Đi tìm biểu tượng Chí Linh, Bài 5: Trên hành trình của thành phố tương lai
Thứ hai - 22/10/2018 21:01 - 2565 lượt xem
Không chỉ là vùng đất lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ nhiều nhất tài kiệt xuất đến thời cận, hiện đại, Chí Linh còn là vùng đất quật khởi trong đấu tranh cách mạng. Ngoài ra, Chí Linh còn là địa phương năng động trong phát triển kinh tế xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu, đời sống nhân dân được nâng lên. Bộ mặt Chí Linh ngày càng khởi sắc, trở thành một đô thị trẻ năng động của tỉnh Hải Dương. Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Chí Linh đang nỗ lực hết sức để thực hiện các tiêu chí, kế hoạch để sớm được công nhận thành phố trước năm 2020.
Vùng đất quật khởi
Đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta và sau này là phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương, nhân dân Chí Linh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử kiên cường, đã đứng dậy quật khởi đánh Pháp, đuổi Nhật và tích cực chi viên cho chiến trường miền Nam cả người và của để đánh Mỹ giành độc lập, thống nhất đất nước.
Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta lần thứ nhất, sau khi tấn công chiếm giữ thành Hải Dương đến năm 1884 chúng tiếp tục tấn công lên địa bàn Chí Linh. Lúc này, nhân dân trong huyện đã tham gia phong trào khởi nghĩa của nghĩa quân Đốc Tít. Cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 7 năm 1884 đến tháng 8 năm 1889 đã gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Tiếp đó, nhân dân Chí Linh tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lãnh đạo trong giai đoạn từ 1895 đến 1913 (hiện nay một địa phương của thị xã Chí Linh được đặt theo tên người thủ lĩnh này, đó là xã Hoàng Hoa Thám).
Đến những năm từ 1927 đến 1930, huyện Chí Linh gắn với tên tuổi của một số lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu. Ngày từ năm 1927, Nguyễn Khắc Nhu một nhà nho yêu nước đã thành lập Hội Việt Nam Dân quốc (lúc này chưa sáp nhập vào Việt Nam Quốc dân Đảng) với dự định tổ chức một cuộc bạo động nhằm đánh chiếm đồn binh Pháp ở Phả Lại (huyện Chí Linh), Bắc Ninh, Đáp Cầu để làm căn cứ phát triển lực lượng và xuất phát hành động nhưng không thành do để xảy ra sự cố bom nổ. Năm 1928, Hội Việt Nam Dân quốc sáp nhập với Việt Nam Quốc dân Đảng và ông trở thành một trong những người lãnh đạo của tổ chức đảng này. Từ cuối năm 1927 đến tháng 2 – 1930, Chí Linh trở thành một trong những căn cứ hoạt động chính của Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo.
Sau khởi nghĩa Yên Bái, lãnh tụ Nguyễn Thái Học lui về hoạt động ở Chí Linh. Đến ngày 20 tháng 2 năm 1930, ông bị bắt tại Cổ Vịt, Chi Ngãi, huyện Chí Linh (nay thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh). Chí Linh là nơi chứng kiến những ngày hoạt động cuối cùng của người lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng. Ngày 17 tháng 6 năm 1930 thực dân Pháp hành quyết lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông tại pháp trường Yên Bái. Biết tin Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp xử tử, nhân dân Chí Linh đã lập đền thờ ông ở Cổ Vịt. Sau này, đền thờ Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp phá hủy. Hiện nay, ở thị xã Chí Linh cón một địa phương mang tên ông đó là phường Thái Học và ở phường Sao Đỏ cũng có 3 khu phố đặt tên ông, đó là khu phố Thái Học 1, Thái Học 2, Thái Học 3 để tưởng nhớ đến người lãnh tụ của một tổ chức Đảng đã hi sinh vì nước vì dân.
Cũng với việc tham gia các phong trào hoạt động cách mạng do tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng phát động, nhân dân Chí Linh còn tích cực tham gia hoạt động do các tổ chức cách mạng khác phát động như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hay còn gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Tại Chí Linh, năm 1928, đồng chí Trần Cung đã về xây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để tuyên truyền cách mạng. Tại đây, đồng chí Trần Cung đã được những người dân tận tình giúp đỡ việc đi lại, ăn nghỉ để hoạt động. Sau đó, tại thôn Đỗ Xá (nay là khu dân cư Đọ Xá, phường Hoàng Tân) một chi bộ của Hội Viên Nam Cách mạng Thanh niên đồng chí hội được thành lập. Tiếp theo, nhiều cơ sở của Hội được phát triển lan rộng nhiều nơi trong huyện Chí Linh như các thôn Bích Nham, Vĩnh Đại, An Nhiễm, Trúc Thôn, mỏ than Cổ Kênh… phong trào cách mạng đang phát triển trong toàn huyện Chí Linh.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3/2/1930, không lâu sau vào tháng 3 năm 1930, đồng chí Trần Cung là một trong những đảng viên đầu tiên của tổ chức Đảng Cộng sản đã trở về Chí Linh để gây dựng cơ sở Đảng. Cũng tại đây, đồng chí đã lựa chọn chi bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đồng chí Hội của thôn Đỗ Xá để thành lập chi bộ đảng Cộng sản thôn Đỗ Xá. Đây là chi bộ đảng đầu tiên của huyện Chí Linh và cũng là chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Hải Dương.. Những năm sau đó, các chi bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đồng chí Hội của các cơ sở như mỏ than Cổ Kênh, Vĩnh Đại, Bích Nham… được chuyển sang thành lập chi bộ Đảng Cộng sản.
Tuy phong trào cách mạng của Chí Linh cũng có những lúc thăng trầm nhưng người dân Chí Linh luôn một lòng theo Đảng, sẵn sàng hi sinh tính mạng và của cải cho cuộc đấu tranh cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm giành chính quyền về tay nhân dân. Trong lịch sử, vùng đất Chí Linh đã từng là đại bản doanh, căn cứ địa để đánh đuổi giặc ngoại xâm, đến thời cận hiện đại Chí Linh một lần nữa được lựa chọn cùng với huyện Đông Triều trở thành căn cứ địa, trung tâm vùng hoạt động của Đệ tứ Chiến khu Trần Hưng Đạo do Nguyễn Bình (người sau này trở thành Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam) thành lập và là Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu Trần Hưng Đạo.
Để chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa, Mặt trận Việt Minh thành lập 7 chiến khu. Ngày 8/6/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Trần Hưng Đạo được thành lập (gọi là “Đệ tứ chiến khu” Trần Hưng Đạo), trong đó lấy Đông Triều, Chí Linh là trung tâm căn cứ của chiến khu. Còn vùng hoạt động của Đệ tứ Chiến khu trải rộng khắp các tỉnh miền duyên hải như: Quảng Ninh (ngày này), Hải Dương, Hải Phòng… Đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đao ra đời đã tạo bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng ở Chí Linh. Lực lượng cách mạng của Đệ tứ Chiến khu đã phối hợp với lực lượng địa phương tổ chức nhiều trận trấn áp, truy quét bọn thổ phỉ, cướp ở Bắc Nồi, Phục Thiện, Đại Tân… bảo vệ cuộc sống yên ổn cho nhân dân. Đặc biệt, ngày 17/8/1945, lực lượng Đệ tứ Chiến khu đã phối hợp với lực lượng địa phương huyện Chí Linh tổ chức đánh lui một đợt tấn công của quân đội Nhật tại đồi thông Bắc Nồi và nhiều trận đánh khác góp phần vào sự thành công của Tổng cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945 nói chung và trên địa bàn Chí Linh nói riêng.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước non trẻ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời tiếp tục lãnh đạo quốc dân đồng bào thực hiện 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ kèo dài 30 năm. Trong suốt 30 năm (1945 – 1975) ấy, quân dân Chí Linh luôn trung dũng, kiên cường và không quản ngại gian khổ lao động sản xuất để có lương thực chi viện cho các chiến trường với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong cuộc trường chinh của dân tộc, hàng nghìn người con Chí Linh đã anh dũng hi sinh và hàng nghìn người bị thương để lại một phần xương máu trên chiến trường để góp phần cùng với quân dân cả nước giành chiến thắng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành lại độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước.
Xây dựng thành phố tương lai
Hơn 10 năm sau khi đất nước thống nhất, huyện Chí Linh cũng với các địa phương trong cả nước cũng chung một tình trạng đói nghèo. Năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới do đảng phát động, Chí Linh từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan niêu bao cấp, sang phát triển kinh tế thị trường, kinh tế xã hội của Chí Linh có những bước thay đổi rõ rệt. Sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới, Chí Linh đạt được nhiều thành tựu đáng mừng đã làm thay đổi căn bản về đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân trong huyện. Năm 2000 tổng sản phẩm GDP toàn huyện đạt gần 699 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 1985, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông, lâm, thủy sản – Công nghiệp, xây dựng – Dịch vụ, thương mại từ 81,5% – 15,3% – 3,2% (năm 1985) tăng lên 35,1% - 30,1% - 28,8% (năm 2000). Tổng sản lượng lương thực đạt gần 42.000 tấn, bình quân lương thực đạt 390kg/người/năm. Toàn huyện không còn hộ đói, hộ nghèo giảm từ 37,8% năm 1985 xuống còn 3,8% năm 2000.
Từ đó tạo đà cho kinh tế xã hội của huyện Chí Linh ngày càng vững bước đi lên, huyện Chí Linh tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất sản lượng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhiều mô hình chuyên canh, vùng sản xuất theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc phát triển lĩnh vực công nghiệp, thu hút đầu tư để từ đó thúc đẩy nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, công ty được thành lập hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất công nghiệp. Hoạt động dịch vụ, thương mại cũng phát triển sầm uất, nhiều loại hình thương mại hiện đại như cửa hàng tự chọn, siêu thị ra đời. Các lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng phát triển với các khu di tích ngày càng đầu tư để phát triển du lịch tâm linh, lượng du khách đến với Chí Linh ngày càng đông, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ phát triển như vận tải, ăn uống, nghỉ ngơi… Hàng năm tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Nhiều dự án đô thị được triển khai, hoạt động chỉnh đang đô thị được quan tâm đâu tư. Vì vậy, những năm gần đây kinh tế - xã hội huyện Chí Linh ngày càng phát triển, tỷ trọng các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục thay đổi rõ rệt.
Năm 2010 huyện Chí Linh được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ – CP về thành lập thị xã Chí Linh, với 20 đơn vị hành chính cấp xã, phương trong đó có 8 phường và 12 xã. Đồng thời thị xã Chí Linh được công nhận đô thị loại 4. Từ khi được nâng cấp thành thị xã Chí Linh, đảng bộ chính quyền và nhân dân thị xã đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Năm 2011, tổng giá trị sản phẩm của Chí Linh đạt hơn 5.270 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt 443,5 tỷ đồng; công nghiệp, xây dựng đạt hơn 4.516 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ đạt gần 410 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2011, Chí Linh triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Việc xây dựng NTM giúp cho bộ mặt các địa phương của Chí Linh thay đổi tích cực, toàn diện. Từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, năng suất, sản lượng tăng cao hơn, các ngành, lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển tích cực. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư tích cực; tỷ lệ hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm.
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,89%; tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 32,60%; ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 57,3%; nông, lâm, ngư nghiệp chỉ còn chiếm 10,10%. Giá trị sản xuất toàn thị xã đạt 11.410 tỷ đồng (tăng 8,89% so với năm 2016). Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 232,4 tỷ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục được cải thiện nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng; trong đó khu vực nông thôn đạt gần 40 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,78%, là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh. Cuối năm 2017, thị xã Chí Linh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chí Linh là một trong 2 địa phương đầu tiên được công nhận hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hải Dương.
Trong những ngày nay, Chí Linh đang đầu tư chỉnh trang nhiều con đường tuyến phố của thị xã, đặc biệt là 6 xã nằm trong đề án để nâng cấp thành phường gồm: Văn Đức, Tân Dân, Đồng Lạc, Hoàng Tiến, Cổ Thành, An Lạc. Để sớm đạt mục tiêu, kế hoạch đưa thị xã Chí Linh nâng cấp trở thành thành phố trước năm 2020.