麟峰塔倒如紅影
鼈水泉鳴作雨聲
危磴經年苍蘚合
断橋過雨黑芝生
松风日晚喧空響
相似来儀奏九成
陳元旦
Phiên âm
Chí Linh sơn Phượng Hoàng phong
Song phượng du nhiên vọng liểu minh,
Phượng Hoàng vạn cổ ái phương danh.
Lân Phong tháp bảo như hồng ảnh;
Miết thủy tuyền minh tháp vũ thanh.
Nguy đẳng kinh niên thương tiễn hợp;
Đoạn kiều quá vũ hắc chi sinh.
Tùng phong nhật vãn huyên không hưởng,
Tương tự lai nghi tấu cửu thanh.
Dịch nghĩa
Đỉnh Phượng Hoàng ở núi Chí Linh
Xa xa thấp thoáng đỉnh song phượng,
Núi Phượng Hoàng nổi tiếng tự ngàn xưa.
Tháp ở núi Lân nghiêng xuống như bóng cầu vồng,
Suối ở Miết thủy reo lên tựa tiếng mưa rơi.
Bậc đá cheo leo quanh năm rêu xanh phủ lấp,
Chiếc cầu gẫy sau cơn mưa rêu xanh mọc đầy.
Chiều tà gió nổi thông reo vang giữa trời,
Giống như chim Phượng hoàng về tấu chín khúc nhạc.
Dịch thơ
Song phượng dập dờn thấp thoáng xa,
Phượng Hoàng 1 nổi tiếng tự ngàn xưa.
Kỳ Lân 2 tháp ngả như vồng bóng;
Miết Thủy 3 suối gào giống tiếng mưa.
Dốc núi đá chồng rêu phủ lấp;
Tan mưa cầu gãy nấm đen mờ.
Chiều tà gió nổi thông reo hát,
Như phượng hoàng về tấu cửu ca 4.
Đỗ Đình Tuân dịch
Chú thích
1.Phượng Hoàng: tên núi, nơi Chu Văn An đẫ về đây ở ẩn những năm cuối đời khoảng từ năm 1358- 1370, sau khi dâng “Thất trảm sớ” đòi chém 7 tên gian thần thời vua Trần Dụ Tông.
2.Kỳ Lân: tên núi ở Côn Sơn có nhiều am, nhiều tháp
3.Miết Thủy: tên suối, chắc là do vị trí của suối ở gần ao nuôi ba ba(Miết trì) nên gọi như vậy chăng?
4.Cửu ca: chín khúc ca.
Bài 2
題玄天紫極宮
耿耿三花数仞開
蹇林鬱秀絕雰埃
玉皇校籙紅雲擁
金母朝元翠葆回
春日早移花影動
秋風晚送鶴聲來
流光殿下松千樹
盡是擎天一手栽
陳元旦
Phiên âm
Đề Huyền Thiên Tử cực cung
Cảnh cảnh tam hoa sổ nhận khai,
Kiển lâm uất tú tuyệt phân ai.
Ngọc hoàng hiệu lực hồng vân ủng;
Kim mẫu triều nguyên thúy bảo hồi.
Xuân nhật tảo di hoa ảnh động;
Thu phong vãn tống hạc thanh lai.
Lưu quang điện hạ tùng thiên thụ,
Tận thụ kình thiên nhất thủ tài.
Dịch nghĩa:
Đề cung Tử Cực 1 trong động Huyền Thiên 2
Trên cao mấy nhận rực rỡ hoa một năm nở ba mùa,
Khu rừng xanh tốt cách biệt bụi bặm.
Ngọc hoàng 3 đi tuần sát có mây hồng che phủ,
Kim mẫu 4 vào chầu có lọng xanh rước về.
Buổi sáng nắng xuân đẩy bóng hoa lay động,
Buổi chiều gió thu đưa tiếng hạc về.
Phía dưới điện Lưu quang có hàng nghìn cây thông,
Hết thảy các cây chọc trời ấy đều do một tay trồng.
Dịch thơ
Rực rỡ ba mùa hoa nở tươi,
Rừng đây xanh tốt cách xa đời.
Ngọc hoàng tuần sát mây chào đón;
Kim mẫu vào chầu lọng rước lui.
Nắng sớm xuân lay hoa khẽ động;
Gió chiều thu gọi hạc kêu hoài.
Lưu quang dưới điện nghìn thông đứng,
Thảy được tay người trồng cả thôi.
Đỗ Đình Tuân dịch
Chú thích
1.Tử cực cung: tên một công trình tôn giáo trong động Huyền Thiên.
2.Động Huyền Thiên: động là một vùng đất; động Huyền Thiên là vùng đất mang tên Huyền Thiên. Thời Trần đạo sĩ Pháp Vân đã tu tiên và luyện thuốc ở đây.Động Huyền Thiên có thể bao gồm cả khu vực đồi núi của xã Kiệt Đặc ngày xưa. Đại Việt sử ký toàn thư nói rõ rằng: “mùa đông, tháng mười (Mậu Thân năm thứ 11-1368), cho mời đạo sĩ ở Chí Linh là Huyền Vân đến kinh để hỏi về phép tu luyện. Đặt tên cho động của đạo sĩ là động Huyền Thiên”.
3.Ngọc Hoàng: đạo giáo gọi các vị thần cai quản trên trời là ngọc hoàng.Ngọc hoàng nói trong câu thơ không phải là Ngọc Hoàng thượng đế-vị thần tối cao nhất của các vị thần trên trời.
4.Kim Mẫu: tên chỉ những người đàn bà thành tiên như Tây Vương Mẫu.
5.Lưu Quang: tên một công trình tôn giáo khác cũng nằm trong động Huyền Thiên.
Bài 3
山中偶成
長安紫陌厭輕肥
好向崟山閉隱屝
乾葉耳喧風北起
虚庭目送日西歸
谁將綠鬢逢青眼
笑把黃花待白衣
眾醉我醒皆自可
殺身沽礜屈原非
陳元旦
Phiên âm
Sơn trung ngẫu thành
Trường an tử mạch yếm khinh phì
Hảo hướng ngâm sơn bế ẩn phi
Can diệp nhĩ huyên phong bắc khởi
Hư đình mục tống nhật tây quy
Thùy tương lục mấn phùng thanh nhãn
Tiếu bả hoàng hoa đãi lục y
Chúng túy ngã tinh giai tự khả
Sát thân cô dự Khuất Nguyên phi.
Trần Nguyên Đán
Dịch nghĩa:
Trong núi ngẫu nhiên làm thành thơ
Trên đường tía Trường An chán mặc áo lông nhẹ cưỡi ngựa béo
Thích đến nơi núi cao khép cánh cửa ở ẩn
Gió từ phương bắc thổi tới lá khô xào xạc bên tai
Trong sân vắng vẻ đưa mắt tiễn mặt trời lặn về phía tây
Ai đem mái tóc xanh gặp mắt xanh
Cười kẻ cầm bông hoa vàng đợi khách áo trắng
Mọi người say riêng ta tỉnh đều do nơi mình cả
Tự sát để mua tiếng khen như Khuất Nguyên là sai.
Dịch thơ
Áo lông ngựa béo ngán thay
Thèm về núi vắng tháng ngày thảnh thơi
Lá khô xào xạc bên tai
Sân quang mắt tiễn mặt trời về tây
Tóc xanh mắt biếc ai hay
Hoa vàng áo trắng dạ này thầm chê
Đã rằng ta tỉnh người mê
Mua danh tự sát hay gì Khuất Nguyên.
Đỗ Đình Tuân dịch
Chú thích
1.Trường An: tên Kinh đô của Trung Quốc từ thời nhà Hán, nay còn có huỵện Tràng An thuộc Thiểm Tây(Trung Quốc). Người đời sau dùng từ Trang An để chỉ kinh đô. Ở đây Tràng An chỉ kinh đô nước Việt, lúc đó là Đông Đô.
2.Aó lông nhẹ, ngựa béo: dịch chữ “khinh phì”, nghĩa là rét thì mặc áo ấm làm bằng lông nhẹ, đi lại thì được dùng loại ngựa béo khỏe. Ở đây chỉ cảnh sống của các quan chức cao cấp của triều đình. Ý câu thơ nói tác giả đã chán cảnh sống cao sang phú quý của người làm quan rồi.
3. Mắt biếc: dịch từ chữ “thanh nhãn” có nghĩa là mắt xanh, lấy từ tích Nguyễn Tịch người đời Tấn (Trung Quốc), cao khiết nhưng ngạo đời, thường làm mắt xanh, mắt trắng, đụng khách là người cao thượng đến thì làm mắt có màu xanh để tiếp, đụng khách là người phàm tục đê tiện thì làm mắt có màu trắng để tiếp. Như vậy “mắt biếc” là tỏ ý tôn trọng. Ý cả câu thơ nói mấy ai ngay từ lúc đầu còn xanh đã gặp được người tôn trọng.
4. khách áo trắng: dich chữ “bạch y”, nghĩa là người mặc áo trắng. Ngày xưa bên Trung Quốc, những người chưa ra làm quan thì mặc áo trắng. Như vậy khách áo trắng tức là người dân thường không có chức vị xã hội gì.
5.Khuất Nguyên: nhà đại chí sĩ và đại văn hào thời Chiến Quốc, làm tôi nước Sở, nhưng thấy vua mê muội, triều chính suy tàn, bản thân mình lại không được dùng nên đau đời ghét tục, viết thiên Ly Tao để bày tỏ chí khí. Sau cùng ông tự trầm mình xuống sông Mịch La mà chết. Người Trung Quốc cúng tế ông vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Bài 4
賀樵隐朱先生
拜國子司業
学海迴瀾俗再醇
上庠山斗得斯人
窮經愽史工夫大
敬老崇儒政化 新
布韈杗鞋歸永日
青頭白髮浴沂春
勲華只是垂裳治
爭得巢由作内臣
陳元旦
Phiên âm:
Hạ Tiều Ẩn Chu tiên sinh
Bái Quốc tử tư nghiệp
Học hải hồi lan tục tái thuần
Thượng tường Sơn Đẩu đắc tư nhân
Cùng kinh bác sử công phu đại
Kính lão sung nho chính hóa tân
Bố miệt mang hài quy vĩnh nhật
Thanh đầu bạch phát dục nghi xuân
Huân hoa chỉ thị thùy thường trị
Tranh đắc Sào Do tác nội thần.
Trần Nguyên Đán
Dịch nghĩa:
Mừng ông Chu Tiều Ẩn 1 được bổ chức
Tư nghiệp ở Quốc tử giám. 2
Xoay làn song biển học làm cho phong tục lại được thuần hậu
Nhà trường đã được bậc đạo đức như Thái Sơn, Bắc Đẩu đến dạy
Đọc hết kinh xem rộng sử công phu rất lớn
Kính đạo Lão sung đạo Nho chính sự và giáo hóa được đổi mới
Ngày ông mang tất vải giầy cỏ vừa đi vừa hát mà về
Người trẻ người già cùng tắm trong mùa xuân sông Nghi 3
Các vua Phòng Huân và Trùng Hoa 4 chỉ ngồi rủ xiêm trị nước
Bởi có ông Sào ông Do 5 làm bề tôi trong triều.
Dịch thơ
Xoay biển học cải tục thuần
Nhà trường đón được kỳ nhân trở về
Thông kinh bác sử ai bì
Sùng Nho kính Lão mọi bề canh tân
Ông về hài cỏ đẹp chân
Trẻ già tắm nước Nghi xuân thỏa lòng
Nhà vua rủ áo thong dong
Có Sào-Do sẵn góp công trị vì.
Đỗ Đình Tuân dịch
Chú thích
1.Chu Tiều Ẩn: tức Chu Văn An
2.Quốc tử giám: trường dạy con em các bậc công khanh, quyền quý trong nước.
3.Sông Nghi: tức Nghi Thủy, một con sông ở tính Sơn Đông, quê hương của Khổng Tử.
4.Phóng Huân, Trùng Hoa : tức vua Nghiêu và vua Thuấn
5.Ông Sào, ông Do: tức Sào Phủ và Hứa Do là hai ẩn sĩ đời Nghiêu Thuấn
Bài 5
秋日
臨流茅舍板屝扃
小圃秋深兴轉清
梅早匊芳賢子弟
松苍竹瘦老公卿
樹喧風怒心難動
雲盡天高眼自明
西望煙花非昔日
蓴鱸思遠不禁情
陳元旦
Phiên âm
Thu nhật
Lân lưu mao xá bản phi quynh,
Tiểu phố thu thâm chuyển thú thanh.
Mai tảo cúc phương hiền tử đệ;
Tùng thương trúc sấu lão công khanh.
Thu huyên phong nộ tâm nan động;
Vân tận thiên cao nhãn tự minh.
Tây vọng yên hoa phi tích nhật,
Thuần lô tứ viễn bất câm tình.
Trần Nguyên Đán
Dịch nghĩa:
Ngày thu
Ngôi nhà tranh bên sông khép cánh cửa ván,
Trong vườn nhỏ giữa mùa thu cảm thấy rất thanh thú.
Mai nở sớm cúc đưa hương các đệ tử đều là người hiền,
Thông xanh trúc gầy giống như người công khanh già.
Cây rộn gió gào lòng không lay động,
Trời cao mây tạnh mắt ta sáng sủa.
Trông về tây cảnh yên hoa 1 đã khác xưa,
Rau thuần cá vược 2 nghĩ ngợi xa xôi mối tình khôn xiết.
Dịch thơ
Bên sông nhà ghép ván quanh
Ngày thu vườn nhỏ thú thanh thản lòng
Cúc mai đệ tử vui cùng
Trúc gầy thông biếc làm công khanh già
Trời trong cho mắt sáng ra
Gió gào cây rộn lòng ta vẫn bền
Phồn hoa ngoảnh lại nhìn xem
Rau thuần cá vược nỗi niềm mang mang.
Đỗ Đình Tuân dịch
Chú thích
1.Yên hoa: khói và hoa, yên hoa ở đây chỉ cảnh sống phồn hoa. Yên hoa cũng là tên của một phường ở kinh đô, cho nên ở đây có ý chỉ cảnh sống nơi kinh đô.
2.Rau thuần cá vược: dịch chữ “thuần lô”, lấy ý từ tích Trương Hàn nhà Tấn (Trung Quốc), thấy cơn gió thu, sực nhớ đến món canh rau thuần nấu với cá vược chốn quê nhà muốn bỏ quan trở về. Ở đây câu thơ nói tâm trạng tác giả đã gắn bó với cảnh sống ẩn dật ở chốn quê mùa(Côn Sơn Chí Linh).
Bài 6
山中遣兴
十年正省負秋燈
松下行吟倚瘦藤
隨馬望塵無俗客
叩門問字有詩僧
退閒綠野知何及
散級青苗謝不能
坐待功成名遂後
一丘老骨已崚嶒
陳元旦
Phiên âm:
Sơn trung khiển hứng
Thập niên chính tỉnh phụ thu đăng,
Tùng hạ hành ngâm ỷ sấu đằng.
Tùy mã vọng trần vô tục khách
Khấu môn vấn tự hữu thi tăng
Thoái nhàn lục dã tri hà tập
Tán cấp thanh miêu tạ bất năng.
Tọa đãi công thành danh toại hậu,
Nhất khâu lão cốt dĩ lăng tằng.
Dịch nghĩa:
Trong núi cảm hứng
Mười năm lo việc chính sự phụ với ngọn đèn mùa thu,
Dưới hàng thông chống chiếc gậy song khẳng khiu vừa đi vừa ngâm.
Không có khách tục theo ngựa ngóng bụi trần,
Chỉ có vị thi tăng gõ cửa hỏi chữ.
Lui về sống an nhàn ở nơi lục dã biết còn kịp chăng?
Chia tiền theo phép thanh miêu 1 xin từ không giám.
Ngồi đợi đến sau này công thành danh toại,
Thì một nắm xương tàn đã vùi lấp thành gò cao.
Dịch thơ
Mười năm tham chính phụ đèn thu
Gậy bước dưới thông hát gật gù
Không kẻ theo xe vời cát bụi
Có người hỏi chữ một nhà sư
Kịp chăng lục dã lui về ẩn
Theo phép thanh miêu hãy cáo từ
Đợi lúc công thành danh được toại
Xương khô một nắm đắp trong mồ.
Đỗ Đình Tuân dịch
Chú thích
1.Phép thanh miêu: một chính sách kinh tế của Vương An Thạch, tể tướng thời vua Tống Thần Tôn, chủ trương khi lúa còn xanh thì nhà nước cho nông dân vay tiền, đến khi lúa chín thì nông dân phải trả lại nhà nước cả gốc lẫn lãi.
Bài 7
題譜賴山大明寺
用少保張公韻
塵起絲紛歲月流
飽帆風送倘來遊
鐘撞鯨吼天山動
塔湧鰲簪巨浪浮
關月塞煙悲客思
朝雲暮雨羨僧幽
平淮勲業鐫崖石
俯鑑清漪未白頭
陳元旦
Phiên âm:
Đề Phả lại sơn Đại Minh tự
Trần khối ty phân tuế nguyệt lưu,
Bão phàm phong tống thảng lai du.
Chung chàng kình hống thiên sơn động;
Tháp dũng ngao trâm cự lãng phù.
Quan nguyệt tái yên bi khách tứ ;
Triêu vân mộ vũ tiện tăng u.
Bình hoài huân nghiệp thuyên nhai thạch,
Phủ giám thanh y vị bạch đầu.
Trần Nguyên Đán
Dịch nghĩa:
Đề chùa Đại Minh 1 trên núi Phả Lại 2
Bụi rối tơ nổi năm tháng trôi qua,
Gió thổi buồm căng ngẫu nhiên có cuộc đi chơi.
Chuông khua như tiếng cá kình rống nghìn núi rung động,
Tháp nhô lên như con ngao cài trâm nổi cơn sóng dữ.
Trăng cửa ải khói biên cương lòng khách u buồn,
Mây buổi sớm mưa ban chiều hâm mộ cảnh thiền tịch mịch.
Công nghiệp bình hoài được khắc vào đá núi,
Cúi soi làn nước trong thấy mình chưa bạc đầu.
Dịch thơ
Năm tháng vèo qua loạn rối tinh
Ngẫu nhiên buồm gió dạo chơi quanh
Chuông khua kình rống nghìn non động
Tháp đứng ngao nhô ngọn sóng dềnh
Biên ải gió trăng lòng quạnh vắng
Cửa thiền mưa nắng cảnh buồn tênh
Bình Hoài công nghiệp ghi bia đá
Dòng biếc nhìn coi tóc vẫn xanh.
Đỗ Đình Tuân dịch
Chú thích
1.Chùa Đại Minh: tên ngôi chùa xây dựng trên đỉnh núi Phả Lại ngày xưa. Hiện nay không thấy còn dấu vết gì. Núi Phả lại đã trở thành một khu dân cư đông đúc.
2.Núi Phả Lại: tên quả núi độc lập đứng bên bờ sông, thuộc địa phận làng Phả Lại nay thuộc về huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Không hiểu từ bao giờ và lý do tại sao tên quả núi bên kia sông lại “nhảy”sang bên Phao Sơn để thành tên thị trấn Phả Lại ngàynay,khác hẳn với ngày xưa như ca dao đã nói: «Ai đưa em đến chốn này / Bên kia Phả Lại, bên này thành Phao » (?)
Bài 8
題玄天觀
白日升天易
致君堯舜難
塵埃六十載
回首愧黄冠
陳元旦
Phiên âm:
Đề Huyền Thiên quán
Bạch nhật thăng thiên dị,
Trí quân Nghiêu Thuấn nan.
Trần ai lục thập tải,
Hồi thủ quy hoàng quan!
Dịch nghĩa:
Đề quán 1 Huyền Thiên 2
Ban ngày bay lên trời còn dễ,
Giúp vua để được như Nghiêu Thuấn 3 mới khó.
Sáu mươi năm sống trong cõi trần,
Ngoảnh lại vốn thẹn với người đội mũ vàng 4!
Dịch thơ
Ban ngày lên trời dễ
Giúp vua Nghiêu Thuấn khó
Sáu chục năm quay về
Thấy mũ vàng xấu hổ.
Đỗ Đình Tuân dịch
Chú thích
1.Quán: nơi đạo sĩ - những người tu hành theo đạo Giáo - ở.
2.Huyền Thiên: tên vùng đất nay thuộc địa phận khu dân cưu Hữu Lộc phường Văn An thị xã Chí Linh, tương truyền xưa Huyền Thiên thượng đế xuống luyện thuốc đan ở đây.
3.Nghiêu Thuấn: hai ông vua thời cổ đại trong lịch sử Trung Quốc.Nghiêu, họ là Y Kỳ, tên là Phóng Huân, lên ngôi năm 2357 trước công lịch. Thuấn, họ Diêu, tên là Trùng Hoa, lên ngôi năm 2288 trước công lịch. Thời đế Nghiêu gọi là nhà Đường (khác với nhà Đường sau này).Thời Đế Thuấn gọi là nhà Ngu. Đây là hai thời đại được coi là mẫu mực của thời thái bình thịnh trị, trở thành ước mơ của rất nhiều chính khách sau này.
4. Mũ vàng: dịch chữ “hoàng quan”, ở đây chỉ y phục của đạo sĩ. Ý câu thơ nói quay đầu lại thẹn với những người đạo sĩ. Khi bình bài thơ này Hồ Nguyên Trừng có nhận xét: “Có lẽ khi còn làm Tể tướng, thấy mình không có công trạng gì, mới thốt ra lời than như vậy, đó cũng là do ưu ái trong lòng, mối tình trung hậu, đó là chỗ khả thủ của thi nhân chăng?”
9. NGUYỄN PHI KHANH (1356-1429)
Nguyễn Phi Khanh vốn tên là Nguyễn ứng Long, hiệu là Nhị Khê, người làng Chi Ngãi huyện Phượng Sơn (sau đổi là Phượng Nhỡn), lộ Lạng giang (nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Sau di cư đến huyện Thường Phúc, châu Thượng Phúc, lộ Đông Đô, xứ Sơn Nam thượng (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) dạy học. Nguyễn ứng Long xuất thân nghèo khổ nhưng có tài nên được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán mời làm gia sư để “kèm cặp” cho cô con gái lớn là Trần Thị Thái (Theo Nguyễn Trãi kể thì mẹ ông là con thứ ba của Trần Nguyên Đán).
Không ngờ thày trò yêu nhau làm cô Thái có thai. Trước tình thế “nguy hiểm” ấy, Nguyễn ứng Long đã vô cùng hoảng sợ bèn bỏ trốn. Rất may là Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán vốn biết người và độ lượng đã cho tìm về và nói với Ứng Long rằng: “Người đời xưa đã có việc này, không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như sao? Nếu được như Tương Như để tiếng đời sau thì ta cũng bằng lòng”. Ngay sau đó ông đã tác thành cho đôi trẻ và tạo điều kiện cho Nguyễn Ứng Long dùi mài kinh sử.
Từ đó Nguyễn ứng Long ra sức học hành sôi kinh nấu sử mong đáp lại ý nguyện của Trần Nguyên Đán. Năm 1374, lúc mới có 19 tuổi ông đã đỗ Tiến sĩ. Những người cùng thi đỗ với ông lần lượt đều được triều đình bổ dụng. Riêng trường hợp của Nguyễn Ứng Long thì Thượng hoàng Nghệ Tông phán rằng: “Bọn ấy lấy vợ con nhà phú quý, là kẻ dưới mà phạm người trên, bỏ không dùng”. Vì thế mà suốt 26 năm còn lại của nhà Trần, Nguyễn ứng Long không được ra làm quan,chỉ ngồi dạy học ở làng Ngọc ổi. Học trò làng Ngọc ổi sau này nhớ ơn ông mới đổi tên làng mình từ Ngọc Ổi thành Nhị Khê.
Đến thời Hồ Quý Ly ông mới đổi tên là Nguyễn Phi Khanh và ra làm quan cho nhà Hồ. Lần lượt thăng trải qua các chức: Học sĩ Viện hàn lâm,Thông chương đại phu, Tư nghiệp Quốc tử giám… Khi nhà Hồ bị quân Minh đánh bại, ông cùng với nhiều quan chức khác đều bị bắt đưa về Kim Lăng (Trung Quốc). Một người con trai của ông là Nguyễn Phi Hùng (em Nguyễn Trãi) đi theo cha, sau khi ông mất, di hài ông được mang về nước, chôn cất tại núi Báo Đức, thôn Đá Bạc, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh ngày nay.
Nguyễn Phi Khanh còn để lại các tác phẩm: Nhị Khê thi tập, Nguyễn Phi Khanh thi văn tập, Thanh Hư động ký, Diệp mã nhi phú. Nguyên cảo các sách này viết bằng chữ Hán và đều thất truyền. Số thơ văn hiện còn đến ngày nay là được chép trong các tập:Việt âm thi tập, Quần hiền phú tập, Toàn Việt thi lục...Sau đây chúng tôi xin trích giới thiệu một số ít bài:
Bài ký động Thanh Hư 1
(Bản dịch bài Thanh Hư động ký)
Trong việc “xuất”, “xử” của kẻ hiền đạt, thì “xuất” là để hành động theo lẽ trời, “xử” là để tìm thú yên vui, cũng theo lẽ trời. Trời là gì? Là cái chí thanh, chí hư, chí đại đó thôi! Bốn mùa thành năm mà không tỏ ra có công, vạn vật chịu ơn mà không lộ rõ dấu vết. Không phải trời là chí thanh, chí hư, chí đại thì đâu được như thế?
Tướng công Băng Hồ 2 của ta, lấy cái tài trời xây núi dựng để quyết định mưu lược cho nhà vua, làm rường cột cho tông xã. Khi xẩy ra cuộc biến Đại Định 3, Người đã có công dẹp yên nội loạn. Trong lúc vận nước đương như treo trên sợi tóc, Người một mình gánh vác công việc của những ngày nước nhà điêu đứng vậy. Đó chính là buổi đầu của việc xây dựng trời đất. Nếu không phải Người đã hành động theo lẽ trời thì có thể làm như thế được chăng? Đến khi tình hình hỗn loạn đã được dập tắt, hiệu quả của việc nhân nghĩa đã tỏ rõ, vương nghiệp đã vững như âu vàng, nước nhà đã yên như bàn thạch, thì cái chí của Lưu Hầu, Tấn Công 4 mới mạnh mẽ như không có gì ngăn cản được Người nữa, đây lại là một dịp để tỏ rõ sự sáng suốt giữ mình của Người vậy. Nếu không phải Người biết tìm thú yên vui theo lẽ trời, lại có thể như thế được chăng?
Bấy giờ Người mới tâu xin một khu đất hoang ở Côn Sơn,5 sắp đặt cất một ngôi nhà để làm nơi lui về nghỉ ngơi. Hai đức vua6 khen ngợi công lao trước đây của Tướng công, không ép buộc cái chí của Người, vì vậy thể theo với ý của Người. Người bèn tìm nơi thích hợp, xem xét hình thế. Một tiếng trống vang, muôn người xúm lại, phạt bụi san đồi, thế là nguồn suối được gạn trong, cỏ rác được dọn sạch, phu thợ đủ các nghề, xây đắp không nghỉ. Chưa đầy một tháng mà việc dựng cột, xây tường đều xong, chỗ cao khoáng khoát, Chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một mầu xanh, khu đông vây bọc, những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ, các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều có đặt tên riêng, nhưng tất cả khu đó được gọi chung là “Thanh Hư động”.
Sau khi làm xong, đức vua Duệ Tông tự tay làm bài bia, khắc vào trước cửa động. Đức Thái Thượng hoàng 7tự tay làm bài minh, khắc dưới lèn đá, ý đều là để nêu công lớn trước đây cuả Người, và cũng là để tỏ sự khuyến khích và khen ngợi Người vậy. Sau khi Người từ giã triều đình về nghỉ ở đây, có khi rong ngựa chơi vùng Gia Lâm, có khi chèo thuyền dạo miền Bình Than 8. Hoặc có lúc cùng bạn như Tạ Phó đi chơi núi, hoặc có lúc hát bài từ “Quy khứ” của Đào Tiềm 9. Đầu bịt chiếc khăn, lững thững bên đèo. Khói ngàn , ráng đỏ, như gấm cuốn, như lụa giăng; cỏ rừng, hoa suối, hoặc mầu biếc đung đưa, hoặc mầu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu, trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn. Phàm những cái gọi là hình trạng trong mát, tiếng vi vu, xa xa mà vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ, hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần, đều hầu như đã hòa với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật. Ôi! trong vũ trụ, tạo hóa bày ra những cảnh như thế để chờ đợi người cũng nhiều. Nhưng dịp thành công như Tiêu Hà10 là người chỉ huy có tài còn bị cùm trói; Mã Viện 11 là người có mối chí thân trong tiêu phòng còn bị dèm pha, đó chẳng phải là họ làm nên công trạng, mà không biết con đường lui đó ư ? Đến như Vĩnh Thúc 12 mười lần dâng sớ xin nghỉ, mà chí nhớ đất Dĩnh chưa thỏa, Ôn Công 13 một năm ốm đến sáu tháng, mà lòng nhớ đất Lạc không nguôi, đó chẳng phải là việc lui về nghỉ ngơi cũng có khi phải chờ đợi mà khó được đó ư ?
Nay Tướng công ta, lúc đầu trời đã giúp cho cái hội công danh; về sau lại dành cho cái thú sơn thủy, khỏi được tiếng thành công mà không biết đường lui, khỏi cái nỗi phải thở than vì lui về không được. Ấy là khi “xuất” với “xử”, khi “động” với “lạc” đều là theo lẽ trời. Vậy còn phàn nàn gì về cái ý tạo vật đã đãi người? Ôi! thân phận một kẻ đại thần, khi tiến, khi lui, đều có quan hệ đến vận mệnh của nước nhà, cho nên người quân tử vẫn ôm mối lo suốt đời, nào phải như kẻ bỉ phu thờ vua, đã lo được lại lo mất, khi được thì a dua, nịnh hót, chẳng việc gì là chẳng làm; khi mất thì hắt hủi bỏ đi, trong lòng hậm hực. Như vậy, sao đáng cùng họ mà bàn việc “xuất” và “xử” của người hiền đạt được?
Than ôi! Trời đất quang tạnh khó lường; hào kiệt kinh luân có hội. Ứớc gì được bay bổng lên giữa khoảng trời trong mát, xanh biếc kia để cùng vui chơi ở chỗ mà tạo hóa đã sắp đặt để chờ Người?
Tháng chạp năm Giáp Tý,
niên hiệu Xương Phù thứ tám(1384)
Nhị Khê Nguyễn Phi Khanh ghi
Trần Lê Sáng dịch
Chú thích:
1-Động Thanh Hư: ở núi Côn Sơn, trước thuộc huyện Phượng Sơn, nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
2-Băng Hồ: tên hiệu của Trần Nguyên Đán, nhạc phụ của Nguyễn Phi Khanh.
3-Đại Định: niên hiệu của Dương Nhật Lễ.
4-Lưu Hầu: tước phong của Trương Lương, người đời Hán. Tấn Công: tước phong của Bùi Độ, người đời Đường. Hai người này sau khi lập được công lớn đều xin về nghỉ.
5-Côn Sơn: tên một quả núi , trước thuộc huyện Phượng Sơn, nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
6-Hai đức vua: chỉ Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông.
7-Thái Thượng hoàng: chỉ Trần Nghệ Tông.
8-Miền Bình Than: vùng sông Lục Đầu, nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
9-Tạ Phó: tức Tạ An. Tạ An và Đào Tiềm là những nhà ẩn dật nổi tiếng đời Tấn bên Trung Quốc.
10-Tiêu Hà: Một trong những công thần của Hán Cao Tổ (Lưu Bang), giữ chức Tướng quốc. Trong thời kỳ làm quan có lần ông bị bắt giam. Về sau nhà Tây Hán tìm cách giết công thần, Tiêu Hà phải đi ở ẩn để lánh nạn.
11-Mã Viện: danh tướng nhà Đông Hán, có con gái làm Hoàng hậu. Có lần Mã Viện đi đánh giặc, đem về mấy xe ý dĩ, có người nói dèm với vua rằng ông mang mấy xe vàng ngọc về nhà.
12-Vĩnh Thúc: tên chữ của Âu Dương Tu, người đời Tống. Ông là một hiền sĩ nổi tiếng, có chí ẩn dật, đất Dĩnh là quê của ông.
13-Ôn Công: biệt hiệu của Tư Mã Quang, một người hiếu học đời Tống, bị Vương An Thạch đầy ra đất Lạc. Sau về làm Tể tướng được tám tháng thì mất
Một số bài thơ:
家園樂
故園亂後有先盧
六歲兒童頗愛書
啼鳥落花深巷永
涼風殘夢午窻虚
心從閑處千憂失
学到充時四體舒
逐物勞人休誤我
安仁志已遂幽居
阮飛卿
Phiên âm
Gia viên lạc
Cố viên loạn hậu hữu tiên lư
Lục tuế nhi đồng phả ái thư
Dề điểu lạc hoa thâm hạng vĩnh
Lương phong tàn mộng ngọ song hư
Tâm tòng nhàn xứ thiên ưu thất
Học đáo sung thời tứ thể thư
Trục vật lao nhân hưu ngộ ngã
An nhân chí dĩ tại u cư.
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa:
Thú quê nhà
Sau loạn trong vườn cũ còn mái nhà xưa
Đứa trẻ sáu tuổi đã ham đọc sách
Chim kêu hoa rụng ngõ sâu vắng vẻ
Gió lạnh mộng tàn song trưa trống trải
Lòng hướng về cái nhàn ngàn mối lo tan hết
Học đến mức sung mãn chân tay thư thái
Chạy theo vật dục người đời nhọc nhằn ta chớ lầm nữa
Được ở chỗ thanh u chí an nhàn đã toại rồi.
Dịch thơ
Loạn về vườn cũ nhà xưa
Đứa con sáu tuổi đã ưa sách đèn
Chim kêu hoa rụng trước thềm
Ngõ sâu gió lạnh mộng tàn song trưa
Hướng nhàn lòng hết âu lo
Học càng sâu rộng càng thư thái người
Chạy theo vật dục kệ đời
Chí nhàn ta đã toại rồi u cư.
Đỗ Đình Tuân dịch
遊崑山
一筇山上柱雲烟
回首塵埃路隔千
雨後泉聲流簌簌
天晴嵐氣淨涓涓
百年浮世人皆夢
半日偷閑我亦仙
兴去欲來僧院宿
昏鍾崔月挂峰前
阮飛卿
Phiên âm
Du Côn Sơn
Nhất cùng sơn thượng trụ vân yên
Hồi thủ trần ai lộ cách thiên
Vũ hậu tuyền thanh lưu tốc tốc
Thiên tình lam khí tịnh quyên quyên
Bách niên phù thế nhân giai mộng
Bán nhật thâu nhàn ngã diệc tiên
Hứng khứ dục lai tăng viện túc
Hôn chung thôi nguyệt quải phong tiền.
Dịch nghĩa
Chơi Côn Sơn
Một cây gậy trúc chống khói mây trên núi
Ngoảnh lại chốn bụi bặm đường cách xa nghìn dặm
Sau mưa tiếng suối chảy ầm ầm
Trời tạnh lam chướng sạch làu làu
Cuộc phù thế trăm năm người người đều như mộng
Trộm cái nhàn nửa ngày ta cũng là tiên
Hứng đã hết muốn đến chùa nghỉ
Chuông chùa dục trăng treo trước núi.
Dịch thơ
Gậy trúc trên non chống khói mây
Ngoái nhìn trần thế cách nghìn cây
Sau mưa tiếng suối ầm ầm chảy
Trời tạnh sương lam phảng phất bay
Phù thế trăm năm người thảy mộng
Nửa ngày nhàn thú tớ tiên đây
Hứng vơi muốn đến nhà chùa nghỉ
Chuông giục trăng treo trước núi này.
Đỗ Đình Tuân dịch
村居感事寄呈冰壺相公
稻畦千里赤如燒
田野咻嗟意不聊
后土山河方滌滌
皇天雨露正迢迢
吏胥網罟渾多竭
民命膏脂半已消
好把新詩當奏牘
只今卧病未能朝
阮飛卿
Phiên âm
Thôn cư cảm sự ký trình
Băng Hồ tướng công
Đạo huề thiên lý xích như thiêu
Điền dã hưu ta ý bất liêu
Hậu thổ sơn hà phương địch địch
Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều
Lại tư võng cổ hồn đa kiệt
Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu
Hảo bả tân thi đương tấu độc
Chỉ kim ngọa bệnh vị năng triều.
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa :
Ở quê xúc động trước sự việc xẩy ra
gửi trình tướng công Băng Hồ
Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy
Đồng quê than van không biết trông cậy vào đâu
Non sông của Hậu thổ (1) đang nứt nẻ
Mưa mọc của Hoàng thiên (2) hãy còn xa vời
Lưỡi tham quan lại vơ vét hết kiệt
Mỡ màng củ dân đã cạn mất nửa
Xin đem bài thơ mới này thay cho tờ tấu
Hiện nay đang nằm trên giường bệnh chưa thể đến chầu được.
Ghi chú :
1. Hậu thổ : thần đất
2. Hoàng thiên : trời
Dịch thơ
Lúa đồng ngàn dặm đỏ như thiêu
Thôn xóm than phiền chẳng chỗ kêu
Đất rộng mênh mông đều nứt nẻ
Trời cao thăm thẳm cứ trong veo
Tham quan miệng lưỡi vơ hầu hết
Mầu mỡ dân gian nửa đã tiêu
Dâng áng thơ này thay biểu tấu
Hiện đang nằm bệnh chửa lai triều.
Đỗ Đình Tuân dịch
客路
生世那堪賤丈夫
離襟忍帯淚痕枯
日沉建嶺冥投舘
雪霽長州曙戒途
天地未容斯道捨
江山肯外此身孤
明詩倘效毫分補
萬里寜辭我僕痡
阮飛卿
Phiên âm
Khách lộ
Sinh thế na kham tiện trượng phu
Ly khâm nhẫn đới lệ ngân khô
Nhật trầm Kiến Lĩnh minh đầu quán
Tuyết tĩnh Trường Châu tự giới đồ
Thiên địa vị dung tư đạo xả
Giang sơn khẳng ngoại thử thân cô
Minh thời thảng hiệu hào phân bổ
Vạn lý ninh từ ngã bộc phu.
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa
Đường khách
Sống trên đời chịu sao được tiếng trượng phu hèn
Vạt áo chia ly đành mang theo ngấn lệ khô
Mặt trời lặn trên Kiến Lĩnh (1) nhá nhem tìm quán trọ
Tuyết ráo đất Trường Châu (2) tảng sáng dậy dò đường
Trời đất chưa nỡ để đạo này bị xóa bỏ
Non sông cũng chưa bỏ ra dìa tấm thân cô đơn này
Ví chăng có gắng gỏi báo đáp được mảy may nào cho đời thịnh
Đường đi vạn dặm dù thầy tớ mệt nhoài đâu dám từ nan.
Ghi chú: 1+2 đều chưa rõ là vùng nào (?)
Dịch thơ
Chịu sao được tiếng trượng phu hèn
Vạt áo chia ly khô lệ hoen
Kiến Lĩnh bóng chìm tìm quán trọ
Trường Châu tuyết ráo dặm đường lên
Sâu xa đạo ấy trời đâu bỏ
Đơn độc thân này nước chẳng quên
Gắng gỏi chút công phò nước thịnh
Dù xa khó mấy nguyện gan bền.
Đỗ Đình Tuân dịch
題玄天寺
仙家一簇聳雲岑
路入煙蘿窅窕深
樹影長年圍古簡
花枝清午囀幽禽
官閑我得修身訣
老去天知学道心
若見赤松憑寄語
佳遊何日果幽尋
阮飛卿
Phiên âm:
Đề Huyền Thiên tự (1)
Tiên gia nhất thốc tủng vân sàm,
Lộ nhập yên la yểu điệu thâm.
Thu ảnh trường niên vi cổ giản;
Hoa chi thanh ngọ chuyển u cầm.
Quan nhàn ngã đắc tu thân quyết,
Lão khứ thiên tri học đạo tâm.
Nhược kiến Xích Tùng 2 bằng ký ngữ,
Gia du hà nhật quả u tầm.
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa:
Đề chùa Huyền Thiên
Một tòa nhà tiên cao ngất từng mây,
Đường vào dây leo khói phủ sâu thăm thẳm.
Bóng cây quanh năm vây dòng suối cũ,
Buổi trưa thanh vắng trên cành hoa vẳng tiếng chim líu lô.
Quan nhàn hạ ta tìm được bí quyết tu thân,
Già đi rồi lòng học đạo đã có trời biết.
Nếu thấy vị tiên Xích Tùng nhớ nhắn một lời,
Đến ngày nào mới có cuộc chơi hứng thú ở chốn thanh vắng.
Ghi chú
1. Huyền Thiên tự : tên một ngôi chùa xây dựng từ đời Lý, Mở rộng quy mô ở đời Trần, hiện nay vẫn còn dấu tích và được dân địa phương bước đầu xây dựng lại. Huyền Thiên tự nay thuộc địa phân khu dân cư Hữu Lộc phường Văn An thị xã Chí Linh.
2. Xích Tùng : Biệt hiệu của một vị tiên.
Dịch thơ
Nhà tiên một khóm cao cao
Dây leo khói phủ đường vào âm âm
Cây rừng vây suối quanh năm
Líu lo chim hót trên cành hoa trưa
Quan nhàn ta học phép tu
Già rồi trời có biết cho lòng này
Xích Tùng xin hỏi có hay
Bao giờ mới được thú này tại đây ?
Đỗ Đình Tuân dịch
10, NGUYỄN TRÃI (1380-1442)
Nguyễn Trãi hiệu là Ưc Trai, sinh năm 1380 tại Thăng Long, trong dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Quê cha ở làng Chi Ngãi, huyện Phượng Sơn (sau đổi là Phượng Nhãn) lộ Lạng giang, nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau cha ông lại dời quê đến làng Ngọc ổi, huyện Thượng Phúc, xứ Sơn Nam thượng (tức làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây ngày nay). (Một thời công danh, thiên hạ có
Hai triều trung hiếu, thế gian không) 6
Công húy là Nguyên Đán, nếp nhà thi lễ, nòi giống thần minh, trăng trong gió mát, có nhã thú xa lánh cõi trần; ngày trắng tuổi xanh, có hoài bão một lòng vì nước. Xưa trong buổi Hôn Đức 7 bội loạn, đi theo hai vua Nghệ Tông và Duệ Tông chạy ra ngoài, đến khi dẹp yên được lập làm tướng.Giữ vững cơn lay động, gỡ mối sau buổi rối ren, trong khoảng mấy năm, trong nước yên lặng, người ta khen là hiền tướng. Dù là trẻ con, lính tráng, chẳng ai là không biết tiếng.
Từ khi họ Hồ được tiến dụng, giá ngầm bắt đầu đông.Công nói: “Người quân tử thấy cơ thì làm, không chờ đến cuối ngày”.Bấy giờ bèn dựng động Thanh Hư ở núi Côn Sơn, huyện Phượng Sơn để làm chỗ lui nghỉ. Động làm xong, Duệ Tông tặng ba chữ ngự bút lớn “Thanh Hư động”, nêu ở mặt bia. Nghệ Tông tự chế bài minh bia khắc vào lưng bia.
Công tuy thân gửi suối rừng, mà chí thì ở tông xã 8 ,tấm lòng ưu ái chưa từng một ngày quên 9. Hoặc đi hoặc ở, khi động khi tĩnh, đều là có ý can gián. Rút cục Nghệ Tông đều không xét đến. Do đó, họ Hồ uy thế càng thịnh, kẻ xu phụ ngày càng nhiều, thế nước ngày càng suy, không làm sao được nữa, cái chí lui về hưu của công mới quyết.
Đến cuối cùng ốm mà không uống thuốc, con cháu có người khuyên thì công nói: “Thời sự như thế, ta được chết là may rồi, sao còn cầu sống để thấy họa loạn? ” Công mất chưa được bao lâu, thì họ Hồ quả cướp nước, giết hại con cháu họ Trần không sót. Cái Trí sáng suốt thấy trước của công như thế đó. Thọ sáu mươi nhăm tuổi, Năm Canh Tý,10 tháng 11 ngày 14 ,mất ở nhà, táng ở núi Tam Giáp huyện Phượng Sơn.
Mẹ ta là con gái thứ ba của Công, mất trước Công.Ta trộm cảm việc Bành Trạch Đào công 11 làm truyện của ngoại tổ Mạnh phủ quân, My Sơn Tô công 12 chép chuyện cũ của Trình công, Hối Am Văn công 13 chép chuyện của Chúc công, cái lòng bi thương về suối lạnh trong thơ Khải Phong 14 thực đã đúc ở lòng ta 15. Cũng định dựng lại nhà ở dưới núi Côn Sơn để tứ thời cúng tế, mà chí chưa được thỏa. Nhân mượn thợ vẽ tranh, góp chuyện cũ chép ở sau, cất ở nhà để tỏ ý không quên, ngõ hầu cũng được gần với tấm lòng của Đào công, Tô công và Văn công vậy. Ngoài ra thì xem Thanh Hư động ký của Nhị Khê tiên sinh 16 soạn cùng các sách khác.
Thuận Thiên năm đầu17,Mậu Thân tháng trọng đông18
Tuyên phụng đại phu Nhập nội hành khiển môn hạ
hữu gián nghị đại phu đồng trung thư lệnh sự tứ kinh tử
ngư đại thượng hộ quốc Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi
Văn Tân dịch
Chú thích:
1.Băng Hồ: tên hiệu của Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi.
2.Bảng Nhãn: bậc đỗ thứ hai kỳ thi đình, sau trạng nguyên.
3.Văn phục: áo quần của quan văn.
4.Quản, Cát: Quản, tức Quản Trọng, người giúp Tề Hoàn Công(Trung Quốc) dựng lên nghiệp bá. Cát, tức Gia Cát Lượng, người giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục(thời Tam Quốc).
5.Trùng Hưng: niên hiệu của Trần Nhân Tông.Thời Nhân Tông có hai niên hiệu là: Thiệu Bảo(1279-1284) và Trùng Hưng(1285-1293).
6.Sau hai câu này nguyên bản còn một đoạn dịch giả không dịch: Đủ thấy vương( tức Đạo Tái, ông nội của Nguyên Đán) là một bậc phi thường.Thọ 50 tuổi. Có Lạc Đạo tập truyền ở đời.
7.Hôn Đức: chỉ Dương Nhật Lễ, người con nuôi của Cung túc vương, được bà Hoàng thái hậu đưa lên làm vua(1369-1370) thay Dụ Tông mất vì Dụ Tông không có con. Nhật Lễ muốn đổi lại họ Dương để dứt ngôi nhà Trần, bị các quan tôn thất nhà Trần đem quân về bắt rồi giết đi. Sau đó lập Trần Phủ lên ngôi(tức vua Trần Nghệ Tông).
8.Tông xã: tức tông miếu và xã tắc, đây chỉ công việc triều đình.
9.Tiếp câu này nguyên bản còn một câu dịch giả không dịch, câu ấy là: Thường mượn thi ca gửi niềm trung phẫn.
10.Năm Canh Tý: tức là năm 1390.
11.Bành Trạch Đào công: tức Đào Tiềm, nhà thơ đời Tấn, từng làm quan lệnh ở Bành Trạch.
12.My Sơn Tô công: tức Tô Thức, hiệu là Đông Pha cư sĩ (nên thường gọi là Tô Đông Pha), quê ở My Sơn.
13.Hối Am Văn công: tức Chu Hy, Thạc nho đời Tống, hiệu là Hối Am, được ban thụy là Văn.
14.Thiên Khải Phong: thuộc Bội Phong trong Kinh Thi là lời người con gái tự trách thờ mẹ, trong đó có câu: “nơi đó có dòng suối lạnh” chứa đựng tấm lòng thương nhớ mẹ của người con.
15.Sau chữ “thực đã đúc ở lòng ta”, nguyên bản còn có một câu nữa, nghĩa là: “Huống chi con cháu của công hầu như không còn ai, di nghiệp ký thác, thật ở ta”.
16.Nhị Khê tiên sinh: tức Nguyễn Phi Khanh, con rể của Trần Nguên Đán, thân phụ của Nguyễn Trãi.
17.Thuận Thiên năm đầu: tức năm đầu của Lê Thái Tổ, nhằm năm Mậu Thân (1428)
18.Tháng trọng đông: tức tháng 11 âm lịch.
Một số bài thơ
崑山歌
崑山有泉,
其聲冷冷然,
吾以為琴弦。
崑山有石,
雨洗苔鋪碧,
吾以為簞席。
岩中有松,
萬里翠童童,
吾於是乎偃息其中。
林中有竹,
千畝印寒綠,
吾於是乎吟嘯其側。
問君何不歸去來,
半生塵土長膠梏。
萬鐘九鼎何必然,
飲水飯蔬隨分足。
君不見:董卓黃金盈一塢,
元載胡椒八百斛。
又不見:伯夷與叔齊,
首陽餓死不食粟?
賢愚兩者不相侔,
亦各自求其所欲。
人生百歲內,
畢竟同草木。
歡悲憂樂迭往來,
一榮一謝還相續。
丘山華屋亦偶然,
死後誰榮更誰辱。
人間箬有巢由徒,
勸渠聽我山中曲。
Phiên âm
Côn Sơn ca
Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh linh linh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn Sơn hữu thạch,
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đạm tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn cái thúy đồng đồng,
Ngô ư thị hồ yển tức kỳ trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm khiếu kỳ trắc.
Vấn quân hà bất quy khứ lai
Bán sinh trần thổ trường giao cốc?
Vạn chung cửu đỉnh 1 hà tất nhiên,
Ẩm thủy phạn sơ tùy phận túc.
Quân bất kiến Đổng Trác 2 hoàng kim doanh nhất ổ?
Nguyên Tải 3 hồ tiêu bát bách hộc?
Hữu bất kiến Bá Di dữ Thúc Tề, 4
Thú Dương ngạ tử bất thực túc?
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
Diệc các tự cầu kỳ sở dục.
Nhân sinh bách tuế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,5
Tử hậu thùy vinh cánh thùy nhục?
Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ, 6
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.
Dịch nghĩa:
Bài ca Côn Sơn
Côn Sơn có suối
Tiếng nước chảy róc rách,
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá.
Mưa rửa rêu phô biếc,
Ta lấy làm đệm chiếu.
Trong nuí có thông,
Muôn chiếc lọng biếc um tùm,
Ta nằm nghỉ ngơi ở trong đó.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in màu xanh mát lạnh,
Ta ngâm nga ở bên cạnh.
Hỏi người sao chẳng về đi,
Nửa đời người còn trói buộc mãi trong đám cát bụi làm gì?
Muôn chung chín đỉnh có cần chi,
Uống nước lã ăn cơm rau tùy phận mình cũng đủ.
Người chẳng thấy Đổng Trác vàng chất đầy một ụ,
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di cùng Thúc Tề,
Chết đói ở núi Thú Dương không chịu ăn thóc?
Hiền ngu hai đàng không sánh nhau,
Cũng đều tự tìm cái thích của mình.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc rồi cũng nát với cỏ cây.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn nối nhau.
Ở nơi núi gò hay ở nhà cửa đẹp đẽ cũng là ngẫu nhiên,
Chết rồi còn ai vinh ai nhục?
Trên đời nếu có hạng Sào Phủ, Hứa Do ,
Xin khuyên các người hãy nghe ta hát khúc ca trong núi.
Dịch thơ:
Bản dịch thứ nhất
Côn Sơn có suối nước trong,
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm.
Côn Sơn có đá tần vần,
Mưa trơn rêu sạch ta nằm ta chơi.
Côn Sơn thông tốt ngất trời,
Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do.
Côn Sơn trúc mọc đầy gò,
Lá xanh bóng rợp tha hồ tiêu dao.
Sao không về phắt đi nào,
Đời người vướng vất xiết bao cát lầm.
Cơm rau nước lã an thân,
Muôn chung nghìn tứ có cần quyền chi.
Gian tà những kẻ xưa kia,
Trước thì họ Đổng, sau thì họ Nguyên.
Đổng thì mấy vực kim tiền,
Nguyên hồ tiêu chứa mấy nghìn muôn cân.
Di, Tề hai đấng thánh nhân,
Nằm trên núi Thú nhịn ăn đến già.
Nào ai khôn dại ru mà,
Chẳng qua chỉ tại lòng ta sở cầu.
Trăm năm trong cuộc bể dâu,
Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào.
Khóc, cười, mừng, sợ xôn xao,
Đang tươi bỗng héo biết bao nhiêu lần.
Nhục vinh thân cũng là thân,
Cửa ngăn nhà ngói trăm năm còn gì.
Sào, Do hai bạn tương tri,
Vào xem tớ đọc cho nghe bài này.
Nguyễn Trọng Thuật dịch
(Báo Nam Phong số 148)
Bản dich thứ hai
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới mầu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Về đi sao chẳng sớm toan,
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi.
Muôn chung chín vạc làm gì,
Cơm rau nước lã nên tùy phận thôi.
Đổng, Nguyên để tiếng trên đời,
Hồ tiêu ăm ắp,vàng mười chứa chan.
Lại kìa trên núi Thú San
Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu.
Hai đàng khó sánh hiền ngu,
Đều làm cho thỏa được như ý mình.
Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tốt tươi khô héo tuần hoàn đổi thay.
Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.
(Thơ văn Nguyễn Trãi-NXB Giáo dục-1967)
Chú thích:
1.Vạn chung cửu đỉnh: “chung” là đồ dùng để đong thóc thời cổ; “đỉnh” là cái vạc ba chân.Vạn chung là muôn chung thóc chỉ bổng lộc của người làm quan cao tột bậc.Cửu đỉnh là chín cái vạc, tượng trưng cho chín châu của Trung Quốc. Cửu đỉnh được vua Hạ Vũ đúc và được xem là của báu truyền quốc trong các đời Hạ, Thương, Chu. Cửu đỉnh ở đây chỉ ngôi vua.
2.Đổng Trác: người đời Hán, làm Tinh Châu mục, đem quân về kinh đô tự đặt làm thừa tướng, phế Thiếu Đế, giết Hà thái hậu, lập Hiến Đế, dâm loạn, hung bạo, tự đặt làm thái sư, có ý muốn cướp ngôi, sau bị Lã Bố làm theo kế của Vương Doãn giết chết, gia sản bị tịch thu.
3.Nguyên Tải: người đời Đường, làm quan Trung thư thị lang đời vua Đường Đại Tông, chuyên quyền, tham nhũng, bài xích những người trung hiền, sau bị vua bắt phải tự tận.
4.Bá Di, Thúc Tề: hai anh em con vua nước Cô Trúc đời nhà Thương(tức Ân), khi Chu Vũ Vương đem quân đi đánh vua Trụ, hai ông cho là bất trung bất nghĩa cản đường can ngăn nhưng không được. Sau Vũ Vương diệt Trụ lập nên nhà Chu, hai ông bỏ vào núi Thú Dương ở ẩn, không thèm ăn thóc nhà Chu, chỉ hái rau vi ăn, cuối cùng chết đói.
5.Khâu sơn hoa ốc: chữ lấy từ một câu thơ của Tào Thực “Sinh tồn hoa ốc sứ, Linh lạc quy sơn khâu”(Khi còn sống thì ở nhà đẹp, đến khi chết thì về nơi gò núi).
6.Sào Do: tức Sào Phủ và Hứa Do, hai bậc cao ẩn đời vua Nghiêu.
Ngôn chí XIV
Vừa sáu mơi dư tám chín thu,1
Lưng gầy da xỉ 2 tướng lù khù.
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào-Hứa,3
Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng-Chu.4
Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc,
Gian lều cỏ đội đức Đường Ngu.5
Tơ hào chẳng có đền ơn chúa,
Dạy láng giềng mấy sĩ nho.
Chú thích:
1.Câu “vừa sáu mươi dư tám chín thu: Đào Duy Anh giải thích là: “nếu làm tròn sáu mươi thì dư ra tám chín năm, có nghĩa là khoảng 51 hay 52 tuổi. Tính ra lúc đó là những năm 1429 hay 1430 trùng hợp với những năm mà Nguyễn Trãi bị nghi oan phải “Náu về quê cũ”(Chữ của Nguyễn Trãi trong bài thơ Mạn Thuật XI)
2.Lưng gầy da xỉ: có bản phiên “lưng cày da xẻ”(lưng thợ cày,da thợ xẻ), nhưng đều nói dáng vẻ và nước da xấu xí của người già.
3. Sào-Hứa: tức Sào Phủ và Hứa Do là những người tiêu biểu cho sự cao khiết. Tích xưa kể rằng: Sào phủ được vua Nghiêu tỏ ý nhường ngôi cho, ông đã từ chối không nhận và còn cho lời nói của vua Nghiêu làm bẩn tai mình nên xuống sông rửa tai. Vừa lúc ấy lại gặp Hứa Do cho trâu xuống sông uống nước, nhưng biết lý do Sào Phủ rửa tai cũng vội dắt trâu lên đoạn trên khúc sông mới cho trâu uống nước vì sợ bẩn mồm trâu.
4.Khổng-Chu: có người cho là Khổng Tử và Chu Đôn Di, cũng có người cho là Chu Công Đán và Khổng tử, nhưng đều có ý chung là những nhân vật tiêu biểu và đại diện cho Nho giáo.
5.Đường-Ngu: tức hai thời của vua Nghiêu và vua Thuấn.
Còn tiếp kì 3 ...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn