Xây dựng Chí Linh trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh

Chủ nhật - 27/12/2015 19:19 - 3746 lượt xem
Một góc thị xã Chí Linh.
Một góc thị xã Chí Linh.
Thị xã Chí Linh là vùng đất địa linh nhân kiệt, có vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh và tài nguyên khoáng sản.

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Địa danh Chí Linh được xuất hiện từ lâu, gắn liền với các tên tuổi nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Đệ nhị Tổ Pháp Loa, Đệ tam Tổ Huyền Quang, Anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Vạn thế sư biểu Chu Văn An, Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sỹ đầu tiên của cả nước.


Lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc

Thị xã Chí Linh là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử với 303 di tích, di chỉ, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Côn Sơn, Kiếp Bạc; 9 di tích cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh. Là nơi lưu giữ giá trị đa dạng sinh học của vùng rừng núi nguyên sinh thuộc vòng cung Đông Triều... Có “Chí Linh bát cổ” là 8 di tích quan trọng của tỉnh Hải Dương, gắn liền với nhiều danh nhân và sự kiện lịch sử nổi tiếng của dân tộc, đã tạo thành cụm du lịch lớn trong khu vực, hàng năm có nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch.

 

Khu đền thờ Nguyễn Trãi.

Trong công cuộc kháng chiến Chí Linh là niềm tự hào, là cửa ngõ giữa căn cứ cách mạng, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Chí Linh đã cùng cả nước lập nên những chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Chí Linh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ một huyện miền núi nghèo nàn, heo hút trước đây, nhưng đến hôm nay, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực và sáng tạo trong lao động sản xuất của các tầng lớp nhân dân, Chí Linh đã khai thác tiềm năng thế mạnh của mình để tạo nên những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, xây dựng huyện Chí Linh sầm uất khang trang. Mốc son là đến năm 2010, huyện Chí Linh được nâng cấp lên đô thị loại IV và thành lập thị xã Chí Linh. Trở thành đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Hải Dương, với diện tích tự nhiên 282 km2, 20 đơn vị hành chính, gồm 8 phường và 12 xã. Dân số 175 nghìn người, với 15 dân tộc cùng sinh sống.

Những thành quả đạt được

Trên con đường hội nhập và phát triển, với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện, giao lưu với các vùng miền, Chí Linh được khẳng định là vùng kinh tế trọng điểm của Bắc bộ, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Hải Dương và khu vực... Những năm qua, đặc biệt từ khi huyện Chí Linh được nâng cấp lên thị xã, Chí Linh đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển công nghiệp, TTCN. Ngành công nghiệp, TTCN tăng trưởng khá và là ngành kinh tế chủ lực. Năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 6.771 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3,7%/năm. Thị xã có một khu và 6 cụm công nghiệp, thu hút thêm 22 dự án đầu tư mới, nâng tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp lên 1.680 đơn vị, trong đó có 8 cơ sở có vốn nước ngoài, thu hút 14.200 lao động.


Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có công suất lớn nhất cả nước.

Nhờ lợi thế về du lịch nên dịch vụ du lịch phát triển mạnh, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 14%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2015 ước đạt 1.865 tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm. Các lễ hội trên địa bàn đã thu hút được trên triệu lượt khách thập phương đến chiêm bái và tham quan du lịch.

Nông nghiệp phát triển ổn định, hiệu quả sản xuất được nâng lên, giá trị sản xuất ngành năm 2015 ước đạt 1.665 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,3%/ năm. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp thâm canh mới được áp dụng rộng rãi. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt gần 100 triệu đồng/ha. Tổng thu ngân sách đạt trên 1.105 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chí Linh huy động vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng năm 2014 đạt 155 lượt tiêu chí, bình quân đạt 12,9 tiêu chí/xã, năm 2014 có một xã và năm 2015 hai xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Cùng với sự phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội, y tế cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Về giáo dục Chí Linh có 64 trường học (23 mầm non, 22 tiểu học, 14 THCS, 4 THPT và 1 trung tâm GDTX). Có 40 trường đạt chuẩn quốc gia. Phòng học kiên cố bình quân đạt 82%. Trong thời gian qua đã nâng cấp 1 trường đại học, 1 trường cao đẳng. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trường quân chính và THPT trên địa bàn được xây dựng kiên cố quy mô khang trang hiện đại. Ngành giáo dục và đào tạo liên thị xã tiếp tục giữ vị trí đơn vị tốp đầu của tỉnh.

Về y tế 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, mạng lưới y tế, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, có 117 cơ sở y, dược tư nhân và đạt 3,9 bác sĩ/1vạn dân, tổng số giường bệnh đạt 229 giường/1.000 người. Văn hóa thể thao có nhiều chuyển biến, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" được rộng khắp. Số cơ quan, đơn vị văn hóa đạt tỷ lệ 92,5%, gia đình văn hóa đạt 92%... Thị xã có 30% số xã, phường có sân vận động, 100% các thôn, khu dân cư có nhà văn hóa kết hợp thư viện thôn.


Sân gôn Ngôi Sao tại Chí Linh.

Kinh tế phát triển, Chí Linh có điều kiện đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, tập trung chủ yếu ở khu vực thị trấn Sao Đỏ. Diện mạo của Chí Linh đang thay đổi từng ngày. Thị xã đã có nhiều công trình quy mô lớn, kiến trúc đẹp. Hệ thống công viên cây xanh, khu du lịch tâm linh, khu du lịch sinh thái, các công trình kiến trúc văn hóa như nhà văn hóa, thư viện, sân vận động, cung thiếu nhi được đầu tư xây dựng. Đến nay thị xã đã quy hoạch và xây dựng 6 khu đô thị mới với tổng diện tích gần 300 ha. Đó là khu đô thị thị trấn Sao Đỏ với diện tích 18 ha đã được xây dựng hoàn chỉnh các công trình nhà ở, khu dịch vụ công cộng, khu trung tâm thương mại với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Khu du lịch, dịch vụ và dân cư Hồ Mật Sơn với quy mô 96 ha. Bên QL37, trên đường vào khu di tích lịch sử nổi tiếng Côn Sơn - Kiếp Bạc là Khu trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại và đô thị của thị xã với diện tích hơn 66 ha đã và đang được đầu tư xây dựng thu hút nhiều doanh nghiệp thuê đất, xây dựng cửa hàng để kinh doanh. Đây sẽ là một trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại dịch vụ hiện đại của Chí Linh.
Chí Linh có nhiều biện pháp huy động các nguồn vốn và xã hội hóa nhờ vậy hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng. Hạ tầng giao thông thị xã được cứng hóa đạt 100% hệ thống đường quốc lộ và tỉnh lộ, đường thị xã đạt 90%, trục đường xã, phường đạt 60%, đường trục thôn khu dâ cư đạt 65%, đường xóm ngõ đạt 52%, đường ra đồng ruộng lô rừng đạt 38%. Tổng giá trị đầu tư cho giao thông là 1.200 tỷ đồng. Bình quân diện tích đất giao thông chính đô thị trên dân số nội thị đạt 25,1 m2/người.

Thị xã đã nâng cấp Nhà máy Nước sạch Sao Đỏ lên 8.000m3/ngày đêm, nâng cấp, xây dựng mới 6 nhà máy nước có công xuất từ 750 -20.000m3/ngày đêm, tỷ lệ bao phủ 100%. Cấp nước thị xã đạt 100 lít/người/ngày đêm. 100% hộ dân được dùng điện sinh hoạt có chất lượng cao. Mạng lưới chiếu sáng công cộng xây mới được 50 km và hàng trăm km ngõ xóm bằng hình thức xã hội hóa. Tỷ lệ chiếu sáng đường phố chính nội thị đạt 98%, đường ngõ nội thị đạt trên 65%.


Công ty Cổ phần Trúc Thôn.

Trên địa bàn đã có 1 công ty, 3 HTX và 17 tổ thu gom rác tại các xã, phường. Chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu được thu gom, xử lý bằng chôn lấp thủ công. Thị xã đang quy hoạch, xây dựng bãi rác riêng và xây dựng nhà máy xử lý.

Xây dựng Chí Linh trở thành thành ph

Để tiếp tục xây dựng Chí Linh thành một thành phố văn minh, hiện đại, thị xã Chí Linh tập trung đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch vùng Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhằm xây dựng thị xã là nơi du lịch hấp dẫn, an toàn, văn minh, sạch đẹp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, TTCN… hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, thu hút các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục đầu tư và thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thị xã. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Chí Linh thân thiện, nếp sống văn minh đô thị. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển mạng lưới giao thông đô thị, cấp nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng công cộng, cây xanh, xây dựng các khu du lịch sinh thái… góp phần đô thị Chí Linh “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Phát huy truyền thống anh hùng trên quê hương mảnh đất địa linh nhân kiệt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Chí Linh đoàn kết vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu xây dựng Chí Linh trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh theo hướng hiện đại, nhân dân thị xã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tác giả bài viết: Linh Khang

Nguồn tin: www.baoxaydung.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây